Nhạc

Hồi trước 75 nhạc miền Nam – Sau này VC gọi là Nhạc Vàng để phân biệt với Nhạc Đỏ (có lẽ theo màu nền Quốc Kỳ, Đỏ của VC và Vàng của Quốc Gia) – được phân chia thành nhiều loại theo thời gian. Dòng nhạc Tiền Chiến sáng tác trước chiến tranh Quốc Cộng từ các tác giả phần lớn ở miền Bắc như Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Nguyễn Văn Tý (Dư Âm), Cung Tiến (Hương Xưa), Đặng Thế Phong (Con Thuyền Không Bến), Ngọc Bích (Trở Về Bến Mơ), Hoàng Giác (Ngày Về).

Loại nhạc này thường được xem là Hoàng Gia, Cung Đình hay Hàn lâm vì tuy hay nhưng không nhiều thính giả thưởng thức mà cũng không lọt tai quần chúng trong các xóm nghèo. Đa số người nghe là dân di cư muốn tìm kiếm lại những phút giây êm đềm thời bình, hoặc thành phần có chút học hành hiểu biết của Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt mấy anh chị lớn thời trung học trở lên.

Tôi có thằng bạn Bắc 54 đàn hay hát giỏi lại đẹp trai, nhờ nó mà tôi nghe Hương Xưa của Cung Tiến chứ dùi đục chấm mắm tôm như tôi thì biết gì về nhạc thính phòng? Cũng nhờ nó tôi thưởng thức thêm (Tôi yêu Tiếng Nước TôiNghìn Trùng Xa Cách của nhạc sĩ “Chống Gậy” thay vì chống cộng Phạm Duy). Tôi không có khiếu văn nghệ nên nghêu ngao cho vui thì đúng hơn là cảm nhận. Lúc đó tuổi mới lớn ngoài học hành thi cử, cuối tuần tụ tập nhau ở nhà đứa nào đó đờn ca hát xướng cho qua thời gian. Toàn con nhà lành ngây thơ chưa biết cũng không muốn biết, không đụng chạm gì tới “Bồ Đà” thuốc cần sa đang rất thịnh hành trong giới trẻ.

Rồi thời kỳ chiến tranh, Nguyễn Văn Tý, Cung Tiến… nhường chỗ cho nhạc lính, Trịnh Công Sơn và một vài tên tuổi mới. Vẫn còn được đi học (trong khi vài đứa đã vào quân trường) chúng tôi biết Ngô Thuỵ Miên với Niệm Phút Cuối, Vũ Thành An (Bài Không Tên – từ số Một, nay nghe nói đã tới số 50!!! -). Vũ Thành An từng nổi tiếng với “Tình Khúc Thứ Nhất” nhưng khi đánh số bài hát như chơi lô tô, và rất rên rỉ thân phận của mấy cô gái nên bị tôi cho vào hóc bà Tó. Còn Ngô Thuỵ Miên tôi thích bài ”Niệm Khúc Cuối” vì dễ hát và có những đoạn xuống giọng xề (sở trường của tôi). Riêng bài “Tuổi Mười Ba” hồi đó tôi đã thấy nó kỳ kỳ khi thỉnh thoảng nghe trên radio nhưng chưa bao giờ hát vì không tiêu hoá nổi tình yêu một con nhóc mười ba tuổi đầu. Bây giờ ở VN và cả nước ngoài hát tầm bậy có khi vào tù không ai thương (như trường hợp thằng hề VN “được” ở tù Mỹ vì tội ấu dâm).

Thời tôi là thời TCS. Nhạc TCS khác hẳn với các tác giả khác cả về lời và tiết tấu. Đặc biệt những bản tình ca lời hát chỉ có thế giới bên kia mới hiểu được. Thành ra thính giả chỉ nên nghe mà không nên hiểu, còn ráng tìm hiểu thì có khi bị tẩu hoả nhập ma vì chính tác giả cũng chẳng biết mình viết gì. [Có người còn cho TCS là phù thuỷ của chữ nghĩa. Thực ra tác giả đoán được thị hiếu thời đại cứ càng âm u tối tăm huyền hoặc càng nhiều người theo cho ra vẻ trí thức. Và TCS đã đoán đúng.]

Thời gian đó một anh (nghe nói là) giáo sư Văn Khoa cũng theo kiểu cách TCS nhưng còn cao hơn một bậc là đòi hiếp dâm mặt trời. Nhân vật này còn trẻ tên Phạm Công Thiện!!!

Không phải nhạc nào của TCS cũng hay, riêng tôi chỉ thích những bài tình ca. Còn nhạc phản chiến nghe chán thấy mẹ!! Sau này người ta trưng nhiều bằng chứng cho thấy TCS là VC 30/4. Bỏ qua quan niệm chính trị, hay nhạc rên rỉ than van chiến tranh về ”Người Con Gái VN Da Vàng…” thỉnh thoảng tôi nghe lại vài bài tình ca của TCS và thấy tim rung nhẹ xúc động. Giống như ”Ông Già Chống Gậy” (không còn chống cộng) Phạm Duy, trừ vài bài theo kiểu ”Em Hỏi Anh… Em Hỏi Anh….” tình ca của Phạm Duy vẫn gây những cảm giác bồi hồi thời đánh giặc.

Tôi gọi đó là nhạc Thời Thượng bước tiếp theo của loại hàn lâm (tại sao có tác giả hàn lâm thường đề cập Paris trong tác phẩm như “Paris có gì lạ không em?” buồn cười những ca sĩ nghiệp dư như thằng bạn tôi cứ tưng tửng ”Paris có gì lạ không em?” trong khi suốt đời nó cứ chui ra chui vô căn nhà nhỏ như cái lỗ mũi bị nghẹt thuộc khu Phan Đình Phùng. Cả hai thằng đều không biết Paris nằm ở đâu trên bản đồ).

Nhạc thời thượng nghĩa là nó thâm nhập mọi ngóc ngách cuộc đời ai cũng thích và hát được, rất khác với Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Tý. Dù không hiểu TCS muốn nói gì “Ngựa Hồng hoang Mỏi Vó Chết Trên Đồi Quê Hương… ” nhưng thằng học trò lớp 9 hay anh sinh viên năm thứ Ba Đại Học Khoa Học vẫn rống lên một cách thoải mái mà không sợ phạt vạ hay bị ném guốc vào mặt. Nếu vừa đờn vừa hát được lại có khi câu dính một em “Tuổi Mười Ba” kháu khỉnh. Nhạc TCS lựa chọn Khánh Ly hát mới lột tả hết chứ để Hùng Cường hay Mai Lệ Huyền hay Phương Hoài Tâm trình bày thì chắc TCS đã chuyển sang từ trần thời tám hoảnh.

Hồi đó đôi song ca Lê Uyên Phương cũng đình đám một thời gian. Đặc biệt giai đoạn này lời hát và sách viết theo loại triết học J.P Sartre, trộn chữ trong nón rồi tùy theo bốc ra chữ nào tác giả sẽ ghép nó lại, càng trừu tượng càng tốt. Một anh bạn khác của tôi đeo kính cận dày như đít chai, tay cầm “Chủ Nghĩa Hiện Sinh” ngồi đồng quán cà phê hòng làm tan chảy trái tim đông đá con gái chủ quán. Kết quả nàng theo ông Đại Uý Hải Quân còn nó ôm cuốn sách Triết (chưa từng đọc qua một chữ) khăn gói vào Đồng Đế vì thi rớt Tú Tài I năm đó.

Học sinh, sinh viên thì khoái đi quán đèn mờ uống cà phê không đường đắng nghét, hút Bastos xanh cho ra vẻ trí thức miễn được em Mai, em Hồng đầu xóm nhìn thấy bố thí cho một nụ cười. Chuyện này có thật: thằng chủ nhà đang nói dóc với anh em, chợt nhìn đồng hồ rồi lật đật chụp lấy cây ghi-ta chạy ra ngoài hiên ngồi đờn tưng tửng, thì ra đó là giờ tan học của trường nữ (dễ thương như vậy mà sau này tốt nghiệp Thủ Đức chưa đầy hai năm bèn dọn về thường trú Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa).

Sài Gòn lúc ấy nhiểu nhương xà ngầu như nồi canh hẹ. VC xuất hiện ở chỗ cao nhất trong chính quyền, ông Phó dung dưỡng bọn Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi (thằng con nít mới lớn bị VC dụ uống nước đường rất hăng say chống Mỹ Ngụy) đối đầu với ông Tổng. Ông Thủ miệng câm như hến theo đúng phong cách ngậm miệng ăn tiền. Sư, Cha xúi tín đồ biểu tình, báo chí đi ăn mày bêu xấu chế độ nghĩa là chỗ nào cũng có tay VC nhúng vào.

Trong nhiểu nhương như vậy thanh niên miền Nam lẳng lặng xếp xó tương lai âm thầm ghi danh nhập ngũ. Đa số ý thức trách nhiệm sĩ phu khi đất nước lâm nguy. Một phần rất nhỏ trốn tránh vì nhiều nguyên cớ riêng tư, nhưng khi thấy VC quá quắt họ tình nguyện vào quân đội và chiến đấu như những con cọp dữ với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cứ nhìn vào các số liệu đầu quân hồi tết Mậu Thân, mặt trận An Lộc, Mùa Hè Đỏ Lửa….

Thời này nhạc Bolero nổi bật trong giới trẻ với những bài tình ca về lính. Coi như thời kỳ nhạc Bình Dân. Nhạc Bình Dân dễ hát có tình tiết, câu chuyện anh chia tay em, em chia tay anh. Gọi là Bình Dân bởi vì chị bán cà phê hay anh sinh viên đại học cũng hiểu được nỗi đau thương trong chiến tranh và sự hy sinh của người lính (thời đó nhà nào không có thân nhân trong quân đội) cho nên họ hát hay không bằng hay hát. Trong ngõ hẻm sâu hun hút hay ngoài tiền đồn miễn có cái radio transistor (vỏ ngoài bằng plastic cứng) do viện trợ Hoa kỳ là ai cũng có thể nghe được những ca sĩ lừng lẫy miền Nam như Duy Khánh, Hoàng Oanh và các Phương (Hồng Hạnh, Hồng Quế…) hát nhạc lính mệt nghỉ. Không hiểu sao nhiều người liệt loại nhạc này là “Nhạc Sến” (có lẽ vì dễ trình bày ai hát cũng được từ chị gánh nước mướn cho tới anh lơ xe đò … Đặc biệt học sinh sinh viên không hát). Thằng nào mà “Đập Vỡ Cây Đàn” hay “Ước Gì Nhà Mình Chung Vách” đều bị chọc là cải lương hay đầu óc có vấn đề (bây giờ giới trẻ Xã Hội Chủ Nghĩa ngoài Bắc rất ghiền loại nhạc này). Riêng học sinh sinh viên thì ”thưởng thức” Ngô Thuỵ Miên, Trịnh Công Sơn… (Không biết sự phân biệt này dựa vào đâu).

Rồi VNCH thua trận, nhạc lính miền Nam cũng chết theo vì bị VC cấm đoán và liệt vào nhạc uỷ mị, phản động. Hát nhạc Vàng có thể bị đi tù dài hạn như ông Toán Xồm ngoài Bắc. Chỉ sau khi CS chịu mở cửa và người trong nước được phép nhận quà thân nhân nước ngoài. Nhạc lính lúc đó từ từ xâm nhập trở lại VN cùng với các nhạc phẩm Đấu Tranh. Nổi tiếng nhất phải nói đến “Một Chút Quà Cho Quê Hương” (Việt Dzũng) bởi vì nó diễn tả thực tế và chính xác tình trạng người miền Nam lúc bấy giờ. Gởi cho em “Chiếc Nhẫn Yêu Thương…” để ”Em bán cho đời tìm đường vượt biên…”. Đây là nhạc phẩm hải ngoại làm đau thấu tận tâm can và tuôn trào nước mắt mỗi lần nghe đến.

Rồi Duy Khánh “về” VN, tất nhiên không phải bằng xương bằng thịt. Ông “Về” qua những tác phẩm viết cho lính ngày xưa. “Sương Trắng Miền Quê Ngoại”, “Lính Nghĩ Gì”, “Cám ơn”, “Đưa Em Vào Hạ”. Tôi thuộc loại khô như ngói nghĩa là không văn nghệ văn gừng, hát Karaoke dưới điểm trung bình, lái xe không bao giờ nghe radio hay CD như lời phê của Chị Đại nhà tôi, thế mà có vài lần ”Người Em Quảng Trị” (Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy dợ Quảng Trị) bắt quả tang tôi đang lắng nghe Duy Khánh qua youtube. Thời trước 75 tự do không ai cấm đoán thì không chịu nghe bây giờ mỗi lời ca mỗi nốt nhạc nó thấm vào từng giọt máu. Không trào nước mắt sao được với những tâm sự như thế này:

Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày
Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá
Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào…”
(Đưa Em Vào Hạ – Trầm Tử Thiêng)

Hay:

“Tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê
Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về
Đêm rừng núi lạnh buốt mái poncho…”

“… Tôi lại nghĩ quê mẹ không phải riêng ai
Không của anh không của em mà của mọi người …”
(Lính Nghĩ Gì – Hoài Linh)

Hoặc:

“…. Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về,
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa….”
(Xuân Này Con Không Về – Trịnh Lâm Ngân)

Cái gì mất, vuột khỏi tầm tay mình rồi cái đó trở thành xót xa của hiếm. Nhạc VNCH tràn đầy hình ảnh người lính gói tương lai vào ba lô ra chiến trường với những tình cảm nhớ nhung rất con người không chỉ làm xúc động thính giả yêu nhạc mà nó cũng khiến trái tim thành phần “Không Thèm Hát” hoặc ”Hát Hay Không bằng Hay Hát” như tôi đập lỗi nhiều nhịp khi nghe lại .

Bây giờ thì nhạc lính tràn ngập Sài Gòn. VC cũng muốn cấm nhưng ngay cả cán bộ cao cấp khi tổ chức đám cưới cho con cũng rềnh rang nhạc lính (có khi họ nghe lén với nhau thì cấm ai?). Người ta cũng không còn dè bỉu nhưng trân trọng nhạc thời xưa. Chửi, nói xấu, dẫm đạp hay khoác lên bên ngoài chiếc áo bẩn thì những nhạc phẩm đó vẫn đáng nghe đáng quý vì diễn tả chân thật tình yêu và chất hào hùng người lính VNCH.

Hấp dẫn, lôi cuốn, êm dịu đánh động vào tình cảm tự nhiên với quê hương, cha mẹ, bạn bè, người yêu. Bởi đó ngày càng có nhiều cán bộ, CA miền Bắc tụ tập nhậu nhẹt trong khi nhạc Bolero xập xình vang lên tiếng ca của những thần tượng miền Nam ngày xưa (Duy Khánh nằm đầu bảng).

Làm sao trách họ được khi quán tính con người vốn thiên về những gì tốt đẹp, chân thiện mỹ. Nếu nhạc lính thời trước 75 không hay, khó lôi cuốn khán thính giả thì nó đã chết từ lâu rồi, đâu phải “phiền” đến sự ra tay trấn áp của CA VC. Thậm chí những anh cuồng tín từng ganh tỵ, lên án và yêu cầu nhà nước phải mạnh mẻ chấm dứt tình trạng nhạc Vàng (Bolero) đang hoạt động tự do trên cả nước (nghĩa là không phải chỉ có “Con cháu Nguỵ quân Nguỵ quyền” mà cả con cháu của bác Hồ CNXH đều hăm hở tham gia) lập tức nhận được nhiều cú lườm nguýt của các đồng chí đảng viên cộng thêm lời chửi rủa ”Đồ Hâm !!!”

Thế nhạc Đỏ thì sao? có bài nào hay, hấp dẫn thính giả?

Hồi sau 75 bọn 30/4 rất xăng xái hoạt động để nâng cao tinh thần Cách Mạng. Nhưng vì không biết phải làm gì nên chúng cứ hì hục dựng sân khấu để ca hát mừng giải phóng (nhờ vậy VC mới bớt pháo kích vào Sài Gòn giết thường dân!!!). Ngày nào nhóm ca sĩ nghiệp dư vô công rỗi nghề cũng rống lên “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Anh Lính Quân Bưu”, “Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tang”. (Gặp M72 thì T54 VC thành xe tang mấy hồi ?), nên dù không muốn mà lời ca cứ chui vào đầu. Rồi còn “Cô Gái Vót Chông” (mới đây một thí sinh hoa hậu VN đã trình diễn bằng đàn Tơ Rưng đưa ban giám khảo trở về thời chống Mỹ cứu nước năm 60-70 khiến nhiều người trong số họ thấy mình trẻ lại vài chục tuổi). Hồi 75 ca sĩ Hà Nội có giọng cao the thé rất khó nghe nên ở điệp khúc:

– Còn giặc Mỹ cọp beo… Còn giặc Mỹ cọp beo…

Tôi lại nghe thành:

– Bọn giặc Mỹ CÒN TEO .. Bọn giặc Mỹ CÒN TEO…

Kinh thật quân đội ta!!! giặc Mỹ mà còn teo …

Mỗi lần văn nghệ quần chúng (ngày nào cũng có) hai bài thường trình diễn là “GPMN” “Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn”. Thật ra chẳng cô gái Sài Gòn nào ngu dại đến nổi xung phong vác đạn cho “giải phóng”, trừ những em khùng như em Võ Thị Sáu (mà em này thì không phải dân Sài Gòn). Nhưng cứ hát riết rồi người nghe sẽ tin nên ai nấy dò chừng xem trong xóm mình có em nào đi tải đạn, khiến mấy chị gánh nước mướn gặp ai nhìn lom lom thì lắc đầu nguầy nguậy:

– Hổng phải tui!!!

Kết luận được là ngoài nội dung đánh giết càng nhiều Mỹ Ngụy càng tốt, hoặc tào lao như chuyện tải đạn thì nhạc Đỏ không hấp dẫn người nghe. Cứ ăn rau rồi ăn măng, cứ vót chông rồi làm cạm bẫy cho tới tận thế kỷ thứ hai mươi mốt nên nhạc Đỏ bị nhạc Bolero (Vàng) bóp cổ chết ngắc!!!

Tuy nhiên một loại nhạc khác cũng phát xuất từ cái nôi XHCN nhưng khiến cho những ai nghe đều bồi hồi cảm xúc, và lấy làm lạ lùng vì hoàn toàn khác với nhạc “Giặc Mỹ Còn Teo”. Tôi nghe lần đầu trong tù từ ca sĩ là một lính Biệt Kích miền Nam. Anh bị bắt tội phản động, âm mưu lật đổ chính quyền. Bài anh hát là dân ca Quan Họ Bắc Ninh “Bèo Dạt Mây Trôi”. Tôi thích điệu nhạc còn lời thì sau khi qua Mỹ rãnh rỗi nghe lại bài hát từ một ca sĩ chính gốc ngoài đó (Hồng Thắm?). Bài hát nói về sự chờ đợi người yêu trở về sau bao nhiêu nhớ nhung mong đợi. Cô ca sĩ thật đẹp và hát thật hay. Lời ca như thế này:

“… Mây trôi chim sa tang tính tình, cá lội
Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ

SAO CHẲNG THẤY ANH….

… Người đi xa có nhớ
Là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời, sao chẳng thấy anh
Sao chẳng thấy anh…”

Nghe đứt từng đoạn ruột!! Hoá ra người con gái miền Bắc cũng trông cũng ngóng người yêu mình đang biệt dạng phương xa, Y NHƯ NHỮNG NGƯỜI CON GÁI MIỀN NAM trong cuộc chiến. Lính miền Nam còn có hậu phương gia đình để trở về thăm viếng sau hành quân.

Còn lính miền Bắc?!!!

Tội nghiệp cho những người đàn bà VN!!!

nguoiviettudo
Tháng 5/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*