2024: Năm Của Những Người Ra Đi

10 nhân vật của năm 2024. (Hình minh họa: Minh Thành/Luật Khoa)

“Ra đi” có thể mang nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Ra đi như Nguyễn Phú Trọng cũng là ra đi. Như Thích Minh Tuệ cũng là ra đi. Mà ước mơ của người trẻ như Chu Ngọc Quang Vinh cũng là ra đi.

Cuối năm 2024, hãy cùng Luật Khoa tạp chí điểm danh 10 nhân vật nổi bật nhất của năm.

Thích Minh Tuệ 


Thích Minh Tuệ không phải là nhà sư duy nhất khiến chính quyền đau đầu, nhưng là nhà sư khiến chính quyền khó xử nhất. [1] Không sách vở nào chuẩn bị cho họ cách phải ứng xử ra sao với hiện tượng này.

Thích Minh Tuệ không phải là một nhà sư thuộc bất kỳ một giáo hội độc lập nào. Khác với Thích Quảng ĐộThích Tuệ Sỹ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – vốn tuyên xưng là tổ chức Phật giáo nằm ngoài mọi sự chi phối của chính quyền và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cũng khác với Thích Nhất Hạnh của tăng đoàn Làng Mai, Thích Minh Tuệ chỉ có một mình và không chủ trương kêu gọi bất kỳ ai tham gia cùng mình. [2][3][4] Mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Việt Nam e ngại nhất, là tính tổ chức, hoàn toàn không tồn tại trong trường hợp Thích Minh Tuệ.

Thích Minh Tuệ cũng không có gốc gác miền Nam. Ông là người Hà Tĩnh. Không ai tìm ra được mối liên hệ nào giữa ông với chế độ cũ hay với bất kỳ người Việt tị nạn nào sau chiến tranh.

Thích Minh Tuệ cũng không có tỳ vết gì về lý lịch. Ông từng là quân nhân. Ông từng là viên chức nhà nước. Ông từng là một trong số “họ”.

Đáng lý ra, chẳng có lý do gì để chính quyền phải đau đầu về Thích Minh Tuệ. Và thực ra, bản thân Thích Minh Tuệ chưa bao giờ là vấn đề.

Vấn đề nằm ở những người mến mộ ông.

Họ mến mộ ông vì ông đã tuyệt đối buông bỏ những dục vọng thường thấy ở con người. Ông không cần chùa, không cần ai cúng dường, không cần “livestream”, không cần bằng tiến sĩ luật, cũng không cần xá lợi tóc Phật ngo ngoe nào. Nói cho đúng thì mỗi ngày ông chỉ cần người ta bố thí cho vài chai nước và một bữa cơm chay.

Lòng mến mộ của đông đảo công chúng trước một nhà sư tu theo dòng Phật giáo nguyên thủy đã tạo ra một đám đông mà chính quyền không bao giờ mong muốn. Không một đảng Lê-nin-nít nào muốn thấy bất kỳ một đám đông nào không do họ tổ chức hay kiểm soát.

Thích Minh Tuệ nổi lên vào đầu năm thì cuối năm ông đã phải khăn gói lên đường rời quê hương, đi qua đường Lào để đến đất Phật bên Ấn Độ. [5]

Chẳng ai biết thực sự ông ra đi vì lý do gì.

Người ta chỉ biết một người tự do và lương thiện đã bỏ nước ra đi.

Tô Lâm

Trong lịch sử gần 100 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ có người đứng đầu là cán bộ an ninh hay công an…

…cho đến khi Tô Lâm trở thành tổng bí thư ngày 3/8/2024.

Là con nhà nòi, Tô Lâm được đặt lên bệ phóng để đi xa hơn rất nhiều so với người cha Tô Quyền của mình – vốn chỉ làm đến chức cục trưởng Cục Trại giam của Bộ Công an. [6]

Tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân năm 1979, Tô Lâm dành gần như toàn bộ sự nghiệp công an của mình trong ngành an ninh, chuyên trách bảo vệ chế độ. Hoạn lộ của ông cất cánh vào năm 2016 khi ông trở thành bộ trưởng công an và là thanh gươm đắc lực trong công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho tới tận khi ông Trọng qua đời vào ngày 19/7/2024.

Tô Lâm đắc lực tới mức tên ông được réo lên như một trong những nhân vật chính bị cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin (Đức) vào năm 2017. Cơ quan điều tra Slovakia ban trát truy tố ông vào cuối tháng Ba năm nay rồi hủy vào cuối tháng Năm, ít ngày sau khi ông được bầu làm chủ tịch nước ngày 22/5. [7]

Là người chiến thắng sau cùng trong cơn tao loạn của Ba Đình, kế nhiệm vị tổng bí thư quyền lực nhất của Đảng Cộng sản sau thời Lê Duẩn, Tô Lâm cũng phải chia sẻ chiếc ghế chủ tịch nước cho Đại tướng quân đội Lương Cường, tái xác lập thế Tứ trụ truyền thống của đảng. [8]

Mặc dù vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn thừa hưởng chiếc áo rộng rãi sau 12 năm Nguyễn Phú Trọng liên tục xé rào tạo tiền lệ mới. Giờ đây, nhà lãnh đạo đảng Tô Lâm đàng hoàng đi công cán nước ngoài mà vẫn được đối xử như nguyên thủ quốc gia. Ông chắc cũng không có gì phải e ngại cho lắm nếu muốn trở thành “trường hợp đặc biệt”.

Tô Lâm tranh thủ từng ngày để tạo dấu ấn riêng của mình. Trong khi vẫn dùng văn mẫu “đường lối của đảng” “kế thừa” di sản của Nguyễn Phú Trọng trong các bài phát biểu, ông không ngần ngại hô hào tiến vào “kỷ nguyên mới” và quyết liệt tiến hành công cuộc “tinh gọn”. [9][10] Nếu thành công, Tô Lâm sẽ là người đầu tiên làm được cái việc dời non lấp biển này.

Một nhà lãnh đạo mới bao giờ cũng phải dành một khoảng thời gian để xác lập một trật tự quyền lực mới. Tô Lâm đang làm việc đó, và từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIV (dự kiến vào đầu năm 2026) là khoảng thời gian quyết định.

Nguyễn Phú Trọng

Sau những ngày quốc tang rình rang từ đời thực đến cõi mạng, không còn ai nhắc đến Nguyễn Phú Trọng nữa. [11] Cái chết của ông dường như đã mở ra những cánh cửa mà rất nhiều người đã thầm kín chờ đợi từ lâu.

Là tổng bí thư duy nhất nắm quyền tới ba nhiệm kỳ sau thời Lê Duẩn, tự tạo ra hàng loạt biệt lệ cho bản thân và trở thành một nhà độc tài cá nhân có ảnh hưởng khuynh loát, Nguyễn Phú Trọng có thể không mang tiếng tham nhũng tiền bạc nhưng chắc chắn là người tham nhũng quyền lực bậc nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tự tạo ra hình ảnh là người gác đền tư tưởng cho đảng, ông cũng không ngần ngại xé bỏ Điều lệ Đảng để nắm quyền tới nhiệm kỳ thứ ba.

“Người cộng sản cuối cùng” đã đứng trên đảng cho đến hơi thở cuối cùng.

Nếu như cái chết của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào năm 1986 đã cởi trói cho đảng tiến hành công cuộc Đổi mới, cái chết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như đã cởi trói lần hai cho đảng để cải cách một lần nữa. Có cải cách được hay không thì hậu xét, nhưng sau những lời ngợi ca và ủy mị người ta dành cho ông, hẳn không thiếu những tiếng thở dài nhẹ nhõm.

Trương Mỹ Lan

Thường dân có lẽ không bao giờ hiểu được chuyện gì đã xảy ra với vụ Trương Mỹ Lan/SCB/Vạn Thịnh Phát, bất kể vụ án đã đi hết phiên phúc thẩm với bản án tử hình. [12] Chỉ riêng việc hình dung độ lớn của khoản tiền sai phạm (415.000 tỷ đồng – khoảng 16 tỷ đô-la Mỹ) đã là quá sức với bất kỳ người Việt Nam nào, kể cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Khoản tiền mà bà Lan phải bồi thường cho SCB còn khó hình dung hơn nữa: 677.000 tỷ đồng, tức khoảng 27 tỷ đô-la Mỹ.

Do còn tới 440 mã tài sản trong tổng số hơn 1.000 mã tài sản của bà Lan chưa được định giá, cũng không ai biết tổng tài sản mà bà đang đứng tên sở hữu là bao nhiêu.

Và cũng không ai hiểu bằng cách nào bà có thể chuyển tới 4,5 tỷ USD qua biên giới trong suốt nhiều năm trời. Ở một đất nước mà tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm chỉ mới có hơn 400 tỷ USD thì đây đã là việc con voi chui lọt lỗ kim, chưa nói với việc dịch chuyển cả 16 tỷ đô-la qua lại trong một nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam.

Vụ án Trương Mỹ Lan đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Ở một đất nước độc tài chuyên chế như Việt Nam, nơi hệ thống tư pháp bị chính trị hóa gần như tuyệt đối, không ai kỳ vọng có được câu trả lời. Án tham ô 16 triệu đồng thì có thể không phải án chính trị, chứ án tham ô 16 tỷ đô-la không thể là án gì khác ngoài án chính trị, dù nó mang nhãn án kinh tế đi chăng nữa.

Huy Đức

Huy Đức bị bắt, không gian thảo luận chính trị nước ta thiếu một trong những tiếng nói có chất lượng nhất. [13]

Trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975, Huy Đức đã ghi những dấu ấn đặc biệt của mình. Ông là một trong những nhà báo tài năng nhất, từng công tác ở những tờ báo có ảnh hưởng nhất (Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp thị) trong hàng thập niên, ông là một trong những blogger/Facebooker được nhiều người đọc nhất từ những năm 2000 với bút danh Osin, và là tác giả của cuốn sách quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ ai muốn hiểu lịch sử hiện đại Việt Nam – mang tên “Bên thắng cuộc”. [14]

Huy Đức – tên thật là Trương Huy San – là người thuộc về dòng chính. Ông dành trọn vẹn sự nghiệp làm báo của mình ở những tờ báo chính thống, cũng chưa bao giờ thấy ông cộng tác viết bài cho báo nước ngoài hay báo độc lập nào. Duy có hai chuyện ông làm là vượt ra ngoài khuôn khổ chính thống: xuất bản hai tập của cuốn “Bên thắng cuộc” ở Mỹ năm 2012 và viết những bài sắc sảo trên blog/Facebook cá nhân của ông.

Huy Đức không để ai có cơ hội cáo buộc ông là người “có tổ chức”“nhận tiền nước ngoài” như cách chính quyền hay cáo buộc những nhà báo độc lập như Phạm Đoan Trang hay Phạm Chí Dũng. Nếu có, dư luận chỉ đồn đoán ông thuộc phe nọ phe kia trong đảng, dù những lời đồn đó chưa bao giờ được chứng minh.

Cái án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đang treo lơ lửng trên đầu Huy Đức. Nhưng suy cho cùng, nếu Việt Nam có tự do dân chủ để mà lợi dụng, người ta phải cảm ơn Huy Đức.

Ma Seo Chứ

Người hùng của năm. Mao Seo Chứ là vị trưởng thôn trẻ tuổi đã quyết định sơ tán 115 người dân bản Kho Vàng (Lào Cai) sau siêu bão Yagi vào tháng Chín, cứu họ khỏi một trận lở đất kinh hoàng. [15]

Toàn bộ nỗ lực của anh (và dân làng) đều diễn ra trong tình thế bị cô lập hoàn toàn sau cơn bão, không có bất kỳ mối dây liên lạc nào với chính quyền xã hay lực lượng cứu hộ.

Truyền thông nhà nước lẫn mạng xã hội hết lời ngợi khen vị trưởng thôn mưu trí, can đảm. Đó có thể là phần thưởng xứng đáng cho anh, nhưng môi trường nào ngập lời ngợi ca cũng ít khi nào còn chỗ cho sự phê bình hợp lý.

Siêu bão Yagi là thảm họa tự nhiên và con người thường bất lực trước những cơn thịnh nộ như vậy của thiên nhiên. [16] Thứ con người có thể làm là phòng tránh và khắc phục tối đa những tác hại của chúng. Trong toàn bộ câu chuyện về Ma Seo Chứ và bão Yagi nói chung, chính quyền có xu hướng đổ lỗi hoàn toàn cho thiên nhiên, và thứ thiếu vắng trên truyền thông là những câu hỏi về công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả.

Ai sẽ chất vấn chính quyền về lý do sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương? Ai sẽ chất vấn nạn phá rừng đã khiến nhiều quả đồi trở thành bom nổ chậm? Ai sẽ chất vấn lý do tại sao Kho Vàng mất sóng điện thoại sau bão? Và nhiều câu hỏi khác nữa.

Chất vấn không phải để bới móc hay đổ lỗi. Người ta cần đi đến tận cùng của vấn đề để không mắc lại sai lầm cũ (nếu có) trong những lần bão tới. Chất vấn, trong trường hợp này, có thể cứu được mạng người. Rất nhiều mạng người.

Thích Chân Quang

Cũng như Thích Minh Tuệ, nhà sư – thượng tọa Thích Chân Quang phải ra đi trong năm 2024. [17] Chỉ khác cái là, ông ra đi một cách nhục nhã.

Ông bị chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng trong vòng hai năm do những phát ngôn bị cho là trái giáo luật. [18] Với một nhà sư nổi tiếng nhờ những bài giảng gây tranh cãi được lan truyền trên mạng, việc bị cấm khẩu là hình phạt có lẽ thuộc loại nặng nề nhất với ông. Nhưng “nghiệp” của ông nặng hơn thế. Cơ quan chức năng tuyên bằng cấp ba của ông là giả, và do đó các bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ của ông cũng không còn hợp lệ.

Thích Chân Quang là đại diện của một hiện tượng tha hóa trong giới tu hành, nhưng trong một thời gian dài không những không bị loại bỏ mà còn bước lên đỉnh cao danh vọng. Danh vọng đó không những do một giáo hội quốc doanh ban cho, mà còn do một cơ chế quản lý giáo dục nhiều lỗ hổng, và do hàng ngàn phật tử xì xụp khấn vái. Trong số những người xì xụp khấn vái đó là hàng chục giáo sư, tiến sĩ ngành luật – những người đã xác lập địa vị của Thích Chân Quang trong giới học thuật.

Thích Chân Quang được hưởng một không gian sinh hoạt tôn giáo “chính thống” và rộng mở, và trở thành một trong những người thành công nhất trong việc lợi dụng không gian đó để mưu lợi cho bản thân mình. Việc mưu lợi của ông không chỉ nằm trong không gian nhà chùa mà còn lấn sang không gian nhà nước. Khi đó, tư lợi của ông không còn là việc tư nữa. Nó trở thành việc công.

Nguyễn Nhật Anh

Ngành xuất bản năm nay không có hiện tượng nào nổi bật hơn cái tên Nguyễn Nhật Anh – tổng giám đốc của Nhã Nam. [19]

Bị nhân viên cũ tố quấy rối tình dục, Nguyễn Nhật Anh và công ty sách Nhã Nam bị thách thức về danh tiếng nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ chứng tỏ tầm vóc của một doanh nghiệp chuyên làm chữ, là người bạn của những ai mến mộ chữ nghĩa và những giá trị tử tế. Suy cho cùng, sách được sinh ra để làm người ta hiểu biết hơn và văn minh hơn. Những người làm sách được kỳ vọng sẽ thực hành chính điều họ tuyên xưng.

Có những thời điểm, người ta đã khấp khởi hy vọng rằng Nhã Nam sẽ ứng xử một cách văn minh trước cáo buộc này, nhất là sau khi công ty thông báo đình chỉ chức vụ của Nguyễn Nhật Anh và công khai xin lỗi nữ nhân viên cũ. Nhưng sau cùng, Nguyễn Nhật Anh và Nhã Nam đã đi vào lối mòn hành xử của những vụ quấy rối tình dục khác: phủ nhận thông tin và tố cáo sự việc ra công an. [20] Họ đã không hành xử văn minh hơn sau hàng chục năm đọc sách và làm sách.

Nhưng rồi có những người lao động chữ nghĩa khác cũng hành xử như họ. Chẳng hạn như về cuối năm, Hội Nhà văn tuyên bố bổ nhiệm nhà thơ Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập của tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, như chưa hề có việc ông An bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo hãm hiếp. [21]

Đến cả những người đi tháp tùng lãnh đạo cấp nguyên thủ còn quấy rối tình dục ở Chile và New Zealand, nói chi… [22][23] Chỉ khác chăng, họ bị chính quyền sở tại tóm gáy và điều tra ngay lập tức.

Y Quynh Bđăp

Đất nước của những người ra đi đầu không ngoảnh lại. Mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn người như vậy. Họ là những người bị bức hại ở trong nước, ra đi theo những cách khác nhau, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, nhưng tâm thế luôn là không có ngày về.

Cho đến khi trát dẫn độ gõ cửa.

Y Quynh Bđăp là một trong những người như vậy. [24]

Là một người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và từng vào tù ra tội chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo và ngôn luận của mình, Y Quynh Bđăp là ví dụ tiêu biểu cho nạn đàn áp của chính quyền nhắm đến những cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số.

Đi tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018, Y Quynh Bđăp có lẽ chưa từng nghĩ sẽ có ngày phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về nước chịu bản án 10 năm tù về tội khủng bố, liên quan đến sự kiện xả súng ở Đắk Lắk năm 2023. [25] Yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đã được tòa án sơ thẩm ở Bangkok chấp thuận, nay chỉ tòa phúc thẩm phán quyết.

Cho tới nay, vụ tấn công hai trụ sở ủy ban xã ở Đắk Lắk năm 2023 vẫn còn những uẩn khúc chưa có lời giải, đặc biệt là về động cơ gây án. Những uẩn khúc và mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên cũng chưa bao giờ được chính quyền thực tâm giải quyết. Việc yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bđăp tiếp tục thể hiện phương pháp giải quyết xung đột bằng dùi cui và thuốc súng của chính quyền.

Tây Nguyên là một quả bom nổ chậm, cho đến khi chính quyền biết cách tháo ngòi.

Chu Ngọc Quang Vinh

Cậu học trò tên Vinh nói hộ suy tư và ước mơ thầm kín của nhiều người, và rồi bị đấu tố không thương tiếc. [26]

“Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân, nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.

Cái dại lớn nhất mà một người Việt Nam có thể mắc phải là thật thà về mặt chính trị, bất kể “Bác Hồ” đã dạy những gì ở điều 5, và bất kể gần như tất cả những nhà vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” hiện đều định cư ở nước ngoài.

Văn hóa đấu tố những người như Quang Vinh không phải ngẫu nhiên mà có. Mọi thứ đều phải có lực tác động thì mới di chuyển được, kể cả cơ mồm. Đằng sau phong trào đấu tố Quang Vinh – và cả trường Fulbright – là một cơ chế trừng phạt và khen thưởng chỉ nhắm đến một việc: bảo vệ tính chính danh của chế độ. Ai xúc phạm chế độ thì phải phạt, ai bảo vệ chế độ thì được thưởng.

Cho dù các lực lượng dư luận viên không ra tay đi chăng nữa, những công dân (hay là thần dân) dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tự khắc thấy có nhu cầu đấu tố. Phần thưởng cho những hồng vệ binh tự nguyện này không nhất thiết phải là bằng khen do Mặt trận Tổ quốc trao, mà có thể chỉ đơn giản là tấm áo đỏ do chính họ dệt nên và mặc trên người, có tác dụng chứng minh lòng trung thành (dù có thể chỉ là giả hiệu) của họ với chính thể và hóa giải mọi hoài nghi (nếu có) về “bản lĩnh chính trị” của họ. Trong một xã hội nhị nguyên “theo hoặc chống”, dĩ nhiên tấm áo đỏ ấy có giá trị như một lá bùa hộ mệnh.

Chu Ngọc Quang Vinh thực ra chỉ là một trong nhiều nạn nhân của cấu trúc quyền lực này.

Đó là lý do người Việt Nam sẽ còn tiếp tục mơ “giấc mơ Mỹ”.

Và tiếp tục ra đi.

Trịnh Hữu Long
Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2024/12/2024-nam-cua-nhung-nguoi-ra-di/ ngày 26/12/2024

Chú thích:

  1. Vũ Liên. (2024, June 20). Thích Minh Tuệ – hiện tượng nằm ngoài sách vở quản lý tôn giáo của chính quyền. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/06/thich-minh-tue-hien-tuong-nam-ngoai-sach-vo-quan-ly-ton-giao-cua-chinh-quyen
  2. Trần Phương. (2020, March). Hòa thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/03/hoa-thuong-thich-quang-do-mot-doi-tranh-dau
  3. Nguyễn Hà Hùng. (2023, November 28). Tuệ Sỹ – niềm tin không cần thế chấp. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/11/tue-sy-niem-tin-khong-can-the-chap
  4. Văn Tâm. (2022, January 22). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh
  5. Trọng Phụng. (2024, December 20). Nguyên thượng tá công an tháp tùng Thích Minh Tuệ đến Ấn Độ; nhà nước tiếp tục hạn chế quyền lập hội. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/12/nguyen-thuong-ta-an-ninh-thap-tung-thich-minh-tue-den-an-do-nha-nuoc-tiep-tuc-han-che-quyen-lap-hoi
  6. Luật Khoa tạp chí. (2024, May 22). Đại tướng Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước | Luật Khoa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/05/toan-canh-vu-to-lam-duoc-bau-lam-chu-tich-nuoc
  7. staff, C. S. (2024, May 28). Slovakia cancels criminal charges against new Vietnamese president. Www.sme.sk; SME.sk. https://spectator.sme.sk/politics-and-society/c/vietnamese-president-charges-slovakia
  8. Long, T. H. (2024, October 21). Tướng Lương Cường lên chủ tịch nước và hai điều bất thường. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/10/tuong-luong-cuong-len-chu-tich-nuoc-va-hai-dieu-bat-thuong
  9. baochinhphu.vn. (2024, November 25). Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.” Baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-ky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-102241125190606526.htm
  10. Trọng Phụng. (2024, December 4). Cấp tập “tinh gọn bộ máy.” Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/12/cap-tap-tinh-gon-bo-may
  11. Trần Phương. (2024, July 19). Nguyễn Phú Trọng: Một đời gác đền và đốt lò. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/07/nguyen-phu-trong-mot-doi-gac-den-va-dot-lo
  12. Hải Duyên – Quốc Thắng. (2024, December 3). Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình. Vnexpress.net; Báo VnExpress. https://vnexpress.net/ba-truong-my-lan-bi-tuyen-y-an-tu-hinh-4822890.html
  13. Nhà báo Huy Đức bị bắt về tội ‘lợi dụng tự do, dân chủ’ BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce5531vl6mgo
  14. Long, T. H. (2024, May 21). Giữa thời loạn, đọc “Bên thắng cuộc” của Huy Đức. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/05/giua-thoi-loan-doc-ben-thang-cuoc-cua-huy-duc
  15. NAM. (2024, December 20). Chuyện người trưởng thôn cứu 115 người dân khỏi lũ quét. Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/chuyen-nguoi-truong-thon-cuu-115-nguoi-dan-khoi-lu-quet-post851636.html
  16. Trọng Phụng. (2024, October 3). Siêu bão Yagi – cơn bão lịch sử tàn phá miền Bắc. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/10/timeline-sieu-bao-yagi-con-bao-lich-su-tan-pha-mien-bac
  17. Thượng tọa Thích Chân Quang: bằng cấp ba, bằng tiến sĩ và vấn đề pháp lý – BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp8nk40pgklo
  18. Võ Văn Quản. (2024, June 22). “Cấm khẩu” Thích Chân Quang: Từ góc nhìn tự do ngôn luận. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/06/cam-khau-thich-chan-quang-tu-goc-nhin-tu-do-ngon-luan
  19. Luật Khoa tạp chí. (2024, April 18). Luật Khoa 360: Nguyễn Nhật Anh, Nhã Nam và nghi vấn quấy rối tình dục. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/04/luat-khoa-360-nguyen-nhat-anh-nha-nam-va-nghi-van-quay-roi-tinh-duc
  20. Đức Huy. (2024). Nhã Nam và ông Nguyễn Nhật Anh gửi đơn tố cáo tác giả Đặng Hoàng Giang. ZNews. https://znews.vn/nguyen-giam-doc-nha-nam-to-cao-ts-dang-hoang-giang-post1480244.html
  21. Lam Hồng – Trọng Phụng. (2024, December 12). Luật Khoa 360: Toàn cảnh vụ Dạ Thảo Phương tố Lương Ngọc An cưỡng hiếp. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/12/luat-khoa-360-toan-canh-vu-da-thao-phuong-to-luong-ngoc-an-cuong-hiep
  22. Trọng Phụng. (2024, November 15). Đột ngột có “đơn đề nghị” của Thích Minh Tuệ; Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/11/tuan-tin-chile-truc-xuat-can-ve-cua-chu-tich-nuoc-luong-cuong-dot-ngot-co-don-de-nghi-cua-thich-minh-tue
  23. Trọng Phụng. (2024, December 13). Tuần tin: Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật; New Zealand cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/12/tuan-tin-nguyen-xuan-phuc-bi-ky-luat-new-zealand-cao-buoc-quan-chuc-viet-nam-tan-cong-tinh-duc
  24. Vi, T. Q. (2024, October 30). Luật Khoa 360: Y Quynh Bđăp, tội danh khủng bố và phiên tòa dẫn độ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/10/luat-khoa-360-y-quynh-bdap-toi-danh-khung-bo-va-phien-toa-dan-do
  25. Trọng Phụng. (2024, February 2). Diễn biến: Vụ tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/02/dien-bien-vu-tan-cong-hai-tru-so-ubnd-xa-o-dak-lak
  26. Lan, H. D. (2024, September 9). Từ câu chuyện “đấu tố” Chu Ngọc Quang Vinh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/09/long-yeu-nuoc-bi-dinh-doat

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*