Hát: Giả Bắc, Tiếng Bắc, Giọng Bắc

Một vở diễn của Nhà Hát Chèo Việt Nam

Lúc còn nhỏ, đi theo bà dì và ông cậu xem cải lương. Tôi đã từng say mê cổ nhạc như say mê tân nhạc. Cùng lứa tuổi, Hương Lan trên sân khấu, dưới ánh đèn, thỏ thẻ điệu ca vọng cổ, xàng xàng, lên cao, rồi xuống xề, khiến cậu bé hả miệng suốt buổi, đêm về mộng mơ. Đó cũng là một lý do tôi yêu thích ca khúc Những Ngày Thơ Mộng của Hoàng Thi Thơ. Đúng làm sao: Tìm đâu những ngày chưa biết yêu? Chỉ thấy, thấy lòng nhớ thương nhiều. Rồi đêm ta nằm mơ, hồn say ta làm thơ. Ngồi ngâm trách lòng ai hững hờ… Hồi đó, tôi bắt đầu làm thơ Lục Bát.

Chất Bắc Và Chất Nam

Nhưng tôi phát hiện sự khác biệt, khi nghe nghệ sĩ Bích Thuận, Bích Sơn … nổi tiếng từ Bắc vào hát cải lương. Họ hát vọng cổ bằng tiếng bắc và thuần túy giọng bắc. Hồi đó, chưa đủ khả năng thẩm định, nhưng khán giả vỗ tay mỗi khi xuống đèn đỏ, tôi cảm thấy không vừa lòng. Sau này, tôi thường ví như ăn món Mắm và Rau của miền Nam với rau muống.

Ra Hà Nội hát Chèo bằng giọng Nam, nếu không phải là hiện tượng ngộ nghĩnh, thì sẽ bị rượt đuổi khỏi sân khấu. Miền Bắc có hát Chèo, miền Nam có Cải Lương, miền Trung có Hát Bộ,  những đặc sản này có lịch sử gắn liền với sở thích dân gian, lòng yêu chuộng của đám đông, vì vậy, có gì khác lạ, ngược ngạo, lập tức bị chê trách, phản đối. Cũng như: Hát tân nhạc “phải” hát bằng “tiếng” Bắc mới hay. Hát vọng cổ “phải” hát bằng “giọng” Nam, mới chỉnh.

Nhưng rồi: “Nhớ chiều nồ em đếnh them anh. Hưa bên đường phố đõa lên đèn…” Nghe âm sắc giọng Quảng trong ca khúc Mưa Chiều Kỷ Niệm (tác giả: Duy Yên & Quốc Kỳ), ca sĩ Ánh Tuyết khiến tôi kinh ngạc, thích thú, ngưỡng mộ. Một lần nữa, tài hoa làm cho cuộc đời đẹp hơn một chút, trước khi nghe:

Hóa ra điều hay, ý đẹp nằm ở nơi tài hoa phát diễn.

Không biết từ bao giờ, ai nói, hầu hết người thưởng ngoạn tân nhạc đều đồng ý: Hát tân nhạc phải hát bằng tiếng Bắc mới đúng, nghe mới hay.

Việc này do thói quen tạo ra sở thích, rồi sở thích xác định quan niệm, rồi quan niệm trở thành điều gì đáng tin tưởng, dùng làm tiêu chuẩn đo lường và đánh giá. Chất Bắc là nơi phát xuất tân nhạc: những nhạc sĩ sáng lập, những nhạc sĩ nổi tiếng, những ca sĩ thành danh đều là người miền Bắc. Họ viết nhạc bằng chất Bắc và hát bằng giọng Bắc. Cái đẹp lộng lẫy của ca khúc tân nhạc, cái hay vượt bậc của tài năng ca hát, đã chiếm ngự tâm tư thưởng ngoạn từ Bắc vào Nam. Chất Bắc, giọng Bắc, tiếng Bắc, nhạc sĩ Bắc, ca sĩ Bắc là hầu hết dòng nhạc Việt Nam. Rồi lẻ loi, nghệ sĩ Trần Văn Trạch xuất hiện trên sân khấu hát giọng Nam, Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Hay. Lạ. Nhưng chưa thể lay động thói quen cũ. Những ca sĩ về sau muốn hát ca khúc, trước tiên phải tập hát bằng tiếng Bắc. Các nhạc sĩ viết nhạc vô tư, theo thói quen, theo ám ảnh, viết bằng chất Bắc. Phải hát, phải viết như vậy mới hay.

Chất Bắc? Tôi muốn nói về cá tính của khối: văn hóa, văn chương, nghệ thuật và ngôn ngữ ở miền Bắc. Phẩm chất của khối vô hình này ăn sâu, nẩy nở trong tâm trí của những người có gốc rễ với miền này.

cai luongSân khấu cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga theo phương châm “thực và đẹp, khác hẳn với hát bội”. Trong hình là tuồng “Tình sử Dương Quý Phi”. (Ảnh: Huỳnh Công Minh/Màn Ảnh Sân Khấu)

Cảm ơn phong trào nhạc dân gian ra đời, hùng mạnh theo lòng người, dưới lá cờ “Nhạc Sến”, bay phất phới bên cạnh Nhạc Vàng, (đa số là nhạc chất Bắc). Những ca sĩ hát giọng miền Nam cũng được yêu chuộng không kém gì Duy Trác, Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc… Tuy họ xuất hiện gần đây, nhưng ảnh hưởng rộng lớn, chứng tỏ lòng thưởng ngoạn có phần đang chuyển hướng. Tiếc thay, biến cố tháng Tư năm 1975 làm gián đoạn phong trào đang rầm rộ. Mặc dù, mang chất Nam giọng Nam sang hải ngoại, nhưng gió ngoại quốc không thổi lá cờ này bay như một thời quá khứ vàng son.

So sánh điều này không có ý phê phán hoặc định giá nhạc nào hay hơn, lối hát nào đúng hơn, chỉ để minh chứng: Tài hoa có khả năng bắt đầu một thói quen mới. Tuy không có thống kê rõ rệt, nhưng số người thưởng thức nhạc bình dân, (đa số là nhạc chất Nam,) nhiều hơn số người thưởng thức nhạc cao cấp. Và dĩ nhiên, không tránh khỏi, người nghe nhạc “cao” thường coi rẻ khả năng thưởng thức nhạc “thấp”, cho dù đứng sát vào nhau, chưa biết ai cao hơn ai. Thói quen coi rẻ những gì chưa biết rõ là thói quen cần thiết phải xét lại.

Lập luận trên cần phải có thời gian, và nhiều tài hoa khác thường cho giới thưởng ngoạn âm nhạc đạt đến mức độ: nghe hát là nghe ca khúc của ai đó qua tiếng hát của một người, duy nhất, lúc đó, trình bày một sản phẩm nghệ thuật duy nhất, cho người nghe duy nhất, lúc đó. Hay hoặc dở chỉ lúc đó và duy nhất. Cho dù ca khúc được thâu băng, phát lại, mỗi lần đều có cảnh tứ khác biệt, tâm tư khác nhau, mỗi lần không giống nhau. Dù là ăn mì gói Ba Con Cua, mỗi lần ăn, trời nóng trời lạnh, ăn lúc buồn lúc vui, ăn với vợ, ăn với cô láng giềng, bạn có thấy khác chăng?

Tiếng Bắc Và Giọng Bắc

Tôi nghĩ, có sự lầm lẫn.

Hát theo tiếng Quảng. Có nghĩa, người hát tập phát âm cho giống người Quảng phát âm. Ví dụ: Một chiều lên đồi em làm thơ (Cỏ Úa, Lam Phương,) phải phát âm: Một chiều lên đầu em làm thơ… mới đúng tiếng Quảng.

Hát theo tiếng Bắc. Có nghĩa, lời hát phải phát âm theo cách đọc của người Bắc, vì tiếng Bắc (Hà Nội xưa) đúng tiêu chuẩn n, ng, c, t,  hỏi, ngã …v…v… chính xác. Người nghe không thể lầm lẫn giữa: gió thổi bạc tóc và gió thổi bạt tóc. Đây là việc học cách phát âm đúng với lợi ích không phát diễn sai ý nghĩa của ca từ.

Nhưng hát theo tiếng Bắc không có nghĩa là hát theo giọng Bắc. Với phong trào Karaoke, trường phái Hát Cho Nhau Nghe, và chủ nghĩa Hát Một Mình Nghe, nhiều người đã nỗ lực hát y hệt người bắc hát, gọi là “giả bắc”. Thậm chí, có cả ca sĩ thành danh cũng hát “giả bắc” như một thông lệ cho vừa lòng người nghe.

“Chất giọng tiếng Bắc” là một tài sản đặc thù của người Bắc. Một thứ tự nhiên kết thành của họ. Họ sinh ra ở miền Bắc, hoặc sinh ra trong gia đình người Bắc, lớn lên, hít thở, nói năng, buồn vui, yêu đương, mất mát, thất vọng, hy vọng, … sống với chất Bắc, tự nhiên, tự động họ sở hữu chất Bắc. Họ sở hữu truyền thống Bắc, lịch sử Bắc, tài hoa Bắc mà những người ở miền khác không thể có trong một thời gian ngắn luyện tập. Ngoại trừ, người đó có khả năng thiên phú về bắt chước. Hầu hết bắt chước hát chất giọng Bắc nghe ra giả. Hễ giả thì tự nhiên khó có cảm xúc thật. Hát mà thiếu cảm xúc vì lo giả, tự nhiên sẽ không đạt được nghệ thuật cao. Nghệ thuật, trước hết, là cảm xúc diễn đạt, bao gồm cảm xúc tâm tình và cảm xúc trí tuệ. Ngược lại, người Bắc có thể hát tiếng Nam, nhưng để thể hiện chất giọng Nam e rằng không có mấy ai? Có ai đã từng nghe người Bắc giả giọng Nam hát cải lương? Còn như dùng giọng bắc để hát vọng cổ thì: Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà!” Hát tiếng Bắc sẽ bị ngậm miệng nghe đứt hơi ở “thọ tiễn”, “vĩnh viễn” vì vần “n”, trong khi hát tiếng Nam sẽ đi luôn một hơi dài biểu diễn (vì thọ tiễng và vĩnh viễng đều không ngắt chữ, mà vẫn hiểu rõ ràng,) rồi kéo dài ở chữ “Thu”, xuống đèn đỏ chữ “Hà”. Vỗ tay đôm đốm.

Bất kỳ là thứ gì “tự nhiên” “giả tự nhiên” luôn luôn có sự khác biệt. Những người tinh ý về “đẹp và hay”, tức là có trình độ nghệ thuật, sẽ nhận ra sự giả. Nhiều thứ trên cõi đời có thể giả, nhưng nghệ thuật không thể giả. Sở dĩ “thật” có giá trị vì “giả” không có giá trị. Nghệ thuật không cần chân thật, mà cần trung thực. Đó là vì sao, quái kiệt Trần Văn Trạch làm hàng ngàn khán giả say mê “Chiều mưa biên giới”.

Nói một cách khác, hát có thể, hoặc theo ý số đông, “nên” hát phát âm theo tiếng Bắc, nhưng đừng giả giọng bắc.

Đúng không?

Đúng.

Hãy so sánh Tuấn Ngọc và Nguyên Khang. Tôi không có ý nói, ai hát hay hơn ai. Tôi chỉ muốn nói, Tuấn Ngọc sinh ra trong gia đình người Bắc, sở hữu tiếng Bắc, chất giọng Bắc, hát hay quá sức. Nguyên Khang sinh ở miền Nam, Hốc Môn thì phải? Khi hát, anh hát rất chuẩn tiếng Bắc nhưng nghe không có chất giọng Bắc. Nói bình dân hơn, anh phát âm chính xác nhưng không bắc rặt. Nghe biết ngay không phải dân bắc. Và Nguyên Khang cũng hát hay quá sức. Lúc khởi đầu bước vào làng nhạc, có thể nhận thấy Nguyên Khang hao hao giống Tuấn Ngọc về nhiều phương diện trong nghệ thuật ca hát. Lúc đó, chàng chưa hay. Nhưng từ khi Nguyên Khang rời bỏ cái bóng Tuấn Ngọc để đi con đường riêng, tìm ra đúng phẩm chất trung thực của Nguyên Khang, chàng đã đạt được nghệ thuật ca hát. Mỗi người mỗi vẻ. Mỗi lần nghe đều tấm tắc.

Kết luận, hát hay theo đám đông hiện nay, là hát tiếng Bắc nhưng không phải hát chất giọng Bắc.

Chưa kể, nếu đào sâu hơn, chất giọng Bắc nghe hay là chất giọng Bắc Hà Nội ngày xưa, như chất giọng bắc của Duy Trác, Mai Hương, Kim Tước, Lệ Thu, Khánh Ly, …v…v.. Không phải phẩm chất giọng bắc nghe lanh lảnh, khắc nghiệt, như kim châm vào màng nhĩ.

Có lẽ vì sự lầm lẫn giữa hát tiếng Bắc và hát giọng Bắc, nôm na là phát âm tiếng bắc và bắt chước âm sắc tiếng bắc, khiến cho một số người lên mi-crô-phone như con két tài tình. Lúc tôi còn lưu lạc, lang thang ở miền Trung, một anh bạn thân người thượng cho tôi con két, anh nói, nó đã lột lưỡi. Nghĩa là có thể học nói. Phòng trọ tôi thuê gần nhà chính của bà chủ. Ngày nào bà cũng mở máy băng lớn, chạy cuốn băng Tứ Quí triền miên. Bà nghe đến nhão dây băng, nhờ vậy, ngày nào con két cũng kêu la bài của Tuấn Ngọc hát:

Yêu là thêm thương đau
với xót xa lệ tình khôn lau
biết nói sao những khi âu sầu
những khi uá nhầu tâm tư.
(Yêu. Văn Phụng)

Nó hát tiếng bắc chính xác, nhưng không phải giọng bắc.

Trong thời kỳ di cư, 1954, sức ảnh hưởng tài năng và trí tuệ của người miền Bắc mang vào Nam không chỉ trên lãnh vực ca hát, mà rõ ràng và sâu rộng hơn trong môi trường văn chương. Võ Phiến, nhà văn hàng đầu của miền Bình Định, cũng là một trong số nhà văn nổi bật suốt thời gian 1965 qua đến hải ngoại, đã từng lập luận, muốn viết văn hay phải viết theo lối văn miền Bắc. Điều này chứng tỏ trong truyện ngắn và các bài viết của Võ Phiến, cú pháp và ngữ pháp rất phong thái Bắc kỳ. Trong khi, cùng thời, nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, chữ nghĩa nổi bật với phong thái Nam kỳ, và nhà văn thế hệ sau Võ Phiến, người Bình Định, Nguyễn Mộng Giác, vẫn được ngưỡng mộ qua văn phong của người miền Trung. Tôi nhắc đến chuyện này để chúng ta thấy được áp lực và ám ảnh của khả năng văn học nghệ thuật từ miền Bắc tràn vào Nam. Hầu hết người thưởng ngoạn chấp nhận tinh thần này dễ dàng và tuân phục trong một thời gian dài đủ để xây dựng thành thói quen truyền xuống nhiều thế hệ, cho đến hiện nay.  Một số ít văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, thoát ra ảnh hưởng này, có lẽ, vì họ hiểu được cá tính của văn chương nghệ thuật bao gồm phần lớn là cá tính của tác giả, của người nghệ sĩ sáng tác hoặc trình diễn.

Rap Nguyen Van HaoRạp Nguyễn Văn Hảo giới thiệu chương trình của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Sài Gòn, đầu xuân 1961. (Ảnh tư liệu của Ngành Mai/Người Việt)

Nhiều người tuy không biết hát, không biết nhạc lý, không biết kỹ thuật thanh nhạc, nhưng trời cho có giọng hát tốt, đôi khi, có giọng hát đặc biệt, hay hơn cả giọng ca sĩ thứ thiệt. Rồi gặp Karaoke như thuyền ra cửa sông, cứ theo chữ mà hát. Hát hoài, hát theo các ca sĩ lớn, hát y hệt. Nhìn hai cái miệng, một trong màn ảnh, một trên con người, nhịp nhàng, mở khép, không khác biệt, không biết ai là người dẫn bài hát. Nghề dạy nghề, tự nhiên hát đúng hơn, hay hơn. Biết nhảy đầm là biết nhịp. Dễ thôi. Keyboard là một nhạc khí điện tử lạ lùng có khả năng bao giàn cả ban nhạc. Nếu gặp phải một nhạc sĩ tài ba điều khiển, keyboard trở thành một dàn nhạc phối khí đáng kính nể. Người hát từ Karaoke lên Hát Cho Nhau Nghe như diều gặp gió. Vấn đề còn lại là hát bắc, hát giả bắc, hoặc hát theo chất giọng của mình với tài năng và cá tính riêng biệt.

Tôi muốn dừng ở đây để phân biệt tài năng và tài hoa. Tài năng hầu hết mọi người đều có, không tài này thì tài kia, nhưng tài hoa ít có người sở hữu. Tài năng cao làm con người giỏi, xuất sắc, nổi bật, tài hoa làm cho tài năng trở thành thứ yếu. Ví dụ, nhiều thi sĩ có tài, làm thơ rất hay, nhưng làm thơ như Bùi Giáng thì phải có tài hoa. Nhiều người hát có tài, ít người hát tài hoa. Tài hoa luôn luôn đến từ trung thực. Khi những ai có ý định giả (trong bất kỳ loại nghệ thuật gì), tài năng giả có thể khiến cho họ nổi tiếng nhưng chỉ có tài hoa mới vượt được thời gian.

Sau khi đọc bài này, mỗi khi đi đến nơi nào nghe hát, bạn có thể nghiền ngẫm, giám định, ai hát bắc, ai giả bắc. Những suy nghĩ âm thầm, nụ cười tủm tỉm, có khi, sẽ làm buổi nghe nhạc thêm thú vị.

Ngu Yên
Theo SGN News ngày 8/7/2022

Nguồn: https://vietbao.com/p301419a312694/hat-gia-bac-tieng-bac-giong-bac-

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*