Hậu Quả Và Giải Pháp Cho Vấn Nạn Tin Giả, Thuyết Âm Mưu

Vào một ngày đầu tháng 12 năm 2016, một người đàn ông bước vào quán pizza tên là Comet Ping Pong tại Mỹ và xả súng vào căn phòng lúc đó đầy ắp bố mẹ và trẻ con.

Nguồn gốc của cuộc tấn công này đến từ một thuyết âm mưu liên quan tới vụ bà Clinton dùng email cá nhân để làm việc. Hàng loạt tin giả khẳng định rằng email của bà kết nối với đường dây ấu dâm của đảng Dân Chủ. Một trong những địa điểm gây tội ác là tầng hầm của quán pizza Comet Ping Pong. Thậm chí ngay cả sau khi bà thua trong cuộc bầu cử, tin giả này vẫn tồn tại, dẫn đến hành động xả súng ngày 4 tháng 12. Vấn đề là, quán Comet Ping Pong không hề có một cái tầng hầm nào.

Trong lịch sử, thuyết âm mưu và tin giả đã đem lại niềm tin cho hàng triệu người, nhưng cũng cướp đi mạng sống của triệu người khác. Ví dụ điển hình là Đức Quốc Xã và năm triệu người Do Thái bị thảm sát.

Tương tự, thuyết âm mưu “vaccin gây ra bệnh tự kỷ” khiến cho những nỗ lực hàng chục năm trời có nguy cơ đổ sông đổ bể khi một số căn bệnh tưởng như đã tuyệt diệt vì có vaccin nay có thể quay trở lại.

Gần gũi hơn, thuyết âm mưu liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ vưà qua khiến nhiều người coi thể chế dân chủ của Mỹ là giả dối. Nước Mỹ trong tương lai sẽ “há miệng mắc quai” khi ngoại giao cùng các nước khác. Thuyết âm mưu khiến điện Capitol – biểu trưng của nền dân chủ Mỹ lần đầu tiên bị tấn công bởi chính những công dân của mình. Thuyết âm mưu cũng gây đổ máu và thương vong, khiến 5 người chết trong cuộc “cách mạng mini” này.

Chưa kể, nó cũng khiến vô số gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp trở nên vơ đũa cả nắm, xấu xí độc ác với nhau, phủ nhận hoàn toàn quá khứ và mặt tốt của nhau, từ mặt nhau, coi nhau như kẻ thù hay quỷ dữ. Để hàn gắn sự rạn vỡ này sẽ cần nỗ lực của hàng năm, thậm chí hàng chục năm tiếp theo.

Theo một nghiên cứu của PEW, người Mỹ cho rằng thuyết âm mưu và tin giả là vấn nạn nguy hiểm hàng đầu, còn hơn cả phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu, nhập cư trái phép, và khủng bố.

Như vậy, hậu quả của tin giả là thương tổn thật. Các thuyết âm mưu có thể ảnh hưởng cả xấu lẫn tốt đến kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo. Tuy nhiên, việc dùng tin giả và thuyết âm mưu với mục đích tốt cũng giống như chơi với dao vậy, hậu quả không những là thật mà còn khó lường.

Ai là nạn nhân của thuyết âm mưu và tin giả?

Câu trả lời chung là tất cả chúng ta. Đã làm người thì bộ óc đương nhiên sẽ thấy tin giả cùng thuyết âm mưu gây chú ý. Điểm khác biệt là xu hướng dễ bị ảnh hưởng đến mức nào.

Theo một nghiên cứu gần đây về COVID-19, nạn nhân của tin giả và thuyết âm mưu tập trung cao bởi những người đọc tin trên mạng xã hội. Nếu bạn có thói quen mở facebook đọc tin mỗi ngày, bạn thuộc về 66% dân số dễ có khả năng bị tin giả qua mặt. Kể cả khi các trang tin có uy tín xuất hiện trên facebook, chúng cũng bị nuốt chửng bởi tần số và cường độ tin giả chia sẻ bởi bạn bè, gia đình và các trang không kiểm chứng. Theo cơ chế của thiên kiến nghe nhiều thành đúng (illusory truth effect), bạn cũng dễ trở thành nạn nhân.

Nhóm thứ hai là những người trên 65 tuổi. Cụ thể hơn, 11% người già chia sẻ tin giả, trong khi chỉ có 3% người trẻ dưới 29 tuổi là nạn nhân.

Cũng theo nghiên cứu này, nhóm thứ ba dễ trở thành nạn nhân là người theo trường phái bảo thủ (thường bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà hoặc ủng hộ ông Trump). Cụ thể hơn, trong cuộc bầu cử năm 2016, ủng hộ viên của ông Trump đọc 40% tin giả trong khi ủng hộ viên của bà Clinton đọc 15% tin giả. Tại Việt Nam, các cuộc thăm dò trên báo cho thấy khoảng 80% bạn đọc ủng hộ ông Trump. Cộng thêm việc nhiều người không biết tiếng Anh và không có thói quen kiểm chứng lại nguồn tin từ tiếng Anh, tỷ lệ cao như vậy đồng nghĩa với việc người Việt dễ có khả năng trở thành nạn nhân của tin giả về cuộc bầu cử vừa qua.

Giới tính không có ảnh hưởng mấy đến xu hướng này.

Nhìn tổng thể, các nghiên cứu trên cho thấy nạn nhân của tin giả và thuyết âm mưu thiên về những người mang trong mình nỗi lo âu hoặc giận giữ về thế giới xung quanh. Người già, người bảo thủ, người ủng hộ Trump và người Việt có một mẫu số chung: Họ cần một thứ vũ khí để bảo vệ cho sự tấn công và đe doạ bên ngoài.

Với người già, đó có thể là một xã hội hiện đại phát triển mở rộng quá nhanh. Với người bảo thủ, đó là sự cai quản chặt chẽ của chính quyền và các giá trị tự do như đồng tính, quyền phụ nữ, và bỏ thai. Với người ủng hộ Trump, đó có thể là nỗi e ngại người nhập cư sẽ lấn át cơ hội công việc của người da trắng. Với người Việt, nỗi lo sợ đó có thể là Trung Quốc.

Trong phần một của series này, chúng ta có nhắc đến một bộ phận tiếp nhận cảm xúc trong não là amygdala. Bộ phận này nhạy cảm nhất với nỗi sợ hãi vì đây lả cảm xúc tự vệ quan trọng nhất để sinh tồn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người theo trường phái bảo thủ có amygdala to hơn người theo trường phái tự do tân tiến.

Điều này thực ra khá hợp lý vì người bảo thủ dễ lo sợ hơn, dễ nghi ngờ thế giới xung quanh hơn và cũng khó tiếp nhận các giá trị mới hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể kết luận rằng xu hướng chính trị là do sinh ra đã có. Các bộ phận trong não cũng giống như cơ bắp trên cơ thể, có thể thay đổi kích cỡ tuỳ theo lối sống. Người nào hay lo sợ, nghi ngờ, đọc tin và kết bạn với người lo sợ nghi ngờ thì vùng amygdala có thể biến đổi để tiếp nhận tín hiệu đe doạ. Ngược lại, thiền định hoặc sống cởi mở hơn có thể khiến amygdala hoạt động điềm tĩnh hơn.

Cuối cùng, có nạn nhân thì cũng có kẻ hưởng lợi. Rất nhiều tin giả lũng đoạn thế giới trong thời gian vừa qua đến từ một thành phố không tên tuổi tại Macedonia. Hàng trăm thanh niên ở đây có thể kiếm tới vài ngàn đôla mỗi tháng bằng cách xào nấu tin giả cho thật mùi mẫn, kích động, với mục đích kiếm được nhiều view và ăn tiền quảng cáo. Một cậu bé trả lời khi được phỏng vấn: “Bọn tôi không quan tâm đến chính trị nước Mỹ. Bọn tôi chỉ quan tâm đến việc có tiền để mua quần áo xịn”.

Giải pháp cá nhân cho chúng ta là gì?

Có lẽ giải pháp đơn giản nhất chúng ta có thể làm ngay bây giờ là “ngưng đọc tin trên facebook”. Nếu điều này khó khăn, chúng ta hãy chọn chỉ theo dõi các kênh thông tin lớn và có uy tín. Không một hãng tin nào có thể khách quan tuyệt đối, nhưng nếu buộc phải lưạ chọn, các hãng tin ở vùng trung tâm của bản đồ nên được ưu tiên hơn.

Tiếp theo, ta nên phân biệt tin (news) và quan điểm (opinion). News thường chỉ nêu các sự kiện, đôi khi khó đọc, chán, và thiếu bức tranh toàn cảnh. Quan điểm xâu chuỗi các sự kiện và đưa ra nhận định.

Chính vì thế, quan điểm có thể thiếu khách quan. Một kênh thông tin tốt thường cố gắng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau để bạn đọc tham khảo.

Giải pháp đơn giản thứ hai chúng ta có thể làm là học cách kiểm chứng nguồn tin. Nếu nguồn tin đó không do các kênh thông tin có uy tín đưa thì ta nên kiểm chứng bằng cách gõ thông tin kèm thêm từ khóa “fact check”. Ta cũng có thể kiểm chứng qua các trang như “Allsides.com”. “TruthorFiction.com”, “Politiefact.com”, “Snopes.com” , “Factcheck.org”. Ví dụ, câu Trump nói “Nếu tôi ứng cử thì sẽ ứng cử với tư cách thành viên đảng Cộng hoà, vì bọn nó ngu lắm” chỉ cần gõ thêm “fact check” là bạn biết ngay đây là thông tin giả nhằm bôi nhọ Trump.

Nhưng giải pháp cá nhân quan trọng nhất là chúng ta cần thực hành đưa tin một cách có trách nhiệm. Nhà báo đưa tin sai có thể bị mất việc, nhưng trong thời đại mỗi cá nhân là một nhà báo này, chúng ta có “quyền” nhưng thiếu “nghĩa vụ”. Quan điểm cho rằng “tôi trưng cái tin này lên đây, sai đúng là tuỳ cảm nhận của các bạn” là một quan điểm thiếu đạo đức cộng đồng. Tin không kiểm chứng cũng giống như rác vậy. Xả rác ra đường là một hành động đáng hổ thẹn. Nó thoả mãn cái tôi của con người đó, cũng như ăn chuối xong vứt vỏ mà không hiểu rằng, người đi sau có thể té ngã.

Theo một nghiên cứu của PEW, 36% người Mỹ tin vào thuyết âm mưu. Đó là một phần ba số người quanh ta, bao gồm cả gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Khi nói chuyện với những người này, chúng ta nên cân nhắc một số ý sau:

– Bất kể niềm tin của họ có điên rồ đến đâu, luôn tỏ thái độ tôn trọng, không bao giờ mạt sát hay tranh cãi trên facebook trước bàn dân thiên hạ. Phỉ nhổ kẻ khác không làm họ thay đổi mà còn khiến họ xa chúng ta hơn, thậm chí tin vào điều họ tin hơn vì sự “đối lập” – là bạn – cũng chả thân thiện gì.

– Luôn nhớ rằng thuyết âm mưu nào cũng có một tý teo sự thật. Ví dụ, Deep State là thuyết âm mưu, nhưng tham nhũng chính sách, thao túng chính trị, lừa dối và bịt miệng người dân là điều có thật. Hãy luôn tìm ra điểm bạn đồng tình với người tin thuyết âm mưu, càng nhiều càng tốt.

– Không nên tranh cãi và đưa ra bằng chứng. Niềm tin thì không cần bằng chứng. Với thuyết âm mưu, mọi bằng chứng đều là ngụy tạo. Người theo thuyết âm mưu không cần bằng chứng mà là sự cảm thông, thấu hiểu, đồng cảm, và lắng nghe. Thay về tấn công với bằng chứng, hãy dùng phương pháp Socratic, gợi ý cho họ bằng cách liên tục đặt câu hỏi để họ tự trả lời.

– Cân nhắc thiệt hơn trước khi tranh luận cùng bạn bè và người thân. Câu hỏi bạn nên đặt ra là, nếu mối quan hệ này mất đi thì có đáng không? Liệu một ông tổng thống đã hết nhiệm kỳ ở một đất nước xa xôi có đáng để ta đánh đổi tình cảm gây dựng bao năm qua không?

Giải pháp vĩ mô sẽ như thế nào?

Vượt lên trên các giải pháp cá nhân, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi của Big Tech, thái độ của chính quyền và luật pháp trong việc xử lý tin giả và thuyết âm mưu. Đây là những vấn đề phức tạp khó giải quyết.

Ví dụ, facebook buộc phải có trách nhiệm với không gian mạng của mình, nhưng trách nhiệm đó như thế nào là câu hỏi đau đầu. Nếu facebook có bộ lọc quá chặt thì tự do bị kìm hãm. Nếu bộ lọc đó không hiệu quả thì facebook thành thùng rác, gây hậu quả và sẽ bị tẩy chay. Nếu coi facebook có yếu tố nhà nước và đòi công ty này đảm bảo quyền tự do ngôn luận kiểu nhà nước thì điều đó lại xung khắc với quyền kinh doanh tư hữu. Nói cách khác, nhà nước cho bạn quyền chửi bậy, nhưng chủ kinh doanh không phải nhà nước, và họ có quyền đề ra luật ai ngồi đây chơi thì xin vui lòng không chửi bậy. Giải quyết mối xung khắc đó thế nào là bài toán của các nhà lập pháp trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nhìn ngược lại, chính quyền và các lãnh đạo có tư tưởng độc tài cũng tận dụng chiêu loan những tin thất thiệt về mình là “tin giả” nhằm phủ nhận quyền giám sát của người dân và dập tắt tiếng nói phản kháng. Ví dụ, khi một bác sĩ Trung Quốc cảnh cáo về nguy cơ lây lan của corona chủng mới lúc con virus này còn chưa thành đại dịch, nhà cầm quyền đã trừng phạt ông và nói đây là tin biạ đặt. Mấu chốt ở đây là, tin giả hoàn toàn có thể là tin thật.

Nhìn sâu xa hơn, một xã hội nhiều tin giả, tin đồn, và thuyết âm mưu là những tín hiệu của một xã hội thiếu niềm tin vào chính quyền và có sự sứt mẻ chia rẽ lớn trong kết nối cộng đồng. Cuộc bầu cử tại Mỹ vưà qua cho thấy cả hai khiá cạnh này đều là những vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Tin giả và thuyết âm mưu về bản chất xuất phát từ sợ giận giữ, lo sợ, thiếu thông tin hoặc quá tải thông tin. Vì vậy, giải pháp lâu bền nhất là xây dựng một chính quyền liêm chính và một xã hội đoàn kết – điều không chỉ ông Biden mà các nhiệm kỳ tổng thống sau đều phải thực tâm cân nhắc.

Cuối cùng, người lớn chúng ta có thể đã lỡ chuyến tàu giáo dục mang tên “công dân mạng”, nhưng digital citizen đang ngày càng trở thành một môn học quan trọng trong nhà trường. Các em học sinh đang được giáo dục để hiểu rằng mạng không hề ảo. Các em được học cách sống, chia sẻ, đấu tranh với kẻ gian, đoàn kết làm điều thiện như một công dân mẫu mực trong thế giới digital.

Và một trong những bài học công dân đầu tiên các em được học là không vứt rác lên mạng. Người lớn chúng ta có lẽ cũng phải bắt đầu noi gương.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai
Gửi cho BBC từ ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Ngày 3/2/2021

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bà nghiên cứu quản trị đa văn hoá bằng phương pháp liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bà cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo xuất bản tại Việt Nam.

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*