Cuối tháng 9 vừa qua Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập và sinh hoạt (1964-2024). Anh chị em sinh viên và các thế hệ đàn anh đã hân hoan tham gia các lễ hội kỷ niệm này. Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris là tổ chức người Việt hải ngoại lâu đời nhất vẫn còn hoạt động tích cực và một cách lành mạnh.
Cộng đồng người Việt hải ngoại lớn thứ hai
Hiện nay cộng đồng người Việt tại Pháp là cộng đồng người Việt hải ngoại lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, và là cộng đồng nhiều liên hệ nhất với lịch sử nước ta. Do hoàn cảnh lịch sử cộng đồng người Việt tại Pháp cũng có thể là cộng đồng người Việt hải ngoại có tỷ lệ trí thức cao nhất. Tuy vậy vẫn chưa có một nghiên cứu công phu nào, ngay cả về số người Việt tại Pháp, người Việt định cư tại Pháp hay người Pháp gốc Việt. Một con số được đưa ra trong một số bài viết là 300.000. Con số này chắc chắn là không đúng. Đầu năm 1995 tôi được một ông cựu bộ trưởng nội vụ và cố vấn của ông Jacques Chirac ứng cử viên tổng thống Pháp mời dùng cơm trưa (Ông Chirac sau đó đắc cử). Mục đích của buổi gặp gỡ thân mật này là để trao đổi về tình hình chính trị vùng Đông Nam Á, tôi cũng nhân dịp đề cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Ông bộ trưởng này cho biết số người Việt định cư tại Pháp vào khoảng 400.000 người. Từ đó con số này chỉ có thể tăng lên.
Người Việt Nam đầu tiên tới Pháp là Nguyễn Phúc Cảnh, con trai đầu lòng của vua Gia Long, đến Pháp năm 1787 khi mới có bốn tuổi. Cậu hoàng tử bé con này đi theo giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) như là bằng chứng của sự thành thực của vua Gia Long, lúc đó đang chật vật chống lại nhà Tây Sơn, để xin cầu viện. Theo những tài liệu còn lại thì hoàng tử Cảnh rất khôi ngô và được vua Louis 16 và hoàng hậu Marie Antoinette yêu quý.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801) tại Pháp. Tranh vẽ năm 1787 của họa sĩ Maupérin (1737–1806)
Hai bên đã ký thỏa ước nhưng cuộc cầu viện không thành vì tình hình nước Pháp đã rất rối loạn, chỉ hai năm sau cuộc Cách Mạng 1789 bùng nổ, rồi cả vua lẫn hoàng hậu bị hành quyết. Kế tiếp là từ năm 1883 nước ta bị đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp và dần dần có nhiều người Việt sang Pháp du học. Sang đầu thế kỷ 20, chính xác là bắt đầu từ năm 1901, đã có những người Việt tốt nghiệp những trường danh giá nhất của Pháp. Các trí thức Việt Nam nổi tiếng nhất trong nửa đầu thế kỷ 20 gần như đều được đào tạo tại Pháp.
Đợt sang Pháp lớn đầu tiên là vào lúc Thế Chiến I, với 100.000 người được đưa sang Pháp, 49.000 người là lính, 51.000 người là “lính thợ”. Số tử vong không nhiều vì nói chung người Việt Nam chỉ phục vụ trong công binh. Ở Fréjus, một thành phố khá lớn sát bờ biển Địa Trung Hải, vẫn còn một ngôi chùa đẹp do những người di dân này lập ra.
Đơt thứ hai vào đầu Thế Chiến II. Năm 1939 Pháp đã đưa sang 93.000 người lính và thợ Việt Nam, cũng chủ yếu trong công binh. Số tử vong gần như không có vì Pháp thua trận ngay sau đó. Tôi quen biết nhiều người trong đợt này, đặc biệt nhất là ông Hoàng Khoa Khôi một người mà tôi rất kính phục về kiến thức cũng như về nhân cách.
Chỉ một thiểu số rất nhỏ trở về sống tại Việt Nam. Những người Việt Nam đến Pháp trong hai đợt này rồi ở lại Pháp, tuyệt đại đa số, bây giờ đều đã qua đời, nhưng số người Việt tại Pháp xuất phát từ hai đợt di dân này không giảm đi mà còn tăng lên nhiều vì họ đem vợ từ Việt Nam sang và phần lớn các gia đình đều đông con. Chỉ một thiểu số kết hôn với người Pháp và con cháu sau này thành người Pháp rồi không còn quan hệ nào đối với cộng đồng người Việt Nam, hồi còn đi làm tôi đã gặp vài người như vậy. Nói chung trong cả hai đợt này người Việt không sống tập trung với nhau mà hòa trộn vào xã hội Pháp.
Đợt thứ ba là sau Hiệp Định Genève năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam. Các số liệu của chính quyền Pháp cho biết là có khoảng 50.000 được đưa từ Việt Nam sang Pháp trong đó có 12.000 người Việt. Không biết con số 12.000 này có phải là tổng số người Việt được đưa về Pháp không hay chỉ là những người chưa có quốc tịch Pháp nhưng đã từng hợp tác với chính quyền Pháp, như một vài trường hợp tôi đã gặp.
Đợt thứ tư là đợt du học sinh sau khi người Pháp đã ra đi. Kể từ năm 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu gửi sinh viên sang Pháp, một số nhỏ được học bổng, đa số thuộc những gia đình khá giả đi tự túc. Tôi được học bổng sang Pháp năm 1961; trong đợt này có khoảng 20 người được học bổng và hơn 100 người đi tự túc. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ và chiến tranh trở thành khốc liệt thì số du học sinh tăng vọt, năm nào cũng vài ngàn. Tổng số đợt du học có thể vào khoảng 30.000 người. Trong tuyệt đại đa số khối sinh viên này đều tốt nghiệp đại học, nhiều người từ những trường danh tiếng. Số người về nước sau khi tốt nghiệp chưa tới 200.
Đợt thứ năm là đợt tỵ nạn cộng sản sau tháng 4-1975, chính thức cũng như thuyền nhân. Chính quyền Pháp cho biết họ đã đón nhận trên dưới 150.000 người, chưa kể vài ngàn người lai Pháp.
Như vậy ước lượng của ông bộ trưởng nội vụ Pháp khá khiêm tốn. Ông không kể hết những con cháu của những người Việt đã đến Pháp. Ông cũng không kể những du học sinh và thực tập sinh đã đến Pháp sau khi chế độ cộng sản Việt Nam đã mở cửa. Số người này hiện vào khoảng 50.000 người rải rác trên khắp nước Pháp. Như thế số người Việt tại Pháp ít nhất cũng phải trên 600.000 người.
Cộng đồng người Việt tại Pháp bề ngoài có vẻ không đông đảo vì họ không sống tập trung trong những khu riêng, như Quận Cam tại Cali, mà sống hòa trộn vào xã hội Pháp và mặt khác cũng nhanh chóng hội nhập vào xã hội Pháp và sống như người Pháp. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của đợt du học trong thập niên 1960 mà người Việt khá thành công về mặt học vấn. Gần như tất cả thanh niên trong lứa tuổi 25–40 đều tốt nghiệp đại học, kể cả con em những thuyền nhân tới Pháp khi chưa biết tiếng Pháp và bây giờ cũng vẫn chưa thạo tiếng Pháp. Lý do là vì giáo dục tại Pháp, kể cả cấp đại học, hoàn toàn miễn phí, trừ những gia đình cố ý cho con học trường tư nhưng ngay cả trong các trường này học phí cũng không cao vì cũng được nhà nước tài trợ. Một lý do khác là đa số những người có mặt tại Pháp trước năm 1975 đều tốt nghiệp đại học nên qua tiếp xúc với họ những người đến sau coi tốt nghiệp đại học là bình thường và dễ dàng, gần như một điều đương nhiên.
Tôi đã nói ở phần trên là người Việt tại pháp không có những khu riêng. Tuy vậy cũng có vài ngoại lệ. Trong đợt thứ ba, đợt “hồi hương” những người có quốc tịch Pháp hay đã làm việc với Pháp sau năm 1954, chính quyền Pháp đã lập hai làng cho người Việt. Làng Saint Livrade-sur-Lot ở miền Tây Nam, gần vùng sản xuất rượu Bordeaux và làng Noyant d’Allier ở vùng trung tâm, mỗi làng ban đầu với khoảng 2.000 người.
Le Têt, Nouvel An Vietnamien à Sainte-Livrade-sur-Lot, 2017/2018
Tôi đã thăm hai làng này trong thập niên 1960 cùng với các bạn trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Saint Livrade-sur-Lot là một trại lính cũ sau này bỏ trống, còn Noyant d’Allier trước đây là cư xá của công nhân, phần lớn gốc Ba Lan, làm việc cho một mỏ than lớn ngay sát cạnh. Người Việt thành lập ra hai làng Việt Nam, có chùa, có cả cây cau đem từ Việt Nam qua. Khi anh em sinh viên Paris chúng tôi tới thăm đồng bào tại hai làng này họ có vẻ hài lòng với cuộc sống khiêm tốn. Tốt nghiệp đại học với thanh niên ở đó là một mộng ước quá xa vời, họ chỉ mong tìm được một việc làm đủ sống trong một công xưởng hay một cơ quan gần đó. Họ đã rất ngỡ ngàng và vui mừng khi thấy anh em chúng tôi, phần lớn xuất thân từ những gia đình khiêm tốn như họ về mặt kinh tế và học trường Việt Nam, đã có thể vào được những trường danh tiếng nhất nước Pháp. Sau đó đa số thanh niên tại hai làng này cũng tốt nghiệp đại học, nhưng với hậu quả là thế hệ sau bỏ hai làng này để đến Paris hoặc các thành phố lớn khác. Bây giờ Saint Livrade-sur-Lot không còn nữa, người Việt đã đi hết, làng đã được xây dựng lại cho một mục tiêu khác. Tôi mới tới Noyant d’Allier cách đây vài tháng. Chùa vẫn hoành tráng nhưng người đến thăm chủ yếu là đến từ xa, chỉ còn lại vài gia đình Việt Nam ở đó, nhiều nhà bỏ trống, sân đầy cỏ dại, cha mẹ đã qua đời và con cháu không về nữa. Đầu làng có một tiệm Việt Nam với tên tiệm mang một lỗi chính tả. Không còn ai nói thạo tiếng Việt, ngay cả một cách tương đối.
Từ khoảng 40 năm gần đây cũng xuất hiện hai khu tập trung khá đông người Việt ở ngoại ô Paris là Lognes và Bussy-Saint-Georges. Hai thị xã này mới xây nên nhà tương đối tốt và đủ tiện nghi với giá vừa phải vào giữa lúc người Việt di tản sau năm 1975 đã có phương tiện để mua nhà. Gần 40 năm đã qua, bây giờ Lognes trở thành thị xã của những người lớn tuổi, số người Việt cũng giảm đi, chỉ còn Bussy-Saint-Georges vẫn năng động. Hội Ái Hữu Người Việt Bussy-Saint-Georges vẫn tổ chức hàng năm những buổi hội chợ Tết và Hè rất thành công, một tượng đài tưởng niệm các thuyền nhân cũng được hội dựng lên sát trung tâm thị xã.
Nói tới người Việt tại Pháp cũng không thể quên Quận 13 Paris, nơi tập trung khá nhiều người Việt với nhiều nhà hàng và tiệm buôn Việt Nam. Người Việt ở đây ngày càng ít đi và người Hoa ngày càng nhiều. Lý do dễ hiểu vì đây chủ yếu là khu buôn bán và thương mại không phải là sở trường hay sở thích của người Việt.
Một vài nhà hàng Việt ở quận XIII, Paris.
Tất cả những khu này tuy vậy chỉ quy tụ một số nhỏ, đại bộ phận người Việt sống tản mát và hội nhập nhanh chóng vào xã hội Pháp. Các tổ chức chính trị và ái hữu trước đây rất nhiều bây giờ phần lớn đã ngưng hoạt động vì không được tiếp nối, những buổi trình diễn văn nghệ với các nghệ sĩ danh tiếng cũng ít đi, thay vào đó là những buổi “cùng ca cùng hát”.
Các hội còn hoạt động tích cực nhất là các hội văn hóa và từ thiện. Một số hội mở các lớp dạy tiếng Việt và vận động quyên góp giúp các học sinh nghèo tại Việt Nam. Có hội liên tục bảo trợ hơn 400 học sinh trong gần 30 năm nay, nhờ vậy hàng trăm học sinh nghèo bây giờ đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng và có được cuộc sống bình ổn.
Điều đáng lo ngại nhất cho cộng đồng người Việt tại Pháp là sự gắn bó với đất nước Việt Nam ngày càng sút giảm và một cách khá nhanh chóng. Tôi đã mở đầu bài này với những buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 60 năm hoạt động của Tổng Hội Sinh Viên Paris. Đó đã là dịp để ba thế hệ người Việt gặp nhau. Phải nhìn nhận là hai thế hệ đầu, những người ngoài 50 tuổi, đông hơn hẳn thế hệ trẻ. Nhiều thanh niên tôi gặp trong những buổi họp mặt này không còn nói được thông thạo tiếng Việt nữa, dù họ là những thanh niên quan tâm tới sinh hoạt cộng đồng nhất.
Tôi cũng đã được gặp và nói chuyện với nhiều sinh viên và thực tập sinh từ trong nước mới đến Pháp. Trong trò chuyện thân tình tôi không thấy người nào muốn trở về Việt Nam. Các sinh viên và thực tập sinh từ trong nước mới sang này không liên lạc gì với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, Tổng Hội không tranh thủ họ và họ cũng không dám đến với Tổng Hội vì bị sứ quán của chính quyền cộng sản Việt Nam kiểm soát và họ sợ gây khó khăn cho người thân còn ở trong nước. Gần đây một tổ chức của các sinh viên và thực tập sinh này có sáng kiến tổ chức một buổi trao đổi với các bậc cha chú đã có kinh nghiệm học và làm việc tại Pháp. Buổi thảo luận hoàn toàn không có yếu tố chính trị nào. Họ đã mời tôi và tôi đã nhận lời nhưng giờ chót họ cho biết là bộ công an bên nhà đã biết việc này và cấm họ mời tôi. Tuy vậy chính quyền cộng sản hoàn toàn không ngăn cản họ tìm mọi cách để ở lại Pháp và tôi đã gặp nhiều người, kể cả con các quan chức lớn trong chế độ, sau khi tốt nghiệp đã định cư tại Pháp mà vẫn có quan hệ tốt với chính quyền trong nước. Qua tiếp xúc với họ tôi được biết là đại đa số những ai có thể ở lại Pháp đều chọn ở lại và thành công dân Pháp.
Vài nét đặc biệt chưa từng được nói ra
Nói tới cộng đồng người Việt tại Pháp không thể bỏ qua một nét rất đặc biệt của nó, một nét đặc thù tiết lộ nhiều về đất nước Việt Nam. Khi mới tới Pháp du học tôi đã rất thất vọng khi được tiếp xúc với các trí thức lừng danh từng được coi như những thần tượng của tuổi trẻ Việt Nam. Họ gần như không cảm thấy có một bổn phận nào với đất nước và dân tộc Việt Nam cả. Họ sẵn sàng chấp nhận những chức bộ trưởng hay thủ tướng, và trên thực tế nhiều người đã từng đảm nhiệm những chức vụ này, trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhưng không thấy phải sống ở Việt Nam và chia sẻ những gian nan của người dân trong nước. Họ tuyệt đối không có ý chí đấu tranh vì đất nước. Hình như họ nghĩ rằng đấu tranh và hy sinh là chuyện người dân, còn họ là một giai cấp quý tộc ở trên và ở ngoài mọi hy sinh. Và vì không hề đấu tranh chính trị nên kiến thức chính trị của họ cũng chỉ hời hợt chứ không cao sâu như nhiều người nghĩ. Điều này giải thích tại sao trong cả hai đợt di dân đầu kể trên –trong Thế Chiến I và Thế Chiến II- những người tới Pháp đều là những người đã hợp tác với chính quyền Pháp, những người được gửi đi du học trong thập niên 1960 đều đến từ miền Nam mà lại chỉ có những tổ chức thân cộng trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Lý do giản dị là các trí thức lớn được coi như những mẫu mực không làm gì cả.
Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đã là tổ chức chống cộng đầu tiên tại Pháp và hải ngoại. Anh em chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu. Phe cộng sản mỉa mai chúng tôi là những người mơ ước đựợc làm bộ trưởng Việt Nam Cộng Hòa và nhiều người tin họ vì đó là hình ảnh của lớp trí thức du học trước chúng tôi. Anh em chúng tôi đã kiên trì phấn đấu và cùng nhau học hỏi về chính trị, bối cảnh thế giới và hiện tình đất nước. Khẩu hiệu của chúng tôi lúc đó là “ủng hộ chính thể cộng hòa chứ không ủng hộ các tướng lãnh đang cầm quyền”. Dần dần chúng tôi đã tạo cho Tổng Hội Sinh Viên Paris một bộ mặt và một sức sống, khiến Tổng Hội mạnh lên và vẫn còn tồn tại cho đến nay.
Một vài hình ảnh về Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Ảnh từ trang web của AGEVP – Association Générale des Etudiants Vietnamiens de Paris
Từ một nhóm nhỏ vài chục người Tổng Hội đã quy tụ được vài trăm hội viên tích cực và tranh thủ được cảm tình và hậu thuẫn của hàng ngàn người trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Gần một trăm anh em chúng tôi cũng đã dắt nhau về nước vào lúc mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đang lâm nguy. Có người đã thiệt mạng, nhiều người đã bị tù đày sau ngày 30/04/1975. Một tổ chức đầy thiện chí như thế mà bây giờ cũng mất dần căn cước Việt Nam thì phải nói là cộng đồng người Việt tại Pháp có vấn đề lớn.
Sau cùng là một chi tiết rất đáng chú ý dù chưa từng được nói ra. Đó là trong số người Việt tại Pháp đã có hai nhân vật rất độc đáo không thể có trên thế giới này trong bất cứ quốc gia nào, ông Hồ Chí Minh và ông Bảo Đại. Cả hai lại đã từng là quốc trưởng Việt Nam trong cùng một lúc. Ông Hồ Chí Minh đã dùng hai bí danh T. Lan và Trần Dân Tiên để viết sách tự ca tụng mình, một điều chưa từng có và cũng sẽ không thể có trong lịch sử thế giới. Còn ông Bảo Đại dù là quốc trưởng –sau khi đã là vua- trong lúc đất nước đang trải qua một cuộc chiến khốc liệt lại chỉ ở Pháp để vui chơi trong các sòng bài. Một đất nước có thể có cùng một lúc hai quốc trưởng như vậy thì quả thực đáng tự hào!
Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) thời gian dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille, năm 1921
Vua Bảo Đại (đứng, bìa trái) ngày còn đi học tại Pháp với gia đình người đỡ đầu, và hoàng thân Vĩnh Cẩn (phải)
Mộ cựu hoàng Bảo Đại tại nghĩa trang Passy, Paris, Pháp
Nhìn ra ngoài từ Pháp
Vấn nạn của cộng đồng người Việt tại Pháp thực ra cũng là vấn đề chung của cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng ta mất căn cước dân tộc quá nhanh, có lẽ nhanh hơn mọi cộng đồng hải ngoại khác. Đó là một vấn đề cần một nghiên cứu sâu nhưng ngay từ bây giờ chúng ta cũng đã có thể ý thức rằng tình cảm dân tộc của chúng ta không mạnh như nhiều người nghĩ, đã thế nó còn bị hao mòn đi rất nhiều vì chế độ cộng sản này; sự phẫn nộ bất lực với một chính quyền tham bạo kéo dài quá lâu đã dần dần biến thành sự chán nản với chính đất nước, mộng ước của rất nhiều người Việt Nam hôm nay là được rời Việt Nam để làm công dân của một nước khác. Tình cảm dân tộc là điều mà chúng ta phải cố gắng xây dựng và liên tục tăng cường chứ không phải là một tài nguyên sẵn có.
Tình cảm dân tộc giúp chúng ta giữ gìn sự ràng buộc của người Việt hải ngoại với đất nước. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một vốn quốc gia lớn mà chúng ta không thể để mất. Chưa kể những đồng bào ta bị đem “xuất khẩu lao động“, một điều hổ nhục cho nước ta, cộng đồng người Việt hải ngoại trong các nước dân chủ hiện nay là một khối trên 5 triệu người với hơn một triệu người có trình độ đại học làm việc trong mọi lãnh vực dưới mọi mô hình tổ chức xã hội. Nếu còn gắn bó với đất nước thì dù sống và làm việc ở nước ngoài họ vẫn là những con mắt của Việt Nam để nhìn và học hỏi thế giới, vẫn là những đầu cầu văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại mà đất nước rất cần. Kinh nghiệm đã cho thấy là các nước phát triển nhanh nhất cũng là những nước có một cộng đồng hải ngoại mạnh nhất.
Phương pháp hiệu lực nhất để gìn giữ và tăng cương tình cảm dân tộc và sự gắn bó với đất nước là quý trọng lẫn nhau, là bày tỏ tình đồng bào, là thông điệp mà mỗi người gửi tới mọi người “dù bạn là ai, theo tôn giáo nào, có lập trường chính trị nào tôi vẫn quý mến bạn vì chúng ta cùng là người Việt Nam”.
Chúng ta cần nói với nhau, với bạn bè trong những lần gặp gỡ, với con em trong những bữa cơm gia đình rằng nước tiếp cư –nước Mỹ, nước Pháp, nước Đức, nước Canada hay một nước nào khác- là cha mẹ nuôi của chúng ta nhưng Việt Nam vẫn là cha mẹ ruột của chúng ta, nước tiếp cư cho chúng ta nhiều nhưng Việt Nam cần chúng ta nhiều hơn, yêu nước tiếp cư là đúng nhưng yêu Việt Nam là đẹp, phục vụ nước tiếp cư là bổn phận của trí tuệ còn giúp Việt Nam là nghĩa cử của tâm hồn.
Đất nước Việt Nam không chỉ là một kỷ niệm mà trước hết là một tương lai. Chúng ta không thể chỉ yêu nó như một nước mà chúng ta muốn mà nên yêu Việt Nam như nó đang là và đóng góp để nó có một tương lai như chúng ta muốn.
Nguyễn Gia Kiểng
Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng
Theo https://diendantheky.net ngày 27/12/2024
Be the first to comment