Cảm Xúc Khi Nghe Vài Bản Nhạc Và Thơ Tiền Chiến

Ngoài trời gió nhè nhẹ thổi, những chiếc lá mùa thu đang lãng đãng rơi rơi. Cái lành lạnh của gió heo may bên ngoài như đang hòa nhịp thở với những điệu nhạc “tiền chiến” mà tôi đang thưởng thức trong phòng đọc sách, một căn phòng đầy ấm cúng thương yêu. Cành trà hoa nữ ngoài cửa sổ, với bông hoa trắng ngần, theo gió cọ vào cửa kính như chú mèo con đang dụi đầu tìm sự yêu thương của chủ.

Bốn bề tĩnh lặng, chỉ còn tiếng nhạc như đang dìu đưa tôi vào thế giới của riêng mình, mà ở nơi đó, những âm thanh được pha trộn hài hòa của những tha thiết, lãng mạn, trữ tình cùng với những chia lìa, xa cách. Và cũng từ thế giới ấy, âm thanh đang đưa tôi đi xa mãi, đi mãi để trở về với những kỷ niệm của một thời ấu thơ, hay những hình ảnh của những cuộc tình ngây ngô tuổi học trò, hay của những biệt ly lẫn đoàn tụ … của hạnh phúc lẫn đau thương.

Đĩa nhạc “tiền chiến” vẫn cứ quay, âm thanh và hình ảnh có lúc bay bổng, chợt   vút lên cao rồi hạ thấp, chập chờn trong không trung, ẩn hiện trong làn mưa bụi của bầu trời ngả mầu trắng đục. Các bạn có thường thưởng thức những bản nhạc tiền chiến như tôi đang thưởng thức không? Trong lứa tuổi chúng ta, hẳn không ai đã không một lần hoặc nhiều lần thưởng thức nó. Tôi đoan chắc như thế.

Vậy nhạc tiền chiến là nhạc gì nhỉ? Cứ hiểu theo nghĩa thông thường thì nhạc tiền chiến hẳn là loại nhạc được viết từ trước chiến tranh. Nhưng trước cuộc chiến tranh nào? Thế chiến 1939-1945 hay cuộc chiến 1945-1954 hay 1954-1975? Tôi cứ tạm chia như thế.

Tôi có câu hỏi như thế vì có nhiều bản nhạc viết sau này, người ta vẫn xếp nó vào loại nhạc tiền chiến, vì nó có cái “air” tiền chiến như nhạc sĩ Tô Vũ nói về bản nhạc “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của ông. Ông nói, bản nhạc này có cái “air” của nhạc tiền chiến thôi, vì thực sự, khi ông viết nó, chiến tranh đã xẩy ra rồi. Đấy là ông Tô Vũ nói về cái mốc thời gian của cuộc chiến 1945-1954. Nếu ta lấy mốc ở cuộc chiến 1954-1975 thì bản nhạc đó quả thực là nhạc tiền chiến ở cái mốc thời gian này. Thôi thì ta cứ lấy mốc thời gian nào đó cho hợp với bản nhạc thì lấy, cho rộng đường nói chuyện và cho vui vẻ cả làng.

Như vậy, khi nói đến nhạc tiền chiến là ta muốn nói đến cái âm hưởng của loại nhạc này hơn là chỉ chuẩn định trên cái mốc thời gian của nó thì phải? Cái “air” của nó có lẽ dựa trên tính chất nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình, hay bi ai, và đặc biệt là nó thiên về loại nhạc thính phòng và mang nhiều chất thơ. Tôi nói như thế vì có nhiều bản nhạc được viết trước chiến tranh (1939-1945 hay 1945-1954) mà không được liệt kê vào loại nhạc tiền chiến như những bản “Trên sông Bạch Đằng” của Hoàng Quý, “Việt Nam bất diệt” của Hoàng Gia Linh, “Hè về”, “Khỏe vì nước” của Hùng Lân, hay những bản nhạc thuộc loại quân ca chẳng hạn.

Tôi cũng chẳng biết danh từ nhạc tiền chiến có tự bao giờ? Tôi chỉ xin mở dấu ngoặc ở đây bằng một trích đoạn: “Ảnh hưởng văn hóa Pháp đã trở nên rõ rệt vào thập niên 1930 và theo nhạc sĩ Phạm Duy coi năm 1938 là năm quan trọng cho nền nhạc mới vì là năm khai sinh ra nhạc cải cách. Và cũng chính năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, tác giả bản “Kiếp hoa” đã từng đi du thuyết cổ võ cho nền nhạc mới được các báo chí như tờ Ngày Nay đăng tải, ông gọi loại nhạc mới này là nhạc cải cách” (dựa theo lời ông Bùi Bảo Trúc trong một chương trình nhạc thính phòng tổ chức ở San Jose).

Những bản nhạc tiền chiến đã đi sâu vào lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ, vẫn còn tồn tại đến bây giờ và cả mai sau. Do đó nhạc tiền chiến tự nó có chỗ đứng rất quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam. Nói như thế, những nhà nghiên cứu âm nhạc tìm hiểu về nhạc tiền chiến cũng là tìm hiểu một phần khá lớn của “âm nhạc mới” nước ta.

Âm nhạc cũng là một bộ môn, ta có thể dựa vào đó để biết tiến trình sinh hoạt của một xã hội vào những thời điểm khác nhau. Từ những năm đầu của thế kỷ 20 đến nay, đất nước ta có nhiều thay đổi, nhất là chịu ảnh hưởng nền văn hoá Tây phương, ắt hẳn những đổi thay ấy phải ảnh hưởng đến nền âm nhạc của ta. Và ngược lại, sự tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ “tiền chiến” cũng là một phần trong sự tìm hiểu tiến trình thay đổi của xã hội ta trong thời kỳ ấy.

Trong khuôn khổ như những lời tâm sự cùng các bạn bè trong phạm vi bằng hữu, tôi chỉ muốn xin được chia sẻ với các bạn về những cảm xúc mà tôi có được khi nghe vài bản nhạc tiền chiến chứ không nói về sự phân loại, phẩm chất, cấu trúc, lịch sử hình thành của những bản nhạc ấy cũng như không nói về âm nhạc Việt Nam vì đấy không phải là lãnh vực mà tôi am hiểu. Chúng ta hãy cùng nghe một vài bản nhạc tượng trưng có tính cách phổ thông, dễ nghe, dễ hiểu, và cũng dễ nhận ra những nét đặc thù của nó biến thiên theo cảm xúc của mình.

Trước hết, ta hãy nghe bản “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để chúng ta cùng rung cảm với nỗi lòng cô đơn của ông. Trong một băng nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã tâm sự là ông viết bản nhạc này khi ông đi dọc theo phố Khâm Thiên, Hà nội, vào chiều tối 30 Tết. Phố Khâm Thiên là con phố có nhiều cô đầu còn gọi là ả đào hay ca nhi. Các cụ ta xưa thường đến đây để nghe hát ả đào hay ca trù. Ông chợt bắt gặp, qua bóng dáng cô đơn của người ca nhi đứng đợi khách ngoài ngưỡng cửa rồi quay vào soi bóng mình trong gương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương liền liên tưởng tới hòan cảnh của ông lúc đó, nhà ở Huế, ra Hà nội học, một mình đi lang thang giữa lòng thành phố. Ông nhớ nhà ghê lắm. Ông mượn hình bóng lẻ loi của người ca nhi đó để nói lên tâm sự cô đơn của mình, ông viết:

 Đêm đông, ca nhi đối gương, riêng sầu ôm bóng.

Hình bóng ca nhi ấy, thoáng hiện ra, nhưng biến đi rất nhanh để nhường chỗ cho hình bóng của một chinh phụ chờ chồng như chính ông đang hướng trông về người thân ở chốn xa xôi.

 Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu,
 Đêm đông, bên sông ngẩn ngơ, kìa ai mong chồng.

Ông đi, đi lững thững dưới đêm đông mưa phùn gió bấc với tiếng chuông buông từ xa vọng lại. Âm thanh buồn bã xa thẳm ấy như quyện lấy hình ảnh của những con chim đang bay về một phương trời vô định cùng với những đám mây xám hạ ngang lưng trời. Những tiếng gió rít ào ạt cuốn hút trong cơn lốc xoáy là chất liệu tạo nên những âm thanh dồn dập của dòng nhạc như đang vang vọng lên những lời nấc nghẹn:

Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió nâng thuyền mây,
Gió reo sầu tư, gió đau niềm riêng, gió than triền miên.

Cái buồn da diết của kẻ xa nhà như ông, trong mỗi câu, ông đều réo gọi quê hương, réo gọi mái ấm gia đình ở phương trời xa:

 Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm
 Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
 Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương,
 Có ai, thấu tình cố lữ, đêm đông không nhà.

Ta thấy ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi tiếng “đêm đông”, ắt hẳn trong ông, đêm đông chính là hình ảnh làm ông xúc động và thổn thức. Âm thanh đêm đông được ông diễn tả như có lúc nó lên thật cao, có lúc nó trầm xuống, có lúc lại kéo dài ra lê thê, mệt mỏi, như nghẹn ngào, nức nở làm chùng lòng những người xa gia đình, xa quê hương như ông.

Trong bản nhạc Đêm đông, cái mà mọi người yêu thích, chính là bên cạnh cái hay của âm điệu, của lời ca, nó còn mang tâm trạng của chính chúng ta, ít nhất một lần trong đời, đã rơi vào hoàn cảnh như ông. Và trong hoàn cảnh ấy, bản nhạc không còn là của Nguyễn Văn Thương nữa, mà chính là tiếng kêu não lòng của chính chúng ta để thương mình và cũng để thương người. Bản Đêm đông là bản nhạc tiêu biểu mượn những hình ảnh thiên nhiên, như cảnh mưa gió trong đêm đông, để gửi gấm tâm sự cô đơn của mình.

Hãy nghe thêm tâm sự của một nhạc sĩ khác nữa đã mượn cảnh mưa rơi để gửi gấm tâm sự lẻ loi của mình qua bản “Tiếng thời gian” của nhạc sĩ Lâm Tuyền. Âm điệu của bản nhạc này rất nhẹ nhàng, thánh thót, lõng thõng, nhỏ giọt như tiếng mưa rơi rả rích, như tiếng chuông buồn điểm trong đêm đông vắng lạnh, như tiếng lá cây rơi rụng trong sương mờ, như tiếng gõ đủng đỉnh của chiếc đồng hồ quả lắc mà đó chính là những tiếng của thời gian êm ả trôi đi buồn bã.

 Mưa rơi hiu hắt ai sầu mùa đông
 Không gian u ám, sương mờ mờ buông
 Xa trong đêm vắng, chuông buồn nhẹ ngân
 Kìa đường xưa rét mướt, bên sông ngừng chân
 Chờ ai trong tê tái lắng nghe chuông than
 Thời gian trôi tan tác, mang theo ngày xuân
 Mưa đêm nay khóc thầm, cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian.

Không phải chỉ có hình ảnh của mưa gió mới gợi lên được cái cô đơn mà thôi, người nhạc sĩ còn dùng những hình ảnh khác nữa như nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã mượn giọt mưa mùa thu với hình ảnh con chim non trong bản nhạc “Giọt mưa thu“, hình ảnh con thuyền trong “Con thuyền không bến“, hay như nhạc sĩ Văn Cao dùng nhân vật dân gian trong bản nhạc “Trương Chi” để bầy tỏ nỗi lòng cô đơn của mình.

Trong nhạc tiền chiến, tính chất bi ai thương cảm của chia lìa cũng được khai thác mà bản “Biệt ly” của nhạc sĩ Doãn Mẫn là một tiêu biểu. Nhạc sĩ Doãn Mẫn viết bản nhạc này khi ông nhìn thấy một cảnh biệt ly của đôi trai gái bên bến sông. Ông viết bản nhạc “Biệt ly” khi ông 20 tuổi, vào năm 1938 hay 1939 thì phải. Thật là day dứt khi nghe ông diễn tả:

Ôi còi tầu như xé đôi lòng.
Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi, cùng lướt trôi.

Biệt ly sao mà buồn vậy! Cái gì cũng trôi đi mất cả, mất cả mây, mất cả gió, mất cả thời gian lẫn không gian. Tất cả như trôi đi và trôi đi thật xa. Cũng như Trịnh Công Sơn sau này cũng viết một đoạn trong bản nhạc “Có một dòng sông đã qua đời“. Khi mất người yêu, TCS cũng thấy mất hết, mất ngay cả dòng sông đang chảy trước mặt mình và dòng sông như đã qua đời.

Ta hãy nghe nhạc sĩ Doãn Mẫn làm chúng ta buồn da diết khi ông viết:

Mấy phút bên nhau rồi thôi.
Đến nay bóng em mờ khuất,
Người về u buồn khắp trời.
Người ra đi với ngàn nhớ thương.

Người về mà thấy u buồn khắp trời thì thật buồn đến khủng khiếp. Người nghe có cứng rắn đến đâu cũng phải xúc động. Biệt ly, bản chất của nó đã buồn, nghe bản nhạc Biệt ly của Doãn Mẫn thì cái buồn ấy lại tăng lên gấp bội. Nghe bản nhạc này, tôi xúc động đến tưởng như không thể tiếp tục viết được nữa.

Bên cạnh cái biệt ly xa cách chia lìa của lứa đôi, ta cũng kể đến biệt ly xa cách mang tính chất lịch sử hay truyện cổ tích như “Hòn vọng phu” của Lê Thương, “Trầu cau” của Phan Huỳnh Điểu hay “Thiên thai”, “Trương Chi” của Văn Cao được viết dưới dạng trường ca.

Và cũng để thay đổi không khí, tôi xin tạm mở một dấu ngoặc ở đây để ta bước vào thế giới của thơ.

Bên cạnh sự nở rộ của nhạc, thơ “tiền chiến” cũng vùng lên không kém. Thơ thời đó, nó hòa nhịp với nhạc và cũng có cái “air” tiền chiến, nghĩa là cũng khóc thương thân phận, cũng lãng mạn, cũng chia lìa xa cách … Có những lúc ta có cảm tưởng như thơ và nhạc do một người viết vì chúng quyện vào nhau như đôi trai gái yêu nhau chia nhau cùng hơi thở vậy. Với cảnh biệt ly trong thơ, tôi xin được nhắc đến nhà thơ Tế Hanh. Thi sĩ Tế Hanh viết bài thơ này khi ông đứng ở sân ga:

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề;
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rỉ,
Lòng của người đi réo kẻ về.
Kẻ về không nói bước vương vương;
Thương nhớ lăn xa mấy dặm trường;
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Sao hai tác giả Doãn Mẫn và Tế Hanh, một nhạc sĩ và một thi sĩ, lại có cảm xúc trước sự biệt ly giống nhau đến thế nhỉ? Chỉ khác là cái thương nhớ của Tế Hanh chỉ lan ra có mấy dặm trường, còn của Doãn Mẫn thì lan đi khắp trời. Âu có lẽ Tế Hanh chỉ buồn “vu vơ” như tên bài thơ của ông.

Để tiếp nối những hình ảnh biệt ly, tôi không thể không giới thiệu những hình ảnh mà nhà thơ Nguyễn Bính đã ghi nhận được ở đây qua bài thơ “Những bóng người trên sân ga” (1937).

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ dục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
 Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Cảnh biệt ly ở sân ga thì được diễn tả như thế. Nhưng biệt ly không phải chỉ xẩy ra ở sân ga mà còn ở những bến đò nữa chứ.

Hãy nghe bài thơ “Cô lái đò” của nhà thơ Nguyễn Bính, được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, cũng diễn tả một cuộc chia tay của hai người đã hẹn thề nguyện ước cùng nhau trên bến đò xưa. Vì chẳng chờ được nhau, ba xuân qua đi, nàng phải đi lấy chồng, khách tình nhân khi trở lại thì người yêu không còn đó nữa. Ta hãy nghe một đoạn:

Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến sông kia.
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã hẹn thề.
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy,
Đi biệt không về với bến sông.
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.
Xuân này đến nữa đã ba xuân,
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,
Cô đành lỗi ước với tình quân.
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông.

Bài thơ “Cô lái đò” được Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc cũng mang thêm tính chất lỡ làng trong tình yêu mà tiêu biểu rõ nét là bài “Cô láng giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quý. Cũng có cái lạ là thanh niên thời đó “lang bang” ghê quá, gặp đâu yêu đấy, nào là yêu Cô lái đò, Cô hàng nước, Cô hàng cà phê, Cô hàng chè xanh, Cô hái mơ, rồi Cô sơn nữ, Cô hái hoa, Cô hàng hoa … Thật đủ loại cô!

Đấy là nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Bính, thế còn nhà thơ Thế Lữ thì sao? Hãy nghe Thế Lữ trải lòng mình trong “Bên sông đưa khách“:

Trời nặng mây mù, mấy khóm cây,
Đứng kia không biết tỉnh hay say.
Đỗ bờ sông trắng, con thuyền bé,
Cạnh lớp lau già, gió vẫn lay.
Tôi tiễn đưa anh tới tận thuyền,
Để dài thêm hạn cuộc tình duyên;
Thuyền đi, tôi sẽ rời chân lại.
 Tôi nhớ tình ta, anh vội quên
Thuyền khách đi rồi, tôi vẫn cho,
Lòng tôi theo lái tới phương mô?
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn.
Không khóc vì chưng mắt đã khô.

Rồi hãy nghe nhà thơ Huy Cận qua bài “Trường giang” trong tập “Lửa thiêng”. Ông không viết rõ về một cuộc chia ly nào, nhưng khi đọc, ta vẫn thấy một nỗi buồn man mác, như một cuộc chia ly nào đó vừa xẩy ra, với hình ảnh của một cành củi khô lạc mấy dòng, bèo giạt về đâu hàng nối hàng, với thuyền về nước lại sầu trăm ngả … vân vân. Ta hãy lắng lòng để hưởng cái giây phút êm đềm, man mác buồn trong thơ Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vắng chợ chiều.
Nắng xuống trời lên sầu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lăng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Thôi ta trở lại với nhạc tiền chiến, lần này cũng cảnh chia tay đấy nhưng với âm điệu thanh thoát vui tươi hơn, không quá sầu thảm nữa. Và bên cạnh đó ta phải tìm cho mình một chút mộng mơ nơi tiên cảnh chứ. Các nhạc sĩ, thi sĩ của chúng ta cũng vậy, mộng ước trần gian không thành đành mơ về Tiên cảnh. Tôi muốn nói về bản nhạc “Thiên thai” của nhạc sĩ Văn Cao.

Như tôi đã nói ở trên, nhạc và thơ trong cái “văn hóa tiền chiến” ấy, nó cứ như quyện vào nhau. Trước khi nghe bản nhạc “Thiên thai”, hãy đọc thơ của cụ Tản Đà qua bài “Tống biệt” (nhạc sĩ Võ Đức Thu đã phổ nhạc bài thơ này):

Lá đào rơi rắc lối Thiên thai,
Suối tiễn, oanh đưa, luống ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ, duyên thề có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Thấy không, tiếng thơ của cụ Tản Đà nhẹ nhàng thoát tục, như bay bổng vào cõi tiên. Sự chia tay có lá đào rơi rắc, có suối tiễn, có oanh đưa. Ôi sao cuộc tiễn đưa lại ngọt ngào, thi vị đến thế.

So bài thơ “Tống biệt” của cụ Tản Đà thì bản nhạc “Thiên thai” của nhạc sĩ Văn Cao, nó “thực” hơn, có nhiều chất “người phàm trần” hơn. Cõi Thiên thai của nhạc sĩ Văn Cao như được mở rộng ra để đưa ta đi sâu và xa hơn cụ Tản Đà. Cụ Tản Đà chỉ đưa ta đến cửa động rồi ngừng ở đấy, cụ không đả động tới những gì xẩy ra ở bên trong cái động Thiên thai ấy cả, còn Văn Cao đưa ta nhập Thiên thai thật sự. Qua sự phối hợp với ngũ cung trong âm nhạc dân tộc Việt Nam cùng với những âm điệu trang trọng, trong sáng, tha thiết, sinh động, Văn Cao giới thiệu cho chúng ta cái thế giới trinh nguyên và rực rỡ:

Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bước trần ai.
Có một mùa đào, năm ngày tháng chưa tàn phai một lần.

Văn Cao còn giới thiệu thế giới thần tiên ấy, ngoài hoa thơm cỏ lạ, cây trái ngọt ngào, còn có ca, có nhạc đầy quyến rũ với những nàng tiên đa tình đang ca múa những vũ khúc nghê thường làm ngơ ngẩn loài người.

Thiên thai, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm, khúc nghê thường nay đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn.
Đàn soi, trăng êm, nhạc lắng tiếng quyên, đây đó nỗi lòng mong nhớ.
Này khúc bồng lai là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi.

Văn Cao không chịu ngừng ở đây đâu, cụ còn đưa ta tiến sâu vào thêm, để cả chủ và khách cùng đắm chìm trong hoan lạc, để chủ lạc lối, khách quên đường về.

Đàn non tiên, đàn khao khát cuộc tình duyên.
Thiên thai ánh trăng xanh mơ tan tành khói trần gian.
Ái ân thiên tiên, em ngờ phút mê cuồng có một lần.

Chẳng biết cụ Văn Cao nhà ta thấy cái “ái ân thiên tiên” nó ra làm sao, nó khác cái “ái ân trần gian” như thế nào mà đến độ ánh trăng xanh mơ cũng phải tan thành khói trần gian và chỉ dám có mê cuồng say một lần và chỉ một lần mà thôi. Lưu Nguyễn thì lại còn tệ hại hơn nữa, đến nỗi phải than lên câu ai oán:

Nhớ quê, chiều nào ra khơi, chắc không đường về tiên nữ ơi.

Chữ “ơi” phải xuống giọng xề thành “ời” thì đủ biết nó mệt mỏi cỡ nào bởi cái “ái ân thiên tiên” kia. Đấy cụ Văn Cao thấy không, họ quên đường về là tại cụ đấy, tại cái “ái ân thiên tiên” của cụ đấy. Đùa cụ tí thôi, tán nhảm với cụ một tí cho vui.

Ta hãy tạm ngừng nghe nhạc ở đây để theo chân những chàng thi sĩ thả hồn về Tiên cảnh. Chẳng tìm được gì ở trần gian, họ kéo nhau về Tiên cảnh để được thỏa lòng mơ cùng mộng như đã nói ở trên.

Mấy ai trong chúng ta lại có cái may mắn như cụ Văn Cao nhà ta. Ấy thế mà trong đám văn nhân thi sĩ có những người cũng chẳng thua nhạc sĩ Văn Cao là mấy. Ta hãy nghe nhà thơ Thế Lữ tả về những buổi gặp gỡ tiên nữ ở Vườn tiên:

Hôm qua đi hái mấy vần thơ,
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:
Cảnh tĩnh, trong hoa chim mách lẻo;
– Gió đào mơn trớn liễu buông tơ.
Nước mát hơi thu thắm sắc trời,
Trời xanh xanh ngắt đượm hồng phai.
Ái ân, bờ cỏ chen chân trúc,
Sau trúc, ô kìa xiêm áo ai?
Rẽ lá, thi nhân bước lại bên,
Mấy vòng sóng gợn mặt hồ yên,
Nhởn nhơ vùng vẫy ba cô tắm,
Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc xen.
Hồ trong như ngọc tẩm thân ngà,
Lồ lộ da tiên phô sắc hoa,
Mỉm miệng, anh đào tan tác rụng,
Tóc buông vờn mặt nước say sưa.
Say sưa, người khách lạ Bồng lai,
Giận lũ chim kia khúc khích hoài,
Van khẽ gió đừng vi vút nữa.
– Nhưng mà chim, gió có nghe ai?
Lời oanh trên liễu, yến bên hồng,
Hạc ở trong không, phụng dưới tùng,
Bỗng chốc cùng nhau cao tiếng họa,
Đờn tiên rộn rã khắp tiên cung.
Hoa lá cùng bay, bướm lượn qua,
Người tiên biến mất – khách trông ra:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận,
– Một áng hương tan, khói tỏa mờ.

Chúng ta không cần vất vả lắm cũng tưởng tượng ra được cái cảnh lén lén lút lút của chàng thi sĩ Thế Lữ nhìn trộm tiên nữ tắm. Tim chàng hồi hộp vì sợ bị bắt gặp, tiên nữ sẽ bay đi. Chàng van gió đừng thổi mạnh, chim đừng khúc khích cười. Chàng càng mong im lặng bao nhiêu thì chàng lại thấy không gian càng xôn xao bấy nhiêu với những tiếng yến tiếng oanh, đờn tiên rộn rã khắp tiên cung, hòa cùng với tiếng hạc trên không, tiếng phụng ở dưới tùng. Chẳng biết chàng đã làm gì mà để tiên phải biến mất và làm ngay cả đến mặt nước hồ cũng nghiêm mặt giận chàng. Thôi ta hãy mỉm nụ cười thông cảm với chàng Thế Lữ mà thôi.

Ấy ấy, đừng tưởng chỉ có Thế Lữ được nhìn tiên nữ tắm đâu nhé (tắm thật sự đấy vì xiêm y đã treo ở rặng trúc hết rồi), nhà thơ Xuân Tâm của chúng ta còn may mắn hơn Thế Lữ nữa vì chàng chẳng nhìn có ba cô tiên nữ tắm như Thế Lữ mà chàng Xuân Tâm còn được nhìn cả một đoàn tiên nữ tắm. Ta hãy nghe Xuân Tâm kể:

Đây dòng suối reo cười, đùa lội tắm,
Đoàn tiên nga để lộ tấm thân ngà;
Nước hôn chân, sương thoa phấn mầu da,
Hoa cỏ mởn tranh nhau cài mái tóc.
Cặp ngỗng trắng xinh như bạch ngọc,
Ngẩng cổ nhìn, say đắm đẹp thần tiên.

Chẳng biết ngỗng ngẩng cổ cao hay chàng thi sĩ Xuân Tâm đang ngẩng cổ cao hơn nhỉ?

Trong những người có may mắn gặp tiên nữ này như chàng Thế Lữ, Xuân Tâm, đến ngay cả cụ Tản Đà, cũng chỉ lởn vởn phía “bên ngoài”. Riêng cụ Văn Cao được hưởng cả phía “bên trong” với cái “ái ân thiên tiên” đến quên cả đường về, cũng như có cô em gái đến thăm chàng nhạc sĩ Tô Vũ vào một chiều thêu nắng để “Em đến chơi quên niềm cay đắng. Và quên đường về”, thật tuyệt.

Nói đi thì phải nói lại, không phải ai gặp tiên cũng được “thoả thuê” đâu nhé. Ta hãy nghe nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm than vãn:

Người ở tiên cung vốn lạnh lùng,
Có bao giờ bận với yêu mong.
Mà tôi yêu lắm, tôi mong lắm,
Nàng có bao giờ biết thế không?

Chiều nay nàng đến trong ly rượu,
Tôi uống vơi vơi hết cả nàng.
Tôi uống dè dè từng hớp một,
Sợ mai nàng bận chẳng buồn sang.

Chàng thi sĩ của chúng ta phạm hai lỗi lầm nên chàng đau khổ. Thứ nhất chàng mong được Tiên yêu dù chàng biết Tiên chẳng bận với yêu mong mà các nàng chỉ bận đi “tắm” cho các nhà thi sĩ làm thơ. Thứ hai là chàng say, chàng nhâm nhi hết cả nàng thì nàng làm sao tới được. Đến khi chàng say thì:

Trăng đã lên cao, rượu cạn rồi,
Cả nàng đã đẫm cả hồn tôi.
Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng
Vét chút hương còn ép sát môi.

Nghe câu cuối sao nó nhờn nhợn, nhồn nhột thế nào ấy. Tới đây ta hãy dành cho Xuân Diệu một “khoảng trời thơ” để chàng tâm sự.

Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu lang,
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời

Linh hồn lưu giữa bể du dương.
Tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa;
Những nàng cung nữ ước mơ vua,
Không biết bao giờ nguôi nhớ thương.

Với Hàn Mạc Tử, nàng Hằng nga tiên nữ của chàng còn quyến rũ hơn:

Trong khóm vi lau rào rạt mãi.
Tiếng lòng ai nói sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Không hiểu vì lý do gì, các chàng thi sĩ của chúng ta mỗi khi nói đến Tiên nữ và ngay cả đến Hằng nga, các chàng đều bắt các nàng phải đi tắm, và chỉ đi tắm mà thôi. Cũng như khi các chàng nhạc sĩ nói về người con gái đi lấy chồng thì phải là “con sáo sang sông” hay là “con sáo sổ lồng bay xa”, nhất định phải là con chim sáo chứ không thể là con chim khác được dù là chim oanh, chim yến hay chim phượng hoàng.

Nhân dịp nghe bản “Thiên thai” ta lại lạm bàn đến cảnh giới Thiên cung của những nàng Tiên nữ hơi nhiều. Hình như từ nẫy đến giờ ta lên Tiên giới với lòng trần tục đến nỗi Trịnh Công Sơn đã phải lên tiếng:

Tôi là ai? Tôi là ai? mà còn trần gian thế? (bản nhạc Tôi là ai?)

Thôi để mặc TCS than thở trần tục với trần gian, ta hãy tìm về hình ảnh của một Tiên cảnh thánh thoát hơn, trong sáng hơn với “Tiếng sáo Thiên thai” đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Nay ta hãy tạm để hồn mình dừng chân, ngồi trên phiến đá, mắt nhìn trời xanh, hưởng một chút gió mát để thưởng thức vài tiếng sáo ở chốn Thiên cung cùng nhà thơ Thế Lữ.

Ánh Xuân lướt cỏ xanh tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng mêmh mông là buồn.
Tiên nga tóc xõa bên nguồn,
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao xanh ngắt – ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên ngoài Tiên nga;
Khi cao vút tận mây mờ,
Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không.
Thiên thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc châu buồn tưởng tiếng lòng bay xa.

Thế Lữ mê man thả hồn trong “Tiếng sáo Thiên thai” nơi Tiên cảnh và cũng có lần chàng cũng mê say tiếng sáo trúc nơi trần gian với “Tiếng trúc tuyệt vời” của chàng:

Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời cao ngất,
Mây bay, gió quyến mây bay.
Tiếng vi vu như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.
Ánh chiều thu,
Lướt mặt hồ thu,
Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc,
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô,
Như khua động nỗi nhớ nhung thương tiếc,
Trong lòng người đứng bên hồ.

Âm điệu của bài thơ này nghe như khi bổng khi trầm, uốn lượn theo tiếng sáo trúc. Tiếng sáo thiên thai hay tiếng trúc tre trần tục đều hay như nhau cả, có khác chăng là khác ở nỗi lòng người nghe. Ta cũng nên biết thêm, bài thơ “Tiếng trúc tuyệt vời” đã được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc. Ông sử dụng âm thanh của ca trù (ả đào) vào bản nhạc này rất thành công.

Thôi nếu ta chẳng lên Thiên thai được với nhạc sĩ Văn Cao thì ta hãy theo chân nhạc sĩ Phạm Duy vậy, để cùng nhạc sĩ Phạm Duy xây cái mộng thật bình thường trong bản “Ngậm ngùi” phổ từ thơ Huy Cận:

Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Tay anh đây, em hãy tựa đầu mà ngủ, anh khe khẽ ru lời ca êm ái “ngủ đi em, ngủ đi em”, và để “anh hầu quạt đây”, và để cho anh thấy những đau khổ chín mùi của em rụng rơi (trái sầu rụng rơi). Lắng đọng với thời gian, với không gian, để nghe thấy sự thương đau của người yêu rụng rơi và để cùng đón nhận lấy niềm hoan lạc, êm ả đi vào giấc ngủ êm đềm thì quả thực cái “mộng bình thường” rất trần gian này cũng khó đạt thành, nhưng dẫu sao nó cũng còn ở trong tầm tay của mình.

Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ.
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hay tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Hay quá nhỉ, mỗi chữ, mỗi vần sao nó tha thiết và súc tích làm sao.

Chúng ta đâu cần phải là nhạc sĩ hay thi sĩ. Ta cứ nghe và cứ đọc, chúng ta sẽ rung động với cái rung động của người, vui với cái vui của người, thổn thức với cái thổn thức của người, để rồi hơn thế nữa, ta mượn hình ảnh, âm thanh của người đưa ta tới thế giới riêng biệt đươc xây dựng bởi chính ta. Thế giới của riêng ta ấy có thể còn linh động hơn, xa hơn, cao hơn vì nó được xây dựng bằng nhiều nguồn cảm hứng khác nhau, của nhiều người góp lại.

Cũng có khi ta ngồi nghe bản nhạc đang chơi, tâm hồn ta đã bay xa lắm rồi. Ta bay đi theo cảm xúc riêng của mình, với biết bao nhiêu cái mới xen lẫn với cái cũ của những kỷ niệm xa xưa. Không phải chỉ có âm nhạc và thơ thôi đâu, những cảm xúc đôi khi cũng chợt đến chỉ vì ta bắt gặp một màu sắc, một âm thanh nhỏ hay chát chúa, một tiếng cười hay tiếng khóc … quen thuộc nào đó. Tất cả những gì chung quanh ta đều có thể mang ta đến một thế giới đầy sáng tạo của riêng mình, trong đó kể cả âm thanh của những bản nhạc “tiền chiến”. Chúng đều là phép lạ, là phép mầu thường khi có khả năng đem ta về nguồn hạnh phúc.

Tôi xin được tạm ngưng lời tâm sự ở đây về sự chia sẻ cùng các bạn những cảm xúc mà tôi có được khi nghe vài bản nhạc và thơ “tiền chiến”. Tôi biết đây là một đề tài vô tận vì cảm xúc của chúng ta thì vô biên và những cảm xúc bắt gặp được thường có thể mỗi người một khác. Xin được trở lại dịp sau với những bản nhạc tiêu biểu khác có tính chất lãng mạn trữ tình trong tình yêu lứa đôi và tình yêu nước trong nhạc “tiền chiến”.

Nguyễn Giụ Hùng
Ngày 16/9/2022

Tham Khảo:

“Âm Nhạc Mới Việt Nam – Tiến Trình Và Thành Tựu” của những tác giả gồm: PGS.TS Tú Ngọc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, TS Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (NXB Viện Âm Nhạc, 2000).

Mời nghe vài bản nhạc mang âm hưởng nhạc “Tiền Chiến”:

– Đêm Đông
https://www.youtube.com/watch?v=b7Q0lcEjua8

– Biệt Ly
https://www.youtube.com/watch?v=vypDBOFHJCs

– Cô Lái Đò
https://www.youtube.com/watch?v=VKnDk2y2OZs

– Thiên Thai
https://www.youtube.com/watch?v=ovbBFnOKSLM

– Tống Biệt
https://www.youtube.com/watch?v=eKNnrFsEEik

– Tiếng Sáo Thiên Thai
https://www.youtube.com/watch?v=kg9Tod0YSYo

– Tiếng Thời Gian
https://www.youtube.com/watch?v=hmOZXpOTnuo

– Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa
https://www.youtube.com/watch?v=D6qrgiDiUFE

– Ngậm Ngùi
https://www.youtube.com/watch?v=NK5p-Gp9GUk

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*