Hoa Kỳ: Bạo Hành Súng Đạn Là Mối Quan Tâm Hàng Đầu – Giá Xăng Đã Vượt Quá $5/Gallon Ở 13 Tiểu Bang

Sau ba vụ thảm sát kinh hoàng trong ba tuần lễ liên tiếp – ngày 14 tháng 5 (ở Buffalo, New York, khiến 10 người thiệt mạng), ngày 24 tháng 5 (ở Uvalde, Texas, với nạn nhân gồm 19 học sinh tiểu học cùng 2 cô giáo), và ngày 1 tháng 6 (ở Tulsa. Oklahoma, với 4 người bị bắn chết trong bệnh viện) – người dân Mỹ vô cùng lo lắng khi thấy bạo lực súng đạn đang tiếp tục lan tràn khắp nơi. Bằng chứng cụ thể là mới cuối tuần vừa qua, chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ lại có thêm 12 người thiệt mạng và ít nhất 38 người bị thương vì súng đạn ở 24 thành phố trải dài từ miền tây qua miền đông.

Theo tài liệu cập nhật của tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive (gunviolencearchive.org), từ tối Thứ Sáu 3 tháng 6 đến tối Chủ Nhật 5 tháng 6 đã xảy ra hàng loạt tội phạm, đáng chú ý nhất là:

– Vụ bắn giết ở Philadelphia (Pennsylvania) bắt nguồn từ cuộc xung đột trên đường phố downtown, khiến 3 người chết, 12 người bị thương.

– Vụ bắn giết ở Chattanooga (Tennessee) cũng do xung đột bên ngoài một hộp đêm, khiến 2 người chết, 12 người bị thương.

– Vụ bắn giết ở Clarendon (South Carolina) xảy ra khi các hung thủ xả súng bắn vào những người tham dự một buổi party mừng tốt nghiệp trung học, khiến 1 phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng và 7 người bị thương (bao gồm 6 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi).

– Vụ bắn giết ở Saginaw (Michigan) khiến 3 người chết (bao gồm 1 phụ nữ mang thai) và 2 người bị thương.

– Vụ bắn giết ở Bibb County (Georgia) khiến 4 người chết.

– Vụ bắn giết ở Mesa (Arizona) khiến 2 người chết, 2 người bị thương.

– Vụ bắn giết ở Phoenix (Arizona) khiến 1 thiếu nữ 14 tuổi thiệt mạng và 8 người bị thương.

– Hai vụ bắn giết tại tiểu bang Virginia, một ở thành phố Alexandria và một ở thành phố Portsmouth, khiến 1 thanh niên 24 tuổi và 1 người đàn ông chưa rõ lý lịch thiệt mạng.

– Hai vụ bắn giết tại tiểu bang Florida, một ở thành phố Miami và một ở thành phố Westview, khiến 2 người đàn ông thiệt mạng.

Những hành vi tội phạm nêu trên được ghi nhận trong 72 giờ đồng hồ của ba ngày cuối tuần vừa qua. Điều đáng chú ý là mới vừa trước đó, hôm Thứ Năm 2 tháng 6, cả nước Mỹ kỷ niệm “Ngày Ý Thức Về Bạo Lực Súng Đạn” (National Gun Violence Awareness Day), còn được gọi là “Ngày Mặc Áo Màu Cam” (Wear Orange Day) để tưởng nhớ cô nữ sinh 16 tuổi Hadiya Pendleton bị trúng đạn chết trong một công viên ở Chicago năm 2013. Hai năm sau cái chết này, phong trào mặc áo màu cam (màu áo mà những người đi săn thường mặc khi ở trong rừng để tránh bị bắn lầm) bắt đầu được các nam nữ học sinh trên toàn quốc hưởng ứng rộng rãi vào mỗi cuối tuần đầu tiên của tháng 6.

Thế nhưng đúng vào cuối tuần đầu tiên của tháng 6 năm nay lại xảy ra thêm hàng chục vụ bắn giết, đưa tới một làn sóng dư luận sôi nổi, thúc đẩy người dân Mỹ gây áp lực đòi hỏi các nhà lập pháp tại Quốc Hội phải mau chóng cải tổ luật lệ nhằm siết chặt các quy định về việc mua và sở hữu súng đạn. Làn sóng này được thể hiện qua những cuộc biểu tình do nhiều tổ chức phối hợp thực hiện, điển hình là phong trào “March for Our Lives” do học sinh khởi xướng từ năm 2018, và tổ chức “Moms Demand Action” do phụ nữ khởi xướng sau vụ thảm sát Sandy Hook năm 2012, hiện đã phát triển thành mạng lưới ở tất cả 50 tiểu bang.

Mỹ là nước có nhiều súng nhất trên thế giới: Dân số toàn quốc là 330 triệu người nhưng có tới trên 400 triệu khẩu súng các loại. Ngoài số lượng súng của quân đội và cảnh sát, khoảng 393 triệu khẩu súng thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Theo Viện Gallup ước tính, 44% gia đình Mỹ có súng trong nhà. Cơ Quan FBI cho biết chỉ riêng năm 2020 người dân Mỹ đã mua – một cách hợp pháp – gần 40 triệu khẩu súng.

Ai cũng biết súng đạn vốn là vấn đề gây chia rẽ trầm trọng xã hội Mỹ, và rất khó đạt tới một giải pháp đồng thuận giữa hai khuynh hướng đối nghịch: một bên (đa số thuộc đảng Dân Chủ) không ngừng đòi hỏi tăng cường các quy định kiểm soát súng đạn, trong khi bên kia (đa số thuộc đảng Cộng Hòa) quyết liệt bảo vệ quyền sở hữu súng đạn theo Tu Chính Án Số 2 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những sự kiện nóng hổi vừa xảy ra mấy tuần lễ gần đây đang cho thấy một vài dấu hiệu khá thuận lợi đối với phong trào quần chúng đòi siết chặt kiểm soát súng đạn.

LUẬT SÚNG ĐẠN TỪ TIỂU BANG ĐẾN LIÊN BANG

Các bản tin thông tấn ghi nhận, sau hàng loạt vụ bắn giết, nhiều nhà lãnh đạo cấp thành phố và tiểu bang đã đồng loạt lên tiếng, hoặc bày tỏ thái độ, hoặc phản ứng bằng hành động cụ thể để đối phó với tình hình, thí dụ như Thị Trưởng của Phoenix (bà Kate Gallego), Thị Trưởng của Chattanooga (ông Jim Kenney), Thị Trưởng của Philadelphia (ông Tim Kelly) và Thị Trưởng của Chicago (bà Lori Lightfoot) đều đưa ra những lời tuyên bố rất mạnh mẽ để lên án bạo lực súng đạn.

Hôm Thứ Hai 6 tháng 6, Thống Đốc Kathy Hochul của tiểu bang New York ký ban hành 10 đạo luật vừa được Nghị Viện biểu quyết thông qua, nhằm siết chặt các quy định về súng đạn. Bà Hochul tuyên bố trước báo chí: “Chúng ta không thể tiếp tục cuộc sống như thế này. Người dân New York phải đi bước đầu trong cuộc tranh đấu để đi tới mục tiêu chấm dứt bạo lực súng đạn”. Một trong 10 đạo luật này quy định tuổi tối thiểu để mua súng máy (semi-automatic rifle) là 21 tuổi thay vì 18 tuổi. Hai đạo luật khác quy định rằng ngoại trừ các nhân viên công lực, mọi thường dân đều bị cấm không được mua áo chắn đạn (body armor), và các công ty điều hành mạng xã hội ở New York phải công khai hóa chính sách đối phó với những tin nhắn mang nội dung hận thù chủng tộc.

Như vậy là New York đã cùng với 5 tiểu bang khác (Florida, Hawaii, Illinois, Vermont, Washington) đi tiên phong trong việc nâng số tuổi tối thiểu để mua súng trường và súng máy lên thành 21 tuổi.

Nhật báo USA Today ghi nhận thêm về một số tiểu bang mà trong những năm vừa qua đã cải tổ hoặc bổ túc luật súng đạn như sau:

– Connecticut: Sau vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook năm 2012, tiểu bang Connecticut ban hành luật cấm 100 loại súng máy, cấm mua bán những băng đạn cỡ lớn (có thể nạp trên 10 loạt đạn), và quy định kiểm tra lý lịch bất cứ ai nộp đơn mua súng đạn.

– California: Sau khi xảy ra vụ bắn giết ở San Bernardino năm 2015 khiến 14 người chết, tiểu bang California ban hành luật cấm mua bán các loại súng máy bán tự động có gắn thêm băng đạn phụ, kiểm tra lý lịch bất cứ ai nộp đơn mua súng đạn, và quy định những ai tự sản xuất súng ở nhà đều phải khai báo với chính quyền.

– Florida: Sau khi xảy ra vụ bắn giết ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas năm 2018 khiến 17 người chết, tiểu bang Florida ban hành luật nâng số tuổi tối thiểu để mua súng máy lên thành 21 tuổi, cấm mua bán “bump stocks” để cải biến súng máy bán tự động, và quy định kiểm tra lý lịch bất cứ ai nộp đơn mua các loại súng trường.

– Colorado: Sau khi xảy ra vụ bắn giết trong tiệm tạp hóa King Soopers ở Boulder năm 2021 khiến 10 người chết, tiểu bang Colorado ban hành thêm luật để kiểm soát những người từng bị truy tố về tội bạo hành gia đình, đánh đập trẻ em, xâm phạm tình dục, từ việc bị cấm mua súng đạn trong 5 năm cho tới việc tịch thu súng đạn tồn trữ trong nhà. Tuy nhiên Colorado vẫn dành quyền quy định cụ thể cho từng địa phương chứ không có luật chung áp dụng trên toàn tiểu bang.

Ngoài các nỗ lực nói trên nhằm cải tiến luật lệ hạn chế súng đạn ở cấp độ tiểu bang, tin tức cũng ghi nhận những cuộc vận động đang được đẩy mạnh từ phía chính phủ liên bang. Cùng với các nhân vật lãnh đạo đảng Dân Chủ như Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Trưởng Khối Đa Số) và Dân Biểu Nancy Pelosi (Chủ Tịch Hạ Viện), Tổng Thống Joe Biden không ngừng thúc đẩy Quốc Hội biểu quyết các dự luật để kịp thời đối phó với tình hình.

Giữa bối cảnh dư luận toàn quốc đang nóng bỏng với vấn đề kiểm soát súng đạn, Dân Biểu Jerry Nadler (Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện) kêu gọi các thành viên ủy ban gấp rút thông qua 8 dự luật, gọi chung là “Luật Bảo Vệ Con Em Chúng Ta” (Protecting Our Kids Act) để đưa ra biểu quyết trước phiên khoáng đại. Trong khi đó Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi gửi thư đến các đồng viện, nói rằng với tình hình hiện tại, bà hy vọng các nhà lập pháp tại Thượng Viện cũng sẽ đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng để giải quyết vấn đề gai góc này.

Hôm Thứ Tư 8 tháng 6, Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện tổ chức phiên điều trần để các nhà lập pháp và giới truyền thông nghe lời tự sự của một số nhân chứng, đa số là các phụ huynh có con em là nạn nhân vụ thảm sát ngày 24 tháng 5 trong trường tiểu học Robb Elementary ở Uvalde. Nhân chứng gây xúc động nhiều nhất là nữ sinh Miah Cerrillo, 11 tuổi, kể lại rằng em may mắn thoát chết vì nằm dưới thi thể đầy máu me của một bạn học cùng lớp, nhờ vậy mà hung thủ Salvadore Ramos đã không chú ý đến em sau khi y bắn chết 2 cô giáo cùng 19 học sinh lớp bốn.

Buổi chiều Thứ Tư, sau cuộc điều trần, Hạ Viện biểu quyết thông qua 8 dự luật mang tên “Luật Bảo Vệ Con Em Chúng Ta”, với tỷ số 223 phiếu thuận, 204 phiếu chống. Bản tin thông tấn AP ghi nhận rằng dự luật khó có hy vọng được Thượng Viện thông qua, tuy nhiên sẽ giúp các nhà lập pháp đảng Dân Chủ thêm cơ hội để vận động cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây.

Về phía Thượng Viện, từ hôm Thứ Tư 1 tháng 6, một nhóm gồm 9 vị Thượng Nghị Sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã liên tục họp trực tuyến qua Zoom cũng như gặp trực tiếp tại Điện Capitol, với mục tiêu chung là trước ngày Thứ Bảy 11 tháng 6 sẽ đưa ra thảo luận những dự luật nhằm cải tiến luật lệ về súng đạn. Thành phần nhóm này bao gồm 5 Thượng Nghị Sĩ đảng Dân Chủ là ông Chris Murphy (Connecticut), ông Richard Blumenthal (Connecticut), ông Joe Manchin (West Virginia), ông Martin Heinrich (New Mexico) và bà Kyrsten Sinema (Arizona), cùng 4 Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa là ông Pat Toomey (Pennsylvania), ông Lindsey Graham (South Carolina), ông Bill Cassidy (Louisiana) và bà Susan Collins (Maine).

Qua tin nhắn trên mạng xã hội Tweeter, cả Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy và Thượng Nghị Sĩ Susan Collins đều bày tỏ thái độ lạc quan, cho biết các thành viên của nhóm “đã đồng ý về chương trình làm việc” “đang có những bước tiến mau chóng để hình thành một gói dự luật mang tính chất lưỡng đảng, có nhiều triển vọng sẽ được ủng hộ trong cuộc biểu quyết tại phiên khoáng đại Thượng Viện”.

GIÁ XĂNG VƯỢT QUÁ $5/GALLON Ở 13 TIỂU BANG HOA KỲ

Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông vừa đồng loạt loan tin: Giá xăng hôm Thứ Hai 6 tháng 6 đã vượt quá mức trung bình $5 dollars một gallon ở 13 tiểu bang Hoa Kỳ – gồm Alaska, Arizona, California, Hawaii, llinois, Indiana, Maine, Massachusetts, Michigan, Nevada, New Jersey, Oregon, Washington – trong số đó California chiếm kỷ lục với giá xăng trung bình $6.37, nhiều nơi lên tới trên $7/gallon.

Hiệp hội AAA (American Automobile Association) phổ biến thông cáo cho biết giá xăng bắt đầu vọt lên cao kể từ ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, vì có khoảng gần 38 triệu người Mỹ đã đổ xăng đầy bình để đưa gia đình đi chơi xa nhân dịp “long weekend”. Theo phát ngôn viên Andrew Gross dự đoán, ít nhất cũng phải sau kỳ nghỉ lễ Memorial Day những người lái xe mới tính đến chuyện thay đổi lộ trình hàng ngày để tiết kiệm xăng.

Vẫn theo AAA thì ngoài 13 tiểu bang nói trên, giá xăng ở tất cả những tiểu bang còn lại cũng lên tới mức trung bình $4.28 một gallon, tính đến ngày 6 tháng 6.

Chỉ một ngày sau đó, AAA loan báo giá xăng trung bình trên toàn quốc hôm Thứ Ba 7 tháng 6 đã lên tới $4.92 một gallon.

Đầu tuần này, 5 tiểu bang mà giá xăng cao nhất là: California ($6.37), Nevada ($5.49), Hawaii ($5.47), Oregon ($5.41) và Washington ($5.40). Ngoài ra cũng phải kể 9 tiểu bang khác mà giá xăng đang mấp mé mức $5/gallon và chắc chắn sẽ vượt quá mức đó, như Pennsylvania ($4.95). Tại thủ đô Washington D.C. giá xăng trung bình là $5.06/gallon.

Hiệp hội AAA đưa ra một số dữ kiện ảnh hưởng đến giá xăng dầu trên thế giới (kể cả việc Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị cắt đứt nguồn nhập cảng dầu thô từ Nga để chế tài Nga về cuộc chiến Ukraine), và dự đoán rằng với mức cầu tăng mà mức cung lại bị hạn chế, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục lên cao trong những ngày tới.

Một chuyên gia phân tích kinh tế của tổ hợp ngân hàng JPMorgan dự đoán giá xăng trung bình vào đầu tháng 8 sẽ lên tới $6.20/gallon.

Chính phủ Mỹ cũng như các công ty xăng dầu đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình hình. Đài phát thanh NPR trích dẫn lời ông David Holt, chủ tịch Liên Đoàn Năng Lượng (Consumer Energy Alliance) kêu gọi các công ty thuộc liên đoàn gia tăng gấp rút lượng xăng dầu và khí đốt để cung ứng cho người tiêu thụ.

Hồi cuối tháng 3 Tổng Thống Joe Biden loan báo quyết định là trong vòng sáu tháng chính phủ liên bang sẽ giải tỏa mỗi ngày 1 triệu thùng dầu thô từ Kho Dự Trữ Nhiên Liệu Chiến Lược (U.S. Strategic Petroleum Reserve), với hy vọng biện pháp này sẽ giúp giảm giá xăng dầu từ 10 cents đến 35 cents một gallon. Nhưng các chuyên gia trong ngành sản xuất xăng dầu (như ông Scott Sheffield, giám đốc điều hành công ty Pioneer Natural Resources ở Texas) nhận định rằng biện pháp của Tổng Thống Biden chỉ có thể giúp giải quyết vấn đề trong một thời gian ngắn mà thôi.

Cơ Quan Quản Trị Năng Lượng của Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration – EIA) hôm Thứ Sáu 27 tháng 5 phổ biến thông cáo giải thích cặn kẽ các yếu tố cấu thành giá xăng dầu bán lẻ, với một vài điểm chính như sau:

– Giá dầu thô (Brent crude oil) bắt đầu tăng kể từ tháng 4 năm 2020, do yếu tố quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới tăng nhanh hơn mức sản xuất xăng dầu. Nhiều thành viên trong số 13 quốc gia thành viên của Tổ Chức OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) đã không thể gia tăng sản xuất kịp thời để đáp ứng tình hình. Cần ghi nhận thêm rằng giá dầu thô (chưa lọc) hiện nay đã lên tới gần $120 dollars một thùng, có nghĩa là từ đầu năm đến nay đã tăng 54%, và tăng gần gấp đôi thời điểm tháng 8 năm 2021. Cũng đừng quên rằng cứ mỗi thùng dầu thô tăng giá $10 dollars là sẽ ảnh hưởng tới khoảng 25 cents cộng thêm vào giá xăng dầu bán lẻ.

– Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn quốc Hoa Kỳ cũng tăng cao kể từ tháng 4 năm 2020. Trong khi đó, mức độ lọc dầu thô của các cơ xưởng lại giảm xuống, do một số cơ xưởng bị đóng cửa hoặc hoán chuyển. Lượng xăng dầu dự trữ của nước Mỹ hiện nay so với mức trung bình của 5 năm trước (2017–2021) đã sụt giảm 8%.

– Hơn phân nửa lượng dầu thô được lọc tại vùng Vịnh Mexico (Gulf Coast), do đó giá xăng dầu bán lẻ ở các tiểu bang trong vùng này cũng thấp nhất. Ngược lại giá xăng dầu bán lẻ ở các tiểu bang miền Tây (West Coast) luôn luôn cao nhất, do tình trạng thiếu cân bằng giữa cung và cầu, cũng như do vị trí ở xa những nguồn cung ứng bổ sung.

Đài phát thanh NPR trích dẫn một tài liệu khác của Cơ Quan EIA, theo đó nếu tính trung bình, trong năm 2022 mỗi gia đình người Mỹ sẽ phải chi tiêu thêm $450 dollars để đổ xăng chạy xe so với năm 2021. Tuy nhiên EIA nhắc nhở mọi người rằng mức chi tiêu thêm $450 vẫn còn là thấp nếu so với thời điểm năm 2008 khi giá dầu thô lên cao kỷ lục và cả thế giới phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chánh (global financial crisis) nghiêm trọng nhất của đầu thế kỷ 21.

Bản tin CNet trích dẫn lời ông Troy Vincent, một chuyên gia phân tích của tổ hợp DTN (Data Transmission Network and Dataline) tại Minnesota nói rằng, ngoài ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Ukraine, cần ghi nhận thêm một vài yếu tố khác nữa:

– Thứ nhất là, khi tới mùa hè, giá xăng dầu bán lẻ luôn luôn tăng, vì các cây xăng phải cộng thêm từ 7 cents đến 10 cents cho mỗi gallon để bù đắp lượng xăng bị bốc hơi do khí hậu nóng bức.

– Thứ nhì là, suốt gần hai năm trời vừa qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cho hầu hết mọi người phải ở trong nhà nhiều hơn ra đường, do đó nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm hẳn xuống, đưa tới việc các công ty sản xuất xăng dầu bắt buộc phải cắt giảm hoạt động. Nay tuy áp lực của đại dịch đã giảm bớt nhưng không có nghĩa là mọi công ty đều quay trở lại với nhịp độ sản xuất bình thường ngay tức khắc.

Tòa Bạch Ốc không ngừng kêu gọi – thậm chí đe dọa bắt đóng tiền phạt – để thúc đẩy các công ty xăng dầu gia tăng mức độ lọc dầu hầu kịp thời có thêm lượng cung ứng cho người tiêu thụ. Tuy nhiên, chính ông Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Pete Buttigieg cũng phải nhìn nhận rằng các công ty không có bổn phận phải hoạt động theo ý chính phủ liên bang, vì họ có quyền cân nhắc những yếu tố mang lại doanh thu cao nhất cho họ.

Quốc Hội Hoa Kỳ đang soạn thảo một dự luật tạm hoãn thuế xăng dầu ở cấp liên bang, nhưng có thể dự luật sẽ vấp phải những quan điểm chống đối nên khó lòng được thông qua. Trong khi đó một số tiểu bang quyết định đi tiên phong về việc tạm hoãn thuế xăng dầu để giúp người dân bớt phần nào gánh nặng chi phí. 4 tiểu bang đã thực hiện điều này là Connecticut, Maryland, New York, Georgia, và ít nhất 20 tiểu bang khác cũng cho biết sẽ đi tới quyết định tương tự.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, ABC, CBS, NBC, USA Today ngày 9/6/2022