“Nhét chữ vào mồm” là câu phương ngữ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nó chỉ xuất hiện trong văn chương tiếng Việt miền Bắc từ thập niên 50 trở về sau. Không chỉ đơn thuần là câu nói có nghĩa tương tự như “Gắp lửa bỏ tay người” chỉ xài trong các trường hợp vu oan giá họa, “Nhét chữ vào mồm” còn là hành động xảy ra mọi lúc mọi nơi, mọi tầng lớp, từ cấp nhà nước CSVN cho tới tầng lớp quần chúng bình dân.
Thí dụ: Các cấp lãnh đạo nhà nước CSVN cứ lên đài truyền hình, báo chí tuyên bố hùng hồn “Tôi đại diện cho nhân dân Việt Nam,” “Người dân Việt Nam không cần tự do báo chí,”… đó là một hình thức “nhét chữ vào mồm” nhân dân, vì có ai trưng cầu ý kiến dân bao giờ đâu.
Thời gian gần đây, tôi nhìn đâu cũng thấy cái sự “sính dùng chữ,” làm cho tiếng Việt bị xấu xí, tối nghĩa đi. Tôi đọc các bài viết trên mạng, trên báo chí trong nước, thấy viết sai chữ be bét.
Trong khi ở Việt Nam các loại Từ Điển Tiếng Việt cũng sai chánh tả, sai nghĩa, thì người ta đành phải dựa vô sách truyện, báo đọc hàng ngày để làm một cái “khuôn” tạm, nhưng tiếc thay, cái “khuôn” đó nay đang bị “méo.”
Tôi để ý, để mô tả tình trạng nguy hiểm tánh mạng, thì 10 tờ báo có tới 9 tờ rưỡi “nhà báo” quốc doanh xài cụm từ “Thừa sống thiếu chết,” đúng ra phải viết là “Thừa chết thiếu sống.” Câu thành ngữ này nguyên văn chữ Nho là “Thập tử nhất sinh,” tức là 10 phần chết 1 phần sống, tánh mạng như chỉ mành treo chuông. Sống mà thừa, chết mà thiếu, rõ ràng là người đó đang rất bình an, mạnh khỏe, có gì đáng để nói đâu?
Câu thành ngữ thứ hai luôn bị viết sai thành “Xa bay cao chạy,” thì rất là rất ngược đời, thiếu tính logic. Cứ theo lẽ thường tình mà suy, chạy thì cố chạy cho xa, còn bay thì cố bay cho cao để dễ bề tẩu thoát, bay xa còn khiên cưỡng chấp nhận, nhưng chạy cao thì không thể nào được. Thật ra, câu thành ngữ này được dịch từ câu “Viễn tẩu cao phi.” Có lẽ các vị “nhà báo” đời nay ở Việt Nam không được học môn Ngữ văn, Hán văn nên nghe người thiên hạ nói phong phanh, bèn bắt chước viết lại cho ra vẻ “có chữ,” mà không hiểu ý nghĩa gì ráo trọi?
Mới tức thì, tôi đọc trên báo Dân Trí, có ký giả viết “Hàng nghìn ô tô phơi nắng mưa, hàng trăm tỷ đồng xe tồn kho suốt 1 thập kỷ.” Ngạc nhiên quá, Việt Nam có “hàng nghìn ô tô” mà không ai xài suốt một ngàn năm hay sao? Tôi đọc bài báo thì thấy xe sản xuất từ năm 2014, tính tới nay chỉ 10 năm, như vậy là một thập niên. Một thế kỷ là 100 năm, thập kỷ là 1,000 năm, viết sai be bét như vậy mà cả Ban Biên Tập, Thư ký tòa soạn cũng không phát hiện ra. Lớp người trẻ Việt Nam học theo cách viết của các “nhà” được coi là “thành phần trí thức” này thì hủy hoại hết tiếng Việt.
Báo chí thời nay, nếu không đăng chủ đề “tình, tiền, tù, tội” thì dịch bài từ báo Trung cộng, lại quy số tiền Trung tệ qua đơn vị tiền Hồ tệ, nếu ai đọc không chú ý, sẽ nghĩ câu chuyện đang diễn ra ở Việt Nam. Cách đặt tựa/tít (title) báo thì dài sòng xọc theo công thức “Trước (ý câu hạ thấp,) nay thành đặc sản/tiền tỷ/cái kết…” Tôi thấy bài nào tựa như vậy thì lướt qua luôn, vì biết nội dung bài tào lao xịt bụp mà cố ý gây tò mò để câu views.
Báo “tình, tiền, tù, tội” bài nào cũng lặp đi lặp lại hai chữ “bức xúc,” làm tôi muốn đứt chến. Tôi tra Từ điển tiếng Việt (Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ) không thấy chữ “bức xúc,” mà có chữ “bức bối,” “bực bội,” “thúc bách,” “bức bách.” Từ điển Hán – Việt giải thích “bức xúc” là chật hẹp, thôi thúc, bức bách, dẫn thí dụ câu: “Sở dĩ nội trung bức xúc, vô phục phòng vũ,” (Vì thế bên trong chật hẹp, cũng không có phòng thất.) “Giá quan nhân đãi tu du, hưu nhẫm bàn tương bức xúc,” (Xin vị quan nhân đợi chốc lát, đừng có thôi thúc như vậy.) Hóa ra “bức xúc” là từ gốc Hán Việt bị dùng sai bối cảnh, trong khi tiếng Việt có những từ ngữ để diễn tả tình trạng đó (đã dẫn ở trên) mà lại không dùng, làm cho câu văn tối nghĩa, khó hiểu. Phàm cái gì sai, xấu mà không sửa, lại cứ xài hoài, coi như sự thường, lâu dần ai ai cũng nghĩ cách dùng chữ sai đó là đúng, thì thật tai hại cho tiếng Việt.
Trong một bài viết trước, tôi có đề cập chủ đề “Chống Parky hóa tiếng Việt,” hôm nay tôi xin nhắc lại chủ đề đó, nhưng là một kiểu “Parky hóa” mới, tức “nhét chữ (Parky) vào mồm” người Nam kỳ. Phong tục ngoài Bắc thì gọi là bố mẹ, thầy u, thầy đẻ, trong Nam kêu là tía má, ba má. Một Facebooker đặt câu hỏi sao không xài chữ “cha mẹ” là chữ dùng chung, mà cứ phải đem “bố con,” đem “bố mẹ,” đem “ạ,” đem “vâng” nhét vô miệng nhân vật (trong bài báo) ở miền Nam thì mới chịu?
Một người quen của tôi ở quê nói rằng con nít đi học về cứ nói giọng Bắc kiểu ở trường cô giáo dạy, không chịu nói theo cha mẹ ở nhà.
Giới showbiz Việt, từ Việt Nam qua hải ngoại, hoặc từ hải ngoại về Việt Nam, cũng đều dùng chữ “công tác” gán cho chuyến đi, dù họ đi là vì mục đích cá nhân, không phải vì “công vụ” (nhiệm vụ được phân công làm, phục vụ cho công quyền, phục vụ lợi ích chung của quốc gia, nhân dân.) Theo ý tôi, các chuyến đi của họ nhằm ký hợp đồng, biểu diễn, tu nghiệp,… cuối cùng là lợi nhuận của cá nhân họ, công ty của họ, nên dùng chữ tác nghiệp (làm việc theo nghề nghiệp) thì đúng hơn chữ “công tác.” Có vẻ như họ nghĩ rằng dùng chữ “công tác” cho giống cán bộ nhà nước thì “oai” hơn?
Ngoài ra, tôi cũng dị ứng với cách áp đặt chữ Sài Gòn mọi lúc mọi nơi của truyền thông ở hải ngoại. Đành rằng người Việt tỵ nạn không đồng ý, không chấp nhận chữ “thành phố HCM” áp đặt lên thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam, nhưng không vì thế mà bất cứ chuyện gì, vụ việc gì cũng gắn chữ Sài Gòn vô thì lại không đúng bàn chất sự việc. Thí dụ: Có tờ báo kia viết “Công an Sài Gòn” (sau đó có sửa thành “Công an ở Sài Gòn,”) “Sở Văn Hóa- Thể Thao và Du Lịch ở Sài Gòn,” nhưng nghe vẫn rất là kỳ kỳ. Bởi vì ở Sài Gòn không có công an mà có cảnh sát, ở Sài Gòn không có Sở Văn Hóa- Thể Thao và Du Lịch, ở Sài Gòn không có Ủy Ban Nhân Dân… Thiển nghĩ, trong các trường hợp này, cần gọi đúng tên của chủ thể là “công an TP HCM,” “Sở Văn Hóa- Thể Thao và Du Lịch TP HCM,” “Ủy Ban Nhân Dân TP HCM,” …
Viết tới đây, tôi chợt nhớ báo đài của nhà nước CSVN hễ cái gì xấu (trộm cắp, cướp giựt, đĩ điếm) thì gắn vô địa danh Sài Gòn, cái gì tốt đẹp thì gắn địa danh thành phố HCM. Kiểu này người ta gọi là “đánh tráo khái niệm, bản chất sự việc.”
Ngày xưa, cụ Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.” Bây giờ, tiếng Việt vẫn còn, nhưng là một thứ tiếng Việt méo mó, sai lạc. Ở đây tôi chưa đề cập tới tiếng Việt (lóng) mới cũng không kém phần kỳ quặc.
Thí dụ: Không biết từ bao giờ, chữ “chiếc” được gắn cho tất cả đồ vật, loài vật (chiếc chó, chiếc mèo, chiếc em bé…)
Tôi mạn phép nói rằng: “Tiếng Việt xưa còn, văn hóa Việt còn.”
Nếu không giữ tiếng nói truyền thống, giữ văn hóa xưa, thì người Việt vẫn nói tiếng Việt, nhưng đã mất đi hồn dân tộc Việt.
Little Sài Gòn, ngày 12 Tháng Bảy, năm 2024
Tạ Phong Tần
Be the first to comment