Nhà văn Tiểu Tử trong truyện Con Rạch Nhỏ Quê Mình kể về làng Nhơn Hoà của ông làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình hết sức. Ông kể chuyện đi tắm rạch với bạn, “lội qua con rạch lượm xoài mút, đã tụt quần xà-lỏn đội lên đầu để khỏi ướt mà xui gặp trời mưa nên về nhà vẫn bị ăn đòn”. Cái rạch ấy có cái cầu khỉ mà bà Năm Chiện đi qua trượt chân té. Bà la chói-lói “Bớ làng xóm, bớ làng xóm!” Đến khi thấy không bị chìm vì nước ròng, bà hạ giọng “Ủa mà cạn!” Bà con lối xóm nghe la, chạy ra thấy bà Năm lóp ngóp bò lên bờ rạch, miệng cười lỏn lẻn mắc cỡ!
Tôi cũng có một tuổi thơ đi tắm sông, thả diều và bắt chim. Bây giờ có nhà văn kể lại, ông ấy già hơn tôi mà trái tim còn rung động về những ngày thơ ấu khiến tôi như mở được cánh cửa lòng.
Truyện còn rung động hơn khi ông kể về người bạn tiểu học tên Cương được “con” Huê thương hồi học lớp nhất. Hết lớp nhất, Cương cùng gia đình đi Tây. Huê tặng Cương chiếc khăn mùi xoa. 50 năm trường, Cương chưa một lần về thăm làng cũ. Sau 1975, Tiểu Tử cũng định cư bên Tây, có về và gặp cô Huê còn bán vải ở chợ nhà lồng. “Con nhỏ” vẫn chưa chồng, nhìn già hơn nhưng vẫn còn duyên. Khi từ giã, cô ngập ngừng nói, “Khi qua bên Tây, anh cho em gởi lời thăm Anh Cương” rồi bỏ chạy. ”Nó đâu có biết bên Tây rộng lớn thế nào, và tao có biết mày ở đâu, sống hay chết! Tao nhìn theo nó chạy đi và đưa tay lên quẹt mắt mấy lần!”
Sau khi truyện ngắn Con Rạch Nhỏ Quê Mình được lên online thì cô con gái của ông Cương được bà con kể lại cho nghe vì cô không giỏi tiếng Việt, mà ông Cương thì đã qua đời rồi. Cô gái tìm tác giả Tiểu Tử để cảm ơn nhắc về cha mình và cũng để cô kể lại nỗi lòng của cha. Ông Cương nói với con gái, ông có nỗi ân hận lớn với bạn bè ở làng Nhơn Hoà vì ông ra đi hồi quá trẻ. Qua Tây rồi thì loá mắt với cuộc sống mới, ông không có một lá thư thăm hỏi nào về làng. Ông Cương đưa cho con gái một phong thư trong đó có cái khăn mùi xoa cô Huê thêu tặng ông và dặn dò con tìm cách về làng Nhơn Hoà trao lại cho cô Hai Huê bảo rằng ông vẫn nhớ cô và chuyện ngày xưa…
Không phải là một chuyện tình não nùng hay sao? Đơn giản nhưng cảm động. Cô Huê gìn giữ mãi một mùa xuân của lòng mình. Ông Cương như người lãng tử phiêu bạt cuối trời chân mây không còn cơ hội tìm lại mùa xuân của tuổi thơ dù vẫn ấp ủ nó suốt đời. Họ không quên nhau nhưng không có cơ may để gặp lại, để nhìn thấy nhau, tìm trong đáy mắt già nua của nhau hình bóng tuổi thơ năm nào.
Cái tâm trạng “tìm lại một mùa xuân” hay “tìm một mùa xuân” ấy, theo tôi rất phổ quát. Hình như có một mùa xuân nào đó trong lòng mỗi người để đi tìm. Mùa xuân trong mơ ước, mùa xuân trong những hình bóng thoáng qua, mùa xuân trong suy tư triết học, hay mùa xuân trường cửu thần học.
Câu chuyện của nhà văn Tiểu Tử có thể làm nhiều độc giả rung động nhưng không phải là duy nhất. Lạ lùng là ta có thể tìm thấy nó ở cả nền văn hoá tây phương. Đây là chuyện Mỹ, cũng là chuyện đi tìm lại một mùa xuân.
Ông Paul sống sót qua cuộc Thế Chiến Thứ 2 trở về. Sau khi đi học lại, ra trường, đi làm, ông mới có thời giờ nghĩ lại tuổi thơ của mình, trong đó có người bạn nhỏ Mary cùng lớp hồi tiểu học cùng xóm. Thời gian qua mau và chiến tranh mang ông đi xa nửa vòng thế giới. Cuộc Thế Chiến như trận cuồng phong cuốn đi bao bạn bè của ông, may thay quê nhà bên Mỹ không bị bom đạn, chỉ vắng bao người đi mà không trở lại. Ông dò tìm các bạn cũ và nhất là Mary. Dù không là thời điện toán nhưng người ta đã có xe hơi và điện thoại. Sau khi dò hỏi gia đình để biết tên họ bên chồng của cô, rồi nhờ những cuốn niên giám điện thoại, Paul tìm được Mary.
Tìm được đã khó, bây giờ nếu gọi điện thoại thì nói chuyện ra sao đây, chưa chắc đã dễ. Nếu Mary còn nhớ đến mình thì khỏi phải bàn, nhưng có thể có hằng trăm cái không may lỡ xảy ra… Mà giả như cô ấy có nhớ đến mình mà không có chút rung động gì về những kỉ niệm thơ ấu thì cũng như không!
Paul suy nghĩ mất vài đêm. Ông tự phỏng vấn mình: Tại sao mình đi tìm Mary? Mình muốn điều gì? Việc mình làm sẽ đưa đến điều tốt hay xấu? Sau khi xác định rằng, ông chỉ muốn thấy lại chút ngày xưa – cái không gian và thời gian tuổi thơ của ông ở đâu và đi đâu, có lưu lại dấu vết gì không? Không lẽ dư vị chỉ có trong ông thôi sao? Ông thấy mình vững tâm hơn khi cho rằng mình đi tìm dấu vết của thời gian và không gian. Nghe quá thuyết phục đi chứ!
Cuối cùng, Paul nhấc máy điện thoại và bấm số. Sau vài hồi chuông là giọng trả lời của Mary. Paul rất mừng vì không phải theo sát bản kịch soạn trước cho mình. Hai người đã vui mừng nhận ra nhau và những kỉ niệm hiện về làm cho họ luống cuống không biết nói chuyện gì trước chuyện gì sau, và ai là người nói ai là người nghe. Ít ra là Paul cảm thấy như thế. Cho tới khi Paul nghe tiếng con nít khóc léo nhéo gọi mẹ, Paul biết mình phải ngưng để Mary lo công việc nội trợ. Dầu vậy hai người đã có thể định một cuộc hẹn ăn trưa ở một tiệm ăn trong thị trấn của Mary.
Paul cảm tạ Chúa đã đưa anh qua những trận đánh khốc liệt bên kia bờ ạđi dương về nhà an toàn, bây giờ lại cho anh tìm được mảnh quá khứ của tuổi thơ. Niềm vui sướng đầy tràn trong lòng anh nhưng hình như anh không thể chia sẻ với ai. Có ai cảm thông được niềm vui của một người đi tìm dấu vết của vĩnh cửu? Không biết Mary cảm nhận ra sao?
Buổi trưa hẹn đã đến. Paul tới sớm với bó hoa tươi. Anh chọn bàn ở góc phòng khang trang, đặt bó hoa vào bàn với tấm danh thiếp gởi Mary với lời chúc ăn ngon. Anh tới quầy trả tiền trước, dặn dò cô tiếp viên rồi chào từ giã trước khi bước nhanh trên hè phố.
Ông Paul dừng câu chuyện của ông ở đây làm cho chúng ta tiếc nuối bâng khuâng. Sau đó thì sao? Mary có buồn không, cô nghĩ gì? Tại sao Paul hẹn mà lại không muốn gặp dù đã đến và gởi lại bó hoa? Thế rồi sau đó hai người có tìm dịp hẹn khác không, có gọi điện thoại cho nhau nữa không? Và nhiều câu hỏi khác nữa.
Đã có thời gian tôi nghĩ rằng nền văn minh âu mỹ khác mình lắm nên chẳng thể có cái chuyện tình lãng mạn kiểu này. Hẹn mà không đến thì chỉ có thi sĩ Hồ Dzếnh của mình thôi. Nhiều người chúng ta đồng ý với nhà thi sĩ rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, nhưng cũng biết cái đẹp thơ thẩn ấy không đi đến kết quả nào. Ông Paul ở đây hẹn và đến nhưng không chịu gặp thì cũng thuộc trường phái Hồ Dzếnh của chúng ta rồi. Văn hoá Mỹ mà như thế thì làm sao phát-triển được kĩ-thuật hoả tiễn “đất đối không” – “tên lửa” của địch bắn vào với tốc độ hàng trăm dặm giờ mà hoả tiễn Patriot phóng lên chính xác phá rầm rầm trên trời kia kìa. Tư duy làm sao thì hành động làm vậy mà.
Nghĩ đi nghĩ lại thì ta lại thấy có điều gì khác ở cách hành sử của ông Paul. Ông xác định mục đích của mình trước khi tìm gặp Mary. Có thể tình cảm con người thường có những pha trộn khó tách biệt, tuy nhiên tiếng léo nhéo con nít đã có thể nhắc nhở ông Paul chỗ đứng của mình. Cho nên ông chuẩn bị hoàn hảo cho buổi hẹn nhưng dừng lại ở thời điểm mà ông cho là đã đủ. Đi tìm một mùa Xuân, ông biết mùa Xuân năm ấy có thực và còn ở đó là đủ.
Nhạc sĩ Đoàn Nguyên đã nói lên cái tâm trạng của nhiều người chúng ta:
“Tôi đi tìm lại một mùa xuân,
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi,
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng,
Mà xuân nay vẫn còn dư hương…”
Tìm lại hay đi tìm một mùa xuân là đi tìm một kho tàng trong dòng thời gian vô tận nhưng không mất. Phải chăng như thế là bước đi trên hành trình đi tìm một kho tàng vĩnh cửu?
Nguyễn Văn Thông
Be the first to comment