Thói Hiếu Chiến Đang Giết Chết Sói Lang Trung Quốc

Hình ảnh ngày càng trở nên “nghèo nàn” của Trung Quốc trên toàn cầu những năm gần đây đang phá hoại các mục tiêu chiến lược mà nước này từng mất vài chục năm để thực hiện.

Ảnh: Feng Li/Getty Images

Bốn năm uy tín tuột dốc không phanh

Từ châu Âu, Bắc Mỹ đến Nam Địa cầu, lòng tin vào Bắc Kinh ngày càng nhanh chóng suy giảm. Trong bốn năm qua, hình ảnh Trung Quốc, vốn được đón nhận tích cực hoặc “tương đối ổn” ở nhiều quốc gia trên thế giới trong hai thập niên trước, đã xấu đi rất nhiều – theo ghi nhận của The Diplomat.

Sự suy giảm này không chỉ xảy ra tại các nền dân chủ hàng đầu như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những nước thường có quan hệ trắc trở với Trung Quốc, mà còn xảy ra tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Đông Âu. Trung Quốc có quan hệ tích cực với các quốc gia ở những khu vực này từ thập niên 1990 đến năm 2010. Nhưng nay, hình ảnh và quyền lực mềm của Bắc Kinh đã đi xuống đáy, bất chấp “Sáng kiến ​​Vành đai-Con đường” và việc chi hàng tỷ đô la cho các chiến dịch tuyên truyền; cũng như một loạt nỗ lực ngoại giao văn hóa, trong đó chương trình tham quan Trung Quốc, và học bổng cho sinh viên theo học tại các đại học Trung Quốc.

Mức độ tiêu cực của hình ảnh Trung Quốc trong thế giới hiện nay được đánh giá là “đáng kinh ngạc”. Một khảo sát năm 2021 của Viện nghiên cứu Pew ở 17 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã kết luận:

“Quan điểm bất lợi về Trung Quốc đang bằng hoặc gần mức cao trong lịch sử. Đa số các nền kinh tế tiên tiến được khảo sát đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc”.

Việc vu khống Mỹ liên quan nguồn gốc coronavirus cũng như chiến dịch “zero-Covid” khiến hình ảnh Trung Quốc đối với thế giới càng trở nên tiêu cực (Ảnh: Stringer/Getty Images)

Thói hiếu chiến đang giết chết con sói Trung Quốc

Hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng bắt nguồn từ sự kết hợp của ngoại giao và kinh tế kém, các nỗ lực vận dụng quyền lực mềm thất bại và mối quan hệ ngày càng tăng với Nga, cùng một số yếu tố khác.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển từ ngoại giao “khiêm nhường” từ thời hậu Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình sang ngoại giao hung hăng và tráo trở. Cách tiếp cận ngoại giao kết hợp với việc sử dụng ngày càng nhiều chiến lược o ép kinh tế đối với các quốc gia và các công ty đa quốc gia trong và ngoài nước, đã khiến Trung Quốc bị nhìn như một nước lớn thiếu khôn ngoan.

Một số dấu hiệu về sự hung hăng đã xuất hiện từ năm 2012–13, nhưng chỉ đến thời Tập Cận Bình, chính sách ngoại giao hiếu chiến công khai mới nở rộ. Từ năm 2010, trong cuộc gặp các lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đưa ra tín hiệu về cách tiếp cận mới mà Bắc Kinh thực hiện sau này.

Ngoại trưởng Vương Nghị – một “đại sói lang” (Ảnh: Kim Min-Hee-Pool/Getty Images)

Phần mình, sau khi củng cố xong quyền lực trong nước, loại bỏ các đối thủ tiềm tàng và chấm dứt cái gọi là “chủ nghĩa độc tài đồng thuận” để chuyển sang “chế độ độc tài một người”; Tập Cận Bình chẳng hề che giấu ý đồ muốn Trung Quốc khôi phục vị thế một cường quốc thống trị khu vực và toàn cầu. Ông Tập công khai cổ vũ dân tộc chủ nghĩa. Với sự dẫn dắt của ông Tập, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau “phát súng thăm dò” của họ Dương.

Dưới thời ông Tập, các nhà ngoại giao ủng hộ đường lối “ngoại giao hung hăng” đều thăng tiến nhanh chóng. Các bộ trưởng và đại sứ giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa và noi gương ông Tập bắt đầu phát tán ra nước ngoài những luận điệu khoa trương, thậm chí hăm dọa.

Năm 2018, như nhà báo Peter Martin ghi lại trong cuốn China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Papua New Guinea, bốn nhà ngoại giao Trung Quốc đã hung hãn xô lính bảo vệ để xộc vào tư dinh Ngoại trưởng Papua New Guinea để gây áp lực và buộc ông thay đổi thông cáo chung của hội nghị, vì trong nội dung có đề cập “các hành vi thương mại quốc tế không công bằng” (ám chỉ Trung Quốc). Họ thành công: Không có thông cáo chung nào được đưa ra!

Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine

Trong suốt đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine bây giờ, giới ngoại giao Trung Quốc tỏ ra táo tợn hơn khi dùng những ngôn từ “chợ búa”“phi ngoại giao” để truyền bá sai lệch về nguồn gốc Covid-19, về phản ứng của Hoa Kỳ đối với đại dịch và nhiều chủ đề khác.

Những tháng gần đây, họ lại tích cực lan truyền những thông tin lệch lạc về cuộc chiến Ukraine để tạo ra hình ảnh có lợi cho Nga. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc luôn khẳng định: Nga mới là nạn nhân thực sự! Rõ ràng, họ đã được chỉ đạo bóp méo, dàn dựng để bảo vệ một thế lực độc tài lớn. Vai trò Trung Quốc trong việc tung những thông tin sai lệch trong cuộc chiến Ukraine là rất lớn.

Trung Quốc cũng ngày càng ranh ma trong việc dùng các biện pháp cưỡng bức kinh tế đối với các quốc gia chỉ trích những chính sách đối ngoại và đối nội của họ. Hàng chục quốc gia và công ty đa quốc gia đã trở thành nạn nhân chỉ vì có ý kiến về các vấn đề mà Bắc Kinh coi là “cấm kỵ” – như Đài Loan, Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương. Úc là một ví dụ rõ nhất. Sau khi bị Úc đòi mở cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc COVID-19 và bị chính phủ của (cựu) Thủ tướng Scott Morrison chỉ trích vi phạm nhân quyền, Trung Quốc đã trả đũa bằng đánh thuế một loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc, gồm cả lúa mạch, gỗ, than.

Chủ nghĩa độc tài lên ngôi, sự cô lập với thế giới, sự tập trung độc đoán vào việc tái cấu trúc nền kinh tế và theo đuổi chính sách “zero-Covid” của Tập Cận Bình để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba và nắm giữ quyền cai trị suốt đời…, nói chung, đang biến Trung Quốc thành một gương mặt phản diện cần phải xa lánh.

Tan nát quyền lực mềm

Ngoài các chương trình hỗ trợ du lịch đến Trung Quốc, học bổng cho sinh viên nước ngoài, các công cụ quyền lực mềm khác của Trung Quốc cũng đang thất bại, sau khi đạt được thành công tương đối trong ba thập niên 1990, 2000 và 2010. Trong suốt thời gian dài, Bắc Kinh cố hiện đại hóa các cơ quan tin tức lớn như Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Tân Hoa Xã, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), China Daily… Lấy Đài truyền hình Al Jazeera của Trung Đông làm hình mẫu, hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc ào ạt thuê nhà báo và phóng viên địa phương tên tuổi từ các hãng truyền thông lớn trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng tăng cường sự hiện diện trên Facebook và các mạng xã hội khác.

Sự phát triển quân đội đi kèm với sự kiêu căng ngổ ngáo đã khiến Bắc Kinh trở thành nhân vật phản diện số một trên sân khấu chính trị thế giới (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đầu thập niên 2010, có vẻ CGTN sắp trở thành đối thủ đáng sợ của các kênh phương Tây như CNN, BBC (ít nhất là ở các khu vực CGTN tập trung nhiều nguồn lực). Tuy nhiên, ngoài Tân Hoa Xã, công cụ quyền lực mềm chính, hầu hết cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đều không đạt được lượng khán giả cao. Sarah Cook của Freedom House, người nghiên cứu sâu truyền thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ, tin rằng số người xem thực tế của CGTN tại Mỹ còn thua xa kênh New Tang Dynasty TV, một đài tiếng Hoa độc lập. Một nghiên cứu toàn diện về CGTN-Español (phát bằng tiếng Tây Ban Nha) của Peilei Ye và Luis A. Albornoz cho thấy lượng khán giả còn thấp. Việc tự kiểm duyệt của CGTN về cuộc chiến Ukraine khiến người xem càng giảm.

Hình ảnh Trung Quốc và lá phiếu cử tri tại các nước dân chủ

Trong các nền dân chủ, từ Cộng hòa Czech, Philippines đến Ý, các chính trị gia không muốn chọc giận cử tri bằng cách xây dựng mối quan hệ chiến lược chặt chẽ với Trung Quốc. Làm thế là tự sát. Lấy ví dụ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người ngay từ đầu nhiệm kỳ đã cố xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và giảm phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, sự hiếu chiến của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo; các thỏa thuận cơ sở hạ tầng lớn bị trì trệ vì Bắc Kinh không bỏ vốn như đã hứa, và sự căm ghét Trung Quốc ngày càng tăng trong công chúng, cuối cùng khiến Duterter phải chùn tay. Nhà phân tích nổi tiếng của Philippines Richard Heydarian cho biết:

“Số người Philippines thích hợp tác hơn là đối đầu Bắc Kinh đã tăng đáng kể từ 43% vào năm 2015 lên đến 67% trong năm 2017. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc đã dẫn đến sự đổi chiều trong dư luận”.

Dĩ nhiên không chỉ ở Philippines. Tại Mỹ chẳng hạn, đố ông nghị nào dám ra tranh cử bằng việc phất cờ ủng hộ Trung Quốc

Lê Tây Sơn
Theo Người Việt Online ngày 24 tháng 7, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*