Nam Hàn Sẵn Sàng “Chạy Đua Vũ Trang” Với Bắc Hàn

Một người đang đi ngang qua màn hình chiếu bản tin có ghi cảnh thử tên lửa của Bắc Hàn, tại một nhà ga ở Seoul, Nam Hàn vào ngày 5 tháng 6 năm 2022. (Ảnh của AFP)

NAM HÀN SẴN SÀNG “CHẠY ĐUA VŨ TRANG” VỚI BẮC HÀN

Tình trạng bán đảo Triều Tiên đang càng lúc càng căng thẳng, vì Bắc Hàn vào cuối tuần trước lại tiếp tục phóng thử nghiệm 8 hỏa tiễn tầm ngắn, và ngay sau đó, Nam Hàn phối hợp với Hoa Kỳ cũng phóng 8 hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời thực hiện cuộc thao diễn 20 chiến đấu cơ và phổ biến thông cáo nói rằng đây là những hoạt động quân sự “nhằm trả lời sự đe dọa của Bắc Hàn”.

Các bản tin thông tấn trích dẫn video hội thảo trực tuyến giữa Tướng Won In-Choul (Tham Mưu Trưởng quân đội Nam Hàn) với Tướng Paul LaCamera (Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Liên Quân Mỹ–Hàn tại Seoul), qua đó cả hai vị chỉ huy quân sự đều xác nhận Nam Hàn và Mỹ “muốn chứng tỏ có đủ khả năng để đáp trả một cách mau chóng và chính xác bất cứ hành động gây hấn nào của Bắc Hàn”.

Theo nhận định của các quan sát viên thời cuộc thì những sự kiện xảy ra trong ba ngày liên tiếp kể từ cuối tuần rồi cho thấy chiến lược của Hoa Kỳ cùng đồng minh đã bắt đầu chuyển biến sau khi có sự thay đổi về lãnh đạo tại Nhật Bản và Nam Hàn: Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên nắm quyền từ cuối năm 2021, và Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol mới vừa tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10 tháng 5.

Hôm Chủ Nhật 5 tháng 6, từ 9 giờ 8 phút và từ nhiều địa điểm khác nhau, Bắc Hàn phóng ra biển một loạt 8 hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn (short-range ballistic missile – SRBM). Các hỏa tiễn được phóng đi trong vòng 35 phút và bay khoảng 68 đến 416 miles (110 đến 670 cây số) ở cao độ tối đa 15 đến 56 miles (25 đến 80 cây số).

Đây là đợt thử nghiệm vũ khí lần thứ 18 của Bắc Hàn kể từ đầu năm 2022, và việc tiếp tục phóng hỏa tiễn như vậy chẳng những mang tính chất khiêu khích mà rõ ràng còn nhằm trắc nghiệm phản ứng của thế giới. Cũng nên nói thêm, các giới chức Nam Hàn và Hoa Kỳ báo động là Bắc Hàn còn đang chuẩn bị một vụ thử nghiệm nguyên tử lần thứ nhì – sau vụ phóng hỏa tiễn liên lục địa (inter-continental ballistic missile – ICBM) hồi tháng 9 năm 2017 – có thể vì Kim Jong Un nghĩ rằng cần phải chứng tỏ khả năng nguyên tử mới giành được lợi thế để điều đình bãi bỏ các biện pháp chế tài kinh tế khiến đất nước ngày càng kiệt quệ.

Tuy nhiên lần này hành động của Bắc Hàn đã bị trả lời ngay tức khắc.

Trước tiên là Bộ Quốc Phòng Nhật Bản phổ biến thông báo cho biết, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Bắc Hàn phóng 8 hỏa tiễn, Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo phối hợp (joint ballistic missile exercise) “nhằm chứng tỏ khả năng đáp trả mau chóng và quyết tâm đối phó với mọi đe dọa”.

Qua sáng sớm Thứ Hai 6 tháng 6, từ 4 giờ 45 phút, đến lượt Nam Hàn và Mỹ cùng phóng tổng cộng 8 hỏa tiễn địa đối địa (surface-to-surface missile – SSM, hoặc ground-to-ground missile – GGM) vào vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Cả 8 hỏa tiễn này (gồm 7 của Nam Hàn và 1 của Mỹ) được phóng đi chỉ trong vòng 10 phút từ tầu ngầm Dosan Ahn Chang-ho, và được thông cáo báo chí gọi tên chung là “hỏa tiễn chiến thuật” (Army Tactical Missile Systems – ATACMS).

Bản tin thông tấn AP ghi nhận rằng, kể từ năm 2019 khi các cuộc thương thuyết ngoại giao rơi vào bế tắc, Bắc Hàn đã liên tiếp khiêu khích thế giới bằng cách tái tục chương trình thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo, nhưng Nam Hàn dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Moon Jae-in luôn luôn cố gắng kiềm chế, không có bất cứ hành động nào để đáp trả suốt mấy năm vừa qua. Vụ Nam Hàn phóng 8 hỏa tiễn ngày Thứ Hai 6 tháng 6 cho thấy chính sách kiềm chế này đã chấm dứt, bởi vì tân Tổng Thống Yoon Suk Yeol ngay từ lúc tranh cử đã khẳng định quan điểm ngược lại: Chẳng những cần phát triển mà còn cần phải chứng tỏ khả năng quân sự thì mới có thể ngăn chận mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Chính vì vậy nên ngày hôm sau, Thứ Ba 7 tháng 6, Nam Hàn và Mỹ tiếp tục biểu dương khả năng không lực với 20 chiến đấu cơ cùng thực hiện chuyến bay phối hợp – gồm 4 chiến đấu cơ F-16 của Không Quân Mỹ và 16 chiến đấu cơ F-15 K, KF-16 và F-35A của Không Quân Nam Hàn – bay theo đội hình chiến đấu trên vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên.

Chuyến bay phối hợp này diễn ra trong lúc Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đến Seoul để tham dự phiên họp với Thứ Trưởng Ngoại Giao Nam Hàn Cho Hyun-dong và Thứ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Takeo Mori, tiếp theo các phiên họp giữa Đặc Sứ Hoa Kỳ Sung Kim với các giới chức lãnh đạo Nam Hàn nhằm thảo luận chính sách đối phó với Bắc Hàn.

Trong cuộc họp báo sau đó, Thứ Trưởng Wendy Sherman phát biểu: “Bất cứ cuộc thử nghiệm nguyên tử nào cũng đều là sự vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và do đó sẽ bị đáp trả với những biện pháp mau chóng và quyết liệt”. Vẫn theo lời bà Sherman, “tôi tin rằng chẳng riêng gì Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật Bản, mà toàn thể thế giới sẽ cùng áp dụng các biện pháp thích ứng một cách rõ ràng và mạnh mẽ”.

Tưởng cần nói thêm, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự lo ngại về việc Bắc Hàn chuẩn bị vụ thử nghiệm nguyên tử (lần thứ nhì sau 5 năm, kể từ tháng 9 năm 2017). Hội Đồng Điều Hành IAEA hôm Thứ Hai 6 tháng 6 đã triệu tập phiên họp khẩn cấp, và ông chủ tịch Rafael Grossi nói với báo chí là cơ quan này “đang quan sát mọi dấu hiệu” để có thể kịp thời báo động trước khi xảy ra một vụ nổ hạt nhân trên lãnh thổ miền bắc Triều Tiên.

Đặc Sứ Hoa Kỳ Sung Kim cho biết “chính phủ Mỹ đang phối hợp với các đồng minh Á Châu nhằm chuẩn bị đối phó với mọi tình huống”. Tuy nhiên theo giới quan sát thời cuộc thì việc đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với hy vọng thông qua thêm những nghị quyết chế tài sẽ gặp khó khăn. Bằng chứng mới đây nhất là, đáp ứng lời tố cáo của Nam Hàn nói rằng Bắc Hàn trong lúc thử nghiệm các hỏa tiễn tầm ngắn đã lén lút phóng một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 25 tháng 5, Hội Đồng Bảo An đã đưa ra một dự thảo nghị quyết chế tài bổ sung, nhưng bị Nga và Trung Cộng bỏ phiếu phủ quyết. Lập luận của Trung Cộng, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), vẫn là “các nước có liên quan hãy bình tĩnh và kiềm chế, cố gắng tái lập thương thuyết và tránh mọi hành động gây thêm căng thẳng”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, RFI, NPR, EIA.gov ngày 9/6/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*