Lương Thư Trung: Nhóm Văn Nghệ Boston, Nhớ Một Thời…

Hồi đó khi đứa em tôi bảo lãnh, gia đình tôi đến Pawtucket tiểu bang Rhode Island, nơi nhà em tôi ở đó. Sau vì để tiện việc đi học cho hai đứa con, chúng tôi lên Boston đâu khoảng 1992. Nhớ lại hồi ấy, cách nay khoảng đâu chừng 25 năm, sinh hoạt của nhóm văn nghệ Boston có lẽ bắt đầu từ khi có những buổi họp mặt ở nhà của Trần Trung Đạo trên đường Thornley vùng Dorchester (Boston) vào những ngày tôi mới tới thành phố Boston này…

Trong số báo Thư Quán Bản Thảo số 82, tháng 11-2018,  chủ đề: Nhà Văn Trần Doãn Nho do Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn thực hiện, có bài viết về Trần Doãn Nho của Phan Xuân Sinh với tựa: “Boston, Ngày Nào Với Chúng Tôi”, tác giả viết:

 “Những nơi khác khi nói về sinh hoạt văn nghệ đều nói về nhóm Boston, cứ tưởng nhóm Boston có nhiều người viết lắm, nhìn đâu cũng thấy, Website nào cũng có mặt, báo nào cũng có mặt mà người viết nhiều nhất trong nhóm có lẽ là anh Trần Doãn Nho. Nhưng quả thật chúng tôi chỉ vỏn vẹn có 4 người: Trần Doãn Nho, Lâm Chương, Trần Trung Đạo và tôi. Có lẽ nổi đình đám nhất là Trần Trung Đạo và Trần Doãn Nho. Anh Lâm Chương viết ít hơn nhưng tác phẩm của anh có chất lượng và người đọc yêu thích.” (TQBT số 82, trang 81)

 Quả thật là như vậy, như anh Phan Xuân Sinh vừa nói nhóm văn nghệ Boston với bốn người trụ cột ấy; ngoài ra còn kể thêm nhà thơ Hoa Văn (bút hiệu khác của thi sĩ Anh Hoa thời những ngày còn trẻ) rất già giặn, rồi còn có họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, nhà thơ Dư Mỹ, có vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Long & Hạ Uyên, có anh Tám Thanh lúc nào cũng ôm đàn hát những bài tình ca rất tài tử, có anh Phong chuyên trị mục âm nhạc thính phòng, có anh chị Bùi Thạch Trường Sơn & Khánh Yên với tiếng hát ấm và trầm buồn qua nhạc khúc “Đêm nhớ về Sài Gòn” làm cho người nghe ray rứt cả tâm hồn…

Ngoài ra, phải kể thêm vài tác giả trẻ tuy không thường xuyên tham dự nhưng cũng được nhắc đến trong sinh hoạt văn nghệ Boston như Lý Đồng Dao, Quang Nguyên, Hoàng Huy Khánh, Mịch La Phong (đã mất)…, tất cả đều còn rất trẻ hay làm thơ viết văn và vui chơi với nhau.

Phải công bằng mà nhận rằng trong bốn người trụ cột như Phan Xuân Sinh vừa nhắc trong nhóm Văn nghệ Boston, thì Trần Trung Đạo lanh lợi, hoạt bác, lo phần tổ chức và MC; Trần Doãn Nho vốn thâm trầm, điềm đạm thì lo phần giới thiệu tác giả và tác phẩm; Lâm Chương thì lo phần tiếp đón khách phương xa, nhứt là các khách cùng tuổi, cùng thời với Lâm Chương; riêng Phan Xuân Sinh là người lo hầu hết mọi đón tiếp bạn bè khách gần cũng như khách xa về Boston dự các lần tổ chức văn nghệ. Thêm nữa, Phan Xuân Sinh còn làm tài xế trong hầu hết các chuyến đi chơi xuyên bang hoặc vượt biên giới chạy tuốt qua Canada với đường trường xa ngàn dặm…

Dường như vào tháng 8 năm 1996, tôi mới biết hai tác giả Phan Xuân Sinh và Dư Mỹ có in chung một tập thơ với tựa đề là Chén Rượu Mời Người”, nghe cái tên sách rất gần gũi mà thân tình, lần đầu tiên tôi có được dự buổi giới thiệu ấy, tổ chức tại nhà anh Dư Mỹ, thuộc vùng East Boston; nếu từ bên thành phố Boston muốn qua East Boston, xe phải chạy ngang qua đường hầm nằm dưới đáy biển, mất cũng khoảng 15 hoặc 20 phút lái xe. Và dịp này, tôi thiết nghĩ đây là buổi sinh hoạt khơi mào cho các sinh hoạt văn nghệ của nhóm văn nghệ Boston sau này.

Dịp này tôi thấy có rất đông các anh chị ở Boston đến dự và từ xa có anh chị Trần Hoài Thư từ dưới New Jersey  cũng lái xe lên dự. Về sau, tôi thấy có nhiều sinh hoạt văn nghệ ở đây nữa như tổ chức các chuyến đi về Philladelphia, về New Jersey, New York, về Hoa Thịnh Đốn và qua tuốt bên Toronto, Montréal của Canada nữa.

Trong phần nhiệm tự nguyện ấy, khi có ngôi nhà mới xây cất thuộc vùng Salem (Massachuchettes), thành phố của lễ Hallowen, Phan Xuân Sinh làm luôn một phòng rộng với đầy đủ tiện nghi để mỗi khi có hội họp bạn bè văn nghệ là có chỗ sẵn sàng với sức chứa từ 60 đến 80. Nhớ có lần ở phòng hội này, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Vũ Thất (Virginia), tác giả tiểu thuyết Đời Thủy Thủ, cách nay có khoảng gần 20 năm.

Hồi ấy dường như các khách phương xa đều biết Phan Xuân Sinh và ai muốn lên vùng Đông Bắc ấy anh rất sẵn sàng đón tiếp. Hồi trước có anh chị Tô Thùy Yên (Texas), rồi sau này có nhà thơ Du Tử Lê (California), có giáo sư Đặng Phùng Quân (Texas) ghé thăm và có lần nhạc sĩ Phạm Duy cũng có ghé ngang Salem (MA) khi ông giới thiệu bộ CD Minh Họa Kiều tại trường Đại học Harvard (Boston). Còn nhiều và nhiều lắm khách xa ghé lại Boston, mà tôi vì không trực tiếp dự phần nên nhiều lúc tôi hổng rành và cũng hổng nhớ hết…

Thật tình ra, sinh hoạt văn nghệ Boston như anh Phan Xuân Sinh nói, phần lớn là tổ chức giới thiệu sách cho anh em trong nhóm. Hồi ấy, ở Boston, những anh chị trong nhóm văn nghệ, dường như không ai bảo ai, hễ cứ có anh chị nào tổ chức giới thiệu sách mới, trong tinh thần tương thân tương ái, mỗi anh em tự nguyện bỏ ra người năm chục hoặc một trăm đóng góp cho anh em mà không so đo nghĩ ngợi gì khác. Vậy mà rồi cái nghĩa cử thân tình ấy nó gầy dựng nên một nhóm văn nghệ gia đình, không vì lợi danh hay tiền bạc gì mà chỉ duy có một điều là vui chơi.

Cái thời cực thịnh nhứt của nhóm văn nghệ Boston, có lẽ tôi nhớ không lầm là vào năm 2000, năm mà Phan Xuân Sinh tổ chức giới thiệu tập thơ đầu tay của anh, thi tập “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”. Tôi nhớ lần đó ngoài khách tại Boston và các vùng xung quanh Boston như Worcester, Quincy, Malden,  East Boston, Dorchester… và đặc biệt khách từ các tiểu bang xa của Hoa Kỳ và bên Canada các khách văn nghệ về Boston tham dự buổi giới thiệu sách ấy đông không thể tưởng tượng nổi. Với một hội trường vùng Stonham (Massachusettes) rất rộng, sức chứa khoảng trên 200 người mà dường như còn thiếu ghế ngồi; chủ hội trường phải thêm mấy bàn dự bị mới hết khách. Còn thức ăn, nghe anh Phan Xuân Sinh nói lại là do chị Thiên Nga, hiền thê của anh lo liệu hết mọi món. Quả đáng nễ thật!

Lâu quá tôi không nhớ rõ nhưng cũng tạm ghi lại theo trí nhớ mòn mỏi của người nhà quê nay khá già; lần đó tôi thấy như từ California có nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Thanh Thủy; Texas có Nguyễn Xuân Thiệp, Thu Thuyền, Yên Sơn, Vĩnh Tuấn, anh chị Phạm Quang Tân; Atlanta có Đức Phổ, Đỗ Xuân Quang; South Carolina có Trần Phù Thế; Lousiana có Nguyễn Khánh Hòa, anh chị Quan Dương, anh chị Nhật Nguyễn & Hữu Việt; Florida có Triều Hoa Đại; New Jersey có anh chị Trần Hoài Thư, chị Ngô Minh Hằng; Philadelphia có Hà Kỳ Lam, Võ Đình Tuyết; Connecticut có Lê Mai Lĩnh (tức Sương Biên Thùy ngày trước); vùng Hoa Thịnh Đốn có Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ti. Bên Canada tôi nhớ tận trên vùng Calghari có vợ chồng Nguyễn Kim Long & Phụng; vùng Montréal có Song Thao, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn và nhiều, nhiều lắm, lâu quá nhớ hổng hết.

Đến năm 2004 lại một lần hội ngộ nữa rất đông các anh chị từ khắp nơi về dự dịp văn nghệ Boston giới thiệu năm tác giả Thu Thuyền, Đức Phổ, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Trần Trung Đạo. Và có lẽ qua năm sau, lại một lần nữa anh em Boston đón tiếp các văn nghệ sĩ khắp nơi về dự buổi giới thiệu các tác giả nữ từ các nơi như Hoàng Thị Bích Ti (Virginia), Nguyễn Thị Thanh Bình (Virginia), Thu Thuyền (Texas), Hạ Uyên (Boston) (Hổng biết còn ai nữa không, nay tôi quên rồi). Lần này cũng như hai lần trước mà tôi vừa kể, quả là thời kỳ cực thịnh của nhóm văn nghệ Boston do bộ tứ trụ Phan Xuân Sinh, Trần Doãn Nho, Lâm Chương  và Trần Trung Đạo khởi xướng.

Qua vài năm sau, anh Phan Xuân Sinh vì công việc làm ăn như anh viết trong bài “Boston, Ngày Nào Với Chúng Tôi” mà tôi có nhắc bên trên, anh phải về Dallas (Texas). Sau đó, anh chị Lê Vinh cũng rời Boston để về Houston; rồi mới đây vài năm anh chị Trần Doãn Nho lại cũng xuống Dallas (Texas) nữa. Còn trên Boston, anh chị Tám Thanh bên Quincy sau khi về hưu cũng về California vùng nắng ấm; anh chị Bùi Thạch Trường Sơn & Khánh Yên có lúc cũng về Florida, anh Hoa Văn thì xuống Atlanta (Georgia), rồi lại lên Virginia, và còn ai nữa lại dời chỗ ở mới và xa, rất xa Boston, tôi không rõ lắm.

Thế là Boston mấy năm sau này, khi hai trong bốn người trụ cột nhóm văn nghệ Boston rời xa Boston là Phan Xuân Sinh và Trần Doãn Nho về Texas, văn nghệ Boston hơi buồn như anh Phan Xuân Sinh có nhắc trong bài viết:

Anh Trần Doãn Nho có qua thăm tôi, anh em ngồi nói chuyện thì anh cho biết: “Từ khi anh (tức anh Phan Xuân Sinh, chú thích của Hai Trầu) rời Boston là xem như nhóm văn nghệ trên đó tan hàng luôn”. Tôi hỏi vì sao vậy, anh trả lời: “Không có ai đứng ra tổ chức như anh. Vì vậy anh em không tổ chức được.” (Thư Quán Bản Thảo số 82, tháng 11-2018, chủ đề nhà văn Trần Doãn Nho, trang 83).

Mấy năm sau này, anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng (tác giả cuốn tùy bút Vàm Kinh Cũ và là chủ trang nhà Thất Sơn Châu Đốc) dù không có máu văn nghệ nhưng anh chị rất có lòng với anh chị em, nên anh chị âm thầm thay anh Phan Xuân Sinh trong việc tiếp đón bạn bè (bạn bè ở đây trong nghĩa là anh em thân thiết của anh chị hồi còn học trường trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc và anh em văn nghệ Boston khi xưa đã dời chỗ ở các tiểu bang khác có dịp về thăm lại Boston). Nhà anh chị bên bờ hồ vùng Weymouth rất đẹp và nên thơ với bông súng nở vào mùa ấm, với đàn vịt trời và thiên nga quanh quất dưới hồ như chim chóc trong vườn nhà; đặc biệt là cá lươn ôi thôi là cá, cả một hồ rộng thênh thang như vậy mà có bạn ngồi cầm cần câu chỉ ngồi một lát là có cá nướng với lửa củi cháy rừng rực bên bếp nhà thì còn gì thú cho bằng! Thành ra, có dịp về thăm cháu nội trên Boston vào mỗi mùa hè, mấy anh em cũ như anh Dư Mỹ, anh Lâm Chương, anh Tám Thanh, anh Trần Trung Đạo hú với anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng là có một bữa đốt lò nướng cá cạnh bờ hồ và nhìn bông súng nở với bầy vịt trời lội đầy mặt nước, thì ôi thôi đẹp ơi là đẹp, cái nét đẹp của cảnh hồ thiên nhiên nước trong leo lẻo ấy của tạo vật cùng cái tình anh em với nhau cũng mật thiết và đẹp nữa. Và nhất là phong cách chơi rất đẹp của anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng càng đẹp hơn; do vậy phần nào hai anh chị cũng là một chất keo nối kết các anh chị em văn nghệ Boston dù ở xa hay ở gần luôn gắn kết lại với nhau.

Sau này, khi có dịp theo gót anh Phan Xuân Sinh khi tôi về Houston tránh cái lạnh mùa đông vùng Đông Bắc nước Mỹ, tôi thấy phong cách văn nghệ của anh vẫn còn như hồi trên Boston những ngày xa xưa ấy. Nghĩa là, bất cứ anh em nào dù ở trời Đông hay ở trời Tây, hễ mỗi khi hú với anh một tiếng là có Phan Xuân Sinh liền. Về đây tôi thấy anh rất hạp với các anh Tô Thẩm Huy, Ngu Yên, Lê Vinh, và ba bốn năm gần đây biết thêm anh Phạm Văn Nhàn từ trên vùng Amarillo (Texas) mới về; thế là các anh cứ hẹn nhau vào mỗi sáng Thư Bảy mỗi tuần ra Nguyễn Ngọ uống cà phê. Thế là không ai bảo ai nhóm cà phê Nguyễn Ngọ Houston phaần nào là hình bóng của văn nghệ Boston ngày cũ. Bất cứ anh em nào dù xa dù gần, dù trên Boston xuống hay California qua hoặc bên Canada qua  là Phan Xuân Sinh hú anh em một tiếng và mời ra Nguyễn Ngọ. Ở cà phê Nguyễn Ngọ, anh Phan Xuân Sinh cũng được cảm tình của nhiều anh em ở đây, nên ngồi cùng bàn cà phê với anh tôi nhận thấy có anh Phước, anh Lê Minh Giang, bạn Cường Phan Thiết, bạn Hoàng Nam Sơn tuần báo Trẻ, và nhiều anh em khác nữa. Đó là chưa kể dù bây giờ nhà cửa hổng được rộng, anh chị giờ cũng hơi có tuổi, nhứt là chị Thiên Nga, hiền thê của anh Sinh, bị bịnh nữa. Vậy mà rồi hể có khách là anh chị sẵn lòng tiếp đón nồng hậu. Nhớ có lần các anh chị Lâm Chương (Boston), anh Lê Mai Lĩnh (Connecticut), anh chị Trần Doãn Nho (Dallas), anh chị Lâm Hảo Dũng (Canada) ghé thăm, anh chị Phan Xuân Sinh luôn ân cần tiếp đón như hồi còn trên Boston vậy. Một tấm lòng tận tình vì bạn  và chỉ vì bạn một cách nồng nàn và thân thiết như anh chị Phan Xuân Sinh giữa đời này, thật đáng quý thay !

Thú thật, dù hồi còn trên Boston hay về dưới Houston có tới hơn mười năm nay, tôi luôn luôn tự coi mình là người đứng bên lề cuộc chơi của các anh các chị; nhờ vậy mà tôi có dịp nhìn ngắm rất kỹ về những sinh hoạt mà các anh chị văn nghệ Boston thể hiện cũng như nhóm cà phê Houston vui chơi với nhau. Bởi có lần nhà thơ Hoa Văn hồi ở trên Boston, anh có làm bài thơ “Mùa xuân ngồi uống rượu một mình” với hai câu thơ mở bài, anh viết rất buồn:

“Nơi đây xứ lạ buồn ghê gớm,
Có những người quen muốn lạ dần…”

Thành ra, tất cả anh em văn nghệ dù ở Boston hay Houston, tôi nghĩ anh chị Phan Xuân Sinh và các anh chị khác khi đến cùng chung vui với nhau là vì muốn chung vui vậy thôi, chứ không phải vì lợi, vì danh hay vì bất cứ mục đích nào khác, kể cả ca ngợi nhau hay khen lẫn nhau. Tôi tin chắc như vậy. Phải vậy không, anh Phan Xuân Sinh?

Houston, ngày 01 tháng 11 năm 2018

Hai Trầu

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*