Bạn tôi kể tôi nghe một chuyện thật 100%. Cách nay một tuần, từ trước 7 giờ sáng, anh ấy đã có việc phải đi ngang đường Ba Tháng Hai, khu vực gần ngã tư Lý Thường Kiệt.
Nhìn thấy hai mẹ con nhà kia bán sữa đậu nành, đậu xanh, loại trong chai một lít mà ai cũng biết. Nom họ nấu rõ là sạch sẽ, anh ngừng xe lại và hỏi mua 6 chai loại 25cl. Tất cả là 60.000 đồng.
Sẽ không có gì để nói khi lúc ấy chỉ mới 6 giờ 15 sáng.
Bạn tôi đưa ra tờ 500.000, hỏi:
– “Chị có tiền thối giấy lớn này không?”
Bà bán hàng lắc:
– “Em mới đẩy xe ra đây, anh là người mua đầu tiên đó. Tiền đâu em thối?”
Bạn tôi lục hết túi quần, không có tờ tiền lẻ nào, đành:
– “Chị ơi, tôi chỉ có tờ này. Thôi cảm ơn chị”
Lúc anh tính nhấn ga vọt đi thì bất ngờ, cô con gái nói xen vào:
– “Chú ơi, thôi chú cứ lấy hết 6 chai đi giúp con. Ngày mai quay lại, trả tiền con sau cũng được…”
Câu chuyện sau đó chỉ loanh quanh nhì nhằng có một nội dung, bạn tôi không chịu mua thiếu. Mình đâu có thiếu tiền mà lại làm thế, vả chăng, đây cũng là lần đầu đôi bên biết nhau, làm sao mình có thể? Và phía bán, cứ kỳ kèo nhất định bán thiếu cho anh. Nhìn quanh chẳng có chỗ nào, hoặc chẳng có ai có thể đổi ra tiền nhỏ giúp mình, bạn tôi đành đi, sau một câu xin lỗi. Nhìn cô gái ấy như muốn khóc vì gặp được người khách sộp đầu ngày mà không bán được hàng, bạn tôi kể, lòng anh ấy thấy bồn chồn kỳ lạ.
… Đó là người Sài Gòn. Người Sài Gòn lần đầu thấy trong đời mình một người khách lạ hoắc, mà sẵn sàng bán chịu hàng cho họ. Chỉ có điều, người khách ấy lại từ chối lòng tốt đó, khi không muốn mình trở thành kẻ mang nợ bất đắc dĩ khi mình không hề rỗng túi. Vì đó đúng là lòng tốt.
… Tôi lại có một người bạn làm đạo diễn điện ảnh. Anh ta mê đọc báo tới mức, có thể nói là nhất hạng trong xã hội. Mê bằng cỡ mỗi lần ra ngoài đường, khi nào về nhà cũng phải mang ít nhất 10 tờ khác nhau. Mê tới mức khi trả nợ mua báo thiếu, hồi những năm 1988 – 1990 đó, vét hết túi ra hơn 1,6 triệu trả cho người ta. Thời ấy, 1,6 triệu đó chắc phải bằng 20 triệu bây giờ, nếu tính trượt!
Tại sao bạn tôi mua báo thiếu ngày ngày sang ngày khác, ăn cơm tấm “hai chị em” Mộng Loan góc Bùi Hữu Nghĩa-Phan Văn Trị quận 5 cũng thiếu ngày ngày. Mấy tháng trời mà người ta vẫn vui vẻ?
Tại sao làm phim xong, lĩnh nhuận bút tất cả có 8 triệu thời đó, mà trả nợ báo hết 1,6 triệu, trả nợ cơm hết 4 triệu, còn có hơn 2 triệu đút túi, mà người ta lại vui vẻ cho mua chịu trước đó cả mấy tháng mà không hề thắc mắc gì?
Bởi vì đó là người Sài Gòn, họ biết rằng kẻ mà mình cho mua chịu ấy chắc chắn phải là người tốt, sẽ không bao giờ “bùng” mình.
Cái chuyện thỏa thuận “ăn ừ” ấy, chẳng có chữ viết tay nào lận lưng, không chỉ nằm nơi những thứ nho nhỏ như đã kể. Chúng không chỉ là những bịch chè 5.000 đồng mà thời buổi này vẫn có người còn bán, những bịch khoai mì mà đến giờ, trước cổng các trường nghèo, vẫn có người bán với giá 2.000 đồng.
Người viết bài này đã thấy có những bé gái, học cấp một trường Lý Nhơn bên quận 4, bước vào tiệm hủ tíu mì của cô Châu ngay cạnh cổng:
– “Cô ơi, cô bán con tô hủ tíu 5.000 nha!”
Không những cô ấy vẫn bán, mà còn cho vào tô mấy miếng thịt:
– “Lời kiếm chỗ khác anh à, cho các cháu nó có thêm chút sức mà đi học!”
Ở Sài Gòn bây giờ, trừ ở chuỗi quán cơm Nụ Cười của anh Nam Đồng, tìm đâu ra một tô hủ tíu 5.000 đồng mà có thịt?
Nhiều, nhiều lắm. Cậu trai răng vổ bán bắp luộc, người Hà Nam vào đây đã lâu, nuôi em mình ăn học thành tài, ghi rõ trên bảng: “10.000 đồng/3 trái” nhưng khi tôi mua 20.000 đồng, trăm lần đủ trăm lần đều mang về bảy trái thay vì chỉ có sáu. Vì cậu ta đã thành người Sài Gòn.
Hoặc bà Nga bán bánh cuốn trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, bao giờ cũng gắp thêm mấy miếng chả mỡ vào hộp của tôi, và ràng cẩn thận dây thun thêm bên ngoài để làm dấu, mà không bao giờ hỏi thêm đồng nào.
Còn cô Thu bán giò chả chợ Vườn Chuối, luôn gắp thêm cho tôi vài chục gram ruốc, và cả năm nay không hề tăng giá.
Còn là anh Tám Bồng bán cơm tấm nổi danh khu chợ Tôn Thất Thuyết, “dạ thưa” rành rọt, bao giờ bán hộp cơm sườn cũng nhất định phải cắt thêm cho tôi 1/3 miếng sườn nữa, ngoài miếng “tiêu chuẩn”, mà không bao giờ tính thêm cắc nào. “Bán hàng thì cũng phải sao cho coi được chứ anh. Ham lời quá không được đâu!”.
Còn là cô Hải bán chè miền Nam ngon tuyệt cú mèo, luôn giục tôi: “Mua gì thêm nữa đi, em không đòi tiền anh đâu mà anh ngại!”.
Chuyện khác: Hôm qua, xe gắn máy của tôi hết xăng giữa đường. Lúc ấy đi từ chỗ tôi “tắt điện” đến trạm xăng gần nhất là còn gần hai cây số nữa, đường giữa trưa lại nóng nung người và vắng ngắt, tôi đã chán chường dắt xe được đâu khoảng non nửa con đường mình cần đi.
Bỗng đâu một người trai trẻ xuất hiện. Trên khuôn mặt đen đúa của cậu ta thấy nở một nụ cười sáng lóa bởi hai hàm răng đều tăm tắp: “Hết xăng hả chú?”. “Ừ”. “Đừng lo nha, cháu cho chú một miếng!”.
Tôi thấy quá ái ngại khi thấy cậu ta sốt sắng nhảy xuống xe mình, sốt sắng mở yên ra, sốt sắng ròng một cái vòi trông có vẻ không được sạch sẽ mấy vào bồn xăng mốc meo, rồi sốt sắng kê mồm mình vào một đầu vòi còn lại, hút lấy hút để cho tới khi thấy xăng chảy ra, cho đổ ngay vào bình xăng xe tôi khoảng non lít gì đấy.
Tôi hỏi:
– “Bao nhiêu tiền hở cháu?”
Khoát tay: “… Khỏi. Thấy ông già dắt xe tội nghiệp quá, nên cháu giúp. Tiền bạc gì ở đây?”.
Khi cậu ta bỏ đi, dùng ánh mắt trông theo như cách Duyên Anh đã từng viết dõi vào lưng người trai đó, tôi mới phát hiện ra, xe cậu ta mang biển số tỉnh. Lòng tốt hóa ra đâu phải chỉ mỗi người Sài Gòn mới có, cái lòng tốt nhỏ nhặt mà đáng trân trọng ấy đã làm tôi phải thấy mang nợ. Mang nợ một người hoàn toàn xa lạ, chỉ đứng bên tôi có 10 phút. Thế thì Sài Gòn đã “dạy” anh ta là phải biết san sẻ, hay chính anh ta đã mang tấm lòng mình từ nơi xa đến với một người đã sống nhiều năm ở Sài Gòn như tôi? Tình người ơi là tình người!
… Bạn đừng nghĩ những ly trà đá không tính tiền trong các tiệm cơm, những thùng trà đá miễn phí ven đường, những ổ bánh mì biếu không ngoài phố, những hộp cơm phát không vào ngày mùng Một hay ngày Rằm là không phải tiền. Đều là tiền cả đấy, nhưng cái tình lớn hơn: Tình người nơi cõi đất này!
David Ho
Theo SGN NEWS ngày 20/6/2021
(Nguồn: Fb Saigon Xưa)
Be the first to comment