Vì Sao Cuộc Nội Chiến Quốc-Cộng Tại Việt Nam Kéo Dài Chưa Chấm Dứt Và Rồi Sẽ Kết Thúc Khi Nào Và Thế Nào, Ai Thắng Ai?

Hàng năm vào Tháng Tư, chúng tôi và nhiều người Việt Nam quan tâm luôn tự hỏi: Vì sao “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” (National-Communist ideological war) tại Việt Nam (gọi tắt là cuộc nội chiến Quốc-Cộng) kéo dài nhiều thập niên vẫn chưa chấm dứt. Mặc dầu “cuộc chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War) kéo dài 21 năm (1954-1975) tính đến 30-4 năm nay đã kết thúc 46 năm rồi (1975-2021).

Bằng suy tư, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm sống, chúng tôi đã tự trả lời câu hỏi vừa nêu. Theo nhận định của chúng tôi, cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam sở dĩ kéo dài vẫn chưa chấm dứt, mặc dầu chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ ngày 30-4-1975, là vì ba nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1 – Vì hai bên Việt Cộng và Việt Quốc do mục đích khác nhau, nên quan niệm khác nhau về thực chất cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975)

(1) – Bên những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (gọi tắt là Việt Cộng: Vietnamese Communist) cho đến nay vẫn không coi cuộc chiến Việt Nam là nội chiến, mà là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Vì thế bên Việt Cộng đã “Ngụy dân tộc” (che dấu bộ mặt cộng sản), để huy động lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm tiến hành kháng chiến chống Pháp trước, sau là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc” (*). Mặc dầu sau chiến tranh Việt Cộng đã hiện nguyên: Cướp được chính quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước, dưới bảng hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN)

(2) – Bên người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc: Vietnames Nationalist) thì chỉ coi cuộc chiến tranh Việt Nam là một giai đoạn đỉnh cao của một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia và những người Việt Nam mang ý thức hệ cộng sản. Vì ý thức hệ quốc gia (quốc gia dân tộc, dân chủ, tự do, nhân quyền…) có “mâu thuẫn đối kháng” (một mất, một còn) với ý thức hệ cộng sản (cộng sản – ngụy dân tộc), độc tài toàn trị, phản dân chủ, bác đoạt tự do, nhân quyền…). Vì thế ngày nào ý thức hệ cộng sản còn được bên Việt Cộng áp đặt tại Việt Nam, ngày đó bên Việt Quốc tiếp tục chống cộng.

Chính vì vậy mà sau ngày 30-4-1975, Việt Quốc tiếp tục chống Cộng giai đoạn III. Hai giai đoạn trước (I) là Tiền chiến tranh Quốc-Cộng (1930-1954), (II) Chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) và (III) là Hậu chiến tranh Quốc-Cộng (sau 1975 đến kết thúc). Đây cũng là giai đoạn cuối cùng của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam. Nghĩa là khi kết thúc giai đoạn cuối cùng này, cũng là lúc chấm dứt cuộc chiến tranh ý thức hệ Quốc – Cộng tại Việt Nam.

2 – Vì hai bên Việt Cộng và Việt Quốc chưa bên nào thành đạt mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa đấu tranh của mình

(1) – Bên Việt Cộng, cướp được chính quyền, nhưng thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn trong mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) tại Việt Nam.

Vì thực tế, bên Việt Cộng đã có cơ hội và điều kiện để xây dựng mô hình xã hội “xã hội chủ nghĩa” theo đúng lý luận giáo điều của chủ nghĩa cộng sản (Marxist-Leninnist) trên nửa nước Miền Bắc (1954-1975) và trên cả nước (1975-2021), nhưng đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn.

Thật vậy, sau khi ký kết Hiệp Định Genève 1954 với thực dân Pháp, bên Việt Cộng đã cướp được chính quyền trên nửa nước thuộc địa Miền Bắc của thực dân Pháp. Việt Cộng đã có cơ hội xây dựng thử nghiệm mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa (ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa dưới bảng hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa) thành hậu phương lớn, phát động và tiến hành chiến tranh “ngụy dân tộc” (che dấu bộ mặt cộng sản), để cộng sản hóa Miền Nam. Sau 21 năm tiến hành chiến tranh khốc liệt, với cái giá “núi xương, sông máu” quân dân hai miền Bắc-Nam, Việt Cộng đã cướp được chính quyền chính thống quốc gia của Việt Quốc ở Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) vào ngày 30-4-1975, để thực hiện mục tiêu tối hậu “đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Thế nhưng, thực tế là, sau chiến tranh, trong hòa bình, 10 năm đầu xây dựng triệt để mô hình xã hội chủ nghĩa trên cả nước (1975-1985), bên Việt Cộng đã thất bại thảm hại, gây khổ lụy một thời cho nhân dân, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho đất nước và dân tộc. Kế đến, dù cố gắng lùi một bước bằng “chính sách đổi mới”, sau 10 năm (1985-1995), Việt Cộng vẫn không cứu vãn được thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn. Trong khi Liên-Xô “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Việt Cộng và của cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quốc tế cùng sụp đổ tan tành (1989-1991), bốn nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam tìm sự tồn tại bằng một tiến trình tiêu vong tịnh tiến; phong trào cộng sản quốc tế tan rã. “Chiến tranh Lạnh” hay chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa (Communism) và tư bản chủ nghĩa (Capitalism) cáo chung. Việt Cộng nhờ thức thời thực hiện “chính sách mở cửa”, chào đón cựu thù “đế quốc Mỹ” “các nước tư bản chủ nghĩa không dãy chết” (như lý luận không tưởng của người cộng sản), tất cả cùng vào Việt Nam làm ăn theo con đường “kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa”. Nhờ đó Việt Cộng thoát hiểm, tồn tại thêm thời gian để có một cái chết từ từ và êm dịu hơn, sau khi “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã dãy chết nhanh gọn, chuyển đổi ngay qua chế độ chính trị dân chủ pháp trị, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Từ đó, Hoa Kỳ với vai trò chủ đạo, xúc tác các nước tư bản đầu tư vào Việt Nam. Và nhờ đó, sau hơn 25 năm “Mở cửa” (1995-2021) Việt Nam phát triển trông thấy nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế và chính trị. Nhưng cũng từ thực tế hơn 25 năm qua, trong “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường”, Việt Cộng đã và đang có được một cái chết tịnh tiến, hòa bình và êm dịu, theo quy luật duy vật biện chứng “Lượng đổi, chất đổi” như chúng tôi đã lý giải, chứng minh nhiều lần.

(2) – Trong khi bên Việt Quốc đã để mất chính quyền và đất nước sau ngày 30-4-1975. Thực tế cho đến nay Việt Quốc vẫn chưa giành lại được chính quyền, đất nước, để tiếp tục chủ động thực hiện mục tiêu lý tưởng tối hậu của chủ nghĩa quốc gia còn dang dở (Dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hoạch định mềm dẻo…)

Thực tế là, với tư cách thừa kế chính danh quyền bính quốc gia, sau Hiệp Định Genève 1954, chính quyền chính thống quốc gia quân chủ với Vua Bảo Đại đã tiếp nhận chủ quyền quốc gia độc lập hoàn toàn cho Việt Nam từ tay thực dân Pháp (sau khi tiếp nhận độc lập từng phần trước đó từ năm 1949). Nhưng vì Pháp đã mất một nửa thuộc địa Miền Bắc Việt Nam trên vĩ tuyến 17 cho Việt Cộng sau Hiệp định Genève 1954, nên chính quyền chính thống quốc gia của Vua Bảo Đại (sau là chính quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa kế tục) chỉ tiếp nhận chủ quyền quốc gia độc lập trên nửa nước Miền Nam dưới vĩ tuyến 17. Trong 21 năm chiến tranh (1954-1975), Việt Quốc cũng đã có cơ hội thực hiện mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa quốc gia (Nationalism) là xây dựng chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam. Trong khung cảnh này, Việt Quốc đã xác lập khung cảnh thích dụng để phát triển toàn diện đất nước đến giàu mạnh, văn minh tiến bộ bằng con đường kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hoạch định mềm dẻo (mục tiêu mà bên Việt Cộng đã, đang làm từ hơn 25 năm qua để thành đạt). Tất cả nhằm tạo tiền đề thống nhất đất nước một cách hòa bình, thông qua tổng tuyển cử tự do, công bằng và trung thực; mà bên Việt Quốc tin rằng, chế độ dân chủ pháp trị VNCH giàu mạnh ở Miền Nam của Việt Quốc, sẽ ưu thắng đối với chế độ độc tài toàn trị cộng sản nghèo nàn và lạc hậu ở Miền Bắc của bên Việt Cộng.

Thế nhưng, Việt Nam do có số phận không may, chẳng đặng đừng bị rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa hình thành sau Thế Chiến II. Do đó có sự trùng lắp không gian và thời gian giữa cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng với Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu. Bên Việt Cộng đứng về phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Bên Việt Quốc thuộc phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ. Vì thế, mặc dầu có sự trợ giúp tích cực của Hoa Kỳ và các nước đồng minh (đối trọng với Liên Xô và các nước phe XHCH chi viện toàn diện dồi dào cho Việt Cộng Bắc Việt thực hiện chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam), Việt Quốc đã để mất đất nước Miền Nam vào tay Việt Cộng sau ngày 30-4-1975, do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, trong khi công cuộc xây dựng mô hình chế độ chính trị dân chủ pháp trị (VNCH) và phát triển kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa theo mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa quốc gia trong bối cảnh chiến tranh chưa đi đến đâu.

Hơn 45 năm qua, bên Việt Quốc đã tiếp tục chống Cộng vì không chấp nhận là “bên thua cuộc”. Mặc dầu tương quan lực lượng không cân sức, ưu thế luôn nghiêng về phía Việt Cộng, bên Việt Quốc vẫn kiên trì đấu tranh dưới nhiều hình thức nhằm giành lại chính quyền, đất nước để có cơ hội và điều kiện tiếp tục thực hiện mục tiêu lý tưởng tối hậu của chủ nghĩa quốc gia (VNCH). Thế nhưng thực tế khách quan cho thấy, công cuộc chống Việt Cộng chỉ tạo được hiệu quả gián tiếp, thắng lợi nhất thời, không có tính quyết định. Lực lượng chống cộng chủ lực ở hải ngoại cũng như trong nước ngày một suy giảm, ở thế phân tán, đa đầu, thiếu sự phối hợp đấu tranh theo một sách lược chung, không thay đổi được cán cân lực lượng ưu thế luôn nghiêng về bên Việt Cộng. Thế nhưng bên Việt Quốc cho đến nay vẫn tỏ ra kiên định tiếp tục đấu tranh chống Việt Cộng, với niềm tin tất thắng của chân lý, chính nghĩa, rằng cuối cùng chính nghĩa quốc gia (Việt Quốc) tất thắng ngụy nghĩa cộng sản (Việt Cộng). Thực tế dường như đã và đang có dấu hiệu niềm tin này có thể thành sự thật, vì chiều hướng tương lai Việt Nam cuối cùng sẽ được dân chủ hóa ở cuối một quá trình “Diễn biến hòa bình”, đã và đang diễn ra từ hơn 25 năm qua khi Viêt Cộng thực hiện chủ trương, chính sách “Mở cửa” đi vào con đường làm ăn “kinh tế thị trường định hướng tư bản chủ nghĩa (là thật); định hướng xã hội chủ nghĩa (là giả)”.

3 – Vì hai bên Việt Cộng và Việt Quốc không thức thời ngồi lại với nhau để tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam một cách hòa bình (**)

Đây là giải pháp không chính thức đã được nhiều người nói đến từ lâu dưới cụm từ “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Giải pháp không chính thức vì không do bên nào chính thức chủ động đưa ra để cùng phối hợp thực hiện theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm từ này. Theo đó, hai bên Việt Cộng và Việt Quốc chính thức gặp nhau để bàn bạc tìm cách giải quyết các mâu thuẫn về ý thức hệ và các hành động thực tế gây hệ lụy từ quá khứ đến hiện tại, một cách hòa bình (là hòa giải). Từ đó, đi đến thống nhất, đoàn kết giữa người Việt Nam cùng nguồn gốc Việt tộc (là hòa hợp dân tộc) để cùng nhau kiến tạo một tương lai tươi sáng ngày càng tốt đẹp cho nhân dân và đất nước.

Thế nhưng thực tế bên Việt Cộng vẫn chưa một lần chủ động chính thức đưa ra với bên Việt Quốc về “Hòa giải và hòa hợp dân tộc” để cùng thực hiện các bước theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm từ này như vừa nêu trên. Thực tế là Việt Cộng, luôn ỷ vào ưu thế, đã đánh mất cơ hội “hòa giải và hòa hợp dân tộc” ngay sau khi kết thúc “cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn” giữa người Việt Nam, vào ngày 30-4-1975 (như hòa giải sau nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War,) do bất đồng về chế độ nô lệ người da đen (1861-1865); hay hòa giải sau chiến tranh phân biệt chủng tộc Nam Phi (A-Pac-Thai) kéo dài hơn 3 Thế kỷ (1663-1993). Thực tế, Việt Cộng chỉ muốn “hòa hợp” mà không cần “Hòa giải” với Việt Quốc. Nghĩa là Việt Cộng chỉ muốn thực hiện một “chính sách chiêu hồi” với Việt Quốc chứ không muốn thực hiện chính sách “hòa giải và hòa hợp dân tộc” để đi đến thống nhất, đoàn kết toàn lực quốc gia cùng xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, thực tế người ta chỉ thấy Việt Cộng đưa ra những lời kêu gọi chung chung, rằng hãy quên hận thù, đẩy lùi quá khứ, đem tài năng tài sản phục vụ đất nước. Điển hình là Nghị quyết 36 của đảng Việt Cộng đưa ra năm 2006 nhằm khuyến dụ khối Việt Quốc đông đảo, có nhiều tiềm năng ở hải ngoại. Chính vì vậy mà, cùng với kinh nghiệm bất khả tín với chiêu bài “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” của Việt Cộng trong quá khứ chiến tranh (Chính phủ hòa giải và hòa hợp dân tộc trong Hiệp định Paris ngày 27-1-1973), hầu hết bên Việt Quốc luôn chống lại cái gọi là “Hòa giải và hòa hợp dân tộc” kiểu Việt Cộng. Mặc dầu thực tế cũng có một số người bên Việt Quốc đã về hợp tác công khai hay âm thầm, vô điều kiện với bên Việt Cộng, đã khoét sâu mâu thuẫn nội bộ Việt Quốc.

Đến đây có thể tạm kết luận, rằng cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam kéo dài nhiều thập niên qua vẫn chưa kết thúc được là vì ba (3) nguyên nhân chủ yếu như vừa trình bày trên. Tuy nhiên, theo lẽ thường cuộc chiến tranh nào dù kéo dài đến đâu cũng phải kết thúc. Vậy cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam sẽ kết thúc khi nào, thế nào và ai thắng ai? chúng tôi sẽ lý giải trả lời trong một bài viết khác tiếp theo.

Chú thích:

(*) – Vì sao bên Việt Cộng không nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là nội chiến. chúng tôi đã lý giải trong bài viết đăng tải trên Diễn đàn Bạn đọc VOA: “The Vietnam War là chiến tranh gì?” (29-9-2017).

(**) – Trong tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới” ấn hành năm 1995, tái bản năm 2005 tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã có đề nghị “Tiến trình ba bước hóa giải mâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc để hình thành chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc”

Xin vào luatkhoavietnam.com, mục “Diễn đàn”, tiểu mục “Tác giả-Tác phẩm” để đọc toàn tập VNTTCLQTM. Vào tiểu mục “Phỏng vấn-Hội luận” để nghe VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này.

* * *

Trong bài viết trước chúng tôi đưa ra những nguyên nhân chủ yếu “Vì sao cuộc nội chiến Quốc-Cộng chưa chấm dứt”, mặc dầu cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc tính đến 30-4 năm nay là đã 46 năm (1975-2021).

Vậy cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam sẽ kết thúc khi nào và kết thúc thế nào, ai thắng ai? Đó là nội dung bài viết này.

I – Cuộc nội chiến Quốc-Cộng kết thúc khi nào và thế nào?

Theo lẽ thường cuộc chiến tranh nào dù kéo dài bao lâu, rồi cũng phải kết thúc cách nào đó. Cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam sở dĩ kéo dài, không thể kết thúc nhanh hơn một cuộc chiến tranh võ trang, là vì đó là cuộc xung đột tư tưởng giữa người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (gọi tắt là Việt Cộng) đối kháng với người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc). Cuộc nội chiến này diễn ra không đơn thuần trên mặt trận quân sự mà còn trên các mặt trận khác như tư tưởng, chính trị và ngoại giao… Vậy cuộc nội chiến Quốc-Cộng này rồi đây sẽ kết thúc khi nào và kết thúc thế nào?

1 – Kết thúc khi nào?

Câu trả lời tổng quát, là cuộc nội chiến Quốc-Cộng sẽ chấm dứt khi Việt Nam hoàn tất tiến trình tư bản hóa và dân chủ hóa. Nghĩa là khi Việt Nam phát triển bền vững đến hội đủ các yếu tính căn bản của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và hình thành chế độ dân chủ pháp trị như tại các nước dân chủ tư bản chủ nghĩa; song với nhiều tính chất đặc thù thích dụng với Việt Nam hơn.

2 – Kết thúc thế nào?

Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam đã khởi phát không tuyên chiến, thì rồi đây cũng sẽ kết thúc âm thầm “không kèn không trống”; như ngọn đèn dầu mù mờ (CS) hết dầu lịm tắt, được thay thế bằng đèn điện sáng trưng (TB). Vậy kết thúc thế nào?

(1) – Kết thúc bằng “Diễn biến hòa bình” với bên Việt Cộng

Mặc dầu cướp được chính quyền cả nước, song bên Việt Cộng đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn về mục tiêu tối hậu của lý tưởng cộng sản là xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam (Giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản). Thực tế là, bên Việt Cộng đã và đang phải chủ động xoay trục tịnh tiến về hướng tư bản chủ nghĩa (kinh tế thị trường, chính trị dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng).

Thực tế cũng như thực chất giờ đây người Việt Cộng (cán bộ đảng viên CS), đảng Việt Cộng (đảng CSVN), chế độ Việt Cộng (CHXHCNVN) đã “tự diễn, tự chuyển hóa” thành “Đỏ vỏ (CS), Xanh lòng (TB)”, gần đến biên độ “tự chuyển thể” (độc tài toàn trị CS qua dân chủ pháp trị TB).

Thực tế là sau khi dùng bạo lực cưỡng chiếm được Miền Nam vào ngày 30-4-1975, bên Việt Cộng đã có cơ hội áp đặt mô hình chế độ Xã hội Chủ nghĩa trên cả nước. Thế nhưng sau 20 năm đầu (1975-1995) thực hiện triệt để mô hình xã hôi chủ nghĩa trong hòa bình, bên Việt Cộng đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn. Việt Cộng đã phải chủ động thực hiện chủ trương, chính sách “Mở cửa” xoay trục về hướng tư bản chủ nghĩa bằng con đường “kinh tế thị trường (định hướng) tư bản chủ nghĩa”. Thế nhưng vì thể diện và động cơ chính trị, bên Việt Cộng đã phải sử dụng chiêu trò của gian thương “Treo đầu dê, bán thịt chó”, với định thức “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” (là giả). Thực tế, đây chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị để che đậy thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn mục tiêu xây dựng mô hình XHCN. Tất nhiên thâm tâm bên Việt Cộng cũng biết đây chỉ là chiều hướng giả tạo (định hướng XHCN), khác với chiều hướng thật (định hướng TBCN).

Thế nhưng, chính trong “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường” (*), người Việt Cộng, đảng Việt Cộng, chế độ Việt Cộng đã và đang đi vào tiến trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự chuyển thể” theo quy luật duy vật biện chứng “Lượng đổi, chất đổi”. Nghĩa là, khi “lượng sinh trùng dân chủ” tăng tiến dần, “lượng vi trùng độc tài cộng sản” tiêu vong dần, đến thời điểm lượng sinh trùng dân chủ thừa đủ (lượng đổi), chất độc tài cộng sản biến thành chất dân chủ (chất đổi). Tương tự như nước đun sôi đến 100 độ C thì bốc hơi. Tiến trình này đã và đang diễn ra tịnh tiến từ hơn 25 năm qua, thời “Mở cửa” (1995-2021) và đang đi đến kết thúc. Ai cũng có thể kiểm chứng qua thực tế:

– Nền kinh tế thị trường ngày một hoàn chỉnh theo hướng phát triển ổn định để ngày một hội đủ các yếu tính của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

– Nền dân chủ ngày một củng cố theo hướng dân chủ hóa từng bước. Theo đó nhà cầm quyền Việt Cộng từng bước trả lại các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền. Hiện tại Việt Cộng chỉ còn giữ độc quyền cai trị với lý do cần bảo vệ ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Vì thế một số quyền dân chủ còn bị hạn chế, như quyền lập đảng, lập hội, nghiệp đoàn, quyền biểu tình, tự do tôn giáo… Do đó, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, với sự hổ trợ của bên Việt Quốc và áp lực quốc tế, vẫn nổ ra dưới nhiều hình thức, để đòi mở rộng sự tôn trọng đầy đủ các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền…

– Đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam ngày một chuyển biến theo hướng đời sống văn hóa, xã hội tư bản chủ nghĩa. Vì chính “môi trường mật ngọt kinh tế thị trường” đã ảnh hưởng sâu đậm, rộng rãi đến mọi giai cấp, nhất là giai cấp tư sản và tư bản giàu có cũng như quảng đại quần chúng toàn xã hội. Sự chuyển biến này có thể nhận thấy qua nếp sống, sinh hoạt thường ngày của mọi tầng lớp người dân trên thực địa; cũng như phản ánh qua các phương tiện truyền thông báo chí, phim ảnh… Tất cả đã cho thấy sinh hoạt văn hóa xã hội tại Việt Nam ngày nay gần giống như tại các nước dân chủ tư bản. Trong đó, ảnh hưởng sâu rộng nhất là nếp sống sinh hoạt văn hóa xã hội Hoa Kỳ và các nước dân chủ tư bản Phương Tây.

Tất cả diễn biến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên tại Việt Nam, đã và đang đẩy đưa chế độ độc tài toàn trị Việt Cộng tiến dần đến biên độ kết thúc tiến trình chuyển đổi (Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa) để hình thành chế độ dân chủ pháp trị tại Việt Nam. Đó là chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam; phù hợp với chiều hướng chiến lược toàn cầu mới không thể đảo ngược (Thị trường tự do hóa về kinh tế, dân chủ hóa toàn cầu về chính trị…). Chính vì vậy mà lãnh đạo các cấp bên Việt Cộng luôn cảnh giác các cán bộ đảng viên CS về một “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”. Thế nhưng những lời cảnh giác duy ý chí này vẫn không làm thay đổi được thực tế.

Thực tế là tại Việt Nam đang có sự thay thế não trạng các thế hệ con người Việt Cộng. Từ thế hệ già nua, bảo thủ, giáo điều, vốn kiên định XHCN, có liên hệ ít nhiều đến cuộc chiến tranh Quốc-Cộng hôm qua (1954-1975). Nay họ đã và đang ngày một “tự diễn biến, tự chuyển hóa…” theo thời gian. Nếu còn sống thì họ cũng đã “phản tỉnh” do thực tế khách quan, biết được đâu là con đường dẫn đến mục tiêu tốt nhất cho đất nước và tốt hơn mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa không tưởng, từng gây tai họa nhiều mặt cho nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Chính thế hệ con người Việt Cộng cũ này đã “tự diễn biến, tự chuyển đổi” bản thân, làm gạch nối cho các thế hệ sinh sau chiến tranh, hay ít ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Họ đã và đang làm nhiệm vụ “tự chuyển thể” để chấm dứt nội chiến Quốc-Cộng. Vì thế hệ sinh sau này đã được giáo dục, đào tạo từ nhiều nguồn, nhất là nguồn du học nước ngoài, hầu hết là ở các cường quốc dân chủ tư bản, đông nhất là Hoa Kỳ. Chính thế hệ này, gốc con cán bộ đảng viên CS hay dân thường, được trang bị kiến thức mở rộng, nhân bản, khai phóng, có lập trường dân tộc, tinh thần cấp tiến đã, đang thay thế dần thế hệ lãnh đạo già nua, bảo thủ, lỗi thời, đang ngay càng khan hiếm (đến độ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú trọng không tìm được người thay thế phải phá lệ ngồi thêm nhiệm kỳ III, dù đã ở độ tuổi gần đất xa trời…).

(2) – Trong khi bên Việt Quốc sau hơn 45 năm đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa Việt nam thì vẫn chưa giành lại được chính quyền và đất nước. Trong tương lai, do tương quan lực lượng không cân sức, Việt Quốc cũng khó giành lại được chính quyền và đất nước để chủ động tiếp tục hoàn thành mô hình chế độ dân chủ pháp tri Việt Nam Cộng Hòa còn dang dở (1954-1975). Thế nhưng Việt Quốc vẫn không chấp nhận thua cuộc, tiếp tục chống cộng, vẫn kiên định cuối cùng “chính nghĩa quốc gia dân tộc, dân chủ” tất thắng “ngụy nghĩa cộng sản (ngụy dân tộc), độc tài, phản dân chủ”. Nghĩa là cuối cùng Việt Nam phải có chế độ dân chủ đích thực, chế độ độc tài Việt Cộng phải tiêu vong.

Thật vậy, sau khi để mất chính quyền và đất nước vào ngày 30-4-1975, bên Việt Quốc trong cũng như ngoài nước tiếp tục chống cộng giai đoạn ba cũng là giai đoạn cuối cùng của cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1975- nay). Mặc dầu tương quan lực lượng không cân sức, ưu thế luôn nghiêng về bên Việt Cộng, thế nhưng bên Việt Quốc vẫn kiên trì chống Cộng đến cùng để giành lại chính quyền và cả đất nước; ngõ hầu tiếp tục chủ động hoàn thành mô hình chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa còn dang dở. Vì Việt Quốc tin tưởng mãnh liệt rằng, chân lý tất thắng, chính nghĩa “quốc gia dân tộc, dân chủ…” tất thắng ngụy nghĩa “cộng sản (ngụy dân tộc), độc tài, phản dân chủ”. Niềm tin tất thắng này của bên Việt Quốc, đã và đang được thực tế ngày một khẳng định sẽ thành sự thật.

Thực tế là, bên Việt Quốc kiên trì đấu tranh chống bên Việt Cộng hơn 45 qua, dù chưa giành lại được chính quyền và đất nước, để tiếp tục chủ động thực hiện mục tiêu tối hậu lý tưởng đấu tranh của mình là dân chủ hóa đất nước. Thế nhưng, với niềm tin mãnh liệt vào sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia, cuộc đấu tranh kiên trì đi đúng chiều hướng của chiến lược toàn cầu mới (Thị trường tự do về kinh tế, dân chủ hóa toàn cầu về chính trị); trên thực tế, bên Việt Quốc rồi đây sớm muộn cũng sẽ thành đạt mục tiêu cuối cùng là dân chủ hóa đất nước. Sự thành đạt này sẽ đến và sắp đến ở cuối quá trình tiêu vong của con người Việt Cộng, đảng Việt Cộng và chế độ Việt Cộng. Và như thế, cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam, vốn khởi sự không tuyên chiến, rồi đây cũng sẽ kết thúc âm thầm, hòa bình, không, hoặc ít, đổ máu. Một sự kết thúc bằng sự hòa nhập những tư tưởng và hành động tiến bộ của hai bên Việt Cộng và Việt Quốc. Có thể diễn tả qua câu ca dao tân cổ giao hòa, rằng:

“Nước sông (Việt Quốc dân chủ) hòa lẫn nước ngòi (Việt Cộng độc tài); nội chiến Quốc-Cộng đến thời tiêu vong”.
Nước ngòi (Việt Cộng độc tài) hòa lẫn nước sông (Việt Quốc dân chủ), nội chiến Quốc-Cộng tiêu vong mấy hồi.

II – Ai thắng ai?

Tiếp theo những lý giải về cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam sẽ kết thúc khi nào và kết thúc thế nào, câu hỏi tiếp theo là: ai thắng ai?- Câu trả lời ngắn gọn như lời kết chung, rằng hai bên nội chiến Việt Cộng và Việt Quốc không bên nào thắng. Nếu có thắng thì chỉ có các bên ngoại chiến (Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung cộng…) đã thắng. Vì họ đã thành đạt được các mục tiêu chiến lược vì lợi ích quốc gia của họ, thông qua cuộc chiến tranh Quốc-Cộng Việt Nam. Còn hai bên nội chiến Việt Cộng và Việt Quốc, nếu có thắng, thì:

– Bên Việt Cộng đã chỉ thắng trong mục tiêu cướp chính quyền (chỉ là phương tiện); song đã thua bại hoàn toàn và vĩnh viễn trong mục tiêu xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa (mới là cùng đích)); vốn là mục tiêu tối hậu giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.

– Bên Việt Quốc đã thua vì đã để mất chính quyền, đất nước, mà vẫn chưa giành lại được để chủ động tiếp tục thực hiện mô hình chế độ Việt Nam Cộng Hòa, vốn là mục tiêu tối hậu của lý tưởng chủ nghĩa quốc gia. Nhưng cuối cùng Việt Quốc đã thắng khi mục tiêu tối hậu này hình thành tại Việt Nam. Đúng như tiêu đề một bài viết trước đây của chúng tôi về ý nghĩa lịch sử về ngày 30-4-1975 được đăng tải trên diễn đàn này của VOA, rằng “30-4-1975, Quốc gia thua để thắng; Cộng sản thắng để thua”.

https://www.voatiengviet.com/a/thang-tu-ngay-ba-muoi-quoc-gia-thua-de-thang-cs-thang-de-thua/1903051.html

Thiện Ý
Houston, Tháng 4 năm 2021.

(*) “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường” là thuật ngữ chúng tôi dùng theo ý tục ngữ Việt Nam “Mật ngọt chết ruồi”. Vì CS có thể không chết trong “môi trường mật đắng” (là bạo lực chiến tranh, vì CS là vua bao lực); song CS dễ chết trong “Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường”:… như thực tế tại Việt Nam.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*