Số phận bấp bênh, trôi nổi của một gia đình người H’Mông theo đạo Tin Lành trốn chạy khỏi Việt Nam
Đây là câu chuyện của người H’Mông Việt Nam bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ Di dân (IDC), Suan Phlu ở Bangkok, Thái Lan. Câu chuyện dựa trên lời kể lại từ lá thư gửi Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR) của tù nhân và lời kể của vợ của anh.
Trong một căn phòng nhỏ chật chội, ở một khu phố nhỏ nghèo của Bangkok, Vue Chor kể lại lý do vì sao gia đình chị lại lưu lạc sang Thái Lan gần 10 năm qua, và vì sao chồng chị vẫn ở đằng sau song sắt trại tạm giam.
Cái nóng ngột ngạt ẩm thấp của Bangkok, khiến không khí trở nên nặng nề hơn. Vue Chor lấy trong góc tủ quần áo ra những tấm ảnh mờ, hiện lên những ngày đầu cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ Vue Chor và Nhia Thao trong bản ở Mường Nhé, Điện Biên cách đây gần 20 năm.
Bố mẹ của Lor Nhia Thao, chồng của Vue Chor, bắt đầu cải đạo sang Tin Lành từ 1987 cũng như nhiều người H’Mông khác trong bản.
Nhiều người H’Mông ở Tây Bắc Việt Nam cải đạo từ những thập niên 1980, sau khi nghe các đài radio truyền đạo từ Philippines và Hoa Kỳ.
Chỉ trong một năm, đã có 50 gia đình trong bản cải đạo. Chồng của Vue Chor, Nhia Thao được bầu làm một trong ba người phụ trách họ đạo, dẫn dắt các buổi cầu nguyện.
Trấn áp và sách nhiễu vì đức tin
Theo lời kể, vào tháng Ba năm 1988, công an huyện đến bản, bắt giữ tất cả những ai phụ trách họ đạo và theo đạo phải từ bỏ đạo.
Vue Chor kể dân bản phải giết gà, lợn heo và uống máu làm lễ thề sẽ bỏ đạo. Và ba người trưởng họ đạo phải uống trước để ‘làm gương’.
Những ai từ chối thì đều phải hứng chịu đòn roi, đấm đá. Trong lá thư viết cho UNHCR từ trại giam IDC, Thao kể lại rằng hôm đó, anh đã bị đánh đập đến bầm tím người.
Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu của những tháng ngày đen tối.
Công an đến bản ngày càng nhiều, dùng nhiều hình thức để hăm doạ và ép buộc, từ phạt tiền đến giam giữ.
Người nào bị phát hiện theo đạo thì bị phạt một triệu đồng, một số tiền thường là quá lớn đối với các gia đình dân tộc thiểu số nghèo khổ vào những năm 1990.
Và để phát hiện ai theo đạo cũng không khó, vì “Người H’Mông theo Tin Lành khác những người H’Mông khác lắm! Họ phải bỏ đồ dùng và trang trí trong các nghi lễ cúng ma truyền thống của dân tộc H’Mông,” Chor nói.
Ai không thể trả khoản tiền phạt thì bị giam giữ và và làm việc cực khổ cho đến khi trả đủ.
Năm 2001, một trong những người phụ trách họ đạo, Boua Cheng Mua bị bắt giữ và đánh đập. Vue Chor kể vết thương của Cheng Mua quá nặng khiến bác sĩ trả về và 6 tháng sau ông qua đời.
Đây là giai đoạn chính phủ Việt Nam lo ngại về tình hình tôn giáo ở địa bàn Tây Bắc. Tại đây, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La là những tỉnh đông người theo đạo Tin Lành.
Truyền thông nhà nước thời gian đó cảnh báo về âm mưu của “thế lực thù địch” muốn gây chia rẽ.
Chính phủ Việt Nam cáo buộc có những ý định thành lập “Nhà nước H’Mông”, “Vương quốc H’Mông tự trị”.
Theo lời kể của Chor, công an và bộ đội thường xuyên đến khám nhà người dân kiểm tra xem người dân có “lén lút cầu nguyện” hay không.
Họ dùng loa phóng thanh, nêu tên từng lãnh đạo tôn giáo, và đe doạ người trong bản.
10 ngày sau đó, các lãnh đạo tôn giáo bị bắt, bao gồm cả Thao.
Thao kể lại anh bị gậy tre đánh vào tay, bị đá nhiều vào bụng cho đến khi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh chỉ cảm thấy mặt và miệng đầy máu, và bị giam trong một phòng tối.
Chor phải bán hết gạo, đồ đạc trong nhà để kiếm đủ một triệu đồng chuộc chồng nhưng phải chịu một điều kiện: Nhia Thao phải giúp tìm ra những người lãnh đạo tôn giáo đã chạy trốn trong 3 ngày.
Nhưng chỉ đến ngày thứ hai, sau khi được thả, công an lại đến lùng sục. May mắn thay, trưởng bản cử người báo tin cho vợ chồng Thao. Chor đưa ba đứa con nhỏ bỏ chạy. Thao chạy vào một bụi cây gần đó, thoát chết sau khi công an bắn ba phát súng về phía anh.
Hai vợ chồng cũng quyết định ngày hôm đó là cái kết cuối cùng cho những ngày tháng gian khổ ở Việt Nam – Thao và Chor tìm cách vượt biên sang Lào.
Trốn chạy sang Lào
20 Tháng Một, 2003, gia đình Thao đến Lào và sống trong rừng rậm nhiều tháng trời. Lúc đó, Chor đang mang bầu đứa con thứ tư.
Chor kể lại khi đó cả gia đình không có gì ăn, phải đi thu lượm nấm và ăn rau trong rừng, nhiều lúc chị đói đến mức xây xẩm mặt mày và không thể đi lại.
Gia đình cuối cùng cũng tìm được một công việc đồng áng ở một ngôi làng cách Viêng Chăn 10km. Họ có một cuộc sống nghèo đói nhưng tạm ổn định trong 5 năm.
Cho đến một ngày, một người lao động khác phát hiện ra họ chính là những người H’Mông từ Việt nam đang bị truy nã.
29 tháng Bảy, 2008, công an Lào đột ngột đến khu đồn điền nơi cả gia đình Thao đang tạm trú. Một cuộc truy đuổi trốn chạy khác lại xảy ra.
Lần này công an Lào truy đuổi, nổ súng về phía Thao đến 5-6 lần, và anh lại may mắn thoát chết.
Gia đình anh lại một lần nữa lưu vong. Họ đi một chiếc phà nhỏ từ Lào đến tỉnh Nong Khai, Thái Lan vào 1 tháng Tám, 2009.
Đến Thái Lan
Khi đến Thái Lan, cả gia đình không thể kiếm sống, mà sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của những tín đồ Tin Lành ở Thái Lan.
Chor nói gia đình đã có ý định tìm một miếng đất ở vùng nông thôn Thái Lan để cày cấy, nhưng số tiền thuê đất, kèm những chi phí khác khiến cuộc sống cũng đắt đỏ không kém gì ở Bangkok.
Đến tháng Ba, 2009, Thao quyết định tìm cách tìm việc làm để nuôi gia đình, khi anh đang trên đường đi gửi lá thư cho UN để xin nhờ giúp đỡ, Thao bị bắt vào Trung tâm Giam giữ Di dân (IDC) và bị giữ gần 9 năm qua.
Trong suốt gần 9 năm bị giam giữ tại IDC, Lor Nhia Thao gần như như bị quên lãng, bị mất mọi liên lạc với gia đình. Nhỏ con, hiền lành, ít nói, Thao cũng trở thành một đối tượng dễ bị nhắm vào trong những trại giam chật hẹp phức tạp của IDC.
Không ít lần anh bị người cùng trại giam đánh đập, đe nạt.
Thao đôi khi may mắn gặp được những người Việt đồng hương, hoặc các nhóm hảo tâm hỗ trợ ăn uống, giúp anh viết đơn xin cứu giúp và liên lạc với gia đình.
Quay trở lại căn phòng tối, chật hẹp của sáu mẹ con Chor, trên tường vẫn treo một tấm ảnh Chúa Jesus.
Cả gia đình đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về tỵ nạn công nhận là nằm trong diện đang xin tỵ nạn. Năm con gái nhỏ cũng được theo học tại các trường học ở Thái Lan, nhưng cuộc sống luôn vất vả, thiếu thốn.
Khi được hỏi, nếu theo đạo khốn khổ như vậy, liệu đã bao giờ họ nghĩ đến chuyện bỏ đạo?
Chor lắc đầu: “Chính quyền ở Việt Nam đã lấy đi tất cả mọi thứ của gia đình tôi, tôi không thể để bị tước luôn cả quyền được có đức tin, được suy nghĩ của mình.”
Từ song sắt IDC nơi giam giữ Thao đến căn phòng nhỏ hẹp của mẹ con Vue Chor, cả gia đình sáu người luôn trông chờ vào một ngày nào đó, tất cả sẽ lại được tự do, được đoàn tụ.
Đoàn tụ và cái kết
Đến đầu năm 2018, mọi chuyện bắt đầu có chuyển biến tích cực.
Một mạnh thường quân người Thái biết về Thao qua lời kể của một người Congo khác cũng bị giam giữ tại IDC.
Hồ sơ của Thao sau đó được gửi cho Đại sứ quán Pháp, và được chấp thuận sau một quá trình phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ đã kéo dài trong nhiều tháng.
Trái khoáy một chút chính là vợ và con của Thao buộc phải vào IDC bị giam giữ trước, để được công nhận là người nhập cư trái phép xin tỵ nạn.
Sau nhiều ngày chờ đợi tại căn phòng giam chật hẹp, đông đúc, cuối cùng ngày 22/9/2018, Lor Nhia Thao cùng vợ và 5 con gái đã đến Pháp an toàn – khép lại hơn 9 năm bị giam giữ và sống vô vọng.
Ở Pháp, Thao và Chor sẽ phải học ngôn ngữ mới, cả gia đình sẽ không được phép đi làm trong một năm trước khi được chính thức công nhận là người tỵ nạn.
Chuyện của Thao là ‘không hiếm’
Anh Nguyễn Trường Sơn, phụ trách vận động cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) nói những câu chuyện như của Lor Nhia Thao và Vue Chor không hiếm.
“Sau nhiều năm làm việc với người tỵ nạn Việt Nam và có dịp tiếp xúc với cộng đồng người H’Mông trốn chạy sang Thái Lan, thì câu chuyện của anh Thao rất là quen thuộc.”
“Đạo Tin Lành có nhiều hệ phái. Hệ phái của người H’Mông ở Điện Biên thì thường không muốn đăng ký và thừa nhận sự kiểm soát của chính quyền, nên họ gặp rất nhiều vấn đề với nhà nước.”
Anh Sơn dẫn chứng về một người H’Mông khác cũng sang Thái Lan tỵ nạn. Con gái học đến lớp 12 nhưng không được cấp CMND để thi tốt nghiệp vì chỉ gia đình “theo đạo Tin lành, đạo phản động, theo Tây.”
Theo anh Sơn, có khoảng ít nhất 500 người H’Mông Việt Nam đang tỵ nạn tại Thái Lan. Trong khi đó, tỉ lệ được đi định cư ở một nước thứ ba là rất thấp.
“Toàn bộ tất cả những người đến Thái Lan tỵ nạn, bao gồm cả người Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên… có khoảng 6000-7000 người thì chỉ có 1% được đi định cư ở nước thứ ba.”
“Nên phải nói gia đình của anh Thao là vô cùng may mắn, đặc biệt là đi Pháp, một đất nước rất tốt đẹp để bắt đầu lại cuộc sống.”
Hầu hết những trường hợp được đi tỵ nạn thường là gia đình có nhiều trẻ em còn nhỏ hoặc mẹ đơn thân, anh Sơn cho biết.
Anh Sơn nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam cần phải thực sự thay đổi, nhất là tác động lên chính quyền địa phương trong việc tôn trọng tự do tôn giáo, giải quyết tình trạng phân biệt đối xử.
Anh kể lại một số trường hợp, người H’Mông đã trốn chạy sang Thái Lan nhưng sau đó lại quay trở lại Việt Nam. Nhưng khi quay trở lại thì lại có cáo buộc họ tiếp tục bị đối xử tệ bởi chính quyền địa phương, khiến họ lại tha hương.
“Nguyện vọng của hầu hết những người Việt tị nạn là họ muốn trở về quê hương, chừng nào nơi đó họ không bị phân biệt, được tự do theo tín ngưỡng của mình. Không ai muốn sống xa quê hương cả,” anh Sơn nói.
BBC không thể trực tiếp phỏng vấn Lor Nhia Thao vì điều kiện không cho phép, chúng tôi dựa trên lá thư anh gửi cho UNHCR, thông tin từ bên thứ ba và xác minh thông tin với anh trong một số cuộc gặp ở IDC và vợ anh.
BBC Tiếng Việt
Tháng 10, 2018
Be the first to comment