Thụy My: Công Nghệ Cao, Trọng Tâm Của Chiến Tranh Lạnh Mỹ-Trung

Washington ngày càng ngăn chận nhiều vụ Trung Quốc thâu tóm công nghệ và yêu cầu các đồng minh hành động tương tự. Mục tiêu là chiến thắng trong cuộc cách mạnh kỹ nghệ sắp tới : trí thông minh nhân tạo.

Từ công nghệ nhận diện của một start-up…

Eva Chen không cần đến thẻ từ để vào được văn phòng lịch sự trên một tòa tháp bằng thép, đường bệ nhìn xuống khu Bund. Ở cửa vào, một con mắt thủy tinh bí ẩn nhận ra khuôn mặt của cô, và như có phép lạ, cánh cửa trụ sở Yitu mở ra.
Công ty start-up Thượng Hải đã làm nên tên tuổi trên thế giới về công nghệ nhận diện, thậm chí qua mặt cả Thung lũng Silicon. Cô Chen, phụ trách truyền thông của công ty, khoe: «Thuật toán của chúng tôi đứng hàng đầu thế giới, có thể nhận ra khuôn mặt một người trong số một tỉ người khác, chỉ trong vòng một giây đồng hồ».
Ngay cả Mỹ, thông qua cơ quan rất nghiêm túc là National Institute of Standards and Technology (NIST), đã trao cho Yitu giải nhất năm 2017.

Với tỉ lệ chính xác 95%, công nghệ này giúp rút tiền mặt từ máy ATM chỉ bằng một cái nhìn, hay nhận diện tất cả những người gây rối trong một đám đông, bảo đảm an ninh cho ông Tập Cận Bình trong Diễn đàn Bác Ngao gần đây. Phát ngôn viên Yitu cho biết: «Lãnh vực hoạt động chính của chúng tôi là an ninh công cộng, nhưng tôi không thể bình luận gì thêm». Công ty mới thành lập năm 2012 nhưng đã sinh lợi.
Hai nhà sáng lập của Yitu là bạn học cùng trường trung học Phúc Châu (Fuzhou) ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), sau đó sang Mỹ học MIT và đại học California ở Los Angeles (UCLA), trước khi làm giàu ở Thượng Hải và nay quay lại cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

…Đến 40 năm đuổi theo Mỹ về công nghệ

Thành công của start-up này là minh chứng cho sự rượt đuổi về công nghệ của Trung Quốc trong 40 năm, kể từ khi Đặng Tiểu Bình cho mở cửa năm 1978. Ngày nay Bắc Kinh thách thức nước Mỹ của ông Donald Trump ngay trong lãnh vực này, với mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị đầu thế giới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại do tổng thống Donald Trump phát động, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con gái người sáng lập tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, nhắc nhở rằng công nghệ chính là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông do một cựu quân nhân Trung Quốc thành lập, đã bị cấm vào thị trường Mỹ do nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm nay Reuters cho biết tổng thống Trump dự định ra sắc lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất: rõ ràng Hoa Vi và ZTE nằm trong tầm ngắm.
Washington cảm thấy phải ra tay ngăn chận những vụ Bắc Kinh thâu tóm các công ty công nghệ, và các đồng minh Mỹ cũng bắt đầu theo chân.

Mục tiêu Trung Quốc: Hất cẳng toàn bộ các nước phương Tây

Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng phụ trách châu Á của Natixis tại Hồng Kông phân tích: «Mục tiêu của chiến tranh thương mại, trên thực tế là ngăn chận việc Trung Quốc leo lên hàng đầu về công nghệ». Đặc biệt là chiến lược «Made in China 2025» do Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2015, với tham vọng trở thành nước đứng đầu thế giới trong các lãnh vực kỹ nghệ chủ chốt.
Theo Council on Foreign Relations, tham vọng này là «mối đe dọa sống còn cho ngôi vị của công nghệ Mỹ». Think tank uy tín có trụ sở tại New York cảnh báo: «Mục đích của Trung Quốc không phải là cùng ngồi ngang hàng với các nước kỹ nghệ phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thay chân tất cả».
Để đạt được điều này, Bắc Kinh trợ cấp ồ ạt cho các tập đoàn quốc doanh, thông qua các ngân hàng nhà nước nhằm đè bẹp những người cạnh tranh trên thế giới, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch thâu tóm những công ty mũi nhọn để rút ngắn khoảng cách về công nghệ.
Tập Cận Bình, sứ thần kiêu hãnh của tư bản đỏ nhà nước, hoàn toàn biết cách thủ lợi từ toàn cầu hóa, chủ trương «tự cung tự cấp». Trận đấu thế kỷ đã bắt đầu, và cũng diễn ra trong các phòng thí nghiệm, tại những «lò ấp start-up» như trên các chiến trường quân sự tương lai. Ngay cả trên trận địa ngày nay cũng đầy những sản phẩm công nghệ.

Sử dụng sức mạnh của chính đối thủ để quật ngã địch

Tuy nhiên chính Hoa Kỳ đã chắp cánh cho đối thủ của mình. Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter lần đầu tiên chấp thuận cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc đến Mỹ nghiên cứu, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Những giảng viên đại học trẻ tuổi đã phải chịu đựng bạo lực của Hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa, sững sờ khám phá các khu đại học phủ xanh cây cỏ ở Mỹ. Một cuộc cách mạng đối với họ!
Năm ấy, Đặng Tiểu Bình với tầm nhìn xa đã lật sang một trang mới, tránh xa khỏi chủ nghĩa mao-ít điên rồ, đã mở ra cánh cửa của một Trung Quốc nghèo khổ cho các nhà đầu tư ngoại quốc, với khẩu hiệu «Hãy làm giàu!». Nhưng đây là việc dùng sức mạnh của địch để quật ngã địch.
Đợt các nhà nghiên cứu đến Mỹ lần đầu này là lớp tiên phong cho cả một đội quân trẻ tuổi khát khao kiến thức, và cả sự tự do. Ngày nay có đến 350.000 trí thức trẻ Trung Quốc đang thưởng thức American way of life, trước khi quay lại Hoa lục, đóng góp vào sự tái sinh của người khổng lồ Trung Hoa. Những con diều hâu ở Nhà Trắng nay đang đe dọa ngưng cấp visa cho sinh viên Trung Quốc để cắt ngang cặp cánh rồng.

Trung Hoa đỏ giàu lên sẽ có dân chủ?

Vào thời đó, Washington và Bắc Kinh đang trong tuần trăng mật mặn mà, sau hoạt động ngoại giao lịch sử của tổng thống Richard Nixon năm 1972 – liên kết với chế độ cộng sản Trung Quốc để rảnh tay đối phó với địch thủ Liên Xô. Trong những đốm lửa cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh, lợi ích địa chính trị và kinh tế của hai bên phù hợp với nhau, với niềm tin vào toàn cầu hóa. Các tập đoàn Mỹ trước sự cất cánh ngoạn mục của Trung Quốc, cho di dời hàng loạt nhà máy đến «công xưởng thế giới».
Vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn tháng Sáu năm 1989 đã tưới lên một gáo nước lạnh, nhưng không cắt đứt mối quan hệ chiến lược. Họ Đặng siết chặt quyền lực, tái khẳng định sự toàn trị của Đảng Cộng Sản, nhưng tung ra một giai đoạn mới tự do hóa nền kinh tế, trấn an được thị trường.
Vào thời điểm bước qua thiên niên kỷ mới, nước Mỹ của ông Bush cũng như của ông Clinton tin chắc rằng hồi cuối lịch sử đang đến, sau khi Liên Xô và chế độ Saddam Hussein sụp đổ: Trung Quốc đỏ buộc phải tham gia vào kinh tế thị trường và đến một ngày nào đó, sẽ có được tự do dân chủ, mặc dù vẫn tiếp tục trưng ra ngọn cờ cộng sản.

Không hề hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới

Nhưng giới tinh hoa phương Tây vẫn chưa biết được tham vọng và niềm kiêu hãnh thầm kín của Trung Quốc, không hiểu được lịch sử ngàn năm của nước này. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bộ Chính trị cũng như một người bán hàng trên đường phố Nam Kinh, sự tái sinh của đế quốc Trung Hoa là cần thiết để xóa đi nỗi nhục nhã phải gục đầu trước những khẩu đại bác trong cuộc chiến tranh nha phiến. Trong lúc các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy biểu đồ tăng trưởng, thì đảng muốn gợi lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa.
Đại tá Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), giảng viên trường đại học Quốc phòng nói: «Giấc mộng Trung Hoa là vượt qua Hoa Kỳ. Chúng tôi không thể tự hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới, và sẽ vươn lên hàng đầu trong 20 hoặc 30 năm tới». Ông Lưu là một diều hâu Trung Quốc, với các tác phẩm được gợi hứng từ câu khẩu hiệu của chủ tịch Tập Cận Bình.
Năm 2008, Wall Street sụp đổ, phương Tây hoảng hốt. «Cuộc khủng hoảng tài chính là một bước ngoặt lớn: người Trung Quốc hiểu rằng nước Mỹ xuống dốc nhanh hơn dự báo. Tập Cận Bình coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở, và đã nắm lấy» – Aaron Friedberg, giáo sư ở Princeton giải thích.

Bành trướng trên Biển Đông

Trước một Obama rụt rè, ông hoàng đỏ Tập dấn mạnh các quân cờ, xây lên bảy đảo nhân tạo tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách đến 90% diện tích bất chấp các nước láng giềng.
Tân hoàng đế quẳng vào sọt rác các lời khuyên của Đặng Tiểu Bình nên thận trọng ẩn mình chờ thời. Tương quan lực lượng quân sự và công nghệ ngày càng nghiêng về Trung Quốc.
Năm 1976, Hải quân Mỹ đã làm mất mặt chủ tịch Giang Trạch Dân khi gởi hàng không mẫu hạm USS Nimitz đến eo biển Đài Loan, trả đũa các vụ thử hỏa tiễn của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc bèn nỗ lực tái vũ trang ồ ạt, ngân sách quốc phòng luôn tăng với hai con số. Hiện nay Bắc Kinh triển khai Đông Phong 26, được khoe là «sát thủ hàng không mẫu hạm», hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có thể cầm chân Hải quân Mỹ tại căn cứ Guam trong trường hợp xung đột.
Ngày nay điều quan trọng nhất là chiến thắng trong cuộc cách mạng kỹ nghệ mới, đó là trí tuệ nhân tạo. Ông François Godement, giám đốc ECFR nhận định, đối với Tập Cận Bình, kỹ thuật số mang tính chiến lược. Nó giúp chế độ Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp được dân chúng, đồng thời áp đặt sức mạnh Trung Quốc và các tiêu chí của mình lên toàn cầu. Trước bộ tứ GAFA của Mỹ, chỉ có các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu mới có tầm cỡ đối mặt.
Và như vậy, sau bốn thập niên hợp tác, bây giờ là thời điểm đối đầu trực diện Mỹ-Trung.

Thụy My
RFI tiếng Việt ngày 27-12-2018
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181227-cong-nghe-cao-trong-tam-cua-chien-tranh-lanh-my-trung?xtor=EPR-300-[Quotidienne]-20181227-[contenu]-1172577567040

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*