Kỷ Niệm Về Nhà Văn Sơn Nam

Chân dung Sơn Nam

Tôi có duyên may gặp gỡ nhà văn Sơn Nam nhiều lần từ năm 1970 đến 1975 tại Sài Gòn. Về tiểu sử và sự nghiệp của “nhà văn thời danh miền Nam”* nầy, vô số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trước và sau năm 1975, ở trong nước cũng như tại hải ngoại đã viết quá đầy đủ – nếu không muốn nói là quá tải.

Do vậy, tôi chỉ muốn viết về kỷ niệm với nhà văn miền Nam “chánh hiệu” trong những lần tiếp xúc mà hiện nay ít có người đề cập tới. Để quý bạn đọc tiện theo dõi, tôi gộp các cuộc tiếp xúc nầy làm ba nội dung chánh: Một là phỏng vấn về ca dao miền Nam; hai là mời viết bài cho tạp chí Nghiên Cứu Văn Học; ba là mời làm giám khảo cuộc thi về ca dao do Sở Học chánh tỉnh Bình Dương tổ chức.

Dưới đây là những kỷ niệm của người viết với nhà văn Sơn Nam về ba nội dung dẫn trên.

Phỏng vấn về Ca dao miền Nam

Một buổi sáng mùa Hè nắng vàng rực rỡ, tôi đến tòa soạn Nhựt báo Tin Sáng ở đường Phát Diệm, Sài Gòn để phỏng vấn nhà văn Sơn Nam về ca dao miền Nam. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn ông tuổi trung niên, mặt xương xương, da bánh mật bởi trải qua mấy độ phong sương. Mái tóc hớt cao không chải chuốt ra dáng một người dân miệt vườn, nhưng cặp kính cận trái ngược lại thể hiện phần nào vẻ thông thái.

Nhà văn Sơn Nam. (Tranh họa sĩ Lê Sa Long)

Vì không biết trước được bởi khó hẹn, nên nhà văn để “lộ nguyên hình” cái mình trần trùng trục với bộ xương cách trí mà sau nầy có người còn tả “ốm nhom ốm nhách”. Tuy vậy nhà văn đã đón tiếp tôi rất ân cần, cởi mở sau khi biết qua mục đích cuộc gặp. Lúc ấy nhà văn đang viết feuilleton chuyên mục Hào khí Trà Vinh cho tờ báo. Tôi có cảm giác được tiếp xúc với một người đồng điệu hơn là với một nhà văn lớn.

Tôi còn nhớ mang máng những lời khuyên của nhà văn, đại để như sau:

– Nghiên cứu ca dao qua sách vở vẫn chưa đủ. Phải bổ sung qua thực tế. Phải chịu khó đi sưu tầm tìm hiểu. Trong dân gian là cả kho tàng ca dao tục ngữ, nếu không ngại khó ngại khổ lần mò vào khắp các làng quê ngõ xóm, tha hồ mà sưu tầm, khai thác. Gom chỗ nầy một mớ, chỗ kia một mớ rồi sàng lọc lại trong cái đống xà bần ca dao, hò vè để làm giàu tài liệu cho mình.

– Trong ca dao miền Nam, có loại “Sấm vãn”, viết gọn lại là “Vãn”. Vãn là văn vần thường làm theo thể lục bát. Chẳng hạn như Vãn núi Tà LơnVãn sư vãi bán khoai. Ta thường thấy lối vãn nầy trong các tuồng hát bội (vãn viết) hoặc trong đám tang. “Sấm vãn” là một loại ca dao xưa nhứt miệt Hậu Giang, khác với “Sấm giảng” của Đức Huỳnh Giáo chủ – tức một bổn văn vần tiên đoán thiên cơ, giảng giải đạo lý. “Sấm vãn” hay “Vãn” là ca dao, là văn chương bình dân. Đó là luận đề lớn cần nghiên cứu, khai thác.

Buổi gặp hôm ấy tôi nhận được một số văn lợi phẩm. Đó là bản đánh máy tập Thơ Thầy Thông Chánh (dài 262 câu lục bát) do nhà văn Sơn Nam ưu ái trao tặng tôi. Đồng thời ông còn hứa ghi cho tôi mấy bài hò miền Nam trước khi chép tại chỗ mấy câu ca dao Lục tỉnh và trao tận tay tôi hôm ấy. Đó là:

Tĩn**, ve chai năm nay sụt giá
Anh trở về Rạch Giá mua một chuyến khoai lang
Tìm con bạn ngọc thở than đôi lời
Phải chăng duyên nợ tại trời
Nơi nào kết ngãi anh thời xe duyên.

Ít lâu sau trong một cuộc gặp khác, nhà văn đã trao tôi một số bài hò do ông tự chép tay. Những bài ca dao, hò hát nầy tôi vô cùng trân quý và đã đưa vào luận án về Ca dao miền Nam năm 1972 của tôi với lời cám ơn nồng hậu.

Tượng Sơn Nam tại nhà lưu niệm Sơn Nam, Sài Gòn

Mời viết bài cho Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học

Trong bài Tình trạng Tạp chí văn chương năm nay, đăng trên Nghiên Cứu Văn Học số 6/1971thi sĩ Nguyên Sa đã nhận xét về bảy tạp chí văn chương – trong đó có Nghiên Cứu Văn Học “đã và còn ở trong tình trạng vất vả”, có thể nói là “bẩy tờ báo định kỳ là bẩy nhân với một ngàn lần khốn khó”. Đó là “sự cực nhọc về tài chánh” “những khó khăn về bài vở”.

Thật vậy, Nghiên Cứu Văn Học không có nguồn tài trợ nào; cũng không quy tụ được những cây bút tên tuổi viết bài thường xuyên vì thiếu… vốn. Về tài chánh thì một mình Linh mục Chủ nhiệm gánh hết. Còn về bài vở, chỉ có 5-6 cây bút sáng giá chịu viết; nhưng không trường kỳ vì họ không bị ràng buộc bởi một khoản giao kèo nào. Cái khó nầy dẫn tới cái khó khác. Cho nên làm báo Nghiên Cứu Văn Học là phải chấp nhận muôn sự khó so với các báo khác.

Hôm ấy, với tư cách Tổng Thơ ký Tòa soạn, tôi đã đến gặp nhà văn Sơn Nam cũng tại trụ sở Nhựt báo Tin Sáng để chuyển thư của Linh mục Thanh Lãng – Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo, mời viết bài cho tạp chí Nghiên Cứu Văn Học. Lúc ấy nhà văn ăn mặc tương đối “coi được” chớ không lôi thôi như lần trước: Áo sơ-mi trắng ngắn tay, quần Tây màu xám tro nhạt, chân mang đôi dép “lè phè” – giống như cách trang phục tư niên tứ thời của GS Nguyễn Văn Trung. Ông cũng viết feuilleton cho Nhựt báo Tin Sáng. Cũng với cái bắt tay nồng ấm. Cũng với nụ cười thân thiện nở trên môi.

Mặc dầu vô cùng bận rộn bởi cái nghiệp văn chương, nhưng là “cần câu cơm” cho gia đình, nhà văn “hứa” sẽ viết bài. Thay vì hẹn lần hẹn lữa để bắt tôi “đi lại cả chục lần”, đến lần thứ ba, tôi đã nắm trong tay bài viết. Sau khi báo phát hành, tôi lại đến gặp nhà văn để gởi báo biếu và khoản “nhuận bút” khiêm tốn do quy định của Ban chủ trương; đồng thời “đặt hàng” cho bài viết tiếp. Đối với các nhà văn, nhà văn hóa “có tên có tuổi” khác như Bình Nguyên Lộc, Toan Ánh, Thái Bạch, Nguyên Sa,  Nguyễn Thị Hoàng v.v…, tôi cũng lặp lại y chang công việc đã làm với nhà văn Sơn Nam để tờ báo có được một số bài có giá trị.

Khi được hỏi nhà văn có ý kiến gì về tờ Nghiên Cứu Văn Học (NCVH), ông đã trả lời một cách thỏa đáng. Tôi chỉ ghi vội nhận xét của ông, sau nầy được đúc kết đầy đủ trong Nghiên Cứu Văn Học số 14-1972:

Sinh hoạt Văn học vẫn có nhưng yếu ớt. Người làm Văn học quá bận rộn về sinh kế, không thảnh thơi để nghĩ đến công trình lâu dài. NCVH nên thực hiện những chủ đề thiết thực giúp đỡ các sinh viên Văn Khoa và các giáo sư Việt văn bậc Trung học. (…) Tạp chí NCVH quá mỏng, bài quá ngắn, chữ sắp quá thưa. Nên làm một tạp chí dày hơn, với chủ đề, bán với giá 100 đ. (…) Tôi ao ước tham dự những cuộc họp của Tòa soạn, khi đặt ra từng chủ đề và tùy khả năng, tôi cố gắng viết bài. Nhưng cần bàn định trước chừng hai tháng. Viết quá nhanh thì không bao giờ tới nơi tới chốn được”.

Tôi không rõ tình trạng các tạp chí văn chương khác lúc bấy giờ ra sao, nhưng đối với Nghiên Cứu Văn Học là cả muôn vàn cái khó, cả về tài chánh lẫn bài vở như đã kể trên. Anh em trong tòa soạn phải “vác ngà voi”, vừa dạy học vừa làm báo, và không hưởng khoản thù lao nào. Báo chỉ trả khoản nhuận bút “khiêm tốn” cho những cây bút đã thành danh, từ 300 đồng trở lên, nhưng không quá mức 400 đồng (báo bán 60 đồng, rồi 70 đồng mỗi số).

Các cây bút trẻ chưa có tên tuổi trên văn đàn- kể cả anh em trong tòa soạn, đều viết bài “chùa” và làm “công quả” cho tờ báo. Số chủ đề Ca dao, tôi đã “ôm” cả trăm tờ báo đáp xe đò về các tỉnh miền Tây để phát hành. Tôi thầm nghĩ, anh em trong tòa soạn trước kia đã từng vui với đạo học, rồi đạo thầy, giờ đây lại vui với cái đạo phục vụ bạn đọc, được tập tành viết văn, làm báo. Biết đâu với “công đức vô lượng” sẽ có ngày “đắc đạo”!

Bìa cuốn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam

Mời làm Giám khảo Cuộc thi về ca dao

Nhằm bảo tồn di sản của tiền nhân và phát huy văn hóa dân tộc, Sở Học chánh tỉnh Bình Dương (sau đổi thành Ty Văn hóa Giáo dục và Thanh niên) đã phát động “Cuộc thi ghép Ca dao thành một tập thơ có ý nghĩa”. Với cương vị TP Sinh Hoạt Học Đường, tôi được ông Chánh sở Nguyễn Văn Phúc*** giao nhiệm vụ coi sóc tổng quát cuộc thi. Một thời gian sau đã có hơn mười tập thơ được đánh máy cẩn thận do giáo chức trung tiểu học tỉnh nhà gởi đến dự thi. Lúc bấy giờ, ông giáo Võ Tấn Phước – tức nhà văn Võ Kỳ Điền, đang dạy học ở trường Trung học Trịnh Hoài Đức, chắc biết rõ cuộc thi nầy.

Mỗi tập thơ có khoảng từ 200 đến 300 câu ca dao lục bát (đôi khi lục bát biến thể) được ghép vần liền một mạch và có ý nghĩa. Để làm tăng giá trị của cuộc thi, tôi đề nghị và được ông Chánh sở đồng ý qua việc mời hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc chấm giải. Vì có sự quen biết trước kia với tôi lúc làm báo, nên hai nhà văn đã vui vẻ chấp nhận. Tôi đã chuyển mười tập thơ – ca dao dự thi đến hai nhà văn để đọc và bình chọn tác giả trúng giải. Hôm lễ trao giải thưởng, tác giả “Đò dọc” không đi được vì lý do sức khỏe, nên sau đó tôi được ông Chánh sở ủy thác để trao tận tay nhà văn khoản “thù lao” với thư cám ơn nồng nhiệt của Sở Học chánh.

Bù lại, cha đẻ cuốn “Hương rừng Cà Mau” có mặt, do ông Phụ tá Sở Học chánh Nguyễn Thanh Tuyền đưa rước bằng xe hơi. Trong phần trao giải, nhà văn đã phát biểu (đại ý): Tôi lấy làm vinh dự được mời làm người chấm giải cuộc thi. Tôi nhiệt liệt biểu dương việc làm vô cùng ý nghĩa của Sở Giáo Dục Bình Dương trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mà các tỉnh khác chưa làm được…

Buổi lễ phát giải kết thúc bằng tiệc trà thân mật, gọn nhẹ. Chỉ có một người trúng giải là TP Học vụ Nguyễn Văn Hai. Lúc đưa nhà văn trở về Sài Gòn, chúng tôi được ông “tài xế” Phó Sở đãi một chầu bánh bèo – đặc sản chợ Búng, no nê khoái khẩu. Đây là cơ hội để tôi gần gũi, trò chuyện thân tình, cởi mở với nhà văn nhiều hơn; nhứt là tha hồ đặt câu hỏi và được giải đáp một số vấn đề còn nghi hoặc. Chẳng hạn, nhà văn làm thơ trước khi viết văn, biên khảo mà Lúa reo là tập thơ đầu tay ra đời năm 1948.

Ông chủ trương viết phải “ngọt”, phải đến độ “chín”, nếu không thì văn bị “sượng” “chát” như chuối mới hườm hườm, như đu đủ vừa mỏ vịt. Ngoài ra trong lúc trà dư bánh hậu, nhà văn cao hứng kể một số giai thoại khá thú vị. Đầu tiên, cái tên của ông đúng ra là Phạm Minh Tài, nhưng giấy khai sanh lại đổi thành Phạm Minh Tày do sự nhầm lẫn của viên chức hộ tịch làng Đông Thái, An Biên (Rạch Giá). Ông được người đời gọi là “ông già đi bộ” vì thuở nhỏ tập xe đạp thường bị té nhào, sợ quá nên bỏ tập xe và suốt đời… đi bộ.

Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian kháng chiến, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú thép thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhở mình là người phương Nam, phía Nam). Có người cho rằng ông được người phụ nữ Khmer cho bú mớm, e không đắc. Thật ra, mớm là trợ từ của bú, bú mớm là tiếng đôi, chỉ nghĩa chung là bú. Còn bú thép là bú nhờ kẻ khác (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, trang 386). Hát Ầu ơ Lục tỉnh có câu: “Em tôi khát sữa bú tay; Ai cho bú thép ngàn ngày đội ơn”.

Chân dung Sơn Nam

Tôi học hỏi ở “nhà Nam Bộ học” rất nhiều điều thú vị. Từ cái “đi” nhiều để tạo “vốn sống”, đến “viết theo sở trường”, viết cái gì mình thích và tập trung khai thác di sản văn hóa. Nhứt là không nên viết quá nhanh nếu muốn bài viết tới nơi tới chốn… Mảng hồi ức nầy được người viết tái hiện để nhớ về những kỷ niệm một thời quá khứ đối với nhà văn thời danh mình từng ngưỡng mộ, cũng như nói lên lòng biết ơn nhà văn miền Nam thứ thiệt nầy.

Đồng thời, để đáp tạ cái tình tri ngộ, Trúc Lan tôi đã tường thuật buổi thuyết trình của nhà văn về đề tài “Gilbert Trần Chánh Chiếu, báo Lục Tỉnh Tân Văn và Phong trào Duy Tân ở miền Nam (1908)” tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Sài Gòn ngày 8/8/1971. Bài tường thuật nầy đã đăng trên NCVH số 6, tháng 8/1971, có đoạn nhà văn trích đọc các bài báo trong Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1908) về: “Những bài kêu gọi duy tân, theo gương người Nhựt; Việc cổ động thành lập công ty thương mãi, kỹ nghệ; Việc bài xích hủ tục phong kiến: Mẹ chồng áp bức nàng dâu, tục tảo hôn, việc thờ cúng ma quỷ, đồng bóng, thói lười biếng, thói nghi kỵ thiếu hợp quần, chống việc hút thuốc phiện, uống rượu, cờ bạc, chống quan lại tham nhũng…”.

Cuối cùng, qua bài viết nầy, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào kho tư liệu văn hóa đã bị chìm sâu vào quên lãng, trong đó có một chi tiết: Nhà văn Sơn Nam đã từng cộng tác với nhựt báo Tin Sáng và tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (Bộ mới), nhưng các tư liệu khác chỉ ghi ông cộng tác với các báo như Nhân Loại, Công Lý, Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Lẽ Sống.

GS Nguyễn Kiến Thiết
Theo SGN News ngày 19 tháng 9, 2022

* Chữ dùng của số chủ đề một Tạp chí văn học trước 1975: “Hai nhà văn thời danh miền Nam: Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc”.

** Tĩn: thứ hũ lớn bằng sành dùng để đựng nước mắm, đôi khi đựng rượu đế.

*** Tôi rất muốn liên lạc với các các ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đồng Danh, Nguyễn Thanh Tuyền…

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*