Làm Sao Để Tránh Bị Lây Nhiễm Virus Corona?

Giữ khoảng cách xa chừng 0.5 m khi tiếp xúc với cá nhân. (Hình minh họa: Getty Images)

Trong hoàn cảnh virus Corona đang lan tràn khắp nơi ở Trung Quốc và ra cả thế giới, việc làm thế nào để giảm nguy cơ lây bệnh hiện là sự quan tâm của nhiều người.
Trong một bài viết đăng tải trên Foreign Policy, bà Laurie Garrett, một nhà báo và cũng là một tác giả viết sách, chuyên về các đề tài khoa học, người từng đoạt giải báo chí cao quý Pulitzer Prize năm 1996 về loạt bài liên quan đến bệnh dịch do virus Ebola gây ra ở Zaire, đã có 10 lời khuyên có thể giúp những người khác có thể bảo vệ không để lây virus Corona.

Những lời khuyên này chính là sự đúc kết những kinh nghiệm của bà, có được khi hành nghề báo chí ở khắp nơi trên thế giới, nhất là đi khắp lục địa Trung Quốc và Hồng Kông trong thời gian có bệnh SARS trước đây.

Dưới đây là 10 lời khuyên của bà Garrett:

1- Khi bạn ra khỏi nhà, nên đeo găng tay. Găng tay mỏng cho nơi ấm áp, găng tay dầy nơi có mùa Đông lạnh giá. Và đeo găng khi ra đường, ở trạm xe điện ngầm, ở trên xe buýt, ở các nơi công cộng.

2- Trong các cuộc gặp mặt, nơi bạn phải tháo găng tay của mình, như để bắt tay hoặc ăn uống, thì chớ bao giờ đưa tay sờ vào mặt hay mắt, cho dù là bạn cảm thấy ngứa ngáy như thế nào. Nhớ là chớ đưa tay lên sờ, đụng chạm vào mặt của mình. Và trước khi bạn đeo găng tay trở lại, nhớ rửa tay cho thật sạch bằng xà bông và nước ấm, cọ rửa kỹ càng các ngón tay. Rồi sau đó đeo găng vào.

3- Thay găng tay mỗi ngày. Nếu dùng lại thì phải giặt kỹ càng. Và tránh không bao giờ đeo găng tay ẩm.

4- Khẩu trang thường là vô dụng khi đeo ngoài đường và ngay cả khi ở trong nhà cũng không có hiệu quả gì nhiều. Phần lớn khẩu trang coi như hết xài được chỉ sau một hoặc hai lần sử dụng. Tiếp tục sử dụng cùng một khẩu trang từ ngày này sang ngày nọ còn tệ hại hơn là không dùng, vì những chất từ mũi, miệng của bạn sẽ bám vào vành bên trong khẩu trang, thu hút vi khuẩn.
Bà Garrett nói bà rất hiếm khi đeo khẩu trang khi đến nơi có dịch bệnh, và trong đời làm việc bà đã đến khoảng hơn 30 nơi có dịch bệnh.
Thay vì đeo khẩu trang, bà đề nghị tránh xa đám đông. Giữ khoảng cách xa chừng 0.5 m khi tiếp xúc với cá nhân.
Nếu thấy người khác ho hoặc hắt hơi thì đề nghị họ đeo khẩu trang, để khỏi bắn các dung dịch vào người khác. Nếu người này từ chối không làm điều đó thì đứng tránh xa họ khoảng 1 m. Chớ bắt tay hoặc ôm lấy người khác. Hãy lịch sự nói rằng trong thời gian có nguy cơ dịch, tốt nhất là không đến quá gần nhau.

5- Trong nhà bạn, hãy lấy xuống các khăn trong phòng tắm và nhà bếp, và thay bằng các tấm khăn mới, có tên của từng người trong gia đình. Yêu cầu người nào dùng khăn có tên của người đó, và không dùng khăn của người khác. Nhớ giặt khăn mỗi tuần hai lần.

6- Phải cẩn thận khi sờ vào nắm cửa. Nếu có thể được thì dùng cùi chỏ hoặc vai để mở hoặc đóng cửa. Đeo găng tay khi vặn nắm cửa, hoặc nhớ rửa tay sau khi sờ vào nắm cửa. Nếu có người trong nhà bị bệnh thì nhớ chùi các nắm cửa thường xuyên. Cũng cần có sự cẩn thận như vậy đối với những vật thường phải sờ vào, kể thành cầu thang. Nếu phải sờ vào các món của người khác, như điện thoại, bàn phím máy điện toán, nhớ đừng cho tay lên mặt và nhớ phải rửa tay ngay sau đó.

7- Nếu ăn chung với người khác, đừng dùng đũa của riêng mình gắp vào đĩa thức ăn chung. Và dĩ nhiên là cũng không uống chung ly với ai khác.

8- Không mua, giết thịt hay ăn thịt cá tươi, cho đến khi biết được rằng bệnh dịch xuất phát từ loại động vật nào.

9- Nếu điều kiện thời tiết cho phép, hãy mở cửa sổ nhà bạn cho không khí bên trong thoát ra. Virus không sống được ở nơi có không khí đối lưu.

10- Nếu bạn thăm viếng người thân hay bạn bè đang bị sốt, nhớ đeo khẩu trang khi đến gần, và nếu được cũng đặt khẩu trang lên mặt người bệnh kia. Khi thay khẩu trang đã dùng rồi, hãy luôn nghĩ là có thể khẩu trang đã dính phải virus để bỏ vào nơi an toàn, đừng vứt vương vãi. Khi bạn trông nom người bệnh, nhớ mặc quần áo dài tay. Chùi rửa những nơi người bệnh đã sờ vào bằng nước ấm pha xà bông.

V. Giang
Theo Người Việt Online ngày 27/1/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*