Thư Gửi Bạn: Quê Hương Tôi Không Chỉ Là Chùm Khế Ngọt

Huế đích thực là nơi chôn nhau cắt rún của tôi. (Photo by NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Thưa bạn,
Cám ơn ban đã nhớ đến tôi, có nghĩa là nhớ đến tôi là dân Huế. Cũng cám ơn bạn đã có lòng gửi cho tôi hai bản nhạc về Huế, trong đó có bản: “Huế, Tình Yêu Của Tôi” qua tiếng hát Bảo Yến. Bản nhạc này tôi nhớ đã nghe đâu đó một lần, Bảo Yến mà hát bài này thì không chê vào đâu được… và bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ  Trung Quân: Quê hương là chùm khế ngọt… Cũng xin cám ơn bạn đã cho tôi một lời khuyên là nên về thăm lại Huế… Bạn nói: Huế là quê hương của anh mà…

Thưa bạn, Đúng thế. Tôi sinh ra ở Huế, nói chính xác là tôi được mẹ tôi sinh ra ở nhà hộ sinh của ông Đốc Phước, ở gần vườn bông đường Ngã Giữa. Chữ Ngã Giữa mà tôi đang dùng có thể bây giờ đã trở thành xưa cũ không ai dùng và những thế hệ sau này dù ở Huế chắc cũng ít ai hiểu Ngã Giữa là ngã nào, và nhà hộ sinh ông Đốc Phước lại càng ít người biết. Vâng, nói cho rõ, đường Ngã Giữa là con đường trước năm 1975 gọi là đường Phan Bội Châu, sau năm 1975 thì được đổi tên là Phan Đăng Lưu. Gọi là đường Ngã Giữa là vì nằm ở phố giữa, phân biệt với con đường Huỳnh Thúc Kháng cùng chạy song song nhưng nằm phía ngoài bờ sông Đông Ba. Từ bùng binh cầu Gia Hội và đường Trần Hưng Đạo chạy xuống, con đường tách làm thành hai nhánh kéo dài chừng vài trăm mét thì chấm dứt khi cắt ngang với con đường Mai Thúc Loan. Ở giữa hai nhánh đường này có một vườn hoa nhỏ, người Huế gọi là vườn Bông. Còn ông Đốc Phước là Bác Sĩ Thân Trọng Phước có một nhà hộ sinh nằm trên nhánh đường phía trái nếu tính từ trên chợ Đông Ba xuống, gần tiệm mì Châu Anh.

Thưa bạn, tôi phải dài dòng như vậy để chứng tỏ tôi là người Huế chính cống và Huế đích thực là nơi chôn nhau cắt rún của tôi.

Thưa bạn, tôi sống suốt tuổi ấu thơ trong ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng tức là đường Hàng Bè, trước mặt bờ sông Đông Ba, cạnh cây cầu Đen. Gọi là đường Hàng Bè vì con đường này là nơi tập trung các bè, lồ ô, tre, nứa từ thượng nguồn sông Hương đưa xuống bán. Đường Hàng Bè bắt đầu từ phía cầu Gia Hội chạy dọc theo bờ sông xuống tận dưới làng Bao Vinh. Nhà tôi cách Bến Tượng chừng vài chục mét. Bến Tượng là chỗ tắm dành cho đàn voi của Đội Tượng Binh Quân Đội nhà Nguyễn trước kia, bây giờ thì trở thành Bến Đò từ các làng Kế Môn, Bao Vinh Vân Xá lên. Bến Tượng nằm ngay trên ngã 3 Đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè) và đường Mai Thúc Loan. Đường Mai Thúc Loan như đã nói ở trên, bắt đầu từ ngã 3 này chạy thẳng qua cửa Đông Ba của Thành Nội. Khu vực Bến Tượng đường Huỳnh Thúc Kháng là một khu vực buôn bán khá sầm uất trong đó có các tiệm bán Mè Xửng như Hồng An, Hồng Thuận hay đi theo dốc cây cầu Đen phía sau nhà tôi thì gặp con đường Đường Đào Duy Từ có nhiều tiệm bán nem, tré nổi tiếng. Nằm bên kia sông Đông Ba, trước mặt nhà tôi là đường Bạch Đằng. Từ đó đi lên chừng vài trăm mét thì có chùa Ông và kế đó là chùa Diệu Đế.

Tôi lớn lên giữa tiếng chuông chùa Diệu Đế từ phía bên kia sông vọng qua xen lẫn tiếng cối giã thịt heo từ các lò làm nem tré phía sau đường Đào Duy Từ nghe đều đặn vào mỗi sáng sớm.
Tôi lớn lên giữa những đám bạn thời thơ ấu của cả hai con đường Huỳnh Thúc Kháng phía trước và đường Đào Duy Từ phía sau, cùng đi học ngôi trường Thanh Long nằm kế lò mổ bò A Ba Toa, cùng chia nhau đá banh trên lề đường hay chơi đùa trên cầu Đông Ba vào mỗi đêm mùa Hè.

Tôi lớn lên giữa tiếng còi hụ báo giờ giới nghiêm lúc 12 giờ đêm và tiếng bom B52 làm rung chuyển các cửa kính từ đâu đó vọng lại.

Tôi lớn lên giữa những bài hát của Trịnh Công Sơn phát ra từ cái máy ghi âm cũ kỹ nghe rè rè: Tôi có người yêu chết trận Ba Gia, tôi có người yêu vừa chết đêm qua, mê hoặc tôi một thời mới lớn.

Tôi cũng lớn lên giữa những cuộc xuống đường biểu tình của đồng bào Phật tử, các sinh viên học sinh Huế từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và những cái tên Vĩnh Kha, Tôn Thất Kỳ hay Bửu Tôn, Nguyễn Đắc Xuân là những tên tuổi đàn anh một thời tôi ngưỡng mộ.

Tôi cũng lớn lên giữa biến cố Tết năm Mậu Thân 1968.

Thưa bạn,

Ai là người Việt Nam ở lứa tuổi như tôi và bạn sống trong các thành phố lớn của miền Nam vào thời điểm đó không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi trận chiến khủng khiếp này. Nếu gác qua một bên sự khác nhau giữa các lý tưởng, thì mọi cuộc chiến tranh từ xưa đến nay và bất cứ ở đâu cũng đều giống nhau. Giống nhau từ sự tàn phá thảm khốc, chết chóc kinh hoàng, và cả tính cách vô lý của nó xảy ra dưới mọi hình thức. Nhưng trong cuộc chiến gọi là Tổng Công kích Tết Mậu Thân năm 1968 thì khác, Mức độ tàn phá ở Nha Trang có thể giống một phần ở Sài Gòn hay Quy Nhơn, Bình Định và các nơi khác. Nhưng ở Huế thì không. Huế đứng lên trên mọi sự kinh hoàng thảm khốc bình thường, vì Huế còn có thêm những hầm hố chôn tập thể những người đã bị phe bên kia xử tội. Cuộc xử tội khủng khiếp bằng báng súng, cuốc, và thậm chí không cần gì cả, chỉ cần một cú đạp té xuống cái hố đào sẵn và lấp đất lại. Những hầm hố chôn tập thể này được tìm thấy nằm rải rác từ trong sân trường Gia Hội, chùa Áo Vàng bên khu tả ngạn thành phố ra đến ngoại ô Phú Thứ, Hương Điền, lên đến Khe Đá Mài, khu vực lăng Minh Mạng phía Tây Nam Huế với tổng số xác được khui lên là khoảng 6 ngàn xác, đủ mọi thành phần, binh lính công chức, giáo sư, dân thường, trẻ em, phụ nữ, kể cả hai ông giáo sư người Đức dạy tại trường Đại Học Huế.

Không ai biết lý do đích thực xảy ra vụ thảm sát khủng khiếp này và ai là người trực tiếp ra cái lệnh đó?

Bây giờ khi được nhắc lại, hỏi đến, những người Cộng Sản lãnh đạo cuộc tổng công kích vào thành phố Huế năm xưa, đều đã chối trách nhiệm.

So với cuộc thảm sát nói trên thì (hình ảnh) vụ Tướng Loan xử tử tên khủng bố đặc công Bảy Lém ngay trên đường phố Sài Gòn trong Tết Mậu Thân, không nghĩa lý gì hết, ngay cả vụ Mỹ Lai ngày 16 Tháng Ba, 1968 với 106 thường dân bị bắn chết cũng chẳng thấm vào đâu. Người ta có thể nói vụ Tướng Loan hay cả vụ Mỹ Lai do tên Trung Úy William Calley chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng với 6 ngàn cái xác người được tìm thấy trong hàng trăm hầm chôn tập thể khắp tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế năm Mậu Thân 1968 thì không thể đổ là do tư thù cá nhân.

Thưa bạn,

Tôi nhắc lại cái biến cố đau thương đã chôn sâu trong quá khứ 44 năm rồi, có thể chỉ khơi lại cho bạn một chút phiền muộn vô ích, nhưng thưa bạn, bạn nên thông cảm, vì tôi là người Huế. Và như bạn đã nói Huế là quê hương của anh mà… Người Huế có nỗi đau riêng của họ mà người ngoài khó có thể cảm nhận chia xẻ. Đó là cái đau âm thầm nhưng dai dẳng mà người Huế như tôi phải chịu đựng trước những cái chết thê thảm, oan ức của người thân mình mà không biết cách nào để hóa giải. Mà cái đau đớn nhất, thưa bạn chính là mình phải sống chung đụng hằng ngày với những tên chịu trách nhiệm trong biến cố này, những tên đáng lý phải bị kêu ra trả lời trước tòa án như những tên Đức Quốc Xã về các vụ giết người tập thể trong các trại tập trung thời Chiến Tranh Thế Giới thứ hai. Đau đớn thay đối với dân Huế, đến nay chúng vẫn còn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật một cách vui vẻ như những tên sát nhân mặt lạnh không còn chút lương tri.

Thưa bạn, chính vì thế. Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt, không chỉ là hình ảnh tà áo trắng nữ sinh đi học về trên cây cầu Trường Tiền lộng gió, hay vẻ đẹp của dòng sông Hương, núi Ngự Bình hay quang cảnh các đền đài lăng tẩm mà biết bao nhiêu thơ văn hay bản nhạc về Huế đã ca tụng. Quê hương còn có có nỗi đau Mậu Thân năm nào, cái đau âm thầm dai dẳng vẫn còn bám lấy dân Huế suốt năm tháng không thể nào nguôi.

Thưa bạn,

Vâng, quê hương Huế của tôi là như thế.

Nên, đĩa CD với bài hát “Huế Tình Yêu Của Tôi” mà bạn gửi, tôi xin cất lại. Bởi vì như tôi đã nói “Huế Tình Yêu Của Tôi.” Chỉ còn là một nỗi đau.

Cám ơn bạn rất nhiều.

Nguyễn Đình Liên

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*