Chuyện chỉ mới xảy ra gần đây. Con gái tôi học trường Đại học Swinburne của Úc, chi nhánh tại Sài Gòn. Một lần cuối khóa học Global Citizen (Công dân toàn cầu), giáo viên ra đề tài thảo luận: “Tự do ngôn luận trên mạng xã hội”. Cuộc thảo luận trở thành tranh cãi gay gắt giữa con tôi và các bạn.
Giới trẻ Việt Nam nghĩ như thế nào về tự do ngôn luận?
Con tôi cho rằng tự do ngôn luận là quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm của cá nhân, quyền đã quy định tại Điều 19 Công ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, miễn là không xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác. Quyền tự do ngôn luận cũng đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và không bị hạn chế bởi pháp luật.
Phía bên kia, cả lớp, đều cho rằng quyền tự do ngôn luận phải bị hạn chế, “tự do trong khuôn khổ quy định của pháp luật và không được phép nói xấu lãnh đạo”. Các bạn ấy lấy thí dụ như bà Nguyễn Phương Hằng vì xúc phạm ông Phan Văn Mãi nên bị khởi tố là đúng. Con gái tôi thì cho rằng việc bắt bà Phương Hằng như vậy là không đúng – không phải việc gì nhà nước làm cũng đúng. Con tôi thẳng thắn nêu quan điểm, Điều 331 Bộ Luật hình sự Việt Nam: “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận… xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” là sai, bởi vì nếu người dân có tự do thực sự thì không thể có cái tội “lợi dụng quyền tự do ngôn luận”.
Kết thúc buổi tranh luận, giáo viên người Úc nêu ý kiến đồng ý với quan điểm của TN (con gái tôi). Giáo viên nói: “Ở đất nước chúng tôi, nước Úc, là quốc gia tự do dân chủ, không có cái tội hình sự gọi là “lợi dụng quyền tự do ngôn luận”. Tự do ngôn luận không có hạn chế, khuôn khổ, và người dân có quyền chỉ trích những công chức làm việc trong bộ máy chính quyền, kể cả nguyên thủ quốc gia”.
Qua buổi thảo luận, thấy rằng dù là sinh viên trường đại học quốc tế, tương lai đi du học hoặc làm việc nước ngoài nhưng thanh niên Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ việc nhồi sọ bởi chế độ cộng sản. Họ không ý thức về quyền tự do đúng nghĩa. Bị nhồi sọ suốt 12 năm phổ thông, các em không thể nghĩ khác. Trường đại học quốc tế mới có chương trình thảo luận để các sinh viên nêu ý kiến riêng, còn trong các giảng đường đại học, sinh viên ngồi im như thóc, giảng viên hỏi cũng không ai trả lời và nhất là không ai chấp nhận ý kiến trái chiều.
Cần nói rõ rằng, hệ thống đại học Việt Nam dành ra một năm học trong chương trình bốn năm để giảng dạy chính trị, gồm các môn Triết học Marx-Lenin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam… Trong một buổi học chính trị như thế, cháu tôi đứng lên phản bác mọi lời ca ngợi chế độ của giảng viên, cho rằng Việt Nam không có tự do dân chủ, bằng chứng là người dân không có quyền tự do ngôn luận, không được đi biểu tình… Giữa giảng đường đại học đông hàng trăm sinh viên, giáo viên chỉ tay, bắt cháu tôi ngồi xuống lập tức và không được phép phát biểu ý kiến. Cháu tôi phản ứng: “Thầy không cho em nói chính là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy ngay tại trường đại học này cũng không có tự do dân chủ”. Và rồi cô bé đứng dậy ra khỏi giảng đường.
Những sợi thòng lọng vô hình
Trong trường đại học ở Việt Nam, luôn có tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản hoạt động. Họ quản lý và kiểm soát tư tưởng của sinh viên. Các đoàn viên theo dõi và báo cáo ngay với Đoàn trường mọi biểu hiện tư tưởng “phản động” của sinh viên trong bạn bè, trong lớp, trong khóa học xung quanh họ. Vì thế, không có bất cứ sinh viên nào dám lên tiếng về bất cứ điều gì, ngay cả việc phản ánh những khó khăn phi lý của nhà trường áp đặt lên sinh viên. Phòng hành chánh quản trị của đại học là một thứ “triều đình”. Họ làm việc quan liêu và làm khó sinh viên đủ mọi cách.
Khi các sinh viên nghèo muốn được vay tiền cho chi phí học tập, xin được miễn giảm học phí – đó là chính sách nhà nước quy định trong luật Giáo dục, nhưng phòng hành chánh trường đại học bày ra đủ thứ thủ tục nhiêu khê để làm khó sinh viên. Bao nhiêu thế hệ sinh viên nhập học rồi ra trường, hàng triệu thanh niên im thin thít chịu đựng và chấp nhận, không một ai dám lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải, cho quyền lợi chính mình. Khi con gái tôi viết bài phản đối trên trang confession của nhà trường, admin liên tục xóa bài rồi block con bé ra khỏi confession. Con bé viết lên Facebook cá nhân thì Chi đoàn thanh niên cộng sản nhà trường huy động “bò đỏ” vào tấn công chửi bới nhục mạ. Thậm chí một giảng viên trong trường, chắc là có chân trong đoàn thanh niên hoặc Ban giám hiệu, đã nhục mạ con gái tôi trước giảng đường.
Khi con tôi viết Facebook nói lên những bất công xã hội hoặc những tiêu cực trong nhà trường, ngay lập tức, những đoàn viên thuộc Chi đoàn thanh niên cộng sản của khoa liền theo dõi và viết đơn tố cáo lên Ban giám hiệu đồng thời báo cáo với công an địa phương, mời con gái tôi lên làm việc, răn đe hăm dọa. Họ rất sợ mầm mống tư tưởng chống đối trong sinh viên trường đại học. Trần Hoàng Phúc, Đoàn Kim Khánh là những thủ lĩnh sinh viên của trường đại học có tư tưởng tự do dân chủ đều bị vào tù, án nặng.
Hàng trăm tờ báo chỉ luôn “hát vang tự hào Việt Nam” hoặc “quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực” nhất nhất theo lệnh từ tuyên giáo
Không chỉ những người trẻ non nớt trong trường đại học, ngay cả thanh niên đã ra đời làm việc cũng hèn nhát như thế. Họ luôn bị quản lý, điều khiển bởi nhiều hệ thống khác nhau: Đoàn thanh niên cộng sản, Chi bộ đảng, Ban giám đốc, Liên đoàn lao động và hội (chưa kể các hội đoàn khác như hội nhà báo, hội nhà văn, hội phụ nữ, hội nông dân, hội nghệ sĩ, hội văn học nghệ thuật, hội doanh nhân… ). Hội không phải là nơi bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Trong đất nước cộng sản, hội là nơi “tập hợp quần chúng vào tổ chức chính trị” để kiểm soát chặt chẽ tất cả thành phần dân chúng.
Cá nhân tôi khi viết Facebook phản biện xã hội, Chi đoàn thanh niên cộng sản, Chi bộ đảng tại cơ quan đã tổ chức nhiều cuộc họp răn đe đoàn viên, đảng viên của họ; cấm tất cả không được kết bạn, like, share hoặc comment vào trang Facebook cá nhân của tôi. Họ sợ hãi đến nỗi còn không dám chào hỏi trò chuyện với tôi tại cơ quan. Khi gặp nhau ngoài đường, họ nói rằng “Em rất thích đọc bài của chị, ngày nào em cũng đọc nhưng em không dám like còm gì cả, họ cấm đó chị”. Đó là nói về người hèn nhát nhưng tốt, có chút ý thức về đúng sai phải trái. Còn những thanh niên bị nhồi sọ nặng nề thì trong đầu họ, Đảng-Bác là vô cùng tốt đẹp, cần phải trung thành và biết ơn. Ai đụng đến Bác và Đảng “linh thiêng và vĩ đại” đều trở thành kẻ thù của họ.
Giá mà tôi có thể chửi thề!
Con gái tôi, lúc 17 tuổi học lớp 11, khi tham gia các group học vẽ trên Facebook, vô tình biểu lộ tư tưởng xem thường Bác Hồ, cho rằng Bác “cũng có vợ ở nước ngoài chứ thần thánh gì”. Thế là cả bầy bò đỏ vào đánh hội đồng con bé. Chúng chụp màn hình các câu trao đổi trong group rồi viết đơn tố cáo với nhà trường. Trường căn cứ vào đó, làm vi bằng để đuổi học con tôi. Không những thế, an ninh còn áp lực Sở Giáo dục ra lệnh ngăn các trường tư thục trong thành phố nhận cháu vào học. Họ quyết tâm triệt đường tương lai của đứa trẻ chỉ vì nó nói động đến lãnh tụ. Nói để thấy, ngay cả một đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới cũng sẽ bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận ngay từ trong trứng nước, huống hồ người lớn.
Người trẻ Việt Nam, hầu như không ai có ý thức gì về tự do ngôn luận, tự do cá nhân. Họ có thể lên internet tìm hiểu mọi thứ khoa học kỹ thuật thế giới, nhạc phim Hàn Quốc, diễn viên-ca sĩ Hàn Quốc, vấn đề phân biệt chủng tộc hoặc LGBT, nhưng hầu như không mấy ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam hay chính trị nước nhà. Họ thờ ơ và sợ hãi. Sợ hãi cũng đúng thôi bởi họ mang trên cổ nhiều tròng, từ chi đoàn thanh niên, chi bộ đảng, chính quyền đến là ban giám đốc công ty (mà sếp cũng chính là bí thư đảng); chưa kể công đoàn, tổ dân phố… Cả một mạng lưới bao trùm và thít chặt vào cổ bạn như những sợi dây thòng lọng.
Với những người bày tỏ chính kiến trên Facebook cá nhân, “nhẹ” thì bị rình mò canh chừng, chặn cửa giam lỏng trong nhà không cho ra ngoài, bị ném mắm tôm, chất bẩn, xịt sơn vào nhà, đổ keo vào ống khóa cửa; “nặng” hơn thì đuổi việc, đuổi học, đuổi nhà. Họ truy cùng diệt tận, không có bất cứ công ty nào nhận vào làm, không trường học nào nhận con em bạn vào học, không nhà trọ nào cho bạn thuê nhà, không ai dám chơi chung, liên lạc, giao tiếp với bạn, ngay cả bà con họ hàng cũng tránh né bạn như hủi. Bạn bị tẩy chay khỏi thế giới xung quanh… Nếu “nặng” hơn nữa thì bạn bị “tai nạn” tông xe, bị côn đồ đánh đập vô cớ và cuối cùng là vào tù.
Khi đọc hoặc nghe vài ý kiến của người Việt hải ngoại cho rằng người Việt Nam quốc nội hèn nhát không dám lên tiếng đấu tranh, tôi thấy cay đắng và phẫn nộ. Thử về Việt Nam sống đi, xem có dám lên tiếng không!
Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam ư? Trăm bề khổ nhục!
Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam ư? Giá mà tôi có thể chửi thề!
Thạch Thảo
Theo SGN News ngày 28 tháng 6, 2022
Be the first to comment