Việt Nam: Năm Hổ Đi Tìm ‘Hoa Hậu Hổ’ Mà Chỉ Thấy ‘Đàn Hổ Chết Cười’

Tượng hổ ở các tỉnh thành Việt Nam – Tết Nhâm Dần 2022. (Ảnh của FB)

Con giáp cung cấp một chủ đề đỡ phải nghĩ cho các tiểu cảnh trang trí đô thị mỗi dịp Tết đến.

Đồng thời cũng trên tinh thần đỡ phải nghĩ, nhiều địa phương giao luôn công việc sáng tạo này cho các tay “thợ đụng” tạo nên những thành phẩm gây cười ngoài ý muốn. Đặc biệt con giáp năm nay có vẻ không hề là một đầu bài dễ xơi.

Rõ ràng một số chủ đầu tư kiêm thẩm định không nhận thấy thành phẩm mình bày ra thực sự xấu cho đến khi hình ảnh của chúng được tung lên mạng làm dân tình cười lăn cười bò.

Năm nay hổ Bạc Liêu vừa mở hàng đã hứa hẹn một mùa hổ chết cười. Đàn hổ ngự trước khu hành chính tỉnh Bạc Liêu có vẻ muốn học theo phong cách “hờn cả thế giới” của hổ Đài Loan nhưng không tới. Hơn nữa, chúng được làm cho gầy hẳn đi kèm cặp mắt gián nhấm khiến cho vẻ khó ở càng khó tả.

Hổ Bạc LiêuHổ Bạc Liêu. (Ảnh của FB)

Sau khi đem lại tiếng cười cho khắp cõi mạng, bầy hổ đã được tút tát lại cho dữ dằn hơn bằng cách điểm nhãn, gắn nanh và thêm vằn.

Kết quả được báo chí mô tả: bớt phần dễ thương, chuyển từ hờn dỗi sang hững hờ và hơi quạu. Nhưng ít ra chúng vẫn an vị cho tới hết Tết.

Hổ Phú ThọHổ Phú Thọ. (Ảnh của FB)

Tiếp bước Bạc Liêu, hổ Phú Thọ thậm chí còn đem lại nhiều tiếng cười hơn với thân hình hom hem hoàn toàn thiếu cân đối, bộ mặt nguệch ngoạc toát lên sự thân thiện và tất nhiên chả có vẻ gì là hổ.

Trước “áp lực” của cư dân mạng, chúng đã được mang đi trùng tu không hẹn ngày trở lại.

Trong một cuộc bình chọn “Hoa hậu hổ hài hước” do báo Dân trí tổ chức, hổ Phú Thọ hay còn gọi là “hổ ngờ nghệch” đang dẫn đầu với lượng bình chọn hơn 25%, bỏ khá xa á quân “hổ heo quay” Thanh Hóa.

Hổ Bạc LiêuHổ Bạc Liêu. (Ảnh của FB)

Con hổ này đầy khả năng được tái chế từ một mô hình tồn đọng từ năm lợn. “Hổ hờn giận” Bạc Liêu khiêm tốn ở vị trí số 7.

Vì quả thực nó không thể vượt qua những ứng viên hạng nặng như “hổ Doraemon” mặt như quả chùy đến từ Đắc Nông hay “hổ linh cẩu” Tuyên Quang.

Nghệ sỹ nơi nao?

Hổ Phú ThọHổ Phú Thọ. (Ảnh của FB)

Họa sĩ Bùi Quốc Khánh phỏng đoán, đằng sau những tiểu cảnh con giáp dị hợm có câu chuyện “quan hệ”, “xin cho”. Tức là có thể chủ đầu tư sẽ bỏ túi phần lớn kinh phí và thuê các mối quen có trình độ thợ học việc về thi công với giá rẻ cho xong.

“Ở đây nó lại không mang tính dân gian”, anh nhận định “Nếu nói dân gian thì oan cho các cụ vì nghệ nhân xưa tạo hình kể cả ngô nghê vẫn rất duyên. Còn đây theo lối nôm na gọi là một anh vừa rửa chân tay dưới ruộng nhảy lên nghĩ gì làm nấy”. Theo Bùi Quốc Khánh, việc thiếu khâu thẩm định dẫn đến những mẫu hổ xấu. Nhưng tất nhiên một khi người ta đã không mời được dân chuyên nghiệp làm sản phẩm thì lấy đâu ra nhà chuyên môn trong hội đồng duyệt.

Khánh cho rằng cũng không nhất thiết phải mời đến họa sĩ trung ương. Họa sĩ các tỉnh đều có thể làm được. “Tạo hình các con vật có thật không quá khó”, anh cho hay. “Dễ nhất là làm đúng chuẩn giải phẫu. Cứ đúng tỷ lệ kiểu gì cũng ra được. Tư liệu bây giờ tìm không khó, quan trọng là mình có chịu tìm không”.

Thực tế là các mẫu tạo hình hổ từ truyền thống đến hiện đại sẵn có rất nhiều, người làm nếu không tự sáng tác được thì có thể chép, biến tấu. Nhưng tất nhiên ngay cả việc chép, biến từ hình 2D sang 3D cũng cần trình độ ở mức chuyên nghiệp rồi.

Nếu ai đó nghĩ rằng không đủ tiền để nhờ dân chuyên thì có thể họ đã quá lo lắng. Vì những nghệ sĩ như Khánh sẵn sàng làm với tinh thần cống hiến. “Nghệ sĩ nhiều khi không quá quan trọng vấn đề kinh phí đâu”, anh bày tỏ. “Họ muốn để lại dấu ấn hay tham gia đóng góp nên sẵn sàng miễn phí ngay. Chỉ cần tỉnh đề tên tác giả để mọi người biết là OK. Điều đấy quan trọng hơn được trả cho 5-10 triệu ấy chứ”.

Về lý do khiến các chủ đầu tư không vời đến nghệ sĩ chuyên nghiệp, họa sĩ Năng Yến phỏng đoán: “Một là cán bộ quản lý chủ quan. Hoặc nếu nhờ nghệ sĩ giá sẽ cao. Kinh phí xin khó hơn.

Chưa kể mình không biết được nhưng có thể suy đoán trong trường hợp người ta muốn có một khoản dung sai để tăng thu nhập cho các bên thì khoản đấy không còn nữa. Vì giá nghệ sĩ yêu cầu ngang ngửa hoặc quá số tiền mà đơn vị đầu tư định chi”.

Tranh hổ vẽ theo phong cách dân gian của họa sĩ Xuân Lam. Việc tô màu do nghệ nhân làng Kim Hoàng (Hà Nội) đảm nhiệm.Tranh hổ vẽ theo phong cách dân gian của họa sĩ Xuân Lam. Việc tô màu do nghệ nhân làng Kim Hoàng (Hà Nội) đảm nhiệm. (Ảnh của NVCC)

Năng Yến có ý tưởng tập hợp các tiểu cảnh con giáp bị ném đá hằng năm vào một công viên để mọi người tới thăm quan. Trường hợp không thể thu mua nguyên bản, anh nghĩ tới chuyện thuê chính tác giả tái tạo sản phẩm. Nhưng anh cũng không dám mong họ có thể làm lại y nguyên những gì đã tình cờ làm ra. Khi đó anh sẽ nói với những người thợ kiểu: “Không cần giống hệt, chỉ cần anh làm hết sức giống như đã làm con hổ để bày Tết”.

Anh khẳng định ý tưởng của mình là hết sức nghiêm túc dù vẫn biết nó không đi đến đâu vì phải có nhà đầu tư sẵn sàng chi nhiều tiền. “Với mục đích hiện tại, chúng là những tác phẩm xấu không đạt yêu cầu và người thợ muốn làm cho đẹp hơn nhưng lực bất tòng tâm.

Nếu để trang trí cho đô thị thì là sự thất bại nhưng gom vào một chỗ để tổng thể trở thành tác phẩm sắp đặt lại khác. Lúc đấy người ta không nhìn vào xấu hay đẹp, giống hay không mà nhìn vào toàn thể”, anh nói.

Tất nhiên chỉ nghĩ tới việc đi thăm quan một khu như vậy đã thấy vui, đồng nghĩa với khu đó sẽ đắt khách rồi. Nhưng Yến cũng chỉ ra tính bất cập của dự án ví quá dễ để bắt chước: “Khi bắt đầu có khu thứ hai làm nhái, lập tức nó không còn giá trị gì. Nó sẽ giống như nhau và xấu như nhau.

“Mà ở nước mình việc đó không tránh khỏi”. Nảy ra ý tưởng này vì Năng Yến đã có quá trình biến các loại rác, từ rác Xuân (cành đào vứt đi), rác Sông Hồng, rác than, rác lửa… thành tác phẩm nghệ thuật thì “rác nghệ thuật” cũng không ngoại lệ.

Nhìn thẳng vào cái xấu

Không riêng gì những tiểu cảnh con giáp khiến nhiều người sốc vì cười, thời gian gần đây, không ít “tác phẩm” điêu khắc loại bền vững cũng khiến công chúng không ngậm được miệng như vườn tượng con giáp ở khu du lịch Hòn Dấu hay tượng Nữ thần tự do, nhân vật hoạt hình Elsa ở Sapa… Dường như có một lớp nhà đầu tư mới có tiền, sẵn sàng chi cho nghệ thuật mong sinh lời nhưng lại không biết tìm tới địa chỉ của người làm tạo hình chuyên nghiệp.

Hổ(Ảnh của FB)

Về thực trạng này, họa sĩ Năng Yến nhận định: “Rõ ràng chủ đầu tư và người thực hiện tâm huyết thực sự, làm hết sức mà chỉ được thế thôi chứ không phải họ muốn ăn tiền hoặc làm giá rẻ. Bởi họ bỏ tiền ra để sử dụng kinh doanh”. Từ đó anh suy ra một thực tế phũ phàng là người dân không biết có một tầng lớp nghệ sĩ có thể làm rất tốt công việc tạo hình. “Lỗi này cũng là của nghệ sĩ không phổ cập được sản phẩm của mình, truyền thông không tới”, anh nói “Thành ra công chúng cách xa nghệ sĩ chuyên nghiệp quá”.

Yến tái khẳng định mình vẫn có thể sửa những dự án hỏng bằng cách giữ nguyên tượng xấu, chỉ mang lại cho chúng một ý nghĩa khác: “Để người ta thấy cái chuyện làm xấu xí thế này là đương nhiên, bình thường, có làm xấu hơn nữa cũng được. Tại sao xấu thế vẫn có người đến xem, chụp ảnh và chia sẻ. Chúng ta phải thừa nhận bây giờ cái gì thu hút là cái cần phải để ý vì có muốn tránh cũng không được”.

Hỏ Đài LoanHỏ Đài Loan. (Ảnh của FB)

Giả sử trong điều kiện lý tưởng, một bảo tàng “nghệ thuật vô tình xấu” ra đời, rất có thể tác giả ý tưởng sẽ tha hồ nhận gạch đá vì tiếp tay cho cái xấu đầu độc thẩm mỹ dân chúng?! Năng Yến giải đáp: “Ta nên hiểu về cái xấu. Đừng tôn vinh cái đẹp nhiều quá. Ví dụ trong vụ dịch vừa rồi chúng ta thấy nhiều cái đẹp đẽ về hình thức chỉ để che giấu những cái xấu xa tồi tệ nhất. Cho nên nếu thực sự có thứ gì đó đang xấu hay phơi bày ra thì hãy nhìn rõ nó và hãy nghĩ về nó. Đừng cố với tới cái đẹp còn xa vời”.

Anh đưa ra ví dụ về một con đường anh từng qua hai bên được trồng hoa rực rỡ nhưng cạnh đó vẫn là rác rưởi không ai dọn. “Thực ra nước mình đi đâu cũng đẹp, chỉ cần sạch sẽ đủ đẹp rồi”, anh nói. “Đây nhiều nơi rất xập xệ, đầy rác nhưng vẫn trồng hoa hoét, xanh đỏ lòe loẹt đèn nhấp nháy, nhìn cảm thấy dối trá và mệt mỏi khủng khiếp. Nên khi anh phơi bày cái gì đó xấu xa cũng không phải đi ngược lại nhân văn. Đôi khi lại là rất nhân văn bởi chúng ta phải nhìn vào bản chất vấn đề”.

Nhận xét về mẫu hổ béo Đài Loan xuất hiện dịp Tết này, họa sĩ Bùi Quốc Khánh nói: “Tôi thấy nó phục vụ số đông tốt. Vì nó mang lại năng lượng tích cực cho mọi người. Con hổ dường như cũng vừa trải qua cả năm đại dịch sóng gió, mà vẫn toát lên nét ngộ nghĩnh đáng yêu. Dáng vẻ lại có kiểu muốn nói, tôi bị nhốt trong nhà lâu quá không được vận động, béo hết cả lên rồi…” Mẫu hổ này cho thấy được thiết kế theo bộ, với đầy đủ tư thế dáng điệu và được nhân bản theo kiểu nhượng quyền ở nhiều nơi, kể cả tại Việt Nam.

Nguyễn Mạnh Hà
Gửi đến BBC từ Hà Nội ngày 2 tháng 2, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*