Andre Menras Hồ Cương Quyết: Việt Nam – Tiếng Gào Thét Từ Bên Trong !

Vang Tiếng Thủ Thiêm, Đồng Tâm Trong Phim ‘VN: Tiếng Gào Thét Từ Bên Trong’

Một cảnh trong phim tài liệu của André Menras (Hình của HO CUONG QUYET)

Theo nhà sản xuất phim André Menras, “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong”“tiếng nói của những người bất đồng chính kiến và cả những dân thường cùng cực vô danh”.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông André Menras, tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, cho hay khi làm cuốn phim ‘Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong’, ông đã “bị an ninh theo dõi, nghe lén điện thoại”, thậm chí bị dọa sẽ ‘lãnh hậu quả‘ nếu “làm hại đến uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Chỉ sau ba tuần công bố, phim đã thu hút gần 70.000 lượt xem trên Youtube.
“Cuốn phim này, muốn trao lời cho những con người đang khó sống,” ông André Menras nói trong khởi đầu phim.

‘Những người khó sống’

Ông André Menras trò truyện với một ngư dân từng bị tàu Trung Quốc bắn. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Xuất hiện trong cuốn phim dài 140 phút, phần “Quá khứ bị tịch thu”, cố dịch giả Phạm Toàn nói: “Thế hệ của chúng tôi rất hào hiệp với cách mạng, bởi cách mạng rất hào hiệp với chúng tôi. Có cách mạng chúng tôi mới có tự do. Nhưng chúng tôi không ngờ đã có một sự lật ngược…”

Tâm sự của ông Phạm Toàn cũng là tâm sự chung của hàng loạt ‘người khó sống’ khác mà ông André phỏng vấn trong phim, như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, dịch giả Phạm Toàn, giáo sư Chu Hảo, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhà sử học Trần Đức Anh Sơn, giáo sư Tương Lai…
Trong một đoạn phim, ông Kha Lương Ngãi, nguyên phóng viên Đài phát thanh Giải Phóng, nói hồi đó ông vào ĐCSVN từ những năm thanh xuân của tuổi 20, thấy mình “đi đúng hướng, thấy cuộc chiến đấu lãng mạn, thi vị”, chỉ để xin ra khỏi đảng năm 2004.
Tôi “nhận ra thể chế này dưới sự lãnh đạo của ĐSC là độc tài toàn trị, không còn phù hợp nữa,” ông Ngãi nói với ông André.
Trước tin theo đảng vì lý tưởng, nay bị ‘vỡ mộng’ là tiếng nói chung của những nhân sỹ chí thức tên tuổi này.

Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Formosa… vào phim

Ông André Menras gặp cụ Lê Đình Kình tại Đồng Tâm cuối năm 2019 sau một hành trình ‘du kích’ để trốn sự theo dõi của an ninh Việt Nam. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Các cá nhân và các vụ việc thời sự gây xôn xao dự luận vừa qua tại Việt Nam đều có cơ hội xuất hiện trong phim tài liệu mới của André.
Ông André đã có dịp gặp và phỏng vấn cụ Lê Đình Kình và dân làng tại Đồng Tâm. Cuộc phỏng vấn được thực hiện chỉ ít lâu trước khi ông Kình bị giết chết trong cuộc đột kích của công an vào xã Đồng Tâm rạng sáng 9/1.
Trong đoạn phim, cụ Kình nói quyết tâm ‘giữ đất dù phải hi sinh xương máu’.
Phim cũng ghi lại tiếng nói của những người nông dân vô danh dường như chưa bao giờ được lắng nghe.
Đó là những người đã gần đất xa trời, sống trong các túp lều rách nát ở Bình Dương do bị chính quyền tịch thu đất, nhà, như ông Nguyễn Văn Danh, bà Nguyễn Thị Rẽ, ông Nguyễn Ngọc Thạch.

Những người dân mất đất ở Vườn Rau Lộc Hưng trong phim của ông Andre Menras. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Họ từng có trong tay vài ngàn mét vuông đất ruộng vườn, nhưng bị tịch thu và đền bù với giá rẻ mạt “chỉ đủ ăn vài bữa là hết”. Đến nỗi, ông Thạch phải ước “Nhà nước bắn chúng tôi chết đi vì lý do nhân đạo, đừng để chúng tôi phải chết dần chết mòn thế này”.
Đây cũng là tâm sự chung của người dân mất đất ở Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng (Sài Gòn), nhiều người trong số họ là người già, tàn tật, không chốn nương thân.
Cuốn phim được quay lần đầu trong vòng hai tháng. Sau đó, ông André Menras trở về Pháp để dựng. Dựng xong, ông quay trở lại Việt Nam để chiếu lần đầu cho các nhân vật trong phim xem, góp ý. Tất cả đều đồng ý giữ nguyên những lời họ nói trong phim.
Nhưng khi trở về Pháp, ông André Menras vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó trong những “tiếng gào thét” ở Việt Nam.
“Nên tôi quyết định đi Hà Tĩnh, Quảng Bình phỏng vấn Đức Cha Nguyễn Thái Hợp và một số người trong cuộc về tai họa Formosa. Trước khi tôi về Pháp, bạn Phạm Chí Dũng , nhân vật trong phim, bị công an bắt.”
“Trở vể Pháp vào đầu tháng 12/2019 tôi bắt đầu dựng đoạn phim về Formosa. Và tôi viết thư bằng tay gửi đến ông Đại sứ Việt Nam tại Pháp báo ông nên can thiệp, nên báo cáo cho cấp trên về tình trạng Đồng Tâm. Vài ngày sau, có tin chấn động: nhà cầm quyền đã tấn công làng và hành quyết cụ Lê Đình Kình một cách man rợ. Nên tôi đã thực hiện thêm một đoạn về Đồng Tâm để đưa vào phim,” ông André Menras kể lại.
Ông André Menras cũng tới các vùng biển Quảng Ngãi, gặp gỡ, hỏi chuyện những ngư dân bị thuyền Trung Quốc tấn công khi ra khơi đánh cá, may thoát chết nhưng người đầy thương tích.

‘Giọt nước tràn ly’

Ông André Menras trong một lần đi biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Ông André Menras cho BBC hay ý tưởng làm cuốn phim này đến với ông sau một sự kiện xảy ra năm 2019.
“Mỗi năm, tôi đều sang Việt Nam và ở lại vài tháng thăm bạn bè. Vì các gắn bó từ quá khứ và vì đã trở thành công dân chính thức của Việt Nam, tôi rất quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội tại đây. Tôi cố gắng hoàn thành trách nhiệm giúp Việt Nam đi tới một xã hội dân sự, phát triển lành mạnh, xóa đói nghèo, bảo vệ được chủ quyền, giành nhân quyền, dân chủ.”
“Tôi đã thực hiện hai bộ phim tài liệu về Hoàng Sa để dư luận trong và ngoài nước có thể biết tình trạng vô cùng đau khổ và bất công của hàng vạn ngư dân Miền Trung phải đơn độc đối đầu với những cuộc tấn công tàn bạo của các tàu Trung Quốc. Hai bộ phim được coi như tiếng phẫn nộ và yêu thương của tôi.”
“Tháng 2/2019 tôi sang Việt Nam với mục đích thực hiện bộ phim mới về Trường Sa, vùng biển đảo của Việt Nam mà ngư dân Việt Nam không được hành nghề an toàn do Trung Quốc gây sức ép. Đến mức họ phải đi phiêu lưu đánh cá trái phép tại những vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác.”
“Khi tôi tới Sài Gòn, tôi được mời tham dự họp mặt đầu năm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Nhưng sau khi vừa rời cuộc họp, nhà thơ Phan Đắc Lữ bị công an bắt.”
“Đó là một giọt nước tràn ly đã thúc đẩy tôi bỏ mục đích ban đầu và quyết định thay làm phim về Trường Sa làm phim về nhân quyền, tự do quan điểm và biểu đạt,” ông André Menras nói.

Bị đe dọa, theo dõi, chửi bới

Ông André Menras Hồ Cương Quyết trong một lần đi biểu tình ở Việt Nam. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Phim tài liệu ‘Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong’ được quay cuối tháng 2/2019 và hoàn thành cuối tháng 2/2020. Khi quay và phỏng vấn, ông André Menras chỉ có một mình.
Ông cho hay ông gặp không ít nguy hiểm khi làm phim.
“Quay và phỏng vấn một phim “nhạy cảm” như vậy tại một xã hội hoàn toàn bị công an trị như Việt Nam hiện nay thì không an toàn đâu, cả cho người quay và cho người được phỏng vấn. Hãy tự hỏi xem: Tại sao chưa có một đạo diễn người Việt hay nước ngoài được quay phim như vậy dù họ chuyên nghiệp hơn tôi?,” ông André nói với BBC.
Ngoài bị an ninh theo dõi và nghe lén điện thoại, ông André cho biết ông còn đe dọa.

“Để gặp được lão nông Lê Đình Kình và các nông dân tại Đồng Tâm, tôi đã phải thực hiện một hành trình “du kích” để đến được nơi. Sau đó, tôi phải đi Đà Nẵng phỏng vấn ông Trần Đức Anh Sơn. Tại sân bay Nội Bài, khi đã check in rồi, loa biểu tôi đi lại quầy kiểm tra hành lý …”
“Tại đó có ba cháu an ninh mời “bác Quyết” nói chuyện một chút. Họ hỏi về Đồng Tâm và những việc khác thuộc chương trình của tôi. Họ rất lịch sự nhưng cuối cuộc “làm việc”. Một cháu nói: “Bọn cháu có lệnh từ cấp trên. Bọn cháu rất kính trọng bác nhưng bác phải biết một điều: Nếu bác hại đến uy tín của Đảng, bác sẽ phải chịu hậu quả.” Tôi trả lời: “Đã biết Chí Hòa rồi, sẵn sàng thăm Hỏa Lò.”
Tên ông Hồ Cương Quyết mới đây cũng được VTV1 đưa lên trong danh sách “những tên phản động” ủng hộ “những tên khủng bố” Đồng Tâm.
“Trang Facebook và Messenger của tôi nhận vài lời chửi rủa, đe dọa giết tôi, chửi bố mẹ … Đó lực lượng “AK47”, dư luận viên của chế độ. Tôi không ngạc nhiên vì đó là cách chế độ này trao đổi với dân: chửi “phản động”, dùi cui, còng, tù.”
“Tôi sẽ không bao giờ cúi đầu. Tôi chỉ buồn là một số người bạn tôi phỏng vấn trong phim này đã không kịp xem phim. Dịch giả Phạm Toàn và lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh qua đời, không được xem phim. Nhà bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng bị bắt. Ông Lê Đình Kình bị giết..,” ông André nói với BBC News Tiếng Việt.

‘Mong dân Việt Nam vượt qua sợ hãi’

Những người dân ‘vô danh đau khổ’ trong phim của André Menras. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Dù nhận thức được nguy hiểm, đặc biệt sau khi công bố phim “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong”, nhưng ông André cho hay ông vẫn sẽ trở lại Việt Nam với tư cách là công dân nước này, nơi ông đã “gắn bó hơn nửa thế kỷ cuộc đời” và có nhiều bạn bè mà ông yêu quý.
“Tôi không làm gì sai hiến pháp, không có hành vi nào trái pháp luật. Tôi chỉ chống lại luật rừng của ĐCSVN, chống lại nạn cướp đất, cướp tài sản, cướp tiếng nói của dân thường, chống việc bán chủ quyền. Vì tôi là con người chứ không phải là con cừu … Và tôi không chỉ có một mình!”
Ông André cũng dự định đưa phim đi xa hơn, tới các lễ hội phim quốc tế về nhân quyền, để tiếng nói của người dân Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
“Những trải nghiệm thực tế của tôi đã dạy tôi một điều: Nên khiêm tốn đối với lịch sử. Không thể đoán được ngày mai như thế nào. Năm 1970 khi tôi treo cờ “giải phóng” tại trung tâm Sài Sòn, làm sao tôi được biết tôi không bị bắn chết?”
“Làm sao tôi được biết chỉ 5 năm sau các “anh chị em” Việt Nam sẽ không giết nhau tại chiến trường? Làm sao tôi biết sẽ có hàng triệu thuyền nhân? Làm sao tôi biết chế độ mới sẽ là một chế độ ngày càng độc tài phản dân phản quốc, phục tùng cho đảng cộng sản Trung Quốc? Tôi chỉ biết một điều là “quan nhất thời, dân vạn đại” . Và sớm hay muộn dân chủ sẽ thắng.”
“Nỗi sợ hãi là một điều tự nhiên khi thấy môt nhóm lãnh đạo dám công khai hành quyết một ông già tàn phế vô tội như cụ Kình. Tôi chỉ mong muốn một cách khiêm tốn rằng những tiếng nói trong phim sẽ giúp dân Việt Nam, ngày càng nhiều, vượt qua sợ hãi, để tự giải phóng, tự quyết định cuộc đời của mình,” ông André nói với BBC News Tiếng Việt.

Mỹ Hằng
Theo BBC News Tiếng Việt ngày 9 tháng 3, 2020

Mời xem phim về Việt Nam ngày nay, dài 1 giờ 42 phút, do ông André Menras – Hồ Cương Quyết thực hiện:

Ông André Menras sinh ở Pháp năm 1945.

Ông André Menras từng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam thời trẻ và luôn coi VN là quê hương thứ hai. (Hình của HỒ CƯƠNG QUYẾT)

Năm 1968 ông tới Việt Nam dạy tiếng Pháp ở Đà Nẵng.
Ông từng bị xử tù ba năm do phản đối chiến tranh của Mỹ ở VN. Năm 1973, ông bị trục xuất khỏi VN.
Năm 2009, ông chính thức được chính phủ VN công nhận là công dân, lấy tên Hồ Cương Quyết.
Ông từng làm hai phim tài liệu về Hoàng Sa kể vể “tình trạng vô cùng đau khổ và bất công của hàng vạn ngư dân Miền Trung phải đơn độc đối đầu với những cuộc tấn công tàn bạo của những tàu Trung Quốc.”

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*