Giáo Sư Vũ Không Im Tiếng Nữa!

Đặt máy thu hình để theo dõi trong các giảng đường, lệnh cho sinh viên tố cáo giáo sư. Chưa bao giờ việc kiểm soát các đại học và ban giảng huấn ở Trung Quốc lại hung hãn như ngày nay. Ai nói chệch ra ngoài quan điểm của nhà nước, có thể mất chỗ dạy và vào tù.

You Shengdong (Vũ Sơn-đông), giáo sư Kinh Tế Đại Học Thiên-an trong vùng bờ biển Trung Quốc, không để ý các máy thu hình được gắn trong các giảng đường từ lúc nào. Nhưng ông biết, các đồng nghiệp trong Viện của ông ngày càng trở nên thận trọng về lời ăn tiếng nói trước một số đề tài. Ngày nọ, lãnh đạo Đại Học cho ông hay, ông bị sinh viên tố cáo về tội mất quan điểm. Bỗng chốc, ông trở thành một tên “quá khích““chống cộng“. Công an vào cuộc. Bị sa thải, vì đã dám nói ngược lại đường lối của tổng – chủ Tập Cận-bình.
Sau nhiều chục năm với chính sách đổi mới và mở cửa, mang lại sung túc và tự do cho hàng triệu người dân, Trung Quốc giờ đây đang chứng kiến một thời kỳ băng giá ý thức hệ. Từ khi lên nắm quyền năm 2012 Tập Cận-bình cai trị quốc gia như một nhà độc tài nắm mọi quyền trong tay, không khác chi Mao trước kia. Lời của ông được đưa vào hiến pháp, chính thức được coi là “tư tưởng Tập Cận-bình cho thời đại mới xã hội chủ nghĩa đậm màu Trung hoa“. Ông bỏ mức hạn chế nhiệm kỳ cai trị, để có thể nắm quyền suốt đời. Ông tống vào tù những ai phê bình hoặc chống lại ông. Các phương tiện truyền thông, mạng lưới thông tin quốc tế và cả khoa học bị kiểm soát gắt gao như chưa từng có từ nhiều chục năm nay.
Mareike Ohlberg, chuyên viên của Viện Mercator chuyên cứu về Trung Quốc ở Berlin, cho biết, việc kiểm duyệt và kiểm soát các đại học và các cơ quan nghiên cứu đã “gia tăng mạnh. Đường lối chính trị độc tôn của đảng được trải rộng“. Các giờ lên lớp của giảng viên được thu hình, để kiểm soát từng câu chữ. Sinh viên được sử dụng để theo dõi thầy cô. Mọi hành vi hay lời nói đi chệch ra ngoài quan điểm của đảng đều nguy hiểm đối với giáo sư.
“Sự kiểm soát càng ngày càng mạnh trong những năm qua“, Vũ Sơn-đông cho biết qua điện thoại. Từ 2018 ông giáo 72 tuổi này sống ở NewYork, xa cách vợ và các con đã lớn. Ông không biết tiếng Anh. Cuộc sống nghề nghiệp của ông rồi sẽ ra sao, ông không biết. Ông nói, hầu như chẳng nhà khoa học nào ở Trung Quốc dám đề cập tới các biện pháp kiểm duyệt và hạn chế tự do càng ngày càng tăng; chính ông cũng chỉ dám nói ra, vì đã được tị nạn ở ngoại quốc. “Sức ép đè nặng trên giới giảng dạy, chẳng ai dám mở miệng.“
Ai dám nói lên ý kiến mình, người đó bị bít đường công danh và thường mất luôn cả tự do. Trong một bài viết, giáo sư luật học Xu Zhangrun của Đại Học Thanh-hoa ở Peking phê bình sự tụt hậu xã hội dưới thời Tập; ông bị rút phép dạy học và mất luôn một số tiền lương lớn: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần việc này từ lâu rồi; quá lắm thì sẽ ngồi tù thôi“, ông nói. Giáo sư văn chương Tang Yun thuộc Đại Học Đông-kinh bị sinh viên tố cáo, vì ông thắc mắc về một khẩu hiệu tuyên truyền – “Xăn tay áo cao lên và ra sức làm việc“. Ông giáo 56 tuổi mất ghế dạy và bị đẩy vào thư viện. Nữ giảng sư toán Xu Chuanqing mất việc, vì trong một giờ lớp bà nói xa xa rằng, sinh viên Nhật khá hơn sinh viên Tàu, đài phát thanh Free Asia ở Hoa-kỳ vừa cho biết như thế. Đấy không phải là những trường hợp riêng rẽ, mà là chuyện có hệ thống.
Từ lâu Trung Quốc chủ trương hợp tác với phương tây. Các đại học và cơ quan nghiên cứu ký hợp đồng đối tác với các định chế ở hải ngoại và đưa các chuyên viên quốc tế vào nước. Ngày nay đảng cộng sản trung quốc chẳng dấu diếm nữa về chế độ độc tài của mình. Các lãnh đạo ở Peking mơ về một cuộc thi đua thể chế. Bộ trưởng giáo dục Chen Baosheng của Trung Quốc viết trong một tiểu luận: “Hệ thống giáo dục là tuyến đầu trong công tác ý hệ của đảng. Các thế lực thù địch len lỏi trước hết vào hệ thống giáo dục của ta, vào các khu đại học.“ Các phương tiện truyền thông của nhà nước coi việc sử dụng sinh viên chỉ điểm và việc theo dõi các giáo sư là một thành công của đảng. Năm vừa rồi tờ Global Times của nhà nước đưa tít lớn: “Có thêm nhiều sinh viên tố giác những giáo sư có lời lẽ không chỉnh về chính trị ở trong lớp“, và thêm: “Nhiều sinh viên coi chuyện tố giác thầy cô là việc làm đúng, khi những người này nói năng không đúng hoặc tỏ ra bệnh hoạn.“ Một đại học trong tỉnh Sơn-đông (Shandong) ra chỉ thị, mỗi ngành học chính (Fachschaft) phải cử ra một “sinh viên chỉ điểm“. Đại Học Ankang trong tỉnh Sơn-tây (Shaanxi) yêu cầu sinh viên phải tố giác những ai phổ biến “mê tín dị đoan, tài liệu khiêu dâm và các giá trị chính trị của phương tây“.
Vũ Sơn-đông chưa bao giờ là một kẻ đối lập. Ông đã dạy tại các đại học ba mươi năm. Môn chính của ông: Kinh Tế Quốc Tế. Thời thanh niên, trong thập niên 60 và 70, ông đã phải trải qua những chấn thương tâm lý của cuộc cách mạng văn hóa. Thời đó các trí thức bị nhục mạ công khai, một số bị giết. Sau đó ông lại kinh qua chính sách đổi mới hậu Mao, khi các đại học được mở cửa trở lại và với chủ trương: “đi tìm sự thật nơi các dữ kiện“. Rồi tới cuộc thảm sát sinh viên năm 1989; và nhiều năm sau đó, Trung Quốc mở cửa ra với thế giới, và xã hội được hưởng tự do nhiều hơn. Vũ đã tìm cách thích ứng với hệ thống và thời cuộc.
Năm 2018 giáo án của ông phải nói tới “zhongquo meng“ – giấc mơ trung quốc. Đó là từ ngữ bản lề của tuyên truyền nhà nước, qua đó Tập muốn đưa nước trở thành một sức mạnh hoàn vũ. “Tôi đã nói, đó không phải là một lý tưởng, nhưng là một hão huyền, một ảo tưởng“. Không lâu sau, ông bị cáo giác và mất việc. Khi Vũ nói với đài phát thanh của Hoa-kỳ Voice of America về việc mình bị sa thải, Bộ Công An ra lệnh điều tra ông. “Họ bảo, tôi đã làm thương tổn danh dự quốc gia.“ Vũ trốn thoát sang Hoa-kỳ.
Không một quốc gia nào trong những thập niên qua đã có được những tiến bộ lớn về mặt khoa học như Trung Quốc. Nhà nước đã đổ hàng tỉ đồng vào việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Hiện nay Trung Quốc là nước đứng hàng thứ ba có nhiều sinh viên ngoại quốc tới học sau Hoa-kỳ và Vương Quốc Anh. Các đại học ưu tú ở Peking và Thượng-hải thuộc vào loại đứng đầu thế giới. Hệ thống giáo dục mang tính cạnh tranh triệt để: hàng năm những đầu óc thông minh nhất cạnh tranh nhau trong các kỳ thi tuyển sinh – gao kao – để giành giật một chỗ trong các trường nổi tiếng nhất. Nhiều gia đình đã đầu tư cả gia tài cho con vào học các trường tư mắc tiền và thuê gia sư chuẩn bị cho con vào một đại học danh tiếng.
Thành ra đối với Enno Aufderheide, Tổng Thư Ký của Quỹ Alexander Humboldt, không lạ gì chuyện Trung Quốc ngày nay chiếm “vị thế quốc tế“ trong nhiều lãnh vực khoa học. “Trong địa hạt kĩ thuật họ thuộc vào hàng đầu của thế giới, chẳng hạn về mặt Tin Học, Trí Tuệ Nhân Tạo hay Mật Mã Học (Kryptografie).“ Đối với Quỹ Alexander Humboldt, Trung Quốc với 100 học bổng và 2500 nghiên cứu sinh là đối tác trao đổi quan trọng nhất bên cạnh USA. Nhưng cũng đã có tình trạng “cải tạo tư tưởng“ diễn ra càng ngày càng tăng nơi thành phần này. Hầu như chẳng có nghiên cứu sinh nào dám nói ra công khai về những màn kiểm soát gia tăng. “Hệ thống đó đã trở nên hoàn hảo tới độ khiến mọi người phải tự kiêm duyệt mình triệt để, nhất là khi liên hệ với người ngoại quốc“, Aufgerheide cho biết như thế. Sự giới hạn tự do này chính ông cũng đã gặp trong những chuyến thăm Trung Quốc: “Rất nhiều lần ở Trung Quốc tôi có cảm nhận này: Trong trao đổi chuyện trò, vừa đặt ra một câu hỏi hay nêu lên một ghi nhận, thì bỗng dưng như có một tấm màn phủ lên câu chuyện.“
Cái đinh vít mà nhà nước gắn nơi những nhà làm khoa học bị xoắn chặt mỗi năm càng thêm chặt. Năm 2013 người ta biết tới văn bản mật “Tài liệu số 9“ – một tài liệu chiến lược nội bộ được chính quyền Peking gởi tới nhiều đại học. Tài liệu nêu lên bảy đề tài không được phép thảo luận trong các giảng đường. Trong số các đề tài cấm kị đó có nền dân chủ tây phương, các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, tự do báo chí và việc ngờ vực chế độ hiện hành. Không lâu sau đó, qua một bài nói chuyện, đảng trưởng Tập kêu gọi gia tăng đẩy mạnh “sự lãnh đạo ý thức hệ“ trong nền giáo dục và đào tạo tại các đại học. Năm 2016 ông giải thích: Các đại học phải được xây dựng thành “những thành trì lãnh đạo của đảng“ Tháng Ba vừa rồi Tập yêu cầu các giáo chức phải “phổ biến sâu rộng hệ ý thức tập thể đã có của đảng và bằng mọi cách phải chống lại những quan điểm và ý hệ sai trái“.
Những cảnh báo đó đã có kết quả. Vừa rồi có ba đại học đã sửa nội quy, đưa sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản vào trong nội quy sinh hoạt nhà trường. Đại Học Fudan ở Thượng-hải, xưa nay được biết tiếng về thái độ tương đối rộng rãi, cách đây mấy ngày đã gạch bỏ từ “tự do tư tưởng“ ra khỏi nội quy trường. Một số sinh viên tập trung trong phòng nhà ăn (Cafeteria) biểu tình chống lại sự thay đổi đó – một sinh hoạt họa hiếm trong hệ thống đầy kiểm soát này. Tờ chuyên san Foreign policy mô tả chính sách của Tập là “bước nhảy lùi lớn“ – sự trở về với những chiến dịch chính trị thời Mao.
Nơi một số nhà khoa học, giờ đây cái nguy của họ không nằm nơi đề tài mình nghiên cứu, mà hoàn toàn nơi mình thuộc tộc thiểu số nào hay tôn giáo nào. Giáo sư Mutällip Qahiri, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ và tên gọi đã về hưu thuộc đại học thành phố Kaschgar, tự dưng biến mất vào năm 2017. Các tổ chức nhân quyền cho rằng, vị Giáo Sư 69 tuổi này đã bị bắt đưa vào một trại cải tạo hay một trại tù nào đó. “Trong lần điện thoại sau cùng Ba tôi xem ra mất bình tĩnh và sợ hãi. Ông nói bóng gió, tôi nên bớt gọi cho ông“, con trai của ông, Tahir Multällip Qahiri, đã kể lại như thế. Tahir du học ở Đức và hiện sống tại Göttingen. Ba của anh là một trong hàng trăm nhà trí thức gốc Duy-ngô-nhĩ (Uiguren) đã bị chính quyền trung quốc lấy cớ chống khủng bố bắt giam trong các trại tập trung ở Tân-cương từ hai năm nay. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tin rằng, có tới một triệu người Ngô-duy-nhĩ bị giam giữ trong hơn một ngàn trại tập trung ở Tân-cương. Không bản án, không xét xử, không có cách nào tự bảo vệ. Trong các trại giống như nhà tù này các tù nhân, trong đó có sinh viên, giáo viên, giáo sư, buộc phải từ bỏ đạo Islam của mình và ca ngợi đảng cộng sản trung quốc bằng những bài văn, bài hát.
Họ bắt người hết sức tùy tiện. Giáo sư Qahiri đã viết một tác phẩm tiêu biểu về danh xưng của người Duy-ngô-nhĩ – cuốn sách làm cho Peking ngờ vực. Họ vu cho ông tội “tuyên truyền cho chủ trương chia rẽ dân tộc“, một sự vu khống chẳng có chút nền tảng nào cả, Tahir cho biết như thế. “Ba tôi bị bắt không phải vì ông sai phạm điều gì, mà vì ông là một nhà khoa học.“ Suốt một năm rưỡi Tahir chẳng liên lạc được với Ba và gia đình ở Tân-cương. Tháng Ba 2019, cũng vì sức ép của quốc tế, chính quyền trung quốc buộc phải cho anh liên lạc với Ba qua cuộc điện đàm có thu hình (Video). Anh thấy thân xác Ba mình giờ đây trở thành bệ rã. “Tôi có cảm tưởng ông bị lăng nhục nặng nề trong các cuộc thẩm vấn.“ Cả người xuất bản sách cho Ba anh cũng bị bắt, người này đã cho in một cuốn sách Văn Phạm tiếng Ả-rập. Bản án: 15 năm tù giam.
Cuộc thí nghiệm này có thành công không? Trung Quốc đã bỏ ra không biết bao nhiên tiền để xây dựng một đội ngũ nghiên cứu hàng đầu – nhưng đồng thời lại tước đi khỏi họ quyền tự do suy nghĩ. Chính quyền đòi các nhà nghiên cứu phải tìm cách cưỡi lên đầu thế giới về các công nghệ tương lai như vi tính Quanten, công nghệ Nano và xe không người lái. Đồng thời họ lại không cho người ta đặt vấn đề về sự tuyên truyền lố bịch này. “Theo mô thức suy nghĩ của chúng ta thì chuyện đó không thể nào thành công được“, Enno Aufderheide nói, “nhưng lạ là nó lại có nhiều thành công“.
Vũ Sơn-đông không tin nền khoa học của Trung Quốc với những mâu thuẫn như thế lại có thể thành công: “Làm sao có thể có được tiến bộ? Làm sao trong hoàn cảnh đó ta có thể có được những khám phá mới?“ Ông sợ cho tương lai đen tối của đất nước ông. Ông nhắc tới một câu ngạn ngữ trung quốc, Wan ma qi yin: “hàng chục ngàn con ngựa câm mõm đứng yên“. Và thêm, rồi cũng như thời cách mạng văn hóa: cả một quân đoàn các nhà khoa học ngậm miệng, các đại học trở thành đấu trường. Tương lai của Trung Quốc đồng thời là quá khứ của nó.

Harald Maas (Die Zeit, 27.12.2919)
Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*