Năm 2020 là một năm đầy sóng gió cho nước Mỹ. Chiến tranh thương mại bước sang năm thứ ba. Đại dịch COVID-19 làm tê liệt nước Mỹ. Cộng thêm xung đột sắc tộc. Và đặc biệt hơn cả 2020 là năm bầu cử tổng thống. Tất cả những sự kiện trên đây, ít hay nhiều đều liên quan đến kinh tế. Chỉ còn đúng 50 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Chúng ta thử kiểm điểm lại tình hình kinh tế cho bốn năm của Tổng Thống Trump sắp qua và tiên đoán cho năm sắp tới.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Mức phát triển kinh tế trong năm 2019 là 2.2%. Dự đoán trước đây cho 2020 là 2% và Hoa Kỳ sẽ trải qua thời kỳ trì trệ kinh tế vào 2021 như hầu hết các nhà kinh tế tiên đoán. Tuy nhiên vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế trì trệ đã đến sớm hơn một cách bất ngờ. Kinh tế đã suy giảm -5% trong quý I và -31.7% trong quý II. Theo dự đoán của Conference Board Economic Forecast for the U.S. Economy, kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển 32.9% và 1.3% trong quý III và IV của 2020.
Số trường hợp nhiễm coronavirus đã bắt đầu thuyên giảm từ cuối tháng 7, 2020 nhưng cơ hội kinh tế mở cửa toàn phần vẫn còn xa vời. Tính đến sáng 14-09-2020, con số người nhiễm coronavirus tại Hoa Kỳ đã lên hơn 6.4 triệu người được xác nhận và ít nhất 190,000 người chết, đứng đầu thế giới. Các con số này trên thực tế có thể cao hơn nữa vì các cơ sở y tế không có đủ máy thử nghiệm trái với điều Tổng Thống Trump nói.
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn COVID-19 sẽ không bùng phát trở lại như vào cuối tháng 6 vừa qua vì sự bất cẩn của công chúng và chính quyền Trump. Các cơ sở thương mại phải chịu đựng sự bất ổn này và họ mất niềm tin vào khả năng của chính quyền để có thể ngăn chặn virus.
BS Anthony Fauci, người lãnh đạo chương trình chống đại dịch, vào đầu tuần này nói với báo chí rằng rất ít có triển vọng có thuốc chủng ngừa coronavirus vào cuối năm nay nhưng có hi vọng nhiều hơn vào đầu năm 2021. Ông nói tiếp dù có thuốc chủng ngừa, cuộc sống khó trở lại được bình thường ngay được. Sớm lắm là đến giữa năm tới và có thể cuối năm 2021. Ngoài ra việc sử dụng thuốc chủng cần phải được tiếp tục theo dõi trong khoảng 5 năm. Việc FDA tung ra tin sẽ có thuốc chủng vào cuối tháng 10 xem ra chỉ là một tin vận động tranh cử.
BIỆN PHÁP CỨU NGUY KINH TẾ CỦA QUỸ DỰ TRỮ LIÊN BANG
Để đối phó với COVID-19 Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) vào ngày 03-03-2020 đã nhanh chóng hạ lãi suất của quỹ liên bang (federal funds) xuống trong khoảng 1% – 1.25% và chỉ hơn một tuần sau và vào ngày 15-03-2020 đã lại hạ lãi suất này xuống một lần nữa trong khoảng 0% – 0.25%. Ngoài ra Quỹ Dự Trữ Liên Bang còn mua công khố phiếu để bình thường hóa sự lưu hoạt tiền tệ trong thị trường trong khi đó Tổng Thống Trump vẫn cố tình dấu nhẹm dân chúng về sự nguy hiểm của COVID-19 và vẫn nhiều lần công khai tuyên bố COVID-19 là chuyện đảng Dân Chủ bịa đặt.
Nhờ vào những biện pháp cứu nguy kinh tế của Quỹ Dự Trữ Liên Bang mà thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã phục hồi lại được hầu hết những mất mát do COVID-19 gây ra vào cuối tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chỉ phản ảnh một phần nhỏ bé của nền kinh tế. Theo Market Watch, một yếu tố quan trọng đối với người đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện nay không phải cuộc bầu cử cuối năm, không phải là COVID-19 bột phát trở lại, mà là những biện pháp can thiệp vào thị trường của Quỹ Dự Trữ Liên Bang và đặc biệt kinh tế sẽ hồi phục như thế nào: nhanh chóng (V), trì trệ, (W) hay chậm (U) dựa theo dạng hình của biểu đồ tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP).
BIỆN PHÁP CỨU NGUY KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI
Một tuần sau đó, Quốc Hội Hoa Kỳ và Tòa Bạch Cung đạt được thỏa thuận về kế hoạch cứu nguy kinh tế trị giá $2.2 ngàn tỉ (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act viết tắt là CARES Act) trong đó bao gồm nhiều biện pháp khác nhau như bơm tiền vào thị trường bắng cách phát ngân phiếu $1,200 cho công chúng, thiết lập quỹ $367 tỉ để cho những cơ sở kinh doanh nhỏ vay, quỹ $500 tỉ cho công nghệ, thành phố và tiểu bang vay, tăng cường quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chương trình trợ giúp thực phẩm và các bệnh viện.
Quốc Hội Hoa Kỳ đang còn thương lượng về gói kích thích kinh tế đợt II. Có hai đề nghị khác nhau:
Đảng Cộng Hòa ($1 ngàn tỉ): Health, Economic Assistance, Liability Protection and School Act (HEALS).
Đảng Dân Chủ ($3 ngàn tỉ): Health and Economic Recovery Omnibus Emergency Solution Act (Heroes).
Đảng Cộng Hòa cho rằng kích thích đợt I là đủ rồi, Kích thích đợt II quá tốn phí. Trong khi đó Đảng Dân Chủ nhận định rằng kích thích đợt II rất cần thiết. Quỹ Dự Trữ Liên Bang đã kêu gọi Quốc Hội ủng hộ đợt kích thích II để ngăn chặn kinh tế không suy giảm nghiêm trọng hơn nữa trong năm nay. Nhiều quyền lợi từ gói kích thích I đã được Quốc Hội chấp thuận vào tháng 3 đã hay sắp hết hạn. Thị trường lao động mới chỉ được hồi phục một phần. Khoảng 29 triệu người vẫn còn cần trợ cấp thất nghiệp tính đến đầu tháng 9. Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận Household Pulse Survey của chính phủ phổ biến vào cuối tháng 8 vừa qua, 64 triệu người Mỹ vẫn còn phải chịu đựng nhiều khó khăn. Nhiều người vẫn phải đối phó với nguy cơ bị đuổi nhà.
Đảng Cộng Hòa chống lại một số biện pháp trong đề nghị của Đảng Dân Chủ như $1 ngàn tỉ trợ giúp các thành phố và các tiểu bang đang bị thiếu hụt ngân sách, trợ cấp $1,200 cho mỗi cá nhân. Ngược lại, Đảng Dân Chủ bác bỏ một số biện pháp trong đề nghị của Đảng Cộng Hòa như trợ giúp các học sinh học trường tư, bảo vệ các cơ sở kinh doanh chống lại tranh tụng vì COVID-19. Sau hơn hai tháng tranh cãi, Đảng Dân Chủ đồng ý giảm gói kích thích II xuống còn $2.2 ngàn tỉ. Cơ may để hai đảng đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế II trước ngày bầu cử xem ra rất mong manh.
THẤT NGHIỆP
Tỉ lệ thất nghiệp vào tháng 1, 2020 là 3.6% đã vọt lên 14.7% vào tháng 4, 2020, nay đã giảm bớt xuống còn 10.2% và 8.4% vào hai tháng 7 và 8. Tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 9 và các tháng sắp tới. Tuy nhiên hàng chục triệu người vẫn còn đang thất nghiệp vì COVID-19 đã buộc một phần kinh tế phải đóng cửa. Ít nhất 29.6 triệu người vẫn còn nhận tiền thất nghiệp tính đến 22-08-2020 và con số người lần đầu xin tiền thất nghiệp vẫn còn cao ở mức 884,000.
Nạn thất nghiệp đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến những gia đình lợi tức thấp và những người không có bằng đại học, phụ nữ, người Mỹ gốc Phi châu và Châu Mỹ Latin. Nhiều người trong nhóm này không dư tiền bạc để có quỹ tiết kiệm hầu đối phó với những trường hợp khẩn cấp bất ngờ như COVID-19. Khu vực kinh tế chịu thiệt hại đáng kể là dịch vụ cần nhiều nhân lực như nhà hàng, tiệm bán thực phẩm, bán lẻ, chuyên chở công cộng, xây cất.
NGÂN SÁCH
Ngân sách thiếu hụt tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong những năm vừa qua từ $585 tỉ trong tài khóa 2016, tương đương với 3.1% GDP và theo dự đoán sẽ lên đến $1,083 tỉ trong tài khóa 2020, tương đương với 4.8% GDP. Tuy nhiên để đối phó với hậu quả của COVID-19, chính phủ phải chi thêm $2.2 tỉ cho kế hoạch kích thích kinh tế, nên ngân sách cho 2020 sẽ thiếu hụt $3.3 tỉ.
Vào đầu năm nay, trước khi xẩy ra đại dịch COVID-19, Tổng Thống Trump đã đệ trình Quốc Hội ngân sách $4.8 ngàn tỉ cho tài khóa 2020-2021. Ông đã đề nghị cắt giảm đáng kể hầu hết những chương trình an sinh xã hội, buộc những người có lợi tức thấp phải gánh chịu hậu quả của chính sách kinh tế sai lầm của ông. Đây là một việc bất công và thất nhân tâm (2/2019). Nay ngân sách thiếu hụt gia tăng gấp 3 lần từ $1.1 tỉ lên đến $3.3 tỉ, Đảng Cộng Hòa lại có thêm lý do để áp lực cắt giảm những chương trình an sinh xã hội.
Các chương trình an sinh xã hội chiếm một ngân sách lớn nhất trong ngân sách quốc gia. Tiếp sau là ngân sách quốc phòng. Mặc dù ngân sách quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng, chính quyền Trump tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng trong 3 tài khóa vừa qua, từ $890.8 tỉ vào tài khóa 2018, lên đến $904.3 vào tài khóa 2019 và $935.8 cho tài khóa 2020 (đã được chuẩn chi). Riêng về tài khóa 2021 bắt đầu vào 1/10 sắp tới, ngân sách quốc phòng dự trù giảm xuống đôi chút $933.8 tỉ.
Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ lớn hơn ngân sách quốc phòng của 10 nước kế tiếp cộng lại, lớn gấp ba lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ($250 tỉ) và gấp 10 lần ngân sách quốc phòng của Nga ($61.4 tỉ).
Khi ra tranh cử Tổng Thống Trump từng tuyên bố nhiều lần rằng nếu đắc cử ông sẽ cân bằng ngân sách và xóa hết nợ công. Nhưng cả hai mục tiêu này không những đã không đạt được mà ông còn làm tăng tới mức chưa từng có ngay cả trước khi có COVID-19.
NỢ CÔNG
Nợ công tăng từ $19,573 tỉ trong tài khóa 2016, tương đương với khoảng 104% GDP, lên đến $22,776 tỉ cho tài khóa 2019, tương đương với 106% GDP. Trước khi có đại dịch, nợ công ước tính sẽ là $24,057 tỉ cho tài khóa 2020, tương đương với 108% GDP. Đây đã là những con số kỷ lục. Nay vì đại dịch, nợ công của Hoa Kỳ sẽ tăng lên đến $26,000 tỉ, tương đương với 136% của GDP theo ước tính của Congressional Budget Office.
Theo dự đoán của The Fiscal Times, lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến II, nợ công của Hoa Kỳ vượt quá tổng sản phẩm nội địa. Lần này ở trong thời bình.
Chính sách giảm thuế 2018 của Tổng Thống Trump đã thất bại. Phát triển kinh tế không đạt được mục tiêu như ông Trump hứa hẹn là 4%-6% để chính phủ tăng thêm thu nhập. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho ngân sách thiếu hụt trầm trọng và làm tăng nợ công ngay trước cả khi có đại dịch. Thay vì tăng trưởng, đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế co cụm đáng kể. Do đó, kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng bi thảm.
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Chiến tranh thương mại do Tổng Thống Trump gây ra với Trung Quốc và một số nước đồng minh vào đầu năm 2018 đã làm cho kinh tế thế giới suy giảm và đặc biệt gây thiệt hại đáng kể cho cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Hầu hết các dự án đầu tư bị trì hoãn hay hủy bỏ vì tình trạng thị trường bất ổn. Nông dân Hoa Kỳ điêu đứng vì thuế quan. Họ đã mất hầu hết thị trường Trung Quốc trị giá khoảng $24 tỉ Mỹ kim.
Khu vực công nghệ rơi vào tình trạng co cụm. Theo một nghiên cứu của Federal Reserve Bank of New York, giới tiêu thụ và các công ty Hoa Kỳ đã phải chịu hầu hết những phí tổn do thuế quan gia tăng. Họ phải chi thêm khoảng $46 tỉ vì thuế quan. Một cuộc nghiên cứu của Moody’s Analytics vào cuối năm 2019 cho thấy rằng Hoa Kỳ mất khoảng 300,000 việc làm. Một phúc trình của Bloomberg Economics ước tính chiến tranh thương mại gây thiệt hại khoảng $316 tỉ cho kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2020.
Số lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước giảm xuống còn $558.1 tỉ vào năm 2019 so với $659 tỉ vào 2018. Trong khi đó, nhập siêu thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không hề giảm, mà còn có chiều hướng tăng. Hoa Kỳ mua nhiều hàng của Trung Quốc hơn là bán ra vào năm 2016 là $347 tỉ. Con số này tăng lên đến $375 tỉ vào 2017 và $419 tỉ vào 2018 và giảm xuống còn $345 tỉ vào năm 2019.
Đấy là chưa kể một số hàng Trung Quốc được lắp ráp ở những nước thứ ba, rồi xuất cảng qua Mỹ mà danh từ chuyên môn gọi là export diversion, theo báo cáo của tờ báo South China Morning Post. Phương pháp này vừa tránh được thuế quan vừa tạo việc làm cho nước chủ. Một số công ty dời khỏi Trung Quốc, không về Mỹ mà chuyển qua Việt Nam và Mexico. Trung Quốc tung ra một giải pháp mới gọi là “Made around China” thay vì “Made in China”.
Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Shanghai (American Chamber of Commerce in Shanghai) đã thực hiện một cuộc thăm dò các công ty Mỹ tại Trung Quốc, thành viên của phòng thương mại, vào giữa năm nay. Kết quả vừa công bố cho thấy 92.1% các công ty này quyết định ở lại Trung Quốc mặc dù Tổng Thống Trump kêu gọi họ dời bỏ Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp và thuế quan cao.
Như tôi đã dự đoán trước, cuộc chiến thuế quan rơi vào bế tắc và thiệt hại quá to lớn khiến đôi bên đã phải thỏa thuận giải pháp cho giai đoạn I. Ông Trump từng tuyên bố nhiều lần “Tôi là người của thuế quan … Chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng.” Một vài người ủng hộ Tổng Thống Trump cho rằng chỉ cần dùng thuế quan là có thể đánh gục được Trung Quốc. Bất chiến tự nhiên thành. Thực tế đã chứng minh Tổng Thống Trump và những kinh tế gia này đã sai lầm một cách nghiêm trọng.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của viện Gallup mới đây, 60% những người được hỏi không tán thành cách Tổng Thống Trump xử lý việc tranh chấp thương mại với Trung Quốc so với 48% vào năm 2019. Trump nhiều lần nhấn mạnh về mục tiêu của chiến tranh thương mại là giảm chênh lệnh cán cân thương mại với Trung Quốc, cũng như mang việc làm và công ty về Mỹ. Cả ba mục tiêu này đều không thực hiện được. Tuy nhiên ông Trump đã thành công trong việc giảm thị phần (market share) của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, đôi bên rục rịch mở lại “trong những ngày tới” cuộc thương thuyết đã bị đình chỉ vì đại dịch COVID-19. Theo thỏa thuận đợt I Trung Quốc hứa sẽ mua thêm $200 tỉ hàng hóa và dịch vụ trong 2 năm để trở lại mức nhập cảng của Trung Quốc trước khi có thương chiến. Ngược lại Hoa Kỳ giảm một nửa thuế quan áp đặt trên $120 tỉ hàng Trung Quốc xuống còn 7.5%. Ngoài ra đôi bên hủy bỏ tất cả những dự tính tăng thuế quan khác. Tuy nhiên COVID-19 đã làm đảo lộn việc mua bán và ảnh hưởng tới thỏa thuận của giai đoạn I.
Dự đoán cho 2021
Một số các nhà phân tách kinh tế nhận định một cách lạc quan rằng kinh tế đã suy sụp nhanh chóng sẽ hồi phục cũng nhanh chóng theo mô hình chữ “V”. Điều này có thể sẽ không xẩy ra vì thực tế đã cho thấy rõ vào tháng 4 một số tiểu bang mở rộng cửa vội vàng đã làm cho COVID-19 bột phát trở lại. Hiện nay kinh tế đang phải mở cửa từng giai đoạn và hồi phục dần dần. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) nhận định rằng tương lai còn nhiều bất ổn và rủi ro to lớn khiến cho tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ khó có thể phục hồi lại mức trước khi có đại dịch.
Theo ước tính của IMF kinh tế Hoa Kỳ co cụm trung bình khoảng – 6.6% cho cả năm nay (July 2020), so với con số của CBO là – 5.8% (June 2020) và – 5.6% của Federal Reserve Bank of Philadelphia (Survey of Professional Forecast, May 2020). Dự đoán của IMF có thể gần với thực tế hơn vì thực hiện sau sự bột phát trở lại của COVID-19 vào cuối tháng 6. Kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển ở mức 5.1% cho năm 2021. Tỉ lệ thất nghiệp cho cả năm sẽ là 9.7% và sẽ giảm xuống còn 7.4% cho năm tới.
Nếu thắng cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới, tôi nghĩ rằng ông Joe Biden sẽ mang Hoa Kỳ trở lại TPP (Trans-Pacific Partnership) mà nay gọi là CP-TPP (Comprehensive and Progressive TPP). Ông sẽ gỡ bỏ một số hàng rào quan thuế mà Tổng Thống Trump đã dựng lên. Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến Hoa Kỳ đã vận động các nước bỏ hàng rào quan thuế để mở mang việc trao đổi hàng hóa trên thế giới.
Mặc dù chống lại việc toàn cầu hóa kinh tế vì làm Hoa Kỳ mất việc làm công nghệ, ông Biden sẽ ủng hộ viêc tăng cường các cơ quan như World Bank và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization) mà Hoa Kỳ đã gầy công xây dựng để thiết lập liên minh thương mại thân thiện cần thiết với Hoa Kỳ.
Ông đồng ý về nhiều điểm của Tổng Thống Trump đối với Trung Quốc, nhưng không ủng hộ phương cách đối phó với Trung Quốc của Trump mà ông cho là thất thường, thiếu bài bản và tự làm hại mình.
Về kinh tế quốc nội, ông Joe Biden sẽ ủng hộ việc tăng lương tối thiểu quốc gia lên $15/giờ. Ông sẽ vận động hủy bỏ luật giảm thuế 2017 (Tax Cut and Job Act) chủ yếu làm lợi cho những cá nhân giầu có. Ông ủng hộ việc thành lập những đại học cộng đồng và huấn nghệ cũng như chương trình đại học bốn năm miễn phí. Ông chủ trương duy trì ưu thế quân sự trước thái độ thù nghịch của Trung Quốc và Nga nhưng sẽ kiềm chế việc chi tiêu quốc phòng và sẽ chú trọng hơn về không gian và không gian mạng.
Nguyễn Quốc Khải
Ngày 14-9-2020
2 Trackbacks / Pingbacks