Vũ Linh: Điều Tra, Đàn Hặc, Truất Phế, Ân Xá,…

President Donald Trump addresses the 73rd session of the United Nations General Assembly, at U.N. headquarters, Tuesday, Sept. 25, 2018. (AP Photo/Richard Drew)

Trong hơn một năm rưỡi qua, đảng DC đã tìm mọi cách ngăn cản ông Trump, trước là tìm cách không cho ông đắc cử, rồi sau khi ông đắc cử thì không cho ông nhậm chức, rồi sau khi ông nhậm chức, tìm cách lật đổ bằng mọi phương tiện, trong khi chờ đợi đảo chánh thì đả kích bất cứ việc gì ông làm hay nói.

Trước thềm quốc hội mới, ta cũng nên coi lại quốc hội có thể làm gì nếu khối DC thắng và tìm cách hạ TT Trump đến cùng.

Xứ Mỹ này có truyền thống dân chủ mạnh nhất thế giới. Từ ngày khai quốc đến giờ, chưa bao giờ có đảo chánh vi phạm Hiến Pháp. Tất cả quyền hành đều được quyết định bằng bầu cử, trong đó bên thắng lên nắm quyền, bên thua chuẩn bị cho trận đấu trong phòng phiếu lần tới. Ứng cử viên và cử tri bên thua chấp nhận quyết định của đa số, về nhà uống viên thuốc đắng, khóc vài ngày cho đỡ ấm ức, rồi phải tỉnh táo lo tìm hiểu tại sao thua, rút bài học, hy vọng làm khá hơn hay chọn người giỏi hơn lần tới.
Thể chế này được áp dụng trơn tru từ hơn hai thế kỷ nay, từ cấp liên bang đến cấp tiểu bang và địa phương luôn. Tổng thống nào hay quan chức nào cũng có người ủng hộ hay chống, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua lúc đầu cũng có vẻ không khác gì. Nhưng sau đó đã biến thái hoàn toàn.
Ông Trump thắng. Bất thình lình, thể chế dân chủ của Mỹ không còn bê-tông cốt sắt nữa. Nào là đếm phiếu lại, nào là đòi thay đổi thủ tục bầu cử, nào là vận động mua chuộc cử tri đoàn, nào là tố cáo đắc cử không chính danh,… Chuyện bầu bán theo ý dân, tôn trọng thủ tục Hiến định,… tất cả đi vào thùng rác. Phe thua tìm đủ mọi cách cản, rồi cản không được thì tìm cách lật đổ, hay ít ra, cũng mạt sát, bôi bác, gây rối không cho tổng thống làm việc. Bộ mặt bẩn thỉu của thể chế dân chủ theo cách hiểu của đảng DC và đám đệ tử của họ lộ rõ hơn bao giờ hết.
Thua keo này, bày keo khác. Gãi đầu gãi tai, tìm ra được chiêu mới: tố cáo Trump thông đồng với Nga, nhờ Nga giúp gian lận bầu bán. Tuyệt chiêu! Nếu chứng minh được ngay thì dĩ nhiên tay Trump này phải đi tù chứ không vào Nhà Trắng được. Nếu chưa chứng minh ngay được thì cũng có thể để đó, điều tra tháng này qua năm nọ, có cớ rỉ rả chửi hoài không mệt, biết đâu lôi ra được chứng cớ nào đó hay tìm được một tay phản thùng nào đó tố cáo, thì lôi ra đàn hặc, truất phế.
Cơ hội đổ tới khi tân bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tự ý rút lui ra khỏi mọi chuyện dính dáng đến sự can dự của Nga, trao quyền lại thứ trưởng Rod Rosenstein. Ông này là viên chức lão làng của bộ Tư Pháp, được TT Bush bổ nhiệm làm công tố liên bang, rồi được TT Obama lưu nhiệm. Ông Rosenstein rất tự mãn và tự kiêu về việc này, coi như mình là người có công tâm, không đảng phái, được cả TT Bush lẫn TT Obama nể trọng, bây giờ lại được TT Trump cho làm thứ trưởng. Bây giờ, sợ mang tiếng là người của CH, phe đảng với TT Trump, rồi vì áp lực của khối Nhà Nước Ngầm, mau mắn bổ nhiệm ngay ông Robert Mueller làm công tố đặc biệt để điều tra quan hệ giữa ban vận động của ông Trump với Nga, nhân tiện điều tra việc giám đốc FBI James Comey bị sa thải luôn.
Công tố Mueller cũng rơi vào trường hợp y chang như ông Rosenstein: đã từng làm giám đốc FBI suốt thời TT Bush, được TT Obama lưu nhiệm, bị mang tiếng là người của CH, bây giờ phải điều tra một tổng thống CH là ông Trump, nên mau mau lo chứng minh mình công tâm, không phe đảng với CH. Lựa 17 luật sư làm phụ tá, trong đó có 12 người đã từng ủng hộ tiền cho đảng DC, hay đã từng làm luật sư cho bà Hillary.
Đó là toàn bộ bối cảnh cuộc điều tra của công tố Mueller.
Cuộc điều tra cho đến nay vẫn chẳng ai biết đã đi đến đâu, đã tìm ra chứng cớ ‘tội phản quốc’ nào của TT Trump, vì được giữ kín như bưng. Vì quá bí mật, nên thiên hạ chỉ còn cách đứng ngoài đoán mò, rồi bình loạn theo phe phái.
Ta xem lại vài vấn đề nguyên tắc, nhân đó nghĩ xem khối DC có thể sẽ làm được gì nếu họ thắng, chiếm được đa số tại Hạ Viện.

QUYỀN HẠN CỦA CÔNG TỐ MUELLER

Ông Mueller là công tố đặc biệt, nghĩa là ông là công chức của bộ Tư Pháp, điều tra theo ‘sự vụ lệnh’ chi tiết của thứ trưởng Tư Pháp là người bổ nhiệm ông. Ông không giống như công tố Kenneth Starr điều tra TT Clinton, là công tố độc lập do quốc hội bổ nhiệm. Cuối cùng thì công tố Mueller sẽ phải nộp phúc trình cho thứ trưởng Tư Pháp. Thứ trưởng phải báo cáo lên tổng thống, và trên nguyên tắc, thứ trưởng toàn quyền quyết định công bố và nộp phúc trình cho quốc hội hay không, nhưng trên thực tế, vì áp lực chính trị, sẽ phải báo cáo cho quốc hội và dĩ nhiên, ba phút sau, quốc hội sẽ xì hết ra cho truyền thông ngay.
Công tố Mueller cũng không trực tiếp truy tố ai hết, mà chỉ khuyến cáo bộ Tư Pháp, và quyết định truy tố hay không thuộc về bộ này.
Thông thường, khi mở một cuộc điều tra, không ai biết sẽ khám phá ra chuyện gì, do đó, công tố thường được cho quyền điều tra những tội trạng mới được khám phá ra trong cuộc điều tra. Khi công tố Mueller điều tra vụ thông đồng với Nga, liên lụy đến ông Manafort, thấy ông này trước đây trốn thuế và rửa tiền, ông Mueller có quyền điều tra sâu hơn hay ngó lơ vì không liên hệ trực tiếp đến vụ thông đồng với Nga. Nhưng ông Mueller quyết định điều tra kỹ hơn và truy tố ông Manafort luôn, không phải vì muốn bắt ông này, mà thật sự chỉ là muốn áp lực để ông này ‘hợp tác’ giúp khai tội nào đó của TT Trump.
Trong trường hợp TT Trump, cho đến nay, không ai biết rõ nếu TT Trump thực sự có phạm tội nào đó như thông đồng với Nga hay cản trở công lý, ông Mueller có quyền khuyến cáo bộ Tư Pháp truy tố TT Trump hay không. Trong lịch sử Mỹ, chưa có một công tố nào truy tố tổng thống hết. Trong trường hợp TT Clinton, công tố Starr chỉ làm phúc trình cho quốc hội vì ông được quốc hội bổ nhiệm. Ông Starr báo cáo TT Clinton phạm một số tội. Dựa trên báo cáo đó, Hạ Viện thành lập Ủy Ban Đặc Biệt, Ủy Ban này cứu xét, khuyến cáo và Hạ Viện biểu quyết đàn hặc.
Cho đến nay, cuộc điều tra của ông Mueller có vẻ bị tắc nghẽn ở điểm thẩm vấn TT Trump. Công tố Mueller tìm mọi cách để có cuộc thẩm vấn này, trong khi các luật sư của TT Trump tìm mọi cách cản mặc dù TT Trump muốn có cuộc phỏng vấn này. Các luật sư của TT Trump lo ngại phỏng vấn có thể là cái bẫy rình bắt TT Trump qua những câu hỏi của nhóm luật sư lão làng thân DC của công tố Mueller.
Công tố có quyền ra trát bắt tổng thống phải chịu thẩm vấn hay không là một rắc rối mà chưa ai biết câu trả lời vì Hiến Pháp không nói rõ. Theo GS Alan Dershowitz của đại học Harvard, và công tố Starr từng truy tố TT Clinton, thì công tố không có quyền này. TT Clinton có ra điều trần trước một đại bồi thẩm đoàn, nhưng đó là ‘theo lời mời’ và sau khi điều đình điều kiện với công tố Starr chứ không bị trát tòa (subpoena).
Cả hai việc truy tố và trát tòa thẩm vấn tổng thống chưa khi nào xẩy ra trong lịch sử. Chắc chắn ông Mueller phải suy nghĩ kỹ trước khi chơi hai đòn cạn tàu ráo máng này vì TT Trump sẽ kiện ra tòa. Theo ông Giuliani, luật sư trưởng của TT Trump, nếu công tố Mueller ra trát bắt TT Trump phải chịu thẩm vấn, ông sẽ khuyến cáo tổng thống từ chối và thưa kiện lại.
Đại đa số các quan tòa liên bang và tòa phá án thuộc phe cấp tiến vì do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm, sẽ có phán quyết bất lợi cho TT Trump như ta đã thấy qua các vụ kiện về sắc lệnh di dân. Nếu cần sẽ lên đến TCPV. Ở đây, sau khi TP Kavanaugh được phê chuẩn, cán cân bảo thủ/cấp tiến là 5/4, nghiêng về phiá bảo thủ. Quan điểm bảo thủ là Hành Pháp chẳng những ngang hàng với Tư Pháp, mà tổng thống còn có trách nhiệm lớn lao đặc biệt mà không ai có, là quản trị cả nước, một công tố không thể ra trát tòa lôi tổng thống ra hỏi cung lung tung, gây rối cho việc trị quốc. Muốn gì thì cũng có thể chờ tới sau khi tổng thống mãn nhiệm. Đây chính là lý do thật sự khiến phe DC tìm cách chống việc phê chuẩn thẩm phán Kavanaugh vào TCPV bằng mọi giá.

GIẢI NHIỆM CÔNG TỐ MUELLER

Trên phương diện quyền hành pháp định, TT Trump có toàn quyền giải nhiệm công tố Mueller, cả thứ trưởng Rosenstein và bộ trưởng Sessions luôn. Nhưng trên phương diện chính trị, sẽ là đại họa. Hạ Viện, nhất là nếu DC chiếm được đa số, sẽ hoặc là bổ nhiệm công tố độc lập để điều tra tiếp mà TT Trump không có quyền sa thải nữa, hay tiến hành thủ tục đàn hặc ông ngay. Đây chính là kinh nghiệm của TT Nixon khi ông sa thải công tố, thứ trưởng và bộ trưởng Tư Pháp, rồi bị áp lực phải từ chức.
Những người ủng hộ TT Trump cảm thấy bực mình vì cuộc điều tra của ông Mueller, nhưng thật ra không thấm vào đâu nếu phe DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu tới. Nếu phe DC không đàn hặc TT Trump, thì ta cũng sẽ thấy cả nửa tá cuộc điều tra khác ngay. Hạ Viện có thể sẽ mở lại cuộc điều tra về ‘thông đồng với Nga’ với chủ ý làm khó dễ TT Trump. Cho dù không lật đổ được thì cũng khiến cho TT Trump hoàn toàn bị tê liệt không ban hành chánh sách nào được, chưa kể bị hạ nhục, bôi bác đủ kiểu liên tục. Hiểu vậy để biết cuộc bầu cử quốc hội năm nay quan trọng cỡ nào.

ĐÀN HẶC VÀ TRUẤT PHẾ

Đàn hặc (đàn hạch) là thủ tục kết tội những viên chức cao cấp như tổng thống, nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, quan tòa kể cả thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Trên căn bản, những người này do dân trực tiếp bầu hay do quốc hội phê chuẩn nên luật pháp bình thường không thể áp dụng. Những vị này phải được quốc hội, hay chính xác hơn Hạ Viện (liên bang hay tiểu bang) luận tội.
Trường hợp rất đặc biệt là trường hợp tổng thống. Khi nào thì mắc tội có thể bị đàn hặc? Trên giấy tờ, tổng thống bị đàn hặc khi phạm tội hình sự gia trọng, Hiến Pháp gọi là ‘high crime and misdemeanor’ mà không có định nghĩa rõ ràng. Chủ tịch Hạ Viện, Gerald Ford (sau đó là tổng thống), định nghĩa rất giản dị: đó là bất cứ tội gì đa số dân biểu Hạ Viện nói là tội, bất kể tội thật hay phịa. Nôm na ra, đó là những tội… chính trị, không phải là tội vi phạm luật bình thường gì. Đàn hặc là một biện pháp chính trị, không phải là quyết định pháp lý.
Trong trường hợp TT Trump, ngày nào phe CH còn nắm giữ đa số tại Hạ Viện thì ngày đó không thể nào có đàn hặc, trừ phi công tố Mueller trưng ra được bằng chứng không cãi được là TT Trump đã thông đồng với Nga hay cố ý sa thải giám đốc FBI để không cho ông điều tra.
Thủ tục đàn hặc rất dễ, chỉ cần đa số 218 phiếu tại Hạ Viện là đủ. Đó là nguyên tắc. Trên thực tế, đàn hặc là con dao chính trị hai lưỡi. Kinh nghiệm TT Clinton cho thấy khi CH hung hăng đàn hặc ông thì dân Mỹ đổ xô ủng hộ ông. Đảng DC ý thức được chuyện này nên trong mùa bầu cử này đã tuyệt đối tránh nói về đàn hặc, và TTDC cũng tiếp tay, không bàn gì về đàn hặc hết, nhưng sẽ không là chuyện đáng ngạc nhiên nếu sau khi họ chiếm đa số tại Hạ Viện sẽ cứu xét kỹ việc tiến hành thủ tục đàn hặc TT Trump.
Việc truất phế tổng thống rắc rối hơn nhiều.
Trên căn bản, cũng vẫn là một quyết định chính trị. Sau khi Hạ Viện biểu quyết có tội, đàn hặc, thì nội vụ sẽ được chuyển qua Thượng Viện để kết án: chỉ có một lựa chọn, truất phế hay không. Muốn truất phế tổng thống, phải có ít nhất hai phần ba Thượng Viện, tức là cần có 67 phiếu. Là chuyện không dễ chút nào. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 2 tổng thống bị đàn hặc là TT Andrew Johnson và TT Bill Clinton, nhưng chưa có ai bị truất nhiệm, vì không đủ túc số phiếu.
Trường hợp TT Trump cũng vậy, trừ phi ông có tội thật thì khó nói, còn không thì không có cách nào Thượng Viện có đủ phiếu để truất phế ông. Đảng DC hiện nay có 47 ghế, cộng thêm 2 ghế trên danh nghiã là độc lập nhưng trên thực tế, luôn luôn bỏ phiếu theo phe DC, cần thêm 18 phiếu, là chuyện không tưởng. Các thăm dò mới nhất cho thấy DC sẽ mất thêm ghế tại Thượng Viện. Do đó, Hạ Viện đàn hặc được thì cũng đủ triệt hạ uy tín của TT Trump nói riêng và uy tín cả đảng CH nói chung, giúp DC chiếm lại được quyền lập pháp và hành pháp qua các cuộc bầu cử sau đó.

GIẢI NHIỆM THEO TU CHÁNH ÁN 25

TTDC gần đây bàn về tu chánh án 25 của Hiến Pháp. Đây là tu chánh án đề cập đến vấn đề thay thế tổng thống khi tổng thống qua đời, bị đau ốm, hay bị truất phế.
Phần 4 đề cập đến việc tổng thống (TT) bị đau ốm, bệnh hoạn nhưng không chịu từ chức. Theo tu chánh án, phó tổng thổng (PTT) sẽ phải ký thư cùng với đa số nội các, khẳng định TT bị bệnh không đủ khả năng chu toàn trách nhiệm, cần bị truất nhiệm, và PTT trở thành quyền tổng thống ngay lập tức. Nếu TT phản bác, PTT có 4 ngày để trả lời. Nếu PTT và nội các chấp nhận phản bác thì TT sẽ lấy lại quyền. Nếu không thì vấn đề sẽ được đưa ra quốc hội. Tại đây, sẽ cần đa số 2/3 Hạ Viện (không phải là đa số nữa) và 2/3 Thượng Viện để quyết định truất phế TT.
Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ có chuyện này, vì đây rõ ràng là hành động tạo phản của PTT và nội các. Bây giờ, không ai nghĩ chuyện này có thể xẩy ra. Cho dù xẩy ra thì chắc chắn TT Trump sẽ chống, và nếu ra trước quốc hội, cũng không thể có đủ túc số 2/3 cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện để truất phế ông.

ÂN XÁ

Hiến Pháp cho tổng thống một đặc quyền: đó là quyền ân xá tuyệt đối và vô điều kiện bất cứ ai, vì bất cứ tội gì, không cần giải thích. Chỉ có hai giới hạn: 1) chỉ có quyền ân xá những tội cấp liên bang; 2) không được ân xá viên chức sắp, đang, hay đã bị đàn hặc.
Tất cả các tổng thống đều sử dụng quyền ân xá, phần lớn là những tội nhẹ. Ân xá có nhiều hình thức: tha bổng ngay lập tức nếu còn đang bị giam, xóa hẳn án trên hồ sơ lý lịch kể cả khi đã qua đời, hay chỉ giảm án nhưng hồ sơ lý lịch vẫn còn mang án.
Trên căn bản thì toàn quyền, nhưng trên thực tế, các tổng thống thường nhận được cả triệu đơn xin ân xá, thường trao cho bộ Tư Pháp nghiên cứu vấn đề, rồi đề nghị để tổng thống quyết định.
Ân xá cũng có thể được xử dụng như một công cụ chính trị. Như TT Ford ân xá cho cựu TT Nixon để phục hồi đoàn kết dân tộc. Hay TT Clinton ân xá cho một đám khủng bố người Puerto Rico để giúp bà vợ đang tranh cử thượng nghị sĩ tại New York là nơi có rất đông dân Puerto Rico. Ân xá cũng có thể là một hành động tham nhũng ‘hợp pháp’, như TT Clinton ân xá Marc Rich, là tay buôn lậu quốc tế, thiếu cả trăm triệu thuế, đang lẩn trốn ở Trung Mỹ, nhưng được ân xá sau khi bà vợ ủng hộ nửa triệu đô cho Thư Viện Clinton (đây là xì-căng-đan cuối cùng của TT Clinton trước khi ông rời Tòa Bạch Ốc).
Trong trường hợp TT Trump với vụ điều tra của công tố Mueller, trên căn bản, ông có quyền ân xá tất cả những người đang hay sẽ bị công tố Mueller truy tố, như các ông Manafort, Flynn, Cohen,… Ông có thể ân xá sau khi họ đã ra tòa lãnh án, hay ngay bây giờ, chấm dứt ngay mọi điều tra. Nhưng ông chưa cho thấy ý định muốn ân xá ai hết. Dù sao thì ân xá cũng có những hậu quả chính trị bất lợi rất lớn. TT Trump không dại gì ân xá ai quá sớm.
Một đặc điểm quan trọng: quyền ân xá của tổng thống chỉ áp dụng cho các tội liên bang không áp dụng cho các tội tiểu bang. Đây là điểm công tố Mueller đang khai thác tối đa để moi tin từ các cộng sự viên của TT Trump: đe dọa họ với những tội cấp tiểu bang mà TT Trump không thể ân xá được.
Trong vụ này, có một rắc rối lớn mà chưa ai có câu trả lời: TT Trump có quyền ân xá chính mình không? Vấn đề này hiện đang được tranh cãi chỉ vì Hiến Pháp không nói rõ, ai muốn hiểu sao cũng có cái lý của họ. Chỉ có cách nếu xẩy ra thì phải đợi Tối Cao Pháp Viện quyết định.
Những người cho rằng tổng thống có quyền tự ân xá thì cho rằng Hiến Pháp ghi rõ chỉ có hai trường hợp tổng thống không có quyền ân xá như đã ghi trên. Hiến Pháp không hề ghi tổng thống không được ân xá chính mình. Nếu Hiến Pháp không cấm, tức là làm được. Đây là lập luận không phải của những người ‘cuồng Trump’ đâu, mà là của những người có khuynh hướng bảo thủ, muốn chấp hành một cách tuyệt đối Hiến Pháp trên giấy trắng mực đen. Lại một lý do phe DC chống đối ông Kavanaugh mạnh.
Nhiều người khác cho rằng tổng thống không có quyền tự ân xá, dựa trên lập luận không ai có thể tự là quan tòa xử tội hay tha tội cho chính mình.
TT Trump hiện nay chưa bị đàn hặc, nếu có quyền, có thể tự ân xá mình ngay để chấm dứt mọi điều tra. Nhưng vấn đề không giản dị, ông mà tự ân xá thì sẽ có cơn bão chính trị chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Dân Mỹ có thể bực tức, đổ xô đi bầu cho đảng DC, và đảng này có thể chiếm cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, và tổng thống sẽ dễ dàng bị kết tội, và truất phế. Cái hại lớn hơn cái lợi cho TT Trump, do đó sẽ ít có triển vọng TT Trump tự ân xá.
Nhìn vào toàn diện vấn đề, ta sẽ thấy cuộc bầu cử giữa mùa năm nay có lẽ quan trọng nhất lịch sử cận đại Mỹ. Vì TT Trump quyết tâm xóa bàn cờ, vớt nước đầm lầy, giết sâu bọ, đám này sẽ tìm đủ mọi cách chống ông. Đi bầu cho DC là giúp đám này thực hiện ý nguyện, trói tay TT Trump nếu không đảo chánh được. Bầu cho CH là giúp TT Trump có phương tiện thực hiện ý nguyện và những lời hứa của ông. Đó chính là sự lựa chọn của cử tri.

Nhắn tin chung: Bình luận này cũng như các bình luận trước, sẽ kích động nhiều góp ý của quý độc giả. Trước khi quý vị góp ý, xin trân trọng mời quý vị đọc Thư Ngỏ tháng 11/2018 này, đã trình bày lại quan điểm của diễn đàn này về việc góp ý. Xin đa tạ.

Vũ Linh
DĐTC ngày 3/11/2018

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*