Mỗi ngày hai buổi đi, về sở làm, Quốc phải đi qua ga xe điện ngầm Montparnasse làm trạm trung chuyển. Có một ngày, đường xe điện ngầm về nhà Quốc tạm ngừng hoạt động để sửa chữa, Quốc phải xử dụng đường xe điện ngầm khác trên cùng một ga trung chuyển, nhưng phải mượn lối đi qua hai thảm thang máy khá dài…
Khi vừa qua khỏi thảm thang máy thứ hai vài bước, Quốc thoáng thấy có một người phụ nữ ngồi xin tiền. Một chân bà bị teo nhỏ co quặp lai, ngắn hơn chân kia, một cặp nạng bằng kim loại sáng bóng sạch sẽ nằm hai bên. Bà có vóc dáng của một người Á châu và ánh mắt của bà khiến Quốc cảm nhận như đã nhìn thấy ánh mắt nầy ở một nơi nào đó rất mơ hồ …
Dòng người phía sau Quốc thúc đẩy Quốc tiến về phía trước. Quốc vẫn đi, lòng tự hỏi, tại sao giữa Paris của nước Pháp lúc nầy lại có người khuyết tật ăn xin?
Chính sách an sinh xã hội của Pháp không thể để sự việc như thế nầy xẩy ra, trừ trường hợp người nhập cư bất hợp pháp chưa được chính quyền chấp thuận cho cư trú dài hay ngắn hạn. Người khuyết tật là ưu tiên của chính sách an sinh xã hội Pháp.
Những ngày sau đó, buổi chiều đi làm về, khi bước ra khỏi thảm thang máy thứ hai, Quốc vẫn thấy người đàn bà khuyết tật ngồi ngay tại một địa điểm như những ngày hôm trước, dưới đất, trước mặt là một hộp giấy nhỏ để người hảo tâm bỏ tiền vào. Bà ngồi im lặng, không một lời hỏi xin khách đi ngang qua. Có lúc Quốc nhìn bà, mỉm cười. Quốc định ngừng lại bỏ tiền vào hôp giấy, nhưng một ý nghĩ chợt dến, Quốc tiếp tục đi, Quốc tự nhủ: “Những người như bà nầy được xã hội ưu tiên giúp đỡ, không đến nổi nào phải xin ăn… làm ê mặt nước Pháp quá!”.
Một ngày giữa tuần, sở làm có công việc cần giải quyết gấp, tám giờ tối Quốc mới ra khỏi sở làm. Khi đến cuối thảm thang máy thứ hai, Quốc không nhìn thấy người đàn bà khuyết tật ngồi nơi chỗ cũ. Sau giờ cao điểm trong hành lang ga rất thưa người, Quốc có thể nhìn thấy bà nếu bà đang di chuyển một nơi nào gần đó.
Nhưng khi đến bến xe điện, Quốc thấy người đàn bà khuyết tật đang đứng chờ chuyến xe đến, trên cùng hướng của tuyến đường Quốc xử dụng. Quốc đến bên cạnh bà, cũng vừa lúc xe đến. Quốc đưa tay đẩy nhẹ sau lưng bà bước lên tàu. Một hành động tự phát nhân cách của một nguời trước một đồng loại khuyết tật dù không được yêu cầu.
Xe thưa thớt khách.
Vừa ngồi xuống ghế, người đàn bà khuyết tật xếp hai nạng chung với nhau để qua phiá bên chân bị tật. Quốc ngồi vào ghế đối diện. Bà mỉm cười nhìn Quốc, nói bằng tiếng Pháp:
– Cám ơn ông.
– Thưa bà, không có gì! Quốc trả lời.
Bà nhìn Quốc, hai mắt mở lớn, Quốc vẫn thấy ánh mắt nầy mình đã gặp ở một nơi nào đó. Bà hỏi:
– Nhìn ông, nhận ra ông là người Châu Á, nhưng không biết ông là người nước nào?
– Tôi là người Việt Nam.
Bà cười, giọng cười đầy thiện cảm:
– Tôi cũng là người Việt Nam như ông, tiếc rằng tôi không nói được tiếng Việt, còn ông, ông nói được tiếng Việt không?
Quốc gật đầu:
– Tôi qua đây không lâu lắm nên còn nói được tiếng Việt như người trong nước.
Vẻ mặt bà thoáng suy tư:
– Mình người Việt, không nói được tiếng Việt, cũng thiệt thòi, phải không ông?
Quốc chưa kip trả lời câu hỏi thì loa phát thanh trên tàu điện ngầm thông báo trạm đến để Quốc đổi tàu.
Quốc hỏi:
– Bà xuống trạm nào?
– Tôi sẽ xuống trạm cuối của đường tàu nầy, nhà tôi gần đó.
Đúng lúc, cửa tàu tự động mở, Quốc xuống xe. Khách xuống xe và khách lên xe che khuất tầm nhìn của Quốc đang quay người lại để chào bà.
Ngày hôm sau, đường xe điện ngầm tạm ngừng lưu thông để sửa chữa hoạt động trở lại, Quốc xử dụng đường xe điện ngầm cũ nên không còn gặp, nhìn lại người đàn bà khuyết tật, tuy nhiên lòng Quốc vẫn phân vân:
“Bà ta, người gốc Việt Nam, không biết nói tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Pháp, đi xin tiền giữa thủ đô nước Pháp, không bị người Pháp có lòng tự ái dân tộc pha lẫn bản chất kỳ thị màu da xua đuổi!
Ngay chính bản thân, khi nhìn thấy người đàn bà khuyết tật nầy xin tiền, Quốc cũng cảm thấy khó chịu… bà làm tổn thương đến chính sách an sinh xã hội nước Pháp!“
Quốc nghĩ, không biết có cần thiết gặp lại người đàn bà nầy không? Vì bà là đồng hương cơ cực? Vì sao bà bị tật nguyền như vậy?
* * *
Thời gian trôi qua, Quốc đã không còn nhớ gì đến người đàn bà khuyết tật. Khoảng sáu tháng sau, buổi tối ngồi xem tin tức thời sự của đài truyền hình France 3, một đài địa phương của thủ đô Paris và vùng phụ cận, một bản tin được phát ra với hình ảnh người đàn bà khuyết tật xin tiền trong hầm xe điện ngầm đang trao một phong bì cho một người, cùng lời của người phát tin:
“Hôm nay là năm thứ sáu, bà Thérèse Tran một người tàn tật, đã trao tặng cho hội Chữ Thập Đỏ nước Pháp 5.000 Francs Pháp, số tiền nầy do bà quyên được hàng ngày của khách lai vãng trong những hầm xe điện ngầm của thành phố Paris.
Quý khán thính giả của đài đã từng được xem bảng tường trình bằng hình ảnh công việc của bà trong một chương trình ĐÓNG GÓP CHO TỔ CHỨC NHÂN ĐẠO trước đây trên đài truyền hình của chúng tôi.
Bác sĩ đại diện hội Chữ Thập Đỏ Pháp đang nhận số tiền nầy từ tay bà”
Bản tin tức khích động trí tò mò của Quốc. Ngày hôm sau trên dường từ sở làm trở về nhà, Quốc chọn tuyến đường xe điện ngầm thời gian trước đây đã cùng bà xử dụng chung một chuyến. Khi đi qua khỏi thảm thang máy thứ hai, Quốc nhìn thấy bà vẫn còn ngồi tại chỗ.
Quốc tiến thẳng vào hành lang dường hầm, đến tuyến đường xe điện, cố ý ngồi chờ gặp bà. Gần mười chuyến tàu ngừng cho khách lên xuống rồi tiếp tục chạy… Quốc nhìn thấy bà đang chống nạng xuất hiện đầu đường hầm, Quốc đi nhanh về phía bà ngỏ lời chào.
Bà chào lại và đưa tay bắt tay Quốc. Bà cười rất tươi, nói với Quốc:
– Lần đầu tiên gặp ông cùng trên tuyến xe nầy cũng khá lâu, tưởng là không còn gặp lại ông nữa, Paris có hơn mười tuyến đường xe điện ngầm và hàng vài chục ga trung chuyển, gặp nhau lại trên cùng tuyến xe rất hiếm.
Gặp ông lúc đó, thấy ông lạnh lùng đối diện với một người ăn xin vì đói ăn và tàn tật như tôi. Hôm nay có khác, thấy nét mặt ông tươi vui và còn chờ tôi để trể mấy chuyến xe? Nếu tôi đoán không sai, ông muốn gặp tôi hôm nay vì đêm qua ông đã nhìn và nghe được mẫu tin tức về tôi trên đài truyền hình France 3: một người đàn bà Pháp gốc Việt, tật nguyền ăn xin để làm việc thiện? Và rất tiếc phải để ông chờ… vì tôi có thấy ông đi qua chỗ tôi vừa rồi, giờ nầy ông vẫn còn ở đây?
Quốc cảm thấy bối rối trước những lời khẳng định và nhạy bén của bà, Quốc chưa kịp đáp lời thì chiếc tàu điện ngừng, cửa mở, hành khách lên tàu. Một hành khách lịch sự nhường chỗ cho bà. Quốc đứng bên cạnh và có dịp quan sát khuôn mặt thanh tú của bà, mái tóc đen chen lẫn vài sợi trắng hai bên thái dương.
Cặp mắt của bà có một sức lôi cuốn kỳ lạ, người nhìn cảm thấy như bản thân mình bị thu nhỏ lại như bị hút vào bên trong… cặp mắt mà Quốc đã nhìn thấy một nơi nào đó vào một thời kỳ rất xa, và rất xa. Xe ngừng. Khách xuống, không có khách lên. Quốc ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh bà. Hai người không nói gì với nhau cho đến lúc loa tàu báo tên trạm ngừng sắp tới, bà hỏi Quốc:
– Chắc ông xuống trạm này vì kỳ trước ông đã xuống đây?
Quốc cười, lắc đầu:
– Hôm nay tôi không xuống đây, xin được theo bà để được nghe bà cho nghe chuyện bà đi quyên xin tiền làm từ thiện.
Bà cười, hai tay ôm hai chiếc nạng vào người, nói:
– Ông thấy đó, vừa rồi tôi nói có sai đâu, hôm nay ông đón gặp tôi chỉ vì tin tức về tôi trên đài truyền hình tối hôm qua. Có lẽ trước đây ông không theo dõi tin túc trên truyền hình France 3 nên không biết.
Tàu chạy ồn quá, vậy hãy đợi đến trạm cuối, bên ngoài ga có quán nước, chúng ta đến đó nói chuyện thỏa mái hơn, và đây cũng là người Việt Nam đầu tiên trực tiếp muốn biết chuyện nầy. Mong rằng ông không phải là người của tòa Đại sứ Việt Nam, phỏng vấn, ghi âm lén rồi tráo trở chỉnh sửa, viết lại … Trái với trung thực, rồi họ cho là đài France 3 tuyên truyền, hư cấu, giàn dựng … Chuyện của tôi là chuyện của tôi, chỉ vậy thôi.
Hai người đi vào một quán nước gần kế lối ra của hầm xe điện ngầm. Thời tiết đang vào cuối tháng Tư nhưng vẫn còn se lạnh, bà chọn một bàn bên ngoài quán và nói với Quốc:
– Chắc là hôm nay tôi sẽ về nhà trễ, mẹ tôi sẽ phải đi tìm đón về, ngồi bên ngoài để bà dễ tìm thấy, trời còn lạnh, nếu ngồi bên trong thì ấm hơn. Tôi vẫn có thói quen, những chiều tối không việc gì làm, ở nhà buồn lắm hay ra ngồi đây uống cà phê nhìn người qua lại, về nhà trễ, bà cụ đi tìm đón về… lại nghe những lời trách hàm chứa yêu thương đã trở thành thói quen không bỏ được.
Nhà cũng gần đây nhưng cũng tội cho bà cụ, vào mùa đông, khi có tuyết rơi, bà cũng đội tuyết đi tìm đứa con tàn tật nầy!
Hai tách cà phê được mang đến, bà đưa tay phải lấy viên đường.
Quốc nhìn thấy bàn tay của bà bị co quắp trừ ngón cái và ngón trỏ còn cử động được, ba ngón còn lại áp chặt vào lòng bàn tay. Bà cầm muỗng khuấy tách cà phê nhẹ nhàng và rất bình thường, không vướng víu …
Quốc thấy lòng dâng lên nỗi ái ngại khi vừa khám phá thêm bàn tay của bà, Quốc quên đi ly cà phê của mình….. đến khi cà phê được nhấm nháp rồi để xuống bàn, Quốc đang tìm lời đề vào câu chuyện thì bà nói như để nhắc Quốc:
– Không biết tôi phải gọi ông là gì đây? Còn tên tôi thì ông đã biết rồi, trên đài truyền hình France 3, nay giới thiệu thì quá trễ. Khỏi cần lặp lại phải không ông?
Bà cười vui vẻ, tự nhiên. Quốc nhận ra sự vụng về của mình, ấp úng trả lời:
– Được gặp bà hôm nay, lòng tôi phấn khởi vô cùng, nên quên giới thiệu tên, mong bà thông cảm. Xin bà gọi tôi là Nguyễn … Nguyễn Minh Quốc.
– Việt Nam mình sao nhiều Nguyễn thế! Đi đâu trên xứ Tây nầy cũng gặp Nguyễn.
Bà cười, hai mắt nhíu lại nhìn Quốc, tay bị tật cầm chiếc muỗng gõ nhẹ vào thành miệng tách cà phê. Quốc vui theo cái vui của bà, đề cập thẳng vào chuyện:
– Bà Trần có thể kể cho tôi nghe câu chuyện về trường hợp nào đưa bà vào việc làm “ăn xin” để có tiền giúp cho Hội Từ Thiện?
Bà trầm ngâm một chốc rồi bắt đầu câu chuyện:
– Tôi rời Việt Nam vào năm tôi được sáu tuổi vì lý do thương tật của tôi. Vào thời đó Việt Nam đang có chiến tranh và tôi cũng là một nạn nhân của chiến tranh. Tôi là nạn nhân của chiến tranh, nhưng bị thương tật do bị tra tấn, không phải do bom đạn.
Lúc đó, ba tôi lái xe cho bịnh viện Grall của Pháp ở Sài gòn, trong khi mẹ tôi và tôi sống ở quê nhà, thị trấn Vĩnh điện, miền trung Việt Nam, chỉ cách xa thành phố cổ Hội An không tới mười cây số.
Mẹ tôi có một tủ kính nhỏ buôn bán vòng vàng trong chợ. Buổi sáng tôi theo mẹ ra chợ, buổi chiều tan chợ, theo mẹ về nhà. Buổi tối, thỉnh thoảng mẹ tôi day tôi đọc và tập viết chữ a, b, c, đ. Tôi chưa đến trường, mẹ nói tôi còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi đến trường.
Đêm nằm ngủ với mẹ, tôi nghe có tiếng ì ầm từ xa xa vọng vào nhà, tôi hỏi mẹ đó là tiếng gì thì nghe mẹ thở dài, giọng buồn buồn trả lời:
– Đó là tiếng súng đại bác, chắc là hai bên đang đánh nhau một nơi nào đó, chiến tranh ngày một rộng ra, dân ở quê bắt đầu khổ rồi, buôn bán ế ẩm.
Nói xong, mẹ ôm tôi vào lòng, im lặng, tôi nghe tiếng đập của tim mẹ.
“Rồi một đêm đang ngủ, tôi giật mình thức dậy vì nghe tiếng súng nổ “cắc bùm”,… ”tạch tạch”, tiếng “chéo chéo” của đạn bay… tiếng gà kêu “cục tác” “cục cục” tiếng heo kêu “ụt… ụt”, có tiếng trẻ con khóc ré lên có lẽ vì sợ… rồi có tiếng ai đó nói to: “Chắc mấy Ổng đang đánh úp quận. Ở đâu mà mấy Ổng về tứ bề, đông thiệt là đông!?”.
Mẹ lôi tôi ra khỏi giường, đẩy tôi xuống bên dưới giường, mẹ nằm bên cạnh. Người mẹ tôi run rẩy, tôi cũng run như mẹ.
Trước đấy không lâu, nghe lời khuyên của bạn bè trong chợ, mẹ đã nhờ người ta mua bao cát nhỏ chất quanh giường ngủ thay vì đào hầm để tránh đạn… nay hai mẹ con tôi có chổ nằm để tránh đạn.
Rồi tiếng súng im bặt. Tiếng chân người chạy vội vã, tiếng đập cửa liên hồi, tiếng gọi tên người nầy rồi người khác … tiếng năn nỉ, ấm ức khóc … Lại một tiếng la to: “bắn “… một tiếng súng nổ … tiếng đàn bà con nít khóc ré lên nghe thảm thiết! Mẹ ôm chặt tôi rồi. Mẹ kéo nhẹ tôi ra khỏi gầm giường vừa lúc có tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng chân đá vào cửa rầm rầm …
Có tiếng ra lệnh: “Mở cửa! Mở cửa! Nếu không tuân lệnh, quân Giải phóng sẽ phá cửa … nếu không mở, chống đối, quân Giải phóng sẽ bắn tại chỗ!”
Mẹ khóc, run lẩy bẩy tiến về phía cửa, trả lời lập cập:
– Tôi mở… tôi mở… nhà không có đàn ông, con trai, chỉ có hai mẹ con tôi là đàn bà con gái!
Cửa mở, ánh sáng tràn vào. Tôi nhìn thấy có mấy người ùa vào nhà.
Mẹ tôi co rúm người lại. Những người nầy có mang súng chạy tìm kiếm, lục lạo khắp nơi trong nhà, họ nhìn xuống hầm giường mẹ con tôi ngủ và hét lên: “Có còn ai trốn trong đó không thì ra ngay, bắt được quân Giải phóng sẽ không tha!”
Áo quần họ mặc không giống như áo quần quân lính Quốc gia ở quận. Người mặc quần ngắn, kẻ mặc quần dài, áo tay ngắn, tay dài. Người đi chân không, người mang dép vỏ lốp xe. Đàn ông mang súng, con gái có nguời cầm gậy, có người tay không.
Sau khi lục soát nhà xong, một người trong toán lục soát tiến ra cửa nói lớn:
– Báo cáo đồng chí, đã lục soát xong, không có gì khả nghi.
Một người đi vào. Lưng có đeo một súng ngắn. Tôi nhận ra ngay là anh Kéo vì anh mặc cái quần kaki đen có cái lỗ bị cháy nơi đầu gối.
Cái quần kaki đen nầy ba tôi mua ở Sài gòn tặng anh Kéo nhân dịp về ăn Tết với gia đình hơn một năm trước đây mặc dầu anh đội cái mũ tai bèo che phủ hơn nửa phần mặt. Cái lỗ bị rách của cái quần nơi đầu gối là do anh Kéo tạo ra một phần, một phần do tôi.
Ngày hôm đó mùng bốn Tết, mẹ mở cửa hàng, sau tết nên có không ít người đến mua bán. Anh Kéo làm việc cho tiệm vàng của mẹ. Anh thử vàng thật hay giả, anh làm nhẫn, làm giây chuyền. Hôm đó khách hơi đông, anh Kéo quên tắt lửa ống hàn xì khi anh đang trao đổi chuyện với khách hàng, vô ý, mỏ hàn xì làm quần anh bị cháy thủng một lỗ nơi đầu gối, cái quần kaki đen ba tôi mua tặng mặc dịp tết.
Khi không còn khách hàng, tôi tinh nghịch cho ngón tay trỏ vào cái lỗ bị cháy của ống quần kéo mạnh tay, cái lỗ bị cháy rách rộng ra, anh Kéo không nói gì, chỉ cúi xuống vuốt vuốt chỗ bị thủng rách.
Nhưng tôi bị mẹ phát cho mấy bàn tay vào mông vì cái tội tinh nghịch.
Mặt trời đã mọc. Anh Kéo lôi mẹ vào góc nhà, anh rút khẩu súng đeo bên hông dí vào trán mẹ. Mẹ tựa lưng vào tường, người khụy xuống nhưng đứng vững bằng hai tay chống trên hai đầu gối.
Miệng mẹ hả ra, hai mắt mở to, đầy nước mắt. Anh Kéo hỏi lớn:
– Vàng để đâu, đem hết ra đây đóng góp cho Mặt Trận.
Mẹ ngồi bệt xuống đất, hai tay chấp lại, vừa vái anh Kéo liên hồi vừa chỉ cái bình hoa cắm hoa giấy trên bàn thờ, nói không thành tiếng:
– Có bao nhiêu tôi giấu hết trong cái bình hoa đó, lạy ông, ông lấy hết đi và tha cho hai mẹ con tôi.
Lúc anh Kéo đi đến bàn thờ cầm cái bình hoa lên, vứt những bông hoa giấy rồi trút hết những vòng vàng trong bình xuống mặt bàn thờ, tôi thấy hai mắt anh sáng lên, mặt mất dần vẻ hung ác.
Trong lúc anh Kéo đang lấy những chiếc nhẫn vàng đeo vào những ngón tay, tôi bò đến ngồi bên cạnh mẹ, khóc ấm ức.
Khi anh Kéo lấy hết vàng trên bàn, anh quay lại đứng trước mẹ, lúc nầy mặt anh trở lại hung dữ như trước.
Anh dí mũi súng vào trán mẹ hét lên:
– Vàng còn dấu nơi nào nữa hãy chỉ mau, nếu còn dấu diếm Cách mạng sẽ không tha chết đâu!
Mẹ lại khóc, lại chấp tay vái lạy anh Kéo. Lần nầy mẹ quỳ hai gối, đầu rạp xuống trước chân anh Kéo, mẹ nói đứt từng hơi một:
– Ông biết rồi mà, trước đây ông làm việc với tôi, ông biết tôi chỉ có vốn liếng ba lượng vàng, làm thành mẫu mà bày trong tủ kiếng. Khi bán gần hết tôi phải vào Hội An mua thêm vàng cho đủ số vốn ba lượng. Nay còn bấy nhiêu đã chỉ cho ông rồi đó, ông đã lấy hết rồi, đâu còn mô nữa mà giấu.
Anh Kéo ra dấu tay kêu hai người cùng trong nhóm rồi ra lệnh:
– Hãy trói con mẹ nầy lại hỏi còn vàng giấu đâu, nó ngoan cố, thay mặt chinh quyền Cách mạng bắn bỏ.
Tôi nghe nói bắn chết mẹ, tôi vùng đứng lên chạy đến ôm cánh tay anh Kéo, nước mắt chan hòa, tôi xin anh Kéo tha cho mẹ, đừng bắn mẹ. Anh Kéo vung tay thật mạnh làm tôi té nhào xuống đất. Anh ra lệnh:
– Các đồng chí cột chân con nhỏ nầy lại treo lên sà nhà để xem mẹ nó còn ngoan cố tới đâu, còn giấu vàng mà không chịu khai báo.
Tôi bị hai người đè xuống nền đất, họ cột một chân của tôi rồi kéo lên treo lơ lững giữa nhà. Tôi vùng vẫy, kêu la trong sự đau đớn.
Mẹ nằm co rúm trên nền nhà, dường như sự sợ hãi chen lẫn đau đớn tột cùng làm mẹ mất trí, mẹ lảm nhảm:
– Anh làm cho tôi, anh biết mà, vốn liếng của tôi chỉ có ba lượng làm mẫu cho khách lựa chọn… khi gần hết hàng… phải vào Hội An mua thêm vàng cho đủ ba lượng. Nay anh làm Cách mạng, anh lấy hết rồi, còn đâu nữa mà giấu! Anh tha cho con tôi, nó còn nhỏ, nó có biết gì đâu!
Tôi nghe có tiếng họ nói với nhau:
– Con mẹ nầy còn ngoan cố, không nên tha cho nó, các đồng chí đồng ý không?
– Đồng ý! đồng ý!
Cái chân bị cột của tôi càng lúc càng làm tôi đau thêm. Tiếng đồng ý, đồng ý làm tôi khiếp người. Đến một lúc tôi nghe từ cái chân bị cột căng đến tột cùng, tôi nghe từ khớp xương mông phát ra một âm thanh như một cành cây khô có ai dẫm lên làm gãy, tôi hét lên và không còn nghe biết gì quanh tôi.
Rồi tôi nghe có tiếng gọi nhau, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng súng nổ thưa thớt, tiếng trẻ con gọi cha, gọi mẹ, gọi anh, gọi chị. Tiếng khóc rưng rức âm độ khác nhau trong cả khu xóm. Tôi mở mắt nhìn quanh nhà, duy nhất chỉ còn mẹ đang đứng trên ghế, nâng người tôi lên, với tư thế nầy tôi cảm thấy chân bị trói của tôi bớt đau một chút.
Mẹ tìm cách mở giây đỡ tôi xuống đất không được, mẹ đứng như vậy vừa nâng người tôi, vừa ôm tôi vào ngực, áp mặt vào thân tôi. Hơi thở của mẹ dồn dập, nóng hổi, thổn thức. Toàn thân tôi, tay chân tê lạnh, chỉ có đầu và mặt tôi nóng hừng hực, hai mắt tôi như có những ngôi sao nằm bên trong.
Cả khu xóm lại yên lặng. Tiếng một ai đó nói lớn như muốn cho mọi người cùng nghe:
– Chúng nó rút đi rồi. Lính Quốc gia từ Đà nẵng kéo vô, từ Hội An đổ xuống đông lắm.
Có tiếng vỗ tay rời rạc, có tiếng nói với nhau mang âm hưởng vui mừng và bình tĩnh hơn.
Mẹ thở ra một hơi dài thật mạnh, rồi kêu lớn:
– Bà con ơi, có ai đó cứu con tôi với… không thì nó chết mất. Bà con ơi, xin cứu con tôi!
Tiêng kêu cứu của mẹ như muốn làm vỡ tung ngôi nhà mái tôn. Nhiều người chạy đến, những ông bà lớn tuổi và con nít. Mấy ông mấy bà tìm cách tháo giây trói không được. Họ dùng dao cắt đứt giây, tôi rơi xuống. Mẹ và mấy ông mấy bà cố đỡ tôi cho khỏi rơi xuống đất, nhưng đà rơi và sức nặng của cơ thể tôi đã không giữ lại được giữa những bàn tay.
Tôi rơi xuống nền đất, mẹ ngã trên người tôi vì cố giữ tôi trên tay.
Tôi hét lên… và không còn biết gì nữa!
Chị Thérèse nói tiếp, giọng nhẫn nhục:
Khi tôi tỉnh lại, mẹ đang ngồi bên tôi, mệt mỏi và buồn rầu. Mẹ cười, hai môi như bị méo, để bàn tay lên trán tôi, mẹ hỏi giọng nghẹn ngào:
– Con tỉnh lại rồi, con còn bị đau nhiều không? Con ráng chịu đựng rồi sẽ khỏi, con của mẹ!
Tôi cảm thấy một nửa thân tôi và toàn chân bên trái bị bó cứng, bàn tay bên phải cũng bị bó cứng, tôi không cựa quậy được. Toàn thân tôi còn đau đớn nhưng tôi cảm thấy chịu đựng được nên gật đầu như trả lời cho mẹ tôi rằng không còn đau nhiều, tôi muốn nhìn thấy mẹ an tâm.
Tôi được điều trị thương tật ở bịnh viện Hội An. Chân phải của tôi bị trật xương khớp háng, các mạch máu không dẫn máu đến được nên toàn chân phải bị chết. Bàn tay phải của tôi bị gãy mấy ngón tay, vì khi được cắt giây bị treo trên sà nhà rơi xuống, bàn tay tôi chống đất trước.
Hội đồng bác sĩ của bịnh viện không chấp thuận đề nghị của bác sĩ điều trị cắt một phần chân của tôi vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ba tháng sau, tôi được xuất viện, chân tôi không duỗi thẳng được, vẫn cong, nên tôi phải dùng nạng. Ba ngón tay của bàn tay phải bị gãy, khép vào lòng bàn tay không cử động được. Mẹ bán nhà, hai mẹ con vào Sài gòn sống với ba. Biết được tình trạng thương tật của tôi, bác sĩ người Pháp giám đốc bịnh viện Grall cũng là hội trưởng hội Chữ Thập Đỏ của Pháp tại Việt Nam đã làm thủ tục đưa tôi qua Pháp để được tiếp tục chữa trị. Một gia đình người Pháp không con nhận bảo trợ cho tôi.
Tôi rời Việt Nam năm 1967, vừa đúng 6 tuổi.
Gia đình người Pháp bảo trợ cho tôi, người gốc Bồ đào Nha rất sùng đạo Thiên Chúa. Chồng làm việc cho một hãng bào chế thuốc. Vợ là y tá điều dưỡng của một bịnh viện. Gia đình cư ngụ vùng Bắc thành phố Paris.
Một tuần có hai ngày tôi được xe bịnh viện đón đưa đến trung tâm Phục hồi Chức năng để được săn sóc thương tật. Những ngày còn lại trong tuần tôi cũng đươc xe đưa đón đi học tại một trường dành cho trẻ em khuyết tật.
Mặc dầu được chữa trị bằng phương tiện y khoa tân tiến vào thời đó, thương tật của tôi không trở lại bình thường… và tôi trở thành khuyết tật vĩnh viễn. Gia đình bảo trợ tôi không muốn tôi trở lại Việt Nam, làm thủ tục xin nhận tôi làm con với sự đồng ý của ba mẹ tôi.
Tôi tiếp tục được đi học chữ tại trường cho người khuyết tật đến hết chương trình trung học. Cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, tôi phụ giúp cho chi hội Chữ thập Đỏ địa phương, làm nhiệm vụ tiếp nhận tặng phẩm và tiền bạc của những người hảo tâm đem đến ủng hộ cho hội hoặc đôi khi lập thành nhóm đi lạc quyên ngoài đường phố hay tại các trung tâm thương mại lớn.
Năm 1975, tôi đang chuẩn bị vào trung học đệ nhị cấp thì tại Việt Nam, Cộng sản Miền Bắc đánh chiếm và cai trị Miền Nam.
Ba mẹ tôi được sứ quán Pháp cho phép theo nhân viên người Pháp phục vụ tại bịnh viện Grall qua Pháp tị nạn vì sợ chính quyền mới qui tội làm việc cho ngoại bang. Tôi tiếp tục học hết trung học, vào đại học, rồi ra trường đi dạy. Hai người bảo trợ cũng là cha mẹ nuôi tôi sau nầy lần lượt theo hầu Đức Chúa Trời vì cao tuổi. Ba tôi cũng rời bỏ hai mẹ con tôi sau một cơn bệnh đột ngột vì tim.
Năm đó, tôi 37 tuổi. Mẹ rời bỏ tỉnh, lên Paris sống chung với tôi.
Theo lời trăn trối của ba muốn đem tro cốt về quê nhà, mẹ và tôi quyết định đi về thăm Việt Nam. Sau khi tro cốt của ba được gởi trong chùa ở Hội An và vài ngày thăm viếng bạn bè quen biết, mẹ và tôi trở ra Vĩnh Điện thăm làng xóm cũ.
Tôi không còn ghi nhớ gì nhiều khung cảnh ở đây vì đã rời gần 30 năm trước. Chỉ nghe người thân quen của mẹ nhắc lại chuyện giặc giã 30 năm trước tấn công và chiếm đóng thị xã và tôi là một phần nhỏ trong những tai u xóm cũ lên đường vào Sài gòn trở lại Pháp, mẹ mời vài người thân quen ngày trước cùng buôn bán trong chợ cạnh tủ vàng của mẹ, tham dự một bữa cơm thân mật tại một nhà hàng nhỏ.
Đang lúc ăn và chuyện trò vui vẻ thì bỗng dưng mọi người ngừng nói.
Một ông bác hỏi mẹ:
– Thím Ba có nhận người nầy là ai không?
Ông nhìn về hướng cửa vào nhà hàng ăn. Tôi và mẹ nhìn theo hướng nhìn của ông. Một ông già chống nạng cụt một chân, hai mắt bị mù, được một cô gái có cổ nghiêng qua một bên, mặt hướng lên trời dẫn đi.
Hai người tiến gần đến bàn ăn của chúng tôi. Họ đang đi xin ăn.
Mẹ tôi lắc đầu trả lời bác, nói “không biết”.
– Thằng Kéo mà thím không nhận ra sao, ngày trước nó là thợ làm vàng cho thím đó?
Ông bác nói với mẹ.
Mẹ mở to mắt, miệng hả ra, rồi nhắm mắt lại thở ra, khi nhận ra tên nguời làm hồi truớc. Tôi thấy toàn thân cứng lạnh, sợ hãi khi nhìn lại kẻ đã cột treo mình lên sà nhà để tra khảo mẹ nơi dấu vàng mấy chục năm trước. Ông bác kể:
– “Sau cái năm nó kéo du kích về đánh chiếm Vĩnh Điện mình một đêm, một ngày, thì thị xã được lính Quốc gia chiếm lại bọn nó rút về Gò nổi, bị máy bay Quốc gia dập bom banh càng, nó mất một chân …
Sau chiến tranh, chính quyền mới, CSVN cho nó làm khóm trưởng đâu bên Gò nổi, một đêm tối, sau khi đi vận động nông dân vào họp tác xã nông nghiệp, trên đường về, nó bị mấy người lạ mặt chận lại đánh bị thương nặng, làm mù hai mắt, rồi trói lại bỏ trong ruộng dâu. Đứa con gái dẫn nó đi ăn xin là con của nó, khi sinh ra đã bị tật như vậy.”
Tôi nhìn cô gái, mặt cứ ngữa nhìn lên trời. Tôi chợt nhớ đến cái đêm tôi bị trói, treo lên sà nhà, mặt mẹ lúc nào cũng ngước lên nhìn tôi, đau đớn, sợ hãi và chan hòa nước mắt. Còn cô gái nầy suốt đời phải ngước mặt nhìn trời là tại làm sao vậy? Trần gian nầy đang quá khổ đau nên không dám nhìn xuống? Cầu xin ơn trên tha lỗi cho cha mình đã một thời gieo rắc tang thương cho đồng bào mình? Nếu đúng vậy thì tội tình nầy đã đến với cô một cách bất công và cay nghiệt!
Lòng tôi ái ngại khi nhìn thấy cô.
Ông bác kể tiếp:
– Chính quyền địa phương xếp nó vào diện thương binh liệt sĩ, được trợ cấp, nhưng không đủ sống, dân địa phương xa lánh vì sự tàn bạo nó đã gây ra trước đây, rồi vợ bỏ, để lại đứa con, rồi đi biệt xứ. Hàng ngày hai cha con rời làng vào đây xin ăn.
Khi hai người ăn xin đến gần bàn ăn, mẹ tự nhiên đứng lên vội vàng đi vào nhà vệ sinh. Tôi cũng đứng lên, đi “lọc cọc” theo mẹ. Hai mẹ con đứng yên lặng trong nhà vệ sinh, không trao đổi với nhau một lời, chỉ nhìn nhau … Khi hai mẹ con trở ra lại bàn ăn, hai người ăn xin đã đi qua những bàn thực khách khác.
Bữa cơm thân mật chấm dứt, mọi người chia tay với những chúc lành đẹp nhất. Dưới ánh sáng vàng vọt của những cột điện ven đường, hai người ăn xin đang đi phía trước, dưới những hàng cây khẳng khiu, thưa lá. Khi vượt qua hai người ăn xin, tôi dừng lại, cho tay vào túi xách lấy ra mấy tờ bạc dúi vào tay cô gái rồi theo mẹ băng qua đường một cách vội vàng. Trong đêm tối yên tĩnh, tôi nghe rõ tiếng nạng “cộp… cộp“ của anh Kéo vang lên chen cùng tiếng nạng “cộp… cộp” của tôi nghe buồn da diết.
Trong những ngày chờ đợi chuyến bay về lại Pháp tại Sài gòn, một buổi sáng, mẹ và tôi dùng điểm tâm tại một tiệm phở. Khi hai mẹ con tôi vừa ăn xong thì một người đàn ông không còn chân lết đến bên cạnh nhìn thẳng vào hai mẹ con tôi, đưa một một túi nhựa ra trước mặt, hỏi:
– Hai bà ăn xong rồi, phần dư còn lại không ăn hết, xin cho vào túi nhựa của tôi.
Mẹ e ngại trút phần ăn còn lại của hai tô phở vào túi nhựa với nét mặt đầy xúc động, rồi lặng lẽ lấy mấy tờ bạc để vào tay ông, mẹ nói:
– Chú giữ lấy tiền nầy để mua thêm thứ gì để ăn.
Người đàn ông cầm tiền, cứ chăm chăm nhìn mặt mẹ rồi lết ra bên ngoài tiệm phở. Bên ngoài có một đám con nít, tay xách thùng đánh giày, tay cầm vé số, tay cầm lon xin tiền, tay cầm túi nhựa xin thức ăn thừa, muốn vào tiệm nhưng bị người quản lý ngăn chận.
Khi mẹ vả tôi bước ra khỏi tiệm phở, lũ con nít ùa tới vây quanh, mỗi đứa nói một câu lao nhao, mẹ đưa tay nhẹ nhàng gạt chúng qua một bên để có lối đi cho hai mẹ con.
Giữa lúc đó, từ trong một góc, người ăn xin cụt hai chân lết lần về phía chúng tôi, hỏi lớn:
– Có phải bà là thím Ba ngày xưa có tủ vàng trong chợ Vĩnh Điện không? Cháu nhìn không sai đâu. Hồi đó thím nổi tiếng khu Vĩnh điện, mọi người đều nói như vậy. Mắt thím đẹp, ai cũng biết. Con Chút, con gái của thím cũng có cặp mắt giống thím như vậy. Cô nầy chắc là con Chút ngày xưa, bị mấy thằng trong rừng ra quậy phá phố Vĩnh Điện bắt treo lên khảo vàng nhà thím, làm nó bị thương, phải không thím?
Ông vừa nói vừa chỉ tay vào tôi.
Tôi ngạc nhiên, cố tìm trong trí nhớ người nầy là ai??? Thấy mẹ do dự một lúc rồi gật đầu xác nhận. Mẹ lại hỏi:
– Tôi nay lớn tuổi rồi, trí nhớ không còn như trước, không nhớ chú là ai vậy?
Người ăn xin cụt hai chân nói giọng vui mừng:
– Cháu là con ông Tư Cải cùng xóm với thím đó, cháu là thằng Lự đây. Hồi thằng Kéo đem du kích của nó đánh Vĩnh Điện, nó bắt ông già cháu đi theo vì ông không chịu đóng thuế nông hội cho chúng.
Mấy tháng sau dân chúng vớt được xác ông già cháu nổi trên bến đò Hoa trà. Đêm đó thằng Kéo vào nhà thím treo con Chút lên kèo nhà để khảo vàng, chuyện ấy ai cũng biết!
Mẹ thừ người ra, mặt đượm nét sầu đau. Còn tôi, khi được nghe nhắc đến tên Chút, cái tên mà 30 năm nay không còn ai nhắc đến, đã vào trong quên lãng của mọi người, nay được nghe lại, tôi bồi hồi xúc động.
Ký ức tuổi thơ của tôi chợt thức giấc: Thằng Lự đây sao? Hồi đó hai đứa cùng lũ bạn trong xóm, suốt ngày lêu lỗng ngoài xóm, chơi lò cò, chơi nhảy dây, chơi u, chơi ném lon… thằng Lự khỏe mạnh, thường hay bênh vực tôi mỗi khi bị bọn trẻ khác hiếp đáp!
Tôi đang nghĩ đến ngày xa xưa, thì nghe tiếng mẹ:
– Tại sao cháu ra nông nổi tàn tật như thế nầy?
– Năm 1979, cháu bị bắt vào lính, đưa ra Bắc đánh nhau với Trung quốc, cháu bị thương cụt hai chân. Đời sống khổ lắm thím, nhà nước trợ cấp nhưng sống vẫn thiếu trước hụt sau… người ta quy kết trước đây ông già cháu có tội với cách mạng vì không nộp thuế nông hội, nay mặc dầu cháu hy sinh một phần cơ thể cho đất nước, nhưng cháu phải tiếp tục trả cái nợ trước đây của ông già, vì vậy phần trợ cấp thương binh của cháu bị địa phương cắt giảm không đủ vào đâu nên cháu phải xin ăn.
Tôi nhìn thân thể tật nguyền và teo gầy của Lự, nước mắt ứa ra …
Tôi bước lần đến bên Lự, buông nạng, quỳ một chân trước Lự, nhìn sững Lự rồi bật khóc như ngày nào bị chúng bạn hiếp đáp, khóc to lên để Lự chạy đến bênh vực, che chở.
Tôi nghe từ phía Lự cũng có tiếng nấc lên, thổn thức. Trong làn nước mắt, tôi thấy tôi đang chạy trốn thật nhanh, đàng sau, Lự đứng giang hai tay như người hiệp sĩ ngăn cản lũ cướp là đám con nít đuổi theo sau trong khi hơn thua nhau trong một trò chơi giành giựt nhau của trẻ con.
Tôi im lặng. Lự im lặng. Mẹ nhẹ nhàng kéo tay tôi đứng dậy. Tôi đứng lên. Lự vẫn ngồi bất động. Chung quanh có nhiều người hiếu kỳ đứng lại nhìn chúng tôi.
Mẹ gọi hai xe xích lô, mẹ một chiếc, tôi ngồi chung xe với Lự.
Trên đường dẫn về nhà Lự, tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài những hình ảnh một thời thơ ấu của tôi cuộn chảy về như một dòng sông ký ức.
Tôi nhìn thấy một con bé lúc nào cũng được che chở, được binh vực dù con bé sai quấy, ngay cả khi con bé dó tham lam lấy đồ chơi của người khác làm của mình.
Nhưng rồi cũng có lúc con bé trở nên hung dữ, ném dép và đá sỏi vào Lự vì con bé bị ngăn chận không cho leo lên cây hái mấy trái ổi, sợ bị té. Một viên đá đả làm trán Lự chảy máu, Lự kéo áo lau máu, chạy về nhà. Con bé chạy theo, Lự khép cửa không cho nó vào nhà, Lự giận, con bé ngồi bên ngoài lo sợ cho vết thương của Lự, khóc ấm ức.
…. Kỷ niệm đang trở về, trong vô thức, tôi đưa bàn tay thương tật sờ lên trán Lự, nơi vết thương của ngày nào… Bỗng nhiên Lự cũng đưa một tay lên vỗ nhẹ vào tay tôi đang dặt trên trán Lự.
Lự cười và nói như nói với tôi và như nói với chính mình:
– Sẹo của vết thương đã phai theo thời gian, nhưng kỹ niệm về vết thương vẫn nhớ mãi!
Lự nói, mắt vẫn nhìn về phía trước. Lự đã hiểu lòng tôi khi bàn tay tôi để lên trán Lự để nhớ về tháng năm thơ ấu thân yêu.
Tôi nhìn Lự, ngầm nói lên lời cảm ơn tình bạn thân ái vẫn còn lại với tháng năm.
Lự sống với gia đình em gái trong khu ngã tư Bảy Hiền, nơi dân Quảng Nam, vùng Gò nổi, vốn tiếng tăm với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt Lụa, Thao, Đũi, bỏ xứ vào đây lập nghiệp, tránh chiến tranh ác liệt. Vợ chồng em gái Lự làm nghề vệ sinh, hốt rác trong khu phố, nuôi ba đứa con, thiếu trước hụt sau nên việc ăn uống cá nhân Lự tự giải quyêt.
Lự cần một nơi tránh gió tránh mưa nắng nơi nhà em gái. Tôi rất đau lòng cho cuộc sống của Lự. Có lúc tôi vu vơ nghĩ quanh:
“Cái đêm anh Kéo bắt treo tôi lên sà nhà… Lự lúc đó đang ở đâu mà không xuất hiện cứu tôi?”.
Rồi tôi tự cười mình… 37 tuổi rồi … còn nghĩ đến ngày xưa còn bé!
Tiểu hiệp sĩ ngày xưa oai nghi như một thiên thần, nay thiên thần đã gãy cánh!
Mẹ đồng ý xin hoãn chuyến bay về lại Pháp ba ngày theo đề nghị của tôi. Tôi có thời gian giúp Lự khám sức khỏe toàn diện cũng như đi mua cho Lự một chiếc xe lăn. Mẹ tôi giúp Lự và gia đình em gái Lự một số tiền để xoay sở sinh sống. Có một điều Lự phàn nàn với tôi là tại sao không gọi Kéo là tên Kéo, thằng Kéo mà gọi là anh Kéo, nó là tên ác ôn mà! Tôi trả lời một cách thản nhiên:
– Đó chỉ là thói quen thôi, dù gọi tên Kéo, thằng Kéo hay là gì gì đi nữa thì Kéo vẫn là kẻ độc ác, đáng nguyền rũa.
* * *
Sau chuyến về Việt Nam rồi trở lại Paris, sức khỏe của mẹ bắt đầu sa sút. Cùng lúc trường học giảm tối đa giáo viên giảng dạy vì số lượng học sinh ngày một giảm vì người Pháp không muốn sinh con. Lợi dụng bị thuyên chuyển làm việc xa nhà, thân tàn tật di chuyển khó khăn, tôi xin nghỉ việc để có thời gian lo săn sóc mẹ.
Thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn tiếp tục làm việc thiện nguyện cho Hội Chữ Thập Đỏ. Rồi chiến tranh ở Bắc Phi, chiến tranh ở Trung đông liên tiếp xẩy ra, tôi có dịp theo Hội cứu giúp trong các trại tỵ nạn nơi xẩy ra chiến cuộc. Sự tàn phá, chết chóc do chiến tranh tạo ra gây cho tôi kiệt lực.
Người ta nhân danh chiến tranh để giải phóng con người ra khỏi đói nghèo và áp bức, nhưng sau chiến tranh, đói nghèo và áp bức càng gia tăng do hậu quả cuộc chiến để lại và lòng tham muốn quyền lực chiếm đoạt và sự trả thù của bên thắng cuộc đối với kẻ thua cuộc.
Cường độ của độc ác, bóc lột, đói nghèo gia tăng thì lòng nhân đạo giúp đỡ nhau đi xuống.
Chiến-tranh ở Việt Nam có “Kéo” ác-độc chủ động tham dự, “Lự“ bị cưỡng bách, có “Chút” là tôi, một thường dân vô tội, thì các nạn nhân chiến tranh ở Trung đông, Bắc Phi cũng không khác. Tôi nói lòng nhân đạo đi xuống là muốn nói lòng nhân đạo tự nguyện đối với nạn nhân của mọi biến cố xa gần, trực tiếp hay gián tiếp đã trở nên cằn cỗi… nên một số anh chị em trong Hội tự chọn cho mình một phương cách hữu hiệu, an toàn để tạo thêm nguồn tài chánh cho trung ương, và tôi đã chọn là mỗi tuần tôi để ra ba buổi chiều xin tiền trong hầm xe điện ngầm.
Lúc đầu chuyện không đơn giản, vì anh chị em trong nhóm thấy quyết định của tôi có vẻ sẽ gây bất mãn và gây dị nghị cho tổ chức, nhưng tôi đã thuyết phục được họ vì tôi làm không nhân danh Hội, chỉ có tính cách cá nhân. Những tuần lễ đầu tiên, khách qua lại trong đường hầm xe điện ngầm ném cho tôi những cái nhíu mày tỏ vẻ bực bội.
Tôi biết, một người khuyết tật ở xứ Pháp nầy sẽ được xã hội bảo bọc chu toàn nên xin ăn là điều sĩ nhục cho đất nước Pháp. Tôi để hộp xin tiền trước mặt, ngồi im, hai mắt nhắm lại. Một ngày qua đi, ba ngày trong tuần qua đi, không có một xu nào được ném vào hộp.
Qua tuần lễ thứ hai, lác đác tôi nghe có tiếng tiền kim loại được ném vào hộp … Rồi một tuần sau đó, niềm vui và tin tưởng đến với tôi.
Một nhóm học trò cũ của tôi được cô thầy giáo hướng dẫn du hành nghiên cứu thực tế bên ngoài xã-hội để áp dụng cho một chương trình học trong lớp đi ngang qua chỗ tôi ngồi xin.
Có lẽ do sự giải thích của cô thầy giáo đồng nghiệp cũ của tôi về việc làm của tôi nên các em vây quanh tôi vỗ tay reo hò, nhiều em bỏ tiền vào hộp. Có em giải thích việc làm của tôi với khách qua lại dừng chân vì hiếu kỳ, họ cũng bỏ tiền vào hộp. Hôm đó, lần đầu tiên trong những ngày bắt đầu xin tiền, tôi nhận được khá nhiều tiền, lòng thật vui, đầy phấn khởi.
Cũng có lẽ sau ngày hôm đó, những cái nhìn của khách qua lại ném cho có nhiều thiện cảm hơn, có khách dừng chân, nhẹ nhàng bỏ những tờ giấy bạc hay những đồng tiền bằng kim loại vào hộp, không quên kèm thêm một nụ cười.
Hạnh phúc nhất đến với tôi là sau một năm thực hiên việc xin tiền, đài truyền hình France 3 đưa tin tức công việc của tôi cho mọi người biết.
Có một câu hỏi mà câu trả lời tôi thích nhất từ đó cho tới nay.
Người ta hỏi:
– Bà là người Pháp, gốc Việt Nam, có phải việc làm của bà nhằm mục đích có tiền góp cho hội Chữ Thập Đỏ dành riêng giúp cho những nhu cầu cần thiết hàn gắn những vết thương do thiên tai tạo ra bên Việt Nam?
– Thưa không phải là như vậy. Việc tôi làm là để đóng góp tài chánh cho hội Chữ Thập Đỏ. Sự đóng góp của tôi không bằng một hạt cát trong đại dương mênh mông. Việc phân phối giúp đỡ theo nhu cầu ở một nơi nào đó là do Hội nghiên cứu và quyết định.
Hội Chữ Thập Đỏ làm việc cho toàn thế giới, không riêng cho một nước nào. Ngay tại nước Pháp của chúng ta, cũng có những lúc, có những nơi cần có sự góp sức của hội Chữ Thập Đỏ.
* * *
Tôi nhấp cạn phần còn lại của tách cà-phê, lòng cảm thấy nhói vì câu chuyện…..
Nguồn: http://chinhnghiavietnamconghoa.com/nguoi-phu-nu-viet-nam-an-xin-o-paris/
Truyện rất hay. Xin cho biết tác giả của truyện này là ai