Thiên Anh Hùng Ca ‘Anh Không Chết Đâu Em’ Của Trần Thiện Thanh

Nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Em” của Trần Thiện Thanh.(Hình: Tài liệu)

SANTA ANA, California (NV) – “Anh Không Chết Đâu Em” của Trần Thiện Thanh là một thiên anh hùng ca bi tráng về cuộc tuẫn tiết của Trung Úy Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương, pháo đội trưởng Pháo Đội B3, trên đồi 31 ở Hạ Lào.

Nơi anh tuẫn tiết chính là nơi diễn ra cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (từ ngày 8 Tháng Hai đến 25 Tháng Ba, 1971) nhắm vào các trại binh, các kho đạn dược, và các căn cứ tiếp liệu của quân Cộng Sản Bắc Việt ở bên kia biên giới Việt-Lào.

“Anh không chết đâu Anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương/ Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu/ Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau/ Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa Anh đi Anh đi.”

Hỡi người anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương! Anh không hề chết đâu Anh, bởi vì hằng đêm người ta vẫn thấy Anh qua hình ảnh một chiếc dù lững lờ bay trên ngọn đồi máu, ngọn đồi 31, nơi Anh tử thủ và vĩnh viễn ở lại trên đồi.

Và bởi vì biến cố đó còn quá mới mẻ, các đồng đội vẫn còn nghe văng vẳng tiếng Anh kêu gào trên máy liên hợp xin pháo binh “bạn hãy mau mau nã pháo thẳng lên đầu mình để chận bước tiến của quân thù đang ào ạt xông lên căn cứ hỏa lực” do Anh trấn giữ. Và trong hàng trăm thứ âm thanh hỗn loạn kia của trận chiến, người ta vẫn còn nghe được tiếng nổ của viên đạn cuối cùng từ cây súng Colt do chính Anh bắn vào đầu mình để báo đền nợ nước, tình nhà…

“Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ về với mẹ mong con/ Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính/ Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công/ Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện Anh riêng Anh riêng Anh.”

Rõ ràng là Anh không chết đâu Anh, khi Anh chỉ về với Mẹ và đi vào lòng Đất Mẹ. Anh vẫn sống mãi trong lòng người dân miền Nam tự do, những kẻ luôn biết thương yêu đời lính gian lao của biết bao nhiêu chàng trai thế hệ như Anh, trong đó có cô sinh viên với đôi mắt nhòa lệ dỗi hờn trong mối tình học trò xa xưa, một nỗi niềm riêng chôn giấu.

“Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh/ Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời Anh/ Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng Anh nhiệm mầu/ Ôi tiếng súng sau cùng đó, Anh còn nghe tầm đạn đi không Anh?”

Ôi, rồi sẽ có ngày người vợ hiền yêu dấu vượt núi, băng rừng đến khóc ngất giữa đám cỏ tranh trên ngọn đồi vĩnh biệt kia để tiếc thương cho Anh, tiếc thương cho một cánh dù vừa ôm gió vừa gói trọn hinh hài của Anh.

Rồi giữa tiếng reo hò tưởng như bất tận của cuộc đánh xáp lá cà trên đồi, đâu đó vẫn nổi bật lên tiếng súng đơn độc, lẻ loi và đanh thép sau cùng do chính Anh bắn vào hình hài của Anh. Phải chăng Anh vẫn còn đủ bình tĩnh để cảm nhận được tầm đạn đi vào đầu Anh trong giây phút mong manh ấy?

“Không! Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua/ Tôi thấy mắt Anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ/ Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân/ Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho Anh, cho Anh.”

Không! Anh Không Chết Đâu Anh! Anh chỉ từ bỏ cuộc chơi đẫm máu kia mà thôi, bởi vì ánh mắt của Anh vẫn sáng ngời bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ Anh bên chiếc quan tài buồn. Bóng hình Anh vẫn hiển hiện trên chếc khăn tang của vợ Anh, người cô phụ. Tình yêu và dấu vết ái ân ngày nào vẫn còn lóng lánh trên những giọt nước mắt khóc thương Anh trong đêm tưởng niệm Anh, và mãi mãi trong những đêm dài thương nhớ Anh sau này.

“Không! Anh không chết đâu Anh. Chưa! Anh chưa chết đâu Anh…”

Không! Nhất định là không, Anh không hề chết đâu, hỡi Anh yêu! Anh vẫn chưa chết đâu Anh, đậm sâu trong cõi lòng em và thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính…

* * *

Có thể nói nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Em” của Trần Thiện Thanh, một ca khúc vừa khóc thương, vừa truy điệu mà cũng vừa ngợi ca một anh hùng, đã biến một thảm kịch trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản của miền Nam tự do trở thành một thiên anh hùng ca.

Với người trong cuộc là vị chỉ huy căn cứ hỏa lực trên ngọn đồi máu, người đã chọn cái chết oanh liệt, không phải để kết liễu cuộc đời người chiến binh can trường mà để kẻ đã giã từ vũ khí nghiễm nhiên đi vào cõi bất tử trong Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa: “Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ về với mẹ mong con/ Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính.”

“Anh hùng tử, khí hùng bất tử,” người tử sĩ Nguyễn Văn Đương hiên ngang, thật ra, vẫn còn sống trong niềm thương, nỗi nhớ của đồng đội và trong lòng người góa phụ đêm đêm khóc thương người chồng đã vị quốc vong thân của mình: “Tôi thấy mắt Anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ/ Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân/ Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho Anh, cho Anh”…

Từ ngày 22 Tháng Hai, Cộng Quân liên tiếp mở các cuộc tấn công vào các căn cứ hỏa lực, nơi đặt các giàn súng đại bác của Pháo Binh Nhảy Dù để yểm trợ cho cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ hai ngọn đồi 30 và 31 tại Hạ Lào.

Sau những đợt tấn công biển người dữ dội của địch, lực lượng trấn đóng trên ngọn đồi 30 phải rút lui, trong khi lực lượng Pháo Binh Dù dưới quyền của Trung Úy Đương trên đồi 31 thì bị địch tràn ngập.

Giữa cơn thập tử, nhất sinh, vị sĩ quan trẻ tuổi của quân Dù đã liên tục kêu gọi pháo binh bạn từ các căn cứ hỏa lực khác hãy bắn thẳng vào căn cứ của mình để tiêu diệt quân địch đông đảo đang tràn ngập ngọn đồi, một hành động tự sát hết sức anh dũng trong tình thế tuyệt vọng, nhưng đồng thời những loạt đạn pháo đó của quân bạn cũng tiêu diệt được phần lớn lực lượng địch đang tràn ngập ngọn đồi.

Giờ phút tuẫn tiết của Trung Úy Nguyễn Văn Đương đã được Trung Tá Bùi Đức Lạc, khi ấy là tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Dù tham chiến tại Hạ Lào, kể lại qua đoạn hồi ký viết về “sự ra đi của Đại Úy Đương, Hạ Lào năm 1971” trên trang mạng tvvn.org như sau:

“…Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi [đang bay quan sát trận chiến từ trên không] nói: ‘Nó đông lắm anh ơi!.’ Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?’ Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!’… Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi,’ và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi.’ Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây.’ Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em.’

Lúc đó Đương đang ở dưới hầm… Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó,’ tức là súng Colt của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 [Trung Tá Lạc] ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa”…

Cái chết của Trung Úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương, nói riêng, và cái chết của Quân Lực VNCH, nói chung, rõ ràng là đã điểm tô thêm những nét hào hùng và bi tráng cho Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa, nói riêng, và lịch sử dân tộc Việt Nam, nói chung.

Trung Úy Nguyễn Văn Đương, trong Trận Hạ Lào năm 1971, đã chọn cái chết oanh liệt ngay dưới chiến hào bằng cách gọi pháo binh bắn xuống đầu mình để tiêu diệt luôn các lực lượng tấn công đông thập bội lên đồi 31, lập nên chiến tích cuối cùng trong đời trước giờ vĩnh viễn giã từ vũ khí.

Cái chết oai hùng của “người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương” đã là nguồn cảm hứng vô biên cho những người anh hùng khác trong Quân Lực VNCH vào những năm, tháng sau đó, khiến họ thản nhiên chọn cách tự sát chứ không đầu hàng giặc, làm cho Quân Lực VNCH trở thành tập thể có số chiến binh tuẫn tiết trong cuộc chiến đông đảo vào hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Quân Đội Thiên Hoàng Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến mà thôi.

Ngoài việc được phổ biến trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình quốc gia và trên các sân khấu ca nhạc tại miền Nam Việt Nam, ca khúc “Anh Không Chết Đâu Em” còn được “đạo diễn” Trần Thiện Thanh dùng làm bản nhạc nền cho phim kịch “Trên Đỉnh Mùa Đông” do Thanh Lan và Nhật Trường Trần Thiện Thanh thủ vai chính cùng các nghệ sĩ khác trong nhóm ‘Tiếng Hát 20” thực hiện và phát hành tại Sài Gòn hồi năm 1971.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh quê ở Phan Thiết và là một trong số các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam nổi tiếng nhất vào hai thập niên 1960 và 1970. Thỉnh thoảng, ông cũng viết nhạc dưới các bút danh khác, là Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn và Thanh Trân Trần Thị.

Trần Thiện Thanh còn là một ca sĩ chuyên nghiệp với nghệ danh Nhật Trường, và được coi là một trong bốn nam ca sĩ tài danh nhất, tức “tứ trụ nhạc vàng,” trong nền tân nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Những hình ảnh trong phim kịch “Trên Đỉnh Mùa Đông” do Thanh Lan và Nhật Trường Trần Thiện Thanh thủ vai chính. (Hình: Tài liệu)

Hai chủ đề chính trong các sáng tác của Trần Thiện Thanh là “nhạc tình”“nhạc lính.” Về nhạc tình, Trần Thiện Thanh là tác giả của những ca khúc rất được khán, thính giả và cả các nam, nữ ca sĩ ưa chuộng, trong đó phải kể đến các nhạc phẩm “Lâu Đài Tình Ái,” “Bảy Ngày Đợi Mong,” “Từ Đó Em Buồn,” “Biển Mặn,” “Hoa Trinh Nữ,” “Chuyện Một Người Đi,” “Chiều Trên Phá Tam Giang” (phổ thơ Tô Thùy Yên), “Chuyện Hẹn Hò” (dưới bút danh Thanh Trân Trần Thị)…

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trước sau, có tới ba đời vợ, đó là Trần Thị Liên, ca sĩ Kim Dung (ở trong nước) và ca sĩ Mỹ Lan (ở hải ngoại). Người ca-nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam mất ngày 13 Tháng Năm, 2005, tại Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Vann Phan
Theo Người Việt online ngày 12/11/2022

* * *

Nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Em” của Trần Thiện Thanh

Anh không chết đâu Anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi

Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện Anh riêng Anh riêng Anh

Đ.K.:
Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời Anh
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng Anh nhiệm mầu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, Anh còn nghe tầm đạn đi không Anh?

Không! Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt Anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho Anh, cho Anh
Không! Anh không chết đâu Anh. Chưa! Anh chưa chết đâu Anh…

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*