Một Quốc Gia Vô Pháp

Tang vật vụ rải đinh ngày 14 Tháng 12 năm 2018 trên cầu Tân Vũ, Hải phòng, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. (Hình: CTV)

Rải đinh trên một đoạn đường vắng để người đi đường hỏng lốp, phải vào tiệm để sửa và bị chặt chém giá trên trời. Chuyện này cả ba miền đều có.
Cố tình đâm vào xe người khác để ăn vạ tai nạn, đòi bồi thường với mức giá không tưởng và khi người bị va quẹt yêu cầu gọi công an thì rút dao ra đe dọa, đòi đâm, chém. Chuyện này có trên cả ba miền.
Giả danh công an để đón xe qua đường, xin đểu bánh mì. Chuyện này có trên cả ba miền.
Cấm người khác đậu xe trên lề đường trước nhà và nếu ai đó vô tình đậu xe thì có thể bị xịt sơn, bị đập bể kính, móp xe, bẻ gạt nước, chuyện này có trên cả ba miền và có cả điển hình là một ông tiến sĩ khá nổi tiếng ở Hà Nội xông ra bẻ gạt nước, đập bể kính xe.
Cả bốn chuyện trên đây đều nằm trong lĩnh vực giao thông và liên quan đến văn hóa đi đường. Và cả bốn chuyện trên đều biểu hiện một vấn đề rất rõ: Đất nước đã vô pháp đến tận chân tơ kẽ tóc. Vì sao?
Vì mỗi câu chuyện trên như một chiếc chìa khóa hay một câu trả lời cho sự vô pháp tại Việt Nam. Chỉ cần đặt câu hỏi cho mỗi câu chuyện thì sẽ thấy ngay vấn đề.

Rải đinh, nhìn bề ngoài chỉ nghĩ đơn giản là chuyện kiếm cơm bất lương của một kẻ bất lương nào đó. Nhưng ẩn sâu bên trong nó lại liên quan đến ngành giao thông, ngành môi trường và đặc biệt là ngành công an. Nếu ngành giao thông có trách nhiệm với cung đường do họ quản lý, thì lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phải giám sát từng mét vuông đường nhằm đảm bảo tính mạng người đi đường cũng như sự an toàn trong giao thông. Lực lượng của họ có thừa để làm việc này, nhưng không, mỗi chuyến ra đường chỉ để bắt xe, vòi vĩnh tiền và thời gian rảnh thì đi hát karaoke, đi nhậu… Đã có không ít vụ cảnh sát giao thông đánh nhau, thậm chí bắn nhau trong giờ làm việc tại một quán nhậu có karaoke.
Bên cạnh ngành giao thông, ngành vệ sinh môi trường cũng có một đội ngũ khá hùng hậu, tiền lương trả cho họ cũng chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách nhà nước. Nhưng họ càng đông thì đường sá càng lộn xộn, nhếch nhác bởi kiểu làm ăn qua loa chiếu lệ, hách dịch và quan liêu của họ. Bạn thử lên cầu, bỏ một câu biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo thì chừng 10 phút sau, nó đã bị gỡ bỏ bởi lực lượng chuyên nghiệp và sau đó bạn bị bắt. Thế tại sao có người rải đinh trên cầu một thời gian dài, người đi đường kêu trời mà không có ai giải quyết? Và lực lượng trị an vốn xem những chiếc cầu là điểm chiến lược cần bảo vệ nhất đã đi đâu?

Đi đường, cố tình va quẹt vào người khác để ăn vạ là do pháp luật không được thực hiện, không có người thực thi pháp luật đúng nghĩa nên những kẻ ăn vạ có đất sống. Và hơn hết là luật rừng được sử dụng thoải mái.
Từ chuyện tham nhũng, cửa quyền, hách dịch và đầy rẫy móc ngoặc của giới công an, đặc biệt là công an giao thông mà có không ít kẻ rỗi hơi mới nghĩ ra chuyện giả công an giao thông để xin đểu tiền của người khác. Bởi kẻ giả danh kia biết rằng nếu giả danh trót lọt thì cách gì cũng vớ bẫm. Khi người ta giả danh, giả hình một ai đó để làm việc xấu thì nên xem lại hình mẫu thử nó như thế nào.

Cấm người khác đậu xe trên lề đường ngay trước nhà mình. Thực ra, theo luật nhà đất Việt Nam qui định hiện hành, không gian sinh hoạt của một căn nhà được tính căn cứ trên diện tích sử dụng đã ghi trên sổ đỏ hoặc sổ hồng, không gian sinh hoạt phát sinh được tính ở phần hành lang cho người đi bộ trước nhà nhưng chỉ giới hạn bằng việc tập thể dục, sinh hoạt ngắm cảnh và chủ nhà không được bài trí, đậu xe (cho dù là xe máy, xe đạp) hoặc để vật dụng gây cản trở. Như vậy, thẩm quyền của một gia đình không bao giờ lan rộng ra đến phần lề đường và gia đình đó có trách nhiệm giữ vệ sinh chung quanh khu vực sinh hoạt.
Các trường hợp đập phá xe của người ta đậu “trước cửa nhà” thực ra là người đập phá xe hoàn toàn có lỗi. Người ta không đậu xe trên phần hành lang đi bộ. Nếu như đậu xe dưới lề đường sai qui định thì đã có thanh tra giao thông lo việc này và chủ nhà không có thẩm quyền can thiệp. Chỉ duy nhất một trường hợp là đậu xe chắn ngay cửa ra vào hoặc chắn ngay trước đầu hẻm hoặc cổng nhà nhưng lại lệch vào phần đất mà chủ nhà chừa ra để tạo không gian cổng thì chủ nhà mới có quyền yêu cầu chủ xe dời xe tránh cổng ra vào. Trường hợp đậu ngay trước cổng và đầu hẻm cũng không phải ít, đây là cái sai của tài xế.
Và cả hai trường hợp này, dường như chẳng mấy ai nhận lỗi về mình. Nếu tài xế đậu xe trước cổng mà chủ nhà nhỏ con hoặc tài xế là dân anh chị xã hội đen, đậu xe trước hẻm, bít lối vào hẻm thì hình như chủ nhà và dân trong hẻm chỉ biết ngậm bồ hòn cho qua chuyện. Ngược lại, chủ xe đậu xe tít dưới lề đường, nơi không bị cấm nhưng chủ nhà gấu một chút thì chiếc xe đó cách gì cũng bị xịt sơn đen, bôi bẩn hoặc bị bẻ gạt nước, bị đập kính… Ở đây không có nguyên tắc đúng/sai mà chỉ có kẻ nào mạnh thì kẻ đó đúng, không có lẽ phải nào cả!

Điều này cho thấy rằng người ta đã sống trong bầu không khí vô pháp, không coi trọng những qui định của luật pháp mặc dù luật pháp có qui định rõ ràng, chi tiết. Nhưng tại sao lại xảy ra chuyện vô pháp? Bởi nguyên tắc tối thượng của pháp luật, công lý đã bị phá vỡ từ lâu “Quân pháp bất vị thân” để thay thế bằng một thứ nguyên tắc khác “Kim ngân phá luật lệ”. Khi kẻ nắm quyền không tuân thủ pháp luật thì kẻ thứ dân sẽ chẳng coi luật ra gì. Đó là một tất yếu!
Một ông chủ tịch, bí thư hay giám đốc sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc đạo đức, pháp luật để thỏa mãn chuyện cá nhân thì chẳng mấy chốc, các nguyên tắc này mất giá trị và tính hiệu quả sẽ đảo ngược. Và chuyện những kẻ quyền thế, những kẻ lắm tiền sẵn sàng hống hách, bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật để làm điều xằng bậy xảy ra nhiều như nấm sau mưa tại Việt Nam thì làm sao người dân có thể tin vào pháp luật.
Ngay cả một lãnh đạo cấp cao từng phát biểu, đại ý “nhà nước làm sai thì nhà nước xin lỗi dân, còn dân làm sai thì dân chịu trách nhiệm với pháp luật”. Cách nói lẹo lưỡi này nhanh chóng rũ bỏ trách nhiệm trước pháp luật của hệ thống nhà nước, hệ thống quan chức! Trong khi đó, trên lý thuyết thì giới chức cán bộ chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép và người dân có quyền làm những việc luật không cấm. Từ chỗ biên độ sinh hoạt cực rộng trên lý thuyết, người dân nhanh chóng bị bó hẹp biên độ sinh hoạt trước các qui định thiên lệch về giới quan chức. Đây chỉ là ví dụ nhỏ trong thiên hình vạn trạng kiểu biến hình của qui định luật Việt Nam sau khi vào tay quan chức.
Thử hỏi, với một quốc gia mà giới chức, những kẻ nắm trách nhiệm hàng đầu và có bổn phận gương mẫu thì lại hỏng hóc đến độ lếu láo, đạp trên đạo đức, pháp luật như vậy thì làm sao ra đường không gặp chuyện vô pháp. Người ta nói, chỉ cần bước ra đường, đi ba bước đã biết quốc gia đó có nền pháp luật ra sao. Tại Việt Nam hiện nay, không cần đi ba bước mà mới chỉ bước ra đường đã gặp sự lộn xộn, vô pháp, vô đạo! Đáng buồn thay!

Chủ Nhật ngày 23/12/2018
Blog VietTuSaiGon (RFA)
http://www.rfavietnam.com/node/4918

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*