Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ đang đi vào giai đoạn sôi nổi nhất. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục email vận động quyên tiền cho hai đảng.
Một vài thăm dò tranh cử (polls) nói dân Mỹ gốc Á phần lớn ủng hộ đảng Dân chủ nhưng một số đông người gốc Việt lại ủng hộ Tổng thống Donald Trump và các ứng viên Cộng hòa.
Hai tuần trước ngày bỏ phiếu, 6 tháng 11/2016, chính trị xứ tạm dung này lại gây hào hứng cho cử tri gốc Việt, thậm chí gây ra chia rẽ bắt đầu ngay từ trong nhiều gia đình, quanh chuyện ‘Yêu Trump hay Ghét Trump’, và bầu cho Dân chủ hay Cộng hòa.
Đầu tiên là chuyện ghét Trump
Tôi thấy vì lý do chính là cách sống, lối phát ngôn của ông Trump không hợp ý nhiều người, như tuyên bố bừa bãi không suy nghĩ trước và hay phát biểu mỗi sáng dậy sớm trên Twitter, có lẽ do ít ngủ hay sống tương đối cô đơn mỗi đêm. Trên truyền thông, mạng xã hội cũng có khá nhiều bới móc cá nhân, nhắm vào đời sống tình dục của ông hàng trên chục năm trước, cả lúc chưa vợ hay có vợ.
Đời sống riêng và cá tính luôn đặt câu hỏi?
Nhưng xét kỹ, đây là cá tính và thuộc phạm vi đời sống cá nhân của một người đã sang tuổi 73, trải qua nhiều kinh nghiệm và ngay cả ‘lầm lỗi’ trong mắt phán xét của người khác.
Ông nói nhiều và cũng hay tuyên bố ẩu thuộc về cá tính, mà ta chấp nhận hay loại bỏ khi bầu phiếu.
Ông có thể đã có những hành động ‘sai trái’ dù khó ai chứng minh được rõ ràng, bất chấp các kiện tụng đã xảy ra hay được dàn xếp qua tiền bạc?
Những chuyện ông đã làm, nếu có, thuộc về thời gian trước khi sống ở Nhà Trắng.
Có ai đã lên tiếng nặng nề như thế khi chỉ trích hai vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ nổi tiếng là Kennedy và Clinton, cũng đã phạm nhiều ‘lầm lỗi’ về tình cảm cá nhân ngay lúc sống trong ngôi nhà nổi tiếng đó, có mặt cả vợ con?
Thành ra, tôi có thể không chú ý quá đáng về các khía cạnh cá nhân này.
Tôi không phải là người ‘yêu quý’ ông Trump tới mức ‘phát cuồng’ nên không bị ảnh hưởng gì.
Có chăng, nên nghe chính bà Melania Trump, mới đây đã thẳng thắn trả lời báo chí chuyện này:
“Tôi yêu ông Trump và bỏ ngoài tai các chuyện đàm tiếu không quan trọng, vì tôi còn nhiều chuyện có ý nghĩa phải làm.”
Người viết cảm phục bà vì những lời này, và chỉ có bà nhiều thẩm quyền nhất để nói về đời sống tư của ông Trump, và nên giúp chúng ta đóng lại các chỉ trích này.
Thành tích quan trọng nhất là chính sách kinh tế ra sao?
Nhưng là một người Mỹ, tôi sẽ chú ý hơn về chính sách kinh tế và các thực hiện của Tổng thống Trump từ ngày tranh cử đến bây giờ, sau gần hai năm.
Và đây mới nên là lý do chính để ghét hay ‘cuồng’ Trump.
Nếu hợp với nghị trình chính phủ Mỹ trong mong mỏi và dự báo của một công dân như tôi, tại sao tôi không ủng hộ?
Phải công bình nhận là Tổng thống Donald Trump đã cố gắng trong thời gian kỷ lục thực hiện gần như tất cả các điều đã hứa lúc tranh cử, nhất là về phương diện kinh tế.
Thay vì nhắc lại hết ở đây những điều đã được tôi viết trên trang Diễn đàn của BBC Tiếng Việt, hay thảo luận quá đầy đủ qua báo chí và truyền thông, chúng ta chỉ nêu ra điểm nổi bật về tác động lên nền kinh tế Mỹ đăng tăng trưởng mạnh của chương trình giảm thuế vô tiền khoáng hậu được hứa từ thời tranh cử, duyệt lại kết quả và nêu ra các điểm chưa được ưng ý cần thay đổi.
Nhưng chính sách giảm thuế này cũng gây nhiều chống đối chính trị, và nhiều người ghét Trump vì cho là Luật giảm thuế chỉ làm lợi cho các công ty lớn và giới giàu có. Kết quả kinh tế năm đầu đã phủ nhận điều này, theo những gì tôi quan sát.
Tăng trưởng cao, việc làm tốt, lương tăng, nhưng thất thu ngân sách lên cao:
Mỹ đang có mức thất nghiệp thấp nhất từ 18 năm (3.7%) cùng lương bổng tăng trong các doanh nghiệp, và tăng trưởng GDP vượt mức 4% trong hai quý 2-3/2018, đã đưa thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục gần đụng mức 27,000 của DJ index (trước khi tụt xuống 7% trong hai tuần vừa qua).
Công ăn việc làm tốt, niềm tin người tiêu thụ cao, và nhiều hãng Mỹ xếp hàng quay về Mỹ như dự kiến của luật giảm thuế doanh nghiệp, mạnh bạo đưa thuế từ 35% xuống 21%.
Tuy nhiên, điểm chính chưa được hài lòng là mức thâm hụt ngân sách Mỹ năm nay (10/2017- 09/2018) lại gia tăng so với năm ngoái 2016-17, trái ngược với chiều hướng trong quá khứ là khi tăng trưởng ở mức cao thì mức thất thu ngân sách xuống thấp hay có khi lại có cả thặng dư ngân sách, như thời cuối nhiệm kỳ TT Clinton.
Kết quả này làm nổi bật lo ngại từ đầu của giới chính trị Washington D.C. cũng như nhiều chuyên gia là vì mức giảm thuế quá lớn, độ tăng trưởng kinh tế dù lên cao trong năm đầu 2018 cũng khó bù nổi các gia tăng chi tiêu của chính phủ Trump đã tuyên bố trước.
Thật vậy, nguyên nhân chính của chi tiêu tăng vọt là trong ba địa hạt chính: tiền lãi trả nợ của chính phủ; các chi phí phúc lợi xã hội (entitlement payments); và nhất là chi tiêu quân sự.
Trong hai năm tới, chính phủ Trump phải siết chặt các chi tiêu này nếu muốn giảm mạnh thu hụt ngân sách như đã hứa hẹn, cùng với tăng trưởng nhanh là chỉ tiêu chính sách cốt lõi của ông.
Ông đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất 4 kỳ năm nay là không cần thiết, đưa lãi suất công khố phiếu dài hạn (10 năm) vượt mức 3.1%, khiến các chi tiêu trả nợ chính phủ sẽ còn tăng mạnh hơn hai năm tới.
Thế nhưng, về khía cạnh chuyên môn mà ông Trump có lẽ chưa ngó tới kỹ, là FED cần làm như vậy ở chu kỳ kinh tế hiện tại để ngăn ngừa lạm phát vượt quá mức mong muốn 2.0-2.2%.
Chính phủ Trump lo ngại nhất là cả lãi suất ngắn và dài hạn lên quá mức dự kiến, sẽ có thể đẩy chu kỳ kinh tế đến mức trì trệ, mà nhiều chuyên viên đang lo sợ từ việc phục hồi kinh tế đã kéo quá dài từ năm 2009?
Thành tích đáng kể thứ hai là gây áp lực thương mại thế giới qua thương chiến lấn lướt với Trung Quốc:
Tôi tin rằng trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ có Tổng thống Trump mới dám gây cuộc chiến thương mại mạnh mẽ như vậy với nhiều đối tác đồng minh và đối thủ, để tái lập công bằng cho cán cân thương mại Mỹ sau quá nhiều năm “nhường nhịn”, khiến các nước lấn tới lợi dụng chính sách này.
Nay là lúc phải làm “Hoa Kỳ mạnh trở lại”, theo ông Trump.
Từ việc tăng giá thép sơ khởi để thử ‘nắn gân’ các bạn hàng và địch thủ chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đạt được các chiến thắng thương mại quan trọng.
Đó là ký kết song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, đa phương duyệt lại (NAFTA) với Canada và Mexico, tạo liên minh thắt chặt vòng vây thương mại với Trung Quốc.
Ông đã áp thuế nhập mới từ 10% lên tới 25% trên 200 tỷ đô hàng nhập từ Trung Quốc và và còn dọa áp thuế lên nốt 276 tỷ đô hàng nhập còn lại từ nước này.
Thêm vào đó, là giai đoạn 2 với cuộc chiến tài chính tiền tệ, khiến tiền CNY mất 9% trong 6 tháng qua, chứng khoán TQ giảm trên 25%, và khối dự trữ ngoại hối mất đi trên 1,200 tỷ đô.
Thế Cờ Vây đang siết chặt lại quanh Trung Quốc
Mỹ còn tăng cường các biện pháp chính trị để cô lập Bắc Kinh qua các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump ở LHQ, Phó Tổng thống Pence ở Hudson Institute, chống lại các nước theo ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa còn sót lại đang “gây tai họa cho thế giới”.
Quốc hội Mỹ đã tăng ngân sách quốc phòng cho việc tuần hành vùng biển bao quanh Trung Quốc, các cách ‘động binh’ đa dạng của hải quân Mỹ ở Biển Đông, công khai tuyên bố ủng hộ các quyền của Việt Nam trong vùng này, ngược lại với ý đồ bành trướng của Trung Quốc qua Đường Lưỡi Bò.
Ngoài ra, Hoa Kỳ tăng cường liên minh mới Ấn Độ – Thái Bình Dương và khuyến khích các nước bỏ rơi Một Vành Đai Một Con Đường.
Hai động thái mới nhất của ông Trump là hủy bỏ Luật Bưu chính thế giới cũ chỉ có lợi cho phía Trung Quốc như để họ hưởng giá cước chuyên chở bưu kiện rẻ cho hàng xuất đi toàn thế giới; và việc Mỹ đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Kiểm soát Vũ khí hạt nhân với Nga; nhằm tự do chế tạo các vũ khí tầm ngắn và trung và đe dọa trực tiếp với Trung Quốc.
Từ quan điểm của một người gốc Việt
Nhìn lại thành tích trên sau mới gần hai năm thực hiện các chính sách đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump đã cho người viết ý nghĩ mình đã không chọn sai trong kỳ bầu cử tháng 11/2016, để cho cả Nhà Trắng và đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều vào tay đảng Cộng hòa.
Dù không ‘cuồng Trump’ hay ‘ghét Trump’, người viết chợt nhận ra rất rõ là muốn ủng hộ ông mạnh vì chính sách ông làm đã theo rất tích cực đã trùng hợp với ý nguyện của tôi là có một chính phủ Mỹ mạnh cả về kinh tế và quân sự, để theo đuổi đường lối chặn Trung Quốc mà tôi mong đợi vì sự sống còn của quê hương cũ.
Cho kỳ bầu cử Mỹ giữa kỳ chỉ còn hai tuần nữa (ngày 6/11), người viết mong ít nhất đảng Cộng hòa vẫn còn giữ được đa số trong Hạ Viện để duy trì quyền lực cho chính phủ Trump và thế mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới.
Và hiểm họa xâm lăng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay với Việt Nam có thể sẽ nhờ thế mà còn ở xa hoặc bị chặn hẳn.
Dù chính sách nhập cư mới của ông Trump có thể còn gây bất mãn, Obamacare có thể bị thử rút lại lần nữa, hay vài chương trình phúc lợi xã hội có thể bị cắt thêm nữa ở những tiểu bang đông người gốc Việt như California hay Texas, các tai hại này còn ít hơn cái hại ‘động trời’ là sau thắng cử, phe Dân chủ đòi đem Trump ra luận tội, hoặc làm suy yếu ông, thành tổng thống ‘Vịt què’ (lame-duck president), như người Mỹ vẫn gọi một vị Tổng thống không có sự ủng hộ của Quốc hội trong hai năm sau của nhiệm kỳ mình.
Không chỉ ở Mỹ, ngay ở quê nhà, cũng có những người Việt Nam ủng hộ cho Trump vì vấn đề Trung Quốc và các lý do chính trị và quân sự nêu trên.
Tôi hỏi một người quen từ Sài Gòn thì được nghe câu trả lời là:
“Tuy ám ảnh hiệp ước Thành Đô 2020 vẫn còn, nó sẽ chỉ còn là ảo ảnh cho Trung Quốc nếu ông Trump còn là tổng thống và đảng Cộng hòa vẫn nắm Quốc hội, và Trung Quốc sẽ tiếp tục bị suy yếu, không thể lấn át Việt Nam.”
“Vì nếu dân Việt tin tưởng có Mỹ đứng sau lưng, họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục Trung Quốc như lịch sử ngàn năm đã chứng minh.”
Với thực tế ‘nhất thể’ hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước diễn ra ở Hà Nội chiều 23/10, người dân Việt Nam mong đợi gì, tôi hỏi người bạn ở Sài Gòn.
Câu trả lời cũng bất ngờ không kém:
“Mong lãnh đạo mới mạnh hơn với quyền hành tập trung sẽ cũng tỉnh táo hơn, không nghiêng về phe nào, Mỹ hay Trung, nhưng sẽ liên minh với một khối mới trong vùng gồm vài nước ASEAN, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc chẳng hạn để tạo thành một khối độc lập, tự chủ và phú cường trong năm năm tới.”
Và gần nhất, hay nhất là ‘lãnh đạo mới’ biết sớm nhìn sang Myanmar để đơn phương cải cách thể chế chính trị, thực hiện hòa hợp dân tộc cho một Việt Nam tương lai dân chủ và thịnh vượng, đúng như khả năng tiềm tàng của đất nước vốn đã lỡ mất nhiều cơ hội tốt trong hơn 40 năm qua.
TS Phạm Đỗ Chí
Gửi tới BBC từ Florida
24 tháng 10 2018
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ. Ông hiện đang ủng hộ đảng Cộng hòa Mỹ.
Be the first to comment