Nhà làm phim người Pháp André Menras từng về Đồng Tâm trực tiếp dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân
Nhà làm phim người Pháp André Menras từng về Đồng Tâm trực tiếp dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân – chỉ ít lâu trước khi ông Lê Đình Kình bị bắn chết – và ‘ngạc nhiên’ vì thấy họ ‘một lòng tin Đảng’. Khi thảm kịch xảy ra, ông cho rằng đảng CSVN đang chuyển dần từ giai đoạn mị dân tới tự cô lập mình.
André Menras, tên Việt là Hồ Cương Quyết, mang hai quốc tịch Pháp-Việt. Ông được biết đến với các hoạt động xuống đường trong Chiến tranh Việt Nam và mới đây qua các phim tài liệu như “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát” và “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong”.
Trước ngày tuyên án 29 người Đồng Tâm, ông André Menras có cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt:
‘Một thảm kịch được báo trước’
André Menras: Là người đã theo dõi vụ xung đột ngay từ ngày đầu cho đến trận võ trang tấn công lần thứ nhì, dẫn tới cuộc tàn sát cụ Lê Đình Kình, các vụ bắt bớ tàn bạo, chính sách khủng bố, vu khống, sách nhiễu nông dân Đồng Tâm, tôi không còn một chút hi vọng nào vào một vụ xử án công bằng.
Các bị can đã bị bắt giữ một cách phi pháp. Vụ án rõ ràng sẽ diễn ra theo kiểu các vụ án thời Stalin. Ám muội và tàn độc hơn cả vụ xử Hồ Duy Hải. Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù.
Tôi được gặp cụ Kình và bà con Đồng Tâm tại nhà cụ, vào ngày 8/3/2019. Cảm tưởng của tôi là như được gặp những lão nông dân miền Nam nước Pháp, một vùng đất quen thuộc của tôi. Đôi mắt nhìn thẳng, bàn tay chai sần, da mặt sạm nắng, nói cười bộc trực thẳng thắn. Những người đàn ông đàn bà lương thiện, sống bằng bàn tay và mồ hôi của mình. Họ nhận thức sâu sắc là họ có quyền làm chủ mảnh đất đã nuôi dưỡng họ.
Họ thuộc từng tấc đất, và biết đoàn kết gắn bó nhau để bảo vệ từng tấc đất. Họ là những con người dũng cảm và tự hào: không thể đập phá cửa nhà họ mà xông vào được đâu.
Cuộc đấu tranh của họ hoàn toàn hợp pháp, luôn luôn dựa vào pháp luật và Hiến pháp.
BBC: Được biết ông đã tích cực kêu gọi sự can thiệp từ giới chính trị gia trước khi vụ Đồng Tâm nổ ra?
André Menras: Phải nói là đi thăm Đồng Tâm rồi trở về Pháp, tôi linh cảm tấn thảm kịch có thể ập tới, tôi đã gửi một lá thư cảnh báo cho đại sứ Việt Nam tại Pháp.
Tôi đã khẩn thiết và cương quyết yêu cầu ông khuyến cáo lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN, hãy dùng những biện pháp hoà bình và hợp pháp để tháo gỡ cuộc bùng nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tôi thật là ngây thơ. Thư gửi đi, không có một hồi âm nào.
Cuộc phỏng vấn của tôi với cụ Lê Đình Kình và dân làng Đồng Tâm nay thành những tư liệu lịch sử. Trong bối cảnh mà những vụ chiếm đoạt đất đai trở thành môn thể thao thời thượng của đám cán bộ tham nhũng và bọn đầu cơ côn đồ, thảm kịch Đồng Tâm và những hệ quả xã hội sâu sắc của nó sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử những cuộc đấu tranh nông dân nhằm gìn giữ đất đai do cha ông để lại.
Sẽ có nhiều Đồng Tâm khác, bởi vì bạo lực mà chế độ độc tài thối nát này gây ra, đương nhiên sẽ vấp phải sự kháng cự bạo liệt tương xứng. Đánh vào nông dân, đánh vào cái gì quý báu nhất của người nông dân, chế độ này đang cưa gãy cái cành mà nó đang ngồi trên đó. Chính thể này chỉ có thể chọn một trong hai con đường: hoặc là nó tự chuyển đổi thành một Nhà nước pháp quyền thực thụ, hoặc là nó tự tiêu diệt.
Nếu tôi là một nông dân Đồng Tâm, thì hôm nay, chắc chắn là tôi sẽ đang đứng trước vành móng ngựa, để lên án các thẩm phán ngồi trước mặt.
Thế nhưng, tôi khá ngạc nhiên nhận thấy họ hoàn toàn tin tưởng ở đảng CSVN, vào những người lãnh đạo cấp cao đã phản bội họ và sẽ giầy xéo lên họ.
‘Dân Đồng Tâm hoàn toàn tin vào Đảng’
Ông Andre Menras nói ông trong cuộc họp đất đai của dân Đồng Tâm mà ông được tham dự, người dân một lòng tin Đảng (Nguồn hình ảnh: ANDRE MENRAS)
BBC: Dựa vào đâu ông nhận định rằng dân Đồng Tâm hoàn toàn tin đảng CSVN?
André Menras: Trong cuộc gặp dân làng Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình, sự tin tưởng của họ vào Đảng sau khi đã bị tấn công dã man và lừa đảo năm 2017, làm tôi bị sốc.
Tôi sốc là do chính là cách ứng xử của họ đối với tôi, tôn trọng và thân thiết, coi tôi là đồng chí, đồng bào, “phấn khởi” thấy tôi mang họ Hồ của Bác, như lời cụ Kình.
Điều này giải thích tại sao họ muốn tâm sự, kể lại mọi tình tiết. Họ không coi tôi là một phóng viên nước ngoài tạt qua làng, mà coi tôi như là một đảng viên.
Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, họ không có một lời nào chống Đảng. Họ luôn luôn tự xác định là những người cộng sản, góp phần vào “công tác chống tham nhũng” của Đảng.
Ngày tôi ra phi trường Nội Bài rời Hà Nội, người ta đã réo tên tôi bằng loa gọi tôi đến “làm việc” với ba nhân viên an ninh về chuyến thăm Đồng Tâm. Họ muốn thuyết phục tôi rằng năm 2017 nhân dân Đồng Tâm đã dùng bạo lực, trong khi chính họ – chính quyền – bị tấn công.
Trong cuộc nói chuyện rất lịch sự ấy, một trong ba an ninh nói với tôi là nếu tôi làm điều gì tổn hại thanh danh của Đảng thì tôi sẽ phải gánh chịu các hậu quả. Qua đó, tôi hiểu là ĐCSVN đứng ở phía nào, hiểu họ coi vụ Đồng Tâm quan trọng như thế nào.
‘Chính sách mị dân’
Ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong vụ công an đổ quân vào thôn Hoành tháng 1/2020, đã có 58 năm tuổi Đảng (Nguồn hình ảnh: BBC)
BBC:Dựa vào những gì ông biết về chính trị, xã hội và con người Việt Nam sau hàng chục năm gắn bó, ông có thể lý giải vì sao họ vẫn giữ niềm tin đó?
André Menras: Đó là nhờ chính sách mị dân của đảng CSVN đã thành công. Theo ý tôi, vì mấy lý do.
Trước tiên, đối với những thế hệ cao niên, uy tín của đảng CSVN trong quá khứ rất lớn. Vai trò của đảng CSVN là đoàn kết, hy sinh chống thực dân và trong kháng chiến chống Mỹ rất quan trọng.
Thứ hai, rõ ràng từ sau chiến tranh, Việt Nam đã phát triển, và nhờ đó đảng CSVN đã giữ được ánh hào quang mặc dù cán bộ đã bòn rút biết bao của cải từ sự phát triển.
Thứ ba, liên quan tới thế hệ trẻ: Chính sách giáo dục chính trị hoá từ lớp mẫu giáo. Những mảng lớn của lịch sử đã bị “bỏ quên” hay bóp méo. Chính sách nhồi sọ đi đôi với tình trạng bàng quan đối với đời sống chính trị xã hội, mỗi người lo phận mình, lãnh cảm, ích kỷ trước chuyện chung.
Thứ tư, sự khống chế toàn diện của Ban Tuyên giáo trong lãnh vực thông tin. Điều này, những lãnh đạo cao nhất không hề giấu giếm. Truyền thông phải phục vụ và bảo vệ đường lối của đảng CSVN. 700 tờ báo, mấy kênh truyền hình VTV, nhưng chỉ có một tiếng nói: Tiếng nói của Bộ Chính trị. Đó là không nói tới tâm trạng lo sợ bị trừng phạt tức khắc và nghiêm khắc đối với bất cứ ai đi chệch hướng.
Thêm vào đó, truyền thống văn hoá Việt Nam vốn ngại ngùng trong việc đặt lại vấn đề đối với tôn ti trật tự có sẵn.
Đó là những nguyên nhân có thể giải thích tại sao chính sách mị dân của một chính đảng độc tài, bạo nghiệt và thối nát vẫn thành công cho đến bây giờ.
Giai đoạn đảng CSVN tự cô lập mình
Luật sư Ngô Anh Tuấn (trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh thu thập bằng chứng tại giếng trời, được cho là nơi ba công an rơi xuống, tại nhà ông Lê Đình Kình, Đồng Tâm, Hà Nội (Nguồn hình ảnh: LS LE HOA)
BBC: Vụ Đồng Tâm gây chấn động dư luận này sẽ ảnh hưởng tới mức độ nào vào niềm tin đó và tới vị thế của đảng CSVN?
André Menras: Có một điều có thể khẳng định được: Đồng Tâm đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình tự cô lập của đảng Cộng sản đối với nhân dân, đặc biệt là thành phần nông dân.
Đảng cầm quyền đã tuyên chiến với toàn bộ một xã, đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt đất đai của những người nông dân mà số đông là đảng viên. Nó đã hành động như một tên thực dân tàn bạo.
Nó đã vượt khỏi lằn ranh đỏ, qua khỏi đó thì không còn gì là lòng tin và trọng thị.
Nó đã gây đổ máu, làm ô uế thân xác các nạn nhân, nhục mạ thanh danh họ. Nó đã dấy lên sự căm thù của người nông dân, và còn hơn thế nữa. Nó đã tạo ra và biện minh cho những căm hận mới.
BBC: Con đường tiến tới xã hội pháp quyền của Việt Nam, từ vụ Đồng Tâm, trong quan điểm của ông, sẽ như thế nào?
André Menras: Đồng Tâm là một thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh mà đảng Cộng sản của Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chống lại nhân dân Việt Nam. Sớm hay muộn, nó sẽ phải trả giá cho những hậu quả.
Bởi vì, như lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho thấy rõ, nhân dân Việt Nam có một sức chịu đựng đau khổ và oan ức hiếm có, nhưng họ không phải là những con cừu. Và, theo cung cách của mình, họ không bao giờ ngưng nghỉ kháng cự. Điều đó, những kẻ tiếm quyền hiện nay hiểu rất rõ.
Họ đang ngồi chễm chệ trên nhánh cây của nhân dân mà đa số là nông dân, họ đã thừa hưởng hoa trái của cành cây, và ngày nay họ đang cưa cành cây để bán nốt gỗ. Leo cao thì họ sẽ ngã đau.
Không ai có thể tiên đoán con đường tiến lên nhà nước pháp quyền của người Việt Nam bao giờ sẽ diễn ra và như thế nào. Nồi nước sẽ nổ tung, từ bên trong Đảng hay từ ngoài Đảng, hay cả hai cùng một lúc, nhưng sự bùng nổ là tất yếu, nhất là nếu ông bạn Trung Quốc nhúng tay vào.
Bởi vì không có nền hoà bình nào có thể lâu bền, không một xã hội nào có thể tồn tại mà không có một nhà nước pháp quyền thực sự, mà không có sự tôn trọng tối đa các quyền con người và quyền công dân.
Mỹ Hằng
Theo BBC News Tiếng Việt ngày 14 tháng 9, 2020
Be the first to comment