(Hình minh họa)
Bạn muốn nghe chuyện của tôi à? Thật sự thì chuyện của tôi không có gì đáng để kể hết.
Chuyện của một anh chàng trung niên, không vợ con, tình nguyện vào lính, rồi ra chiến trường hơn 3 năm nay, chưa có một thành tích cá nhân nào tạm gọi là xuất sắc, chưa bị thương lần nào, cũng chưa một lần bị bắt rồi được giải cứu như người nữ chiến hữu tên Lynch hiện đang nổi danh như cồn. Một cách vắn tắt, tôi là hạ sĩ Dian Clark, thuộc sư đoàn 4 bộ binh đang trú quân tại Tikrit miền Bắc nước Iraq. Trong số hơn hai trăm ngàn lính Mỹ đang có mặt tại Iraq hiện nay thì tôi chỉ là một hạt cát dưới lòng sông Tigris mà thôi. Có là tướng tiếc, là anh hùng anh hiếc gì đâu mà được nhà báo các anh chiếu cố chớ?
Nhưng nếu bạn muốn nghe chuyện lính tráng thì tôi xin kể bạn nghe tí chút về một bức ảnh. Kể cho vui vậy thôi chớ không một ngụ ý gì hết à nghen…
Hôm qua tôi nhận được thư của mẹ tôi, có kèm theo một bức ảnh. Nói nhỏ cho bạn nghe: Mẹ con tôi rất ít khi xài email, mà chỉ thích đọc những hàng chữ viết tay, thấy chữ viết như thấy người, cho đỡ nhớ. Email thì cụt ngủn, gọn lỏn, trơ trơ như mấy con chữ đứng sắp hàng. Thiếu cái tình, thiếu cái hồn, phải không bạn? Ngoài những chuyện thương nhớ, những kể lể này nọ, trong lá thư khá dài ấy mẹ tôi nói bức ảnh đã làm bà khóc suốt đêm. Mẹ nói bức ảnh này mẹ đã cắt từ tờ báo địa phương, và có thể các báo khác ở nhiều nơi trên toàn nước Mỹ cũng có đăng.
Tôi ngạc nhiên hết sức khi nhìn bức ảnh. Ðó là tôi, phải, chính là tôi trong bộ quân phục bộ binh tác chiến rằn ri màu cát sa mạc. Trong ảnh, tôi với mũi súng chúc xuống đất, dây ba chạc mang đầy những túi đạn và con dao găm cận chiến. Có cả dây mang hàng chục trái lựu đạn vắt ngang một bên vai. Người nhiếp ảnh chiến trường nào đó quả là có tài khi nhằm ngay lúc tôi gập lưng xuống và ngay lúc cái nón sắt của tôi chệch qua một bên mà bấm máy để gương mặt của tôi hiện rõ trước ống kính, thiếu điều lộ cả cái nút ruồi bằng hột đậu đen gần sống mũi.
Ðiều tai quái của bức ảnh là phía sau cái cơ thể cong quặp của tôi là hậu cảnh trái ngược. Ðó là hằng chục đứa trẻ cao, lùn đủ cỡ, đứng thẳng lưng và thẳng tay ném những hòn đá nhắm vào cái mục tiêu rất gần trước mặt của chúng là thằng tôi.
Chính là tôi: cái bị thịt trong vai trò người chiến binh quân lực Mỹ. Là tôi, người có súng trong thời chiến mà phải chúc mũi xuống đất, ngón tay không dám bóp cò và lưỡi lê thì nằm yên trong bao da. Là tôi với tấm thân cao lêu khêu 6 feet 4, cân nặng 270 pounds, cố thu người cho nhỏ lại với vũ khí dùng để chống đỡ duy nhất lúc ấy là cái nón sắt khi thì đội nghiêng qua bên này, lúc bên kia để tránh những đá cát bay tới như mưa rào.
May là ông phóng viên không có máy quay phim nên trong ảnh người ta chỉ có thể thấy được vài hòn đá bay về phía tôi lúc bấm máy, chớ nhiếp ảnh gia không ghi được hàng trăm hòn đá khác đã rơi khắp thân tôi, từ chân tới đầu. Ảnh cũng không chụp được ngay cái giây phút tôi ngạc nhiên tột độ với cái mồm tôi đang há hốc, đôi mắt tôi đang mở lớn như cái khu tô khi bên tai tôi có nhiều tiếng la và bất thần nghe vai mình đau nhói với một viên đá không biết bao lớn vừa ném trúng đích.
(Ảnh của Thắm Nguyễn)
Ảnh cũng không ghi được mấy giọt máu chảy từ vết thương nơi mu bàn tay trái không mang găng tay của tôi. Như vậy cũng tốt. Nếu mẹ tôi thấy được hết những chi tiết này thì chắc bà phải khóc cả tháng. Càng tốt hơn nếu mẹ tôi không nhìn thấy bức ảnh ấy để bà khỏi đau lòng. Ðau cho thằng con chỉ biết lấy tấm thân dềnh dàng chống trả với trận địa cát đá do mấy đứa con nít ồ ạt tấn công. Thù hận từ đâu đã rớt xuống đầu con bà vậy?
Tội nghiệp mẹ tôi, tuổi đời tròm trèm sáu mươi rồi mà những nghiệt oan của lịch sử chưa chịu buông tha bà. Có vẻ như tôi sắp kể lể chuyện của mẹ tôi rồi đây. Nhưng kể chuyện mẹ mà thiếu chút chuyện của ba thì chắc là nhạt nhẽo lắm. Vậy thì xin bạn cứ kiên nhẫn mà nghe tôi lan man tâm sự nhé.
Bạn thử nghĩ xem có phải là điều nghịch thường không khi một người đàn bà sống trong một đất nước giàu mạnh, tự do, không chiến tranh mà phải cõng trên vai mình hai cuộc chiến xảy ra thật xa bên ngoài đất nước của bà và trùm phủ trên con người của bà biết bao là hệ quả đau thương của nó?
Có dịp nào mời bạn ghé qua nhà mẹ con tôi. Từ Downtown Houston, bạn đi về hướng Tây Nam, sau gần ba giờ lái xe bạn sẽ đến nhà chúng tôi trong vùng thị trấn Victoria, gần với biên giới Mễ Tây Cơ. Mẹ tôi đang ở đó, một mình từ khi tôi vào lính. Căn nhà nhỏ 3 phòng ngủ nằm trên một vuông đất cao trồng toàn thông xanh. Cửa chánh không hướng về phía xa lộ 59 với dòng xe cộ tấp nập ở dưới, mà hướng về phía mấy dãy núi thấp ẩn hiện ở thật xa cuối chân trời.
Xin bạn chớ có tò mò mà hỏi mẹ tôi về cái tên mấy ngọn núi ấy hay tên thành phố nào đó nằm phía sau núi. Từ lâu bà đã không muốn tìm biết mấy cái tên này vì bà có lý do của riêng bà. Chuyện này tôi bật mí ngay với bạn đây. Mẹ tôi thích ngôi nhà này lắm. Từ vùng Beaumont phía Bắc Houston mẹ tôi dọn về đây ngay sau khi ba tôi vừa đặt chân xuống Cam Ranh. Căn nhà có một vị trí đặc biệt cả trên phương diện địa lý lẫn tâm lý của mẹ tôi. Bà nói bước ra cửa, nhìn dãy núi vô danh che chắn một địa điểm vô danh, bà có thể tưởng nghĩ tới bất kỳ một đất nước nào hay một địa danh nào ở phía bên kia núi, chẳng hạn như một đất nước tận bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi chồng bà đã chiến đấu và đã hy sinh.
Rồi giờ đây cũng hướng về dãy núi xa xăm ấy bà nghĩ tới đất nước tận vùng Trung Ðông mà con trai bà đang có mặt. Biết đâu sau này nó trở thành tên một địa điểm nào đó ở Iran hay Bắc Hàn khi con trai của bà trú quân ở đó? Như vậy, bạn thấy rồi đấy, dãy núi và thành phố sau lưng chính là nơi dòng tư tưởng của bà đậu lại theo bước chân của hai người đàn ông thương nhất của cả đời bà. Bà muốn nó là Núi Châu Thới và thị trấn Dĩ An của Việt Nam cũng được. Nhưng khi bà muốn nó là núi Baktaki hay thị trấn Tikrit của Iraq thì chúng mang những tên ấy.
Có sao đâu! Mẹ tôi đó, người phụ nữ thuần chủng Native American, thuộc bộ tộc da đỏ Apache, chưa đến tuổi đôi mươi đã sống trong một cuộc chiến tranh không giáp mặt, đã gởi hết tâm tình của người vợ trẻ theo chân người chồng lính chiến ở vùng đất đỏ Dĩ An mà bà chưa hề đặt chân đến. Không có mặt bên chồng, không có mặt trong cuộc chiến nhưng mẹ tôi như hàng ngày gần gũi với những trận đánh ở Gò Dầu Thượng, Gò Dầu Hạ, Dakto, Daksut, ở Núi Bà Ðen, Mỏ Vẹt, chiến khu Dương Minh Châu… Bà như thấy những đổ nát của chiến tranh, thấy những bất hạnh của đàn bà, trẻ con trong lửa đỏ, trong bom đạn… Ðó là nhờ những lá thư của ba tôi, khi thì viết vội nơi tháp canh, khi thì nơi một bìa rừng cao su, khi thì vừa mới xong một trận đánh; và nhờ những hình ảnh ba tôi cắt từ các báo.
Không phải tất cả thư từ hay hình ảnh ba tôi gởi về đều mang bóng dáng chiến tranh. Ba tôi cũng thường gởi về những hình ảnh trẻ thơ trong bộ áo quần rách rưới mà gương mặt thật dễ thương, đôi mắt thì tròn như hạt nhãn. Có bức ảnh ba tôi đang bồng đứa bé trai hai, ba tuổi, đầu to, bụng ỏng, chân nhỏ như que cây; ba nói khi về nước ba sẽ xin đứa bé về làm con nuôi. Mẹ nói với ba bà muốn ba mang về vài đứa nữa cho đủ nửa tá; rứt đứa trẻ nào ra khỏi lửa đạn, khỏi cảnh đói nghèo thì tốt cho đứa đó. Có một bức ảnh chụp tuy rất nghệ thuật nhưng đầy bi đát: một đứa trẻ chừng năm sáu tuổi, gầy đét như cành lá khô đang đong đưa trên chiếc cầu khỉ nối hai bờ đá của con suối cạn, hai bên cầu là hai ngụm lửa đỏ; đứa bé không biết chạy về đâu giữa hai lằn đạn. Cuối cùng có lẽ nó chỉ có một lựa chọn: buông tay để rơi xuống vực, hy vọng vướng vào một nhánh cây nào ở sâu phía dưới! Bức ảnh làm bà khóc suốt buổi trong phòng. Mẹ tôi nói bà thích nhất là khi bà nhận những câu ca dao, tục ngữ mà ba tôi học được từ những người bạn đồng minh Việt Nam.
Mỗi câu gởi về ba tôi chép nguyên văn chữ Việt rồi cắt nghĩa rõ ràng. Có câu ca dao khiến mẹ tôi rơi nước mắt mỗi lần đọc lại sau khi ba tôi mất:
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Mẹ tôi chưa hề thấy một cây rau răm, vậy mà bà cứ nghĩ mình là một cọng rau răm cong queo, tàn úa bị chồng bỏ lại. Mấy mươi năm sau, đọc lại câu ấy, mẹ tôi vẫn khóc và khóc nhiều hơn.
Tất cả những hình ảnh, thư từ ba tôi gởi về suốt 6 năm có mặt trong cuộc chiến Việt Nam, mẹ tôi đều giữ đủ. Bà có hàng mấy trăm bức thư, toàn là thư tình hai người gởi cho nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện: Tình yêu, chiến tranh, cái chết, cái sống, cái nhớ, cái thương…
Ảnh thì có cả ngàn bức ảnh đủ thứ, đa số là ảnh từ các báo: ảnh mặt trận đang bốc khói, ảnh di tản thương bệnh binh, ảnh tù binh mặt mày non choẹt như con nít, ảnh ba tôi đội đá vá đường, ảnh các bạn ba tôi dạy các trẻ con học tiếng Anh; đặc biệt có những tấm ảnh ba tôi chụp chung với các người lính Việt Nam mang những cái tên thật ngộ mà ba chú thích trong thư: Binh nhì Dương dê xồm, Thượng sĩ Thái dúi, Thiếu úy Ðậu mùa, Ðại úy Ba cà nông. Còn cả trăm câu ca dao, tục ngữ Việt Nam thì mẹ tôi chép lại nguyên văn với nét chữ khổ to, thường là mỗi trang giấy chỉ có hai câu.
Bà dùng nguyên một gian phòng để làm phòng trưng bày những thứ ấy. Chúng tôi gọi gian phòng đó là Một Góc Việt Nam, A Việt Nam Corner. Tất cả được dán trên những khuôn giấy cứng trên ba phía vách tường. Còn vách tường đối diện cửa phòng là tấm ảnh lớn chụp ba tôi đang làm nhiệm vụ của một công binh chiến đấu trên trục lộ gần quận Dĩ An, Biên Hòa: mình trần trùng trục, lấm tấm mồ hôi, đang khuân từng ky đá trải trên mặt đường. Phía trên ảnh ba tôi, mẹ tôi treo một tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn. Trong phòng cũng có một số sách vở chữ Anh viết về Việt Nam và những sách tiếng Việt viết về sử ký, địa lý Việt Nam. Mẹ tôi đã tìm hiểu về Việt Nam từ khi ba tôi vừa đặt chân tới bến tàu Cam Ranh lần đầu tiên. Có một lần ba tôi viết trong thư:
“Ngồi tại Texas mà Em còn hiểu Việt Nam hơn anh và các đồng đội, những người đang ngày đêm lặn lội trên đất nước này!”
Thật sự thì mẹ tôi vì thương chồng mà muốn theo dõi những bước đi của chồng trên một đất nước quá xa lạ đối với bà. Càng tìm hiểu về cuộc chiến, mẹ tôi càng thêm lo. Những sông rạch chằng chịt, những rừng cây bạt ngàn, những đường mòn, những địa đạo… đâu đâu mẹ tôi cũng thấy tàng ẩn hầm chông, mìn bẫy và… cái chết.
Tìm hiểu chưa đến đâu một đất nước hình chữ S tên gọi Việt Nam thì mẹ tôi đã phải đón nhận thi thể của chồng trong chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ Quốc. Lúc đó tôi vừa mới lên ba, chưa một lần biết mặt cha mình, cũng chưa biết gì là nỗi khổ mất cha. Khoảng 3 năm sau thì cuộc chiến chấm dứt. Thị trấn Dĩ An nhỏ bé và cả đất nước Việt Nam to lớn đã đổi chủ từ đó. Ðứa bé tên Dian là tôi được ba mẹ đặt tên để nhớ vùng đất Dĩ An ba tôi đã từng có mặt.
Sau này lớn lên tôi mới thấy hết ý nghĩa của gian phòng Việt Nam Corner kế phòng ngủ của tôi. Ba tôi ra đi để lại cho mẹ tôi quá nhiều kỷ niệm, bà sống trong gian phòng đó như sống với một kỷ niệm thân thương và bi tráng. Sau này mẹ con tôi có vài dịp ghé thăm đất nước đã một thời ba tôi sống, chiến đấu và đã ra đi vĩnh viễn.
Sau những chuyến đi ấy căn phòng có thêm những hình ảnh mới: Người thương binh với hai ống chưn cụt tới háng, mấy em bé trai, gái năm sáu tuổi quần cụt, mình trần ngồi trên đống rác cao như một ngọn đồi thấp, bà mẹ mù còng lưng gần sát đất tay quơ gậy trúc tay chìa ra cái lon xin tiền…
Có cái băng cassette mẹ tôi ghi âm tiếng đàn bầu và mấy câu hát của một người hành khất mặc cái áo trận rách tả tơi khi mẹ con tôi chờ qua bắc Cần Thơ. Người hát thì như ai oán khóc than, điệu hát thì mang âm điệu của một bài kinh khổ. Mẹ tôi không hiểu gì hết ý nghĩa của bài hát nhưng bà thường mở máy nghe vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Bạn có ý muốn nghe chuyện của một người lính phải không? Thì đó, tôi vừa mới kể cho bạn nghe đó. Lại còn bonus cho bạn chuyện của một người lính khác là mẹ tôi. Không phải sao? Mẹ tôi cũng là một người lính vậy chớ bộ giỡn sao bạn. Mẹ tôi thời trẻ tuổi đã sống đời sống người lính của ba tôi, bây giờ sống đời sống người lính của đứa con trai duy nhứt của bà.
Ngày tôi mới nhập ngũ, mẹ tôi tươi cười khi nhìn tôi lần đầu trong màu áo trận, mái tóc dài nửa inch. Rồi Mẹ tôi khóc thầm khi đưa tôi ra sân bay. Từ đó nước mắt bà theo tôi ra mặt trận. Bà cứ chảy nước mắt theo bất kỳ người lính nào trên chiến trường xa khi chiếc trực thăng bị bắn rớt, khi chiếc xe tuần tiễu bị gài bom, hay khi nhóm lính bị tàn quân bắn sẻ. Mỗi cái chết của bất cứ người lính nào đều làm thành nỗi đau của mẹ tôi. Có một lần tôi rất ngạc nhiên khi bà nói rằng bà đã khóc thật nhiều khi hay tin thằng Ryan rớt trực thăng trong vùng sa mạc Hijarah. Ryan là bạn chí cốt của tôi, hai đứa được đưa sang Iraq cùng lúc, vậy mà tôi hay tin dữ này sau mẹ tôi!
Nói thật bạn nghe, trong quân ngũ người lính có những buồn vui đời quân ngũ, người lính chiến đấu ít khi buồn lo, chết thì chết, chơi thì cứ chơi, sợ sệt thì ai cầm súng; còn người vợ, người mẹ ở hậu phương thì chỉ có buồn và lo và thương và nhớ và… gì gì nữa… đủ thứ… Khi người lính bị thương thì người mẹ nào cũng đau gấp mười, gấp trăm lần. Khi người ta mang xác chồng con về thì bà như đã là cái thân đang chết, con tim thì tan nát mà cái hồn thì lãng đãng lang thang nơi hạc nội mây ngàn theo dáng người vừa mới ra đi.
Mẹ tôi đó, người đàn bà chỉ có mấy tháng bên chồng sau ngày hợp hôn, rồi mỏi mắt chờ những lần chồng về phép ngắn ngủi. Mẹ tôi đó, người vợ, người mẹ chiến sĩ suốt đời sống với những tháng ngày chinh chiến xa xôi của chồng con và sống với cái Việt Nam Corner ngay trong nhà từ mấy chục năm nay. Cũng do cái Việt Nam Corner đó mà bà để tôi ra trận như một tiếp nối những gì ba tôi chưa hoàn thành. Các tấm ảnh chụp những em bé đói khát, bịnh tật, lem luốc, da vàng, bụng ỏng càng ngày càng có nhiều trong căn phòng Việt Nam Corner của mẹ tôi thì việc ra đi của tôi thêm nhiều ý nghĩa.
Cái Việt Nam Corner đó sau mấy mươi năm gần gũi đã dạy cho tôi bài học về tình người. Trẻ con bất cứ ở đâu thì cũng phải được thương yêu và nuôi nấng. Chúng tôi đã cầm súng để bảo vệ lẽ phải và duy trì hòa bình cho người dân vô tội được sống bình an và chúng tôi đã cầm tay từng em bé dạy chúng viết từng chữ ABC để sau này trở thành những cánh tay tiếp nối làm đẹp đất nước của mình.
Chúng tôi dạy các em học, dạy các em hát bất cứ ở đâu, nơi góc phố đổ nát hay dưới chân tượng đài đã ngã sập. Người lính quân y của chúng tôi cho các em những viên thuốc bổ, chữa cho các em những ghẻ lở, thương tích. Chúng tôi cứu chữa cả những người mấy phút trước đây đã cầm súng bắn sẻ chúng tôi. Chúng tôi muốn đem bài học tình thương rao giảng với mọi người. Chúng tôi chiến đấu mà không một chút hận thù. Nói thật với bạn, nếu hàng trăm ngàn người lính chúng tôi, một sáng đẹp trời nào đó, được lịnh bỏ súng để dọn mình trở thành người truyền giáo hay thành sứ giả của tình thương thì bạn sẽ thấy súng ống bị vứt đầy đường và đầy đường sẽ là những giáo sĩ và những tín hữu hòa bình. Họ sẽ rao giảng kinh Thánh, kinh Koran, kinh Phật hay bất cứ kinh gì dạy mọi người sống hòa bình, nhân ái.
Mấy mươi năm trước ba tôi đã quên những giây phút riêng tư của mình với người vợ mới cưới để từ một đất nước hòa bình đến một đất nước xa xôi vừa chiến đấu, vừa vá đường, vừa thương những đứa trẻ tội nghiệp như con. Thì nay, chuyện của tôi cũng vẫn là chuyện của tình thương và chiến đấu. Nhìn chúng tôi bị cả những em bé mà chúng tôi vừa mới cho kẹo ném những viên đá vào đầu xem ra thật là nghịch lý. Càng nghịch lý hơn nếu cứ vô tình để tâm hồn của các em bé như thế suốt đời bị màn u minh của một giáo điều che kín.
Ngày hôm nay các em bé thơ ném đá vào tôi, nhưng sự có mặt cần thiết của chúng tôi biết đâu sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của những bộ óc hay những cánh tay biết xây dựng dân chủ, hòa bình, công bằng, tự do, bác ái … trên đất nước nầy trong vài năm nữa. Có thành quả nào mà thiếu sự hy sinh, mất mát đâu.
Tôi hy vọng mẹ tôi sẽ đọc được những dòng này để bức ảnh ấy không làm buồn lòng bà. Và để khi tôi có dịp về nhà tôi sẽ nhìn thấy bức ảnh được dán chung với hàng trăm những bức ảnh khác trong căn phòng đặc biệt được gọi là Việt Nam Corner của mẹ con chúng tôi. Chừng đó chúng tôi có thêm những kỷ niệm để sống. Và chừng đó đất nước chúng tôi mới thật sự là đất nước hòa bình.
Trần Bang Thạch
Theo https://baotreonline.com ngày 28/6/2021
Be the first to comment