Một buổi thu hình của chương trình Đố Vui Để Học
Ngày đó, sau giờ đá banh tại sân vận động Lam Sơn của trường Petrus Ký, tụi học sinh tôi lén ra cổng sau trường. Mấy đứa sành sỏi kêu cà phê, có đứa còn gắn điếu thuốc lên môi ngó thiệt tức cười, mấy đứa lớ ngớ như tôi đứng ngó mông ra đường Trần Bình Trọng.
Chiếc xe taxi vàng xanh ghé lại, một người đàn ông cao ráo, tóc bồng bềnh bước ra. Ông cởi áo veste vắt tay, rảo bước vô Trung Tâm Học Liệu, không quên tặng tôi một cái vẫy tay với nụ cười thân mật. Lũ bạn trầm trồ, mầy quen ông Cao Thanh Tùng! Thằng tôi lâng lâng nở mũi!
Chính là ông Cao Thanh Tùng, một nhà giáo nổi tiếng vì dẫn chương trình Đố Vui Để Học, một chương trình khuyến học rất hữu hiệu trên truyền hình giữa thời đất nước tơi bời bom đạn.
Sự xuất hiện đều đặn mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần của khuôn mặt điển trai, giọng nói ấm áp, nụ cười rạng mở khiến ông nổi tiếng còn hơn cả vị trí Giám đốc Trung Tâm Học Liệu của ông. Ngoài ra, hàng tuần, mỗi chiều thứ Năm gia đình chúng tôi quây quần trước truyền hình thưởng thức chương trình nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, trong đó nhạc sĩ Cao Thanh Tùng dáng dấp thanh thoát tươi vui kéo chiếc violoncello mà dù trên truyền hình vẫn thấy sáng bóng… Thật là một hình mẫu trên cả tuyệt vời cho thằng học sinh lớp 9.
Ngoài các hoạt động và vị trí bên ngoài xã hội, anh Tùng là bạn thân gia đình, học sau chị Sáu tôi mấy năm, và chị Kim Phượng, phu nhân anh là đồng nghiệp cùng dạy trường Gia Long với chị Sáu tôi. Chị Kim Phượng cũng là bạn học của người chị thứ Bảy.
Sau năm 1980, anh chị gởi con học lớp luyện thi của tôi, càng thắt chặt tình thân.
Anh gọi tôi bằng em, vài khi nói chuyện thân tình thì gọi “mày”. Trong giai đoạn này, gia đình tôi rất khó khăn, không chỉ vì thiếu tiền bạc. Anh chị đã sát cánh giúp đỡ!
Có lần ngồi nhắc thời Đố Vui Để Học. Chương trình Đố Vui Để Học có chín câu hỏi cho mỗi học sinh dự thi. Ai trả lời đúng hết chín câu được phần thưởng, so với thời giá đồng tiền có thể nói là hậu hĩnh.
Cuối mỗi tháng có giải đặc biệt của tháng. Cuối năm giải đặc biệt của năm. Có học sinh trả lời chín câu, có bạn trả lời được vài câu, có bạn mới câu đầu đã hỏng, đứng im đó rồi đi xuống!
Anh Tùng nói: “Mấy đứa giỏi anh nhớ, mà mấy đứa trả lời không được anh thương. Thương nhất mấy đứa không trả lời được câu nào, đứng đực mặt rồi ngơ ngác đi xuống! Anh dặn em nghe, làm thầy giáo phải biết thương mấy đứa học dở.
Nghe nói em dạy học khó tính phải không? Em phải biết, đứa giỏi không cần mình dạy nó cũng giỏi, nó cũng tự đặt câu hỏi với mình. Dạy là dạy mấy đứa dở, mấy đứa làm biếng kìa. Nhiều khi tụi nó làm biếng vì tụi nó dở, học không hiểu mới chán học. Mà tụi nó dở, tụi nó không hiểu là bởi tụi nó có điểm gì đó chưa khai thông được. Ông thầy giỏi là người biết khai thông nút bí, biết điểm nhãn học trò! Em mà phá ngu đứa nào, nó cám ơn em tới già. Em nhớ nghe, nhiệm vụ mình là lôi mấy đứa dở thành giỏi!”
Gần gũi nhau hơn, mới biết anh Tùng rất hiền lành. Anh tự nhận là người đàn ông ngoan trong gia đình. Nhìn anh Tùng, chị Kim Phượng và hai cô con gái nói chuyện, đùa giỡn nhau thấy gia đình phóng khoáng trong ngập tràn hạnh phúc, rất đáng ước mơ!
Nói về hạnh phúc gia đình, có lần anh dặn:
– Như em thì chán lắm. Nghiêm nghị quá chán lắm. Đàn ông phải hào hoa. Phải biết nói chuyện, đùa giỡn cho phụ nữ vui. Không vậy thì về nhà làm sao biết làm cho phụ nữ trong nhà vui?
– Mà làm cho phụ nữ ngoài nhà vui rủi phụ nữ trong nhà không vui thì sao anh? Tôi cắc cớ hỏi lại.
– Trách nhiệm đàn ông là phải làm phụ nữ trong nhà tin mình! Không làm được vậy thì đừng cưới vợ!
– Mỗi lần em ráng cư xử hào hoa, coi em như thằng hề…
– Hào hoa phải là phong cách tự nhiên, ráng là hề rồi. Cái đó thì mỗi người tự học, tự rèn. Em làm gì hổng được, miễn em đập bể cái vỏ cứng bên ngoài! Bỏ mấy chuyện hổng quan trọng đi!
Trước khi tôi đi Pháp, anh chị tổ chức một buổi hòa nhạc gia đình cho vài bạn thân. Anh dẫn dắt cả dàn nhạc gia đình. Tiếng violon réo rắt, violoncello ngọt ngào, tiếng piano tạo nền âm thanh tưng bừng rộn rã. Gian nhà trong con hẻm đường Bùi Thị Xuân (Tân Bình), vào thời buổi đất nước đang quá nghèo, với tôi, trở thành ốc đảo âm thanh trong sóng nhạc vỗ bờ rạt rào cảm xúc…
“Khi chìm, khi nổi sóng đàn dâng
Mười ngón bay bay khúc tuyệt trần
Chim gọi chồi non rung khóm lá
Nước tuôn ngòi biếc động niềm xuân…”
Trong khi chị Kim Phượng rất tháo vát sắp xếp việc gia đình, anh Tùng sống nhẹ nhàng, nghệ sĩ.
Cuối năm 1974, anh đã tiệm cận vị trí Đổng lý, Thứ trưởng, và tôi nghĩ rằng anh có thể tiến xa hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Liêm, một người có uy tín trong ngành giáo dục, quí trọng tài năng, đức độ của anh.
Nơi anh, tôi thấy có cả hai tâm thế xuất và xử.
Nơi anh, tính nghệ sĩ và tính giáo dục hòa quyện vào nhau.
Nơi anh tính phóng khoáng và tính nghiêm cẩn cùng hiện diện.
Nơi anh, tài ba gói trong lòng khiêm tốn giản dị.
Nơi anh, tình và lý song đôi…
Thập niên 1980 nước Pháp có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Jack Lang, người quyết định tổ chức Ngày Lễ Âm Nhạc (Fête de la Musique) vào ngày Hạ chí cho nước Pháp. Lễ hội này sau đó lan ra nhiều nước khác.
Không hiểu sao, nhìn ông Jack Lang, tôi lại nhớ tới anh Cao Thanh Tùng!
Năm 1975 anh đang giữa tam thập, lứa tuổi bắt đầu tăng tốc thoát khỏi trọng trường của những ràng buộc vụn vặt để bay nhanh vào vùng đồng qui kiến thức.
Tiếc thay, vào giai đoạn có thể phụng sự rất hữu ích cho xã hội, anh đành yên đời ẩn dật, sống và vui với ngón đàn, với những người bạn bên lề đường nhìn thế sự. Khoảng thời gian này, đôi lần tôi được tham gia và học hỏi kinh nghiệm sống từ một người anh.
Những dòng này được viết khi anh từ giã cõi đời trên đất Mỹ, gia đình đang tiễn biệt. Anh Cao Thanh Tùng ra đi, tôi mất một cả quãng đời thân thiết, mỗi lần nhớ lại nghe rất nhiều rung động!
“Thả trên mặt nước niềm rung cảm
Gởi tiếng đàn xưa mấy tiếng lòng”
LÊ HỌC LÃNH VÂN
(25/05/2020)
Be the first to comment