Năm Sự Kiện Tôn Giáo Nổi Bật Trong Năm 2024

(Đồ họa: Shiv/Luật Khoa)

Năm 2024 có những sự kiện tôn giáo nổi bật làm dậy sóng xã hội và chứng kiến việc chính quyền áp dụng nhiều chính sách mới trong việc quản lý tôn giáo.

Sau đây là 5 sự kiện tiêu biểu, khái quát nên bức tranh tôn giáo tại Việt Nam trong năm qua.

1. Hiện tượng Thích Minh Tuệ

Vào cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, xã hội xôn xao với hình ảnh một nhà sư trong tu phục đa sắc bộ hành xuyên suốt qua các tỉnh của đất nước. Ông là Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, và từ năm 2017 đến nay, ông đã ba lần bộ hành xuyên Việt. Tuy nhiên, trong cuộc bộ hành lần thứ tư của ông vào năm nay, đám đông bắt đầu đi theo và ông bỗng trở thành một hiện tượng. [1]

Lo ngại đám đông càng gia tăng theo ông, chính quyền và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ra văn bản khẳng định ông không phải là tu sĩ Phật giáo. [2]

Ngoài ra, Giáo hội cho rằng nhiều người đã lợi dụng hình ảnh của Thích Minh Tuệ để xuyên tạc đời sống tu hành của giới tăng lữ thuộc Giáo hội và yêu cầu các tín đồ ngăn chặn làn sóng dư luận xúc phạm tổ chức này. [3]

Tuy nhiên, đến sáng ngày 3/6, Thích Minh Tuệ đột ngột dừng bộ hành khi đang trên đèo Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên – Huế). [4]

Nhiều người cho rằng ông tự nguyện ngừng đi khất thực sau một buổi tiếp xúc với chính quyền. Trước đó, theo RFA, chính quyền cưỡng ép các nhà sư trong đoàn đi theo Thích Minh Tuệ bằng cách đưa họ lên nhiều chiếc xe và thả họ ở nhiều nơi khác nhau; riêng Thích Minh Tuệ được đưa về nhà của ông tại Gia Lai. Nhiều người trong đoàn nói rằng sau đó họ bị bắt ký cam kết không được tham gia đoàn bộ hành. [5]

Đến tháng 11/2024, mạng xã hội lại dậy sóng khi báo Gia Lai bất ngờ đăng tải ba bức thư viết tay được cho là của Thích Minh Tuệ, sau một thời gian dài ông vắng bóng.

Cụ thể, vào ngày 13/11, báo Gia Lai đăng lá thư viết tay đầu tiên. Trong thư, Thích Minh Tuệ đề nghị không đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội và yêu cầu không tụ tập đông người khi ông xuất hiện để đảm bảo an toàn giao thông. [6]

Đến ngày 17/11, một bức thư tay khác cũng được cho là của ông Thích Minh Tuệ xuất hiện. Bức thư này có chữ ký “Minh Tuệ” và con dấu đỏ của Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ. Trong thư, ông thông báo tạm dừng việc đi khất thực do “điều kiện xã hội và an ninh chính trị phức tạp, chưa phù hợp với việc học tập theo hạnh khất thực”. Cùng ngày, ông cũng lập giấy ủy quyền công dân cho anh trai là ông Lê Anh Tuấn và Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ. [7]

Đến ngày 26/11, báo Gia Lai tiếp tục đăng tải bức thư tay thứ ba. Trong thư, Thích Minh Tuệ muốn tự mình đi bộ đến Ấn Độ, quê hương Đức Phật. [8]

Hiện nay, ông đang bộ hành đến Ấn Độ qua đường Lào, Thái Lan.

2. Chính quyền công bố thu chi tiền công đức

Ngày 26/6/2024, truyền thông trong nước đưa tin rằng năm 2023, cả nước thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức và chi 3.612 tỷ đồng. [9] Trong đó, thu nhiều nhất là ở miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) với số tiền 220 tỷ đồng, kế tiếp là ở đền Bảo Hà (Lào Cai) với số thu 71 tỷ đồng.

Hà Nội đứng đầu với số thu tiền công đức hơn 670 tỷ đồng, trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh – nơi có chùa Ba Vàng – thu khoảng 200 tỷ đồng.

Đây chỉ là số tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa chứ chưa bao gồm các khoản hiện vật, đặt lễ, chuyển khoản, tức số thu thực tế còn cao hơn nhiều. Chưa kể, hiện nay cả nước có 31.581 di tích, cơ sở tôn giáo nhưng chỉ có 15.324 cơ sở (khoảng 49%) có số liệu thu chi tiền công đức, tài trợ.

Việc công bố tiền thu chi công đức này được thực hiện theo Thông tư số 04 năm 2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. [10]

GHPGVN từng gửi văn bản lên các bộ, ban ngành phản đối mạnh mẽ quy định này vì Giáo hội có rất nhiều cơ sở được công nhận là các di tích. [11]

Theo thống kê, hiện có 28 ngôi chùa được công nhận trực tiếp hoặc nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 500 ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia. [12]

Không loại trừ, khi cơ sở tôn giáo được công nhận là di tích, các nhà sư của Giáo hội và chính quyền các địa phương sẽ dễ dàng làm du lịch tâm linh và thu về số tiền công đức rất lớn.

3. Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Vào ngày 12/8/2024, Thượng tọa Thích Minh Đạo, một tu sĩ thuộc GHPGVN, đã tuyên bố hoàn tục và trả lại y bát, tăng tịch, chứng điệp, và bằng Phật học. [13]

Trong một video đăng trên mạng xã hội, sư Thích Minh Đạo xuất hiện trong bộ y phục đa sắc tương tự như Thích Minh Tuệ và tuyên bố chính thức cởi bỏ y bát.

Tuy nhiên, khoảng hai tuần sau, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh kiểm tra tính pháp lý của việc nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em tại tu viện của sư Thích Minh Đạo. Điều này đã gây ra sự bất bình trong dư luận và làm dấy lên lo ngại rằng số phận của tu viện có thể sẽ giống như Tịnh Thất Bồng Lai. [14]

Đến ngày 10/11, sau khi chính quyền không cho phép sư Thích Minh Đạo tiếp tục nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, chính quyền đã đưa 37 trẻ từ Tu viện Minh Đạo và Tịnh xá Ngọc Lâm về Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để chăm sóc, nuôi dưỡng với lý do hai cơ sở này chưa được cấp phép thành lập theo quy định về hoạt động trợ giúp xã hội. [15]

Trước đó, vào tháng 5/2024, GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kỷ luật sư Thích Minh Đạo bằng cách kiểm điểm và sám hối trong hai tháng do liên quan đến những phát ngôn về Thích Minh Tuệ.

4. Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican tới thăm Việt Nam

Ngày 9/4/2024, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị ngoại trưởng của Tòa Thánh kể từ khi hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao. [16]

Cùng đi với ông Paul Richard Gallagher có Đức ông John David Putzer, thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Chuyến thăm kéo dài từ ngày 9 – 14/4.

Tại Việt Nam, ông Paul Richard Gallagher đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Thanh Sơn.

Ngoài ra, ông Paul Richard Gallagher cũng đến thăm ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

Được biết, chuyến đi của ông nhằm tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Giáo hoàng Francis. [17]

Sau năm 1975, chính quyền cộng sản yêu cầu khâm sứ Tòa Thánh Vatican rời khỏi Sài Gòn, chấm dứt sự đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Đến tháng 7/2023, hai bên lần đầu tiên thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của đại diện thường trú và văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam”. Theo thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, Quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh hiện nay dưới mức Sứ thần nhưng trên Khâm sứ. [18]

5. Chính quyền kết án nhiều tín đồ theo Phật giáo Khmer

Vào tháng 11/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xét xử và tuyên án chín tín đồ Phật giáo Khmer Krom với các mức án từ hai đến sáu năm tù theo Điều 331 và Điều 157 của Bộ luật Hình sự. [19]

Theo truyền thông nhà nước, nhóm này đã xây dựng một công trình trái phép (chưa rõ công trình này là gì) trên phần đất trồng lúa của bà Thạch Thị Ôi tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình.

Tòa án Nhân dân huyện Tam Bình đã xét xử và yêu cầu họ trả lại phần đất này cho bà Ôi. Tuy nhiên, các tín đồ cho rằng đây là đất do bà Thạch Thị Xà Bách (chị gái bà Ôi) hiến tặng để xây giảng đường nên không thực hiện yêu cầu của tòa án, dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Ngoài vụ việc này, các tín đồ cũng có nhiều mâu thuẫn với chính quyền địa phương. Điển hình vào tháng 11/2023, các tín đồ đã xô xát với tổ công tác thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình tại chùa Đại Thọ.

Chính quyền cáo buộc Thạch Chanh Đa Ra, người tự xưng là trụ trì của chùa, đã cùng các tín đồ hành hung gây thương tích, khống chế, khóa cửa, canh giữ không cho các thành viên của tổ công tác ra ngoài; đồng thời đăng tải các bài viết trên Facebook có nội dung vu khống cơ quan chức năng, v.v.

Tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã liên tiếp bắt giữ các tín đồ theo Phật giáo Khmer Krom này về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 và tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 157 của Bộ luật Hình sự.

Đến tháng 4/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tiếp tục điều động nhiều công an, xe múc đến phá dỡ giảng đường của chùa Đại Thọ. [20]

Trước đó, vào tháng Hai, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt ông Danh Minh Quang mức án 3 năm 6 tháng tù theo Điều 331. Ông Danh bị cáo buộc dùng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ và phát trực tiếp những nội dung liên quan đến nhân quyền và Phật giáo Khmer.

Hay tại Trà Vinh, vào tháng Ba, Tòa án Nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đã xét xử và tuyên phạt ông Thạch Cương (36 tuổi) mức án 4 năm tù giam và ông Tô Hoàng Chương (37 tuổi) mức án 3 năm 6 tháng tù giam cũng theo Điều 331.

Đến tháng 10, Quỹ Nhân quyền (HRF) và Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) đã đệ trình một bản kiến ​​nghị chung lên Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) tố cáo chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện hai tín đồ Phật giáo Khmer Krom là Tô Hoàng Chương và Thạch Cương. Hai tổ chức này cho rằng đây là hành động trái với luật pháp quốc tế và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho họ.

Vào tháng 4/2024, tổ chức Khmers Kampuchea-Krom Federation (KKF) gửi kiến nghị đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong đó, có nói về việc chính quyền Việt Nam đã đàn áp, bắt bớ tuỳ tiện và bỏ tù các tín đồ hoạt động ôn hoà theo Phật giáo Khmer-Krom. [21]

Đến nay, một số người Khmer Krom tại Việt Nam thường biểu tình, đòi quyền lợi về đất đai, quyền của người bản địa, tự do tôn giáo và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chính quyền Việt Nam khẳng định rằng người Khmer Krom được đối xử bình đẳng và bác bỏ các cáo buộc về đàn áp hay phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều chính sách đặc biệt đối với cộng đồng này. [22]

Nhiều tín đồ Phật giáo Khmer Krom đã vượt biên qua Campuchia vì họ cho rằng bị đàn áp và phân biệt đối xử từ các chính sách này.

Thiện Trường
Theo https://www.luatkhoa.com ngày 6/1/2025

Chú thích:

  1.  Vũ Liên. (2024, June 20). Thích Minh Tuệ – hiện tượng nằm ngoài sách vở quản lý tôn giáo của chính quyền. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/06/thich-minh-tue-hien-tuong-nam-ngoai-sach-vo-quan-ly-ton-giao-cua-chinh-quyen
  2. Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản về ‘sư Thích Minh Tuệ’. (2024, May 16). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20240516134820/https://tuoitre.vn/ban-ton-giao-chinh-phu-va-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ra-van-ban-ve-su-thich-minh-tue-20240516185720206.htm
  3.  Ông Thích Minh Tuệ nhận căn cước công dân ở Gia Lai. (2024, June 10). Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20240611030152/https://thanhnien.vn/ong-thich-minh-tue-nhan-can-cuoc-cong-dan-o-gia-lai-18524061011183167.htm
  4.  ‘Sư Thích Minh Tuệ’ đã tự nguyện dừng cuộc đi bộ. (2024, June 3). Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20240603061130/https://thanhnien.vn/su-thich-minh-tue-da-tu-nguyen-dung-cuoc-di-bo-185240603123711188.htm
  5. Thực hư việc Ban Tôn giáo Chính phủ nói sư Minh Tuệ “tự nguyện dừng bộ hành khất thực”. (2024, June 3). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vnm-police-temporarily-detained-monk-minh-tue-06032024081424.html
  6. Ông Minh Tuệ đề nghị không đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội. (2024, November 13). Báo Gia Lai. https://baogialai.com.vn/ong-minh-tue-de-nghi-khong-dua-hinh-anh-cua-ong-len-mang-xa-hoi-post300888.html
  7. Sư Minh Tuệ bày tỏ mong muốn được bộ hành từ Việt Nam đến Ấn Độ. (2024, November 27). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minh-tue-monk-wish-india-11272024022819.html?ref=luatkhoa.com
  8. Ông Thích Minh Tuệ muốn đi bộ đến đất Phật. (2024, November 26). Báo Gia Lai. https://web.archive.org/web/20241206152757/https://baogialai.com.vn/ong-thich-minh-tue-muon-di-bo-den-dat-phat-post302497.html
  9. 1 năm thực hiện quản lý tiền công đức: Cả nước thu 4.100 tỉ đồng. (2019). Bvhttdl.gov.vn. https://bvhttdl.gov.vn/1-nam-thuc-hien-quan-ly-tien-cong-duc-ca-nuoc-thu-4100-ti-dong-20240627073512971.htm
  10. Bộ Tài Chính. (2023, January 19). Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. https://bcp.cdnchinhphu.vn/334894974524682240/2023/1/27/4-19012023-144303-1674810680885153694633.pdf
  11. Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền Công đức. (2022, April 24). Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://web.archive.org/web/20220425075806/https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Ftrung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-lan-3-cua-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-tien-cong-duc-d52641.html
  12. “Tiền công đức”: Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa. (2021a, July 17). Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/tien-cong-duc-vi-sao-nha-nuoc-giang-co-voi-nha-chua
  13. SƯ THÍCH MINH ĐẠO TRẢ LẠI ‘Y BÁT, TĂNG TỊCH,’ THEO SƯ THÍCH MINH TUỆ. (2024, August 13). Thư viện Hoa Sen. https://web.archive.org/web/20240906092122/https://thuvienhoasen.org/a41560/su-thich-minh-dao-tra-lai-y-bat-tang-tich-theo-su-thich-minh-tue
  14. Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tính pháp lý nuôi trẻ tại Tu viện Minh Đạo. (2024, August 28). Báo Công Thương. https://web.archive.org/web/20240906113557/https://congthuong.vn/ba-ria-vung-tau-kiem-tra-tinh-phap-ly-nuoi-tre-tai-tu-vien-minh-dao-341950.html
  15. Tiếp nhận, nuôi dưỡng 37 trẻ em từ Tu viện Minh Đạo và Tịnh xá Ngọc Lâm. (2024, October 11). Báo Bà Rịa – Vũng Tàu. https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202410/tiep-nhan-nuoi-duong-37-tre-em-tu-tu-vien-minh-dao-va-tinh-xa-ngoc-lam-1023446/index.htm
  16. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PAUL RICHARD GALLAGHER, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO TOÀ THÁNH ĐÃ TỚI VIỆT NAM. (2024, April 9). HĐGMVN. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-da-toi-viet-nam-55850
  17. Thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Giáo hoàng Francis. (2024, April 11). Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ. https://web.archive.org/web/20240507040721/https://moha.gov.vn/so-lieu-thong-ke-nganh-noi-vu/thuc-day-chuyen-tham-viet-nam-cua-giao-hoang-franc-d891-t56012.html
  18. Quan hệ Việt Nam – Vatican ngày càng đi vào chiều sâu, mở ra tương quan mới. (2024, March 6). Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://web.archive.org/web/20240413143226/https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/quan-he-viet-nam-vatican-ngay-cang-di-vao-chieu-sau-mo-ra-tuong-quan-moi-660535.html
  19. Xét xử vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bắt giữ người trái pháp luật”. (2024, November 26). Báo Vĩnh Long. https://web.archive.org/web/20241208031009/https://baovinhlong.com.vn/phap-luat/202411/xet-xu-vu-an-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-xam-pham-loi-ich-nha-nuoc-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-to-chuc-ca-nhan-bat-giu-nguoi-trai-phap-luat-fa07400
  20. Vụ sư Thạch Chanh Đa Ra: Công an phá hủy giảng đường của chùa Đại Thọ. (2024, April 1). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dai-tho-pagoda-thach-chanh-da-ra-april-04012024062539.html
  21. Urgent Action: Release Khmer-Krom and Suspend Vietnam’s Membership in the UN HRC. (2024, April 5). Change.org. https://www.change.org/p/urgent-action-release-khmer-krom-and-suspend-vietnam-s-membership-in-the-un-hrc
  22. Thiện Trường. (2023, November 20). Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/11/manh-toi-tren-chiec-ao-mau-nghe-tay-cua-phat-giao-khmer-tai-viet-nam

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*