Xe Chạy Điện Dưới Mắt Của Một Khoa Học Gia

Mời quí bạn xem ý kiến về xe chạy điện của một khoa học gia (Tiến Sĩ Vũ Xuân Hoài) về nhiều góc cạnh khác nhau:

1. Chính quyền Mỹ (liên bang và một số tiểu bang) có khuynh hướng muốn “cấm” bán xe xăng trong vòng hơn mười năm tới. Theo tôi thì đây là chuyện hoàn toàn không nên làm. Hợp lý hơn thì nên để cho kinh tế thị trường quyết định.  Đằng nào lợi thì giới tiêu thụ khắc biết. Khi nào các hãng xe và chính quyền làm cho EV tiện lợi gần bằng xe xăng (nạp điện thật nhanh và infrastructure nạp điện nhiều bằng các trạm xăng bây giờ), mà giá thành càng lúc càng rẻ đến mức có thể cạnh tranh được với xe xăng thì không cần cấm đoán gì hết mà tự nhiên xe xăng sẽ “chết”.  Cần gì phải cấm đoán cho mang tiếng? Chính phủ có thể tiếp tục cổ võ xe điện bằng cách cho tax credit như bây giờ, cái đó không ai phản đối, nhưng cấm tiệt xe xăng thì không hợp lý.

Nói thí dụ như đèn incandescent.

Đến lúc đèn fluorescent ra đời thì đèn incandescent càng ngày càng ít. Bây giờ với LED thì gần như không ai dùng đèn incandescent nữa. Chính phủ đã cấm làm đèn incandescent, nhưng nếu không cấm thì cũng rất ít người dùng (phần lớn là mấy anh nhà giàu trang trí), sự phí phạm năng lượng không còn đáng kể nữa thì cấm làm gì cho mang tiếng? Xin hỏi trong nhóm chúng ta còn bao nhiêu người dùng bóng đèn incandescent? Không cần cấm mà đèn incandescent cũng tự nhiên mà “chết”.

2. Giá điện rẻ hơn xăng, chạy xe điện rẻ hơn xe xăng?

Ấy, bây giờ thì vậy nhưng tương lai thì chưa chắc. Tại sao vậy? Chính phủ bao giờ cũng đói tiền. Thuế xăng là một nguồn thuế khổng lồ cho chính phủ liên bang và các tiểu bang. Giả sử xăng biến mất trên thị trường thì chính phủ đánh thuế gì để bù vào sự thất thu thuế xăng? Tất nhiên là họ đánh thuế nguồn năng lượng thông dụng nhất, tức là điện. Lúc đó thì chưa biết điện sẽ đắt tới cỡ nào.

Lấy một thí dụ về thuốc lá.

Chính phủ liên bang và các tiểu bang mấy chục năm về trước lên thuế thuốc lá ào ào không phanh (ngoài mặt là bài trừ thuốc lá nhưng bên trong là do chính phủ cần tiền). Bây giờ không mấy ai hút thuốc lá nữa, nguồn thuế đó biến mất, chính phủ đánh thuế gì để gỡ lại bây giờ?  Xin thưa là họ bắt đầu hợp pháp hóa cần-sa (marijuana) để đánh thuế. Nếu đã bài trừ thuốc lá thì cũng nên bài trừ cần-sa luôn thể. Bước tới là hợp pháp hóa bạch phiến để thu thuế? Chuyện giá điện sẽ tăng ào ào trong tương lai không hoàn toàn viển vông đâu.

Cách đây không lâu chính quyền California tăng tiền nước để hạn chế việc dùng nước do nạn hạn hán. Dần dà dân dùng bớt nước đi để tiết kiệm. Khi lượng tiêu thụ giảm xuống quá nhiều, chính phủ lại phải tăng tiền nước liên tục vì “overhead” cho mỗi đơn vị nước tiêu thụ quá lớn. Thành ra bây giờ dân California tiêu thụ nước ít hơn ngày xưa nhiều lắm, nhưng hóa đơn tiền nước thì cứ càng lúc càng tăng, mặc dù nạn hạn hán đã thuyên giảm trong những năm vừa qua.

3. Khi người ta so sánh hiệu năng của xe điện và xe xăng thì chỉ thấy những phép tính hết sức đơn giản và tổng quát (one-size-fits-all), nhưng chưa thấy ai nói đến những yếu tố có tính cách địa phương (local factors).

Nói thí dụ xe điện chạy xứ nóng.

Nóng quanh năm mà chạy máy lạnh thì xe điện cũng như xe xăng, cả hai loại đều cần năng lượng để chạy máy lạnh trong xe. Nhưng ở những xứ lạnh gần như quanh năm, lúc nào cũng cần máy sưởi thì sao? Phó-sản (by-product) của máy xăng là nhiệt. Nhiệt là sự lãng phí cần thiết trong những máy xăng. Muốn sưởi ấm xe xăng thì người ta chỉ cần đưa coolant nóng (vì làm nguội máy) qua một cái heat exchanger gọi là “heater core”, rồi quạt gió nóng đó vào trong cabin xe. Vì thế mà máy sưởi trong xe xăng không tốn nhiên liệu (trừ cái quạt). Mặt khác, máy sưởi trong xe điện là cả một vấn đề, có thể làm giảm 40% khoảng cách mà một chiếc EV có thể chạy được với một bình điện đầy. Bàn như vậy thì thấy xe điện chưa chắc đã hợp lý ở những xứ quá lạnh, nhưng những xứ nóng thì lại hợp lý.

4. Hiệu năng của mạng lưới điện ở các nước trên thế giới cũng khác nhau rất nhiều. Sau đây là thống kê lấy từ:

https://www.statista.com/statistics/246481/transmission-and-distribution-losses-in-selected-countries/

Nói thí dụ như Congo, cứ mỗi kW tiêu thụ thì trung bình máy phát điện phải tạo ra 1.27 kW. Ở Ấn độ thì cứ mỗi kW tiêu thụ thì trung bình máy phát điện phải tạo ra 1.23 kW.  Những thất thoát của năng lượng điện lớn như vậy cần phải được đưa vào con tính so sánh hiệu năng giữa xe xăng và xe điện.

5. Một trong những hứa hẹn lớn nhất của xe điện là sự tự động hóa.

Cái này nhiều người mê lắm, nhưng những người trong cuộc thì lại lo sốt vó. Lý do là vấn đề an toàn. Cái gì càng dính dáng nhiều đến software thì lại càng có nhiều nguy hiểm. Bởi vì software trong EV phải dùng quá nhiều sensors nên những “model” trong software phần lớn không thể làm theo kiểu “rigorous”, mà phải theo kiểu “heuristic”. Vì lý do đó mà các hãng EV đang đua nhau dùng artificial intelligence và machine learning (AI/ML) trong software của xe.

Các hãng máy bay cũng vậy.

Tuy nhiên, chuyện này không đơn giản chút nào vì các cơ quan FAA (Federal Aviation Administration), US DoT (Department of Transportation),  NASA (National Aeronautics and Space Administration), … đang đổ tiền vào những trường đại học để nghiên cứu về mức độ an toàn (safety) và tin cậy (reliability) của AI/ML. Nên nhớ rằng một chiếc xe EV chạy loạng quạng thì chỉ chết vài người, nhưng máy bay rớt là mấy trăm người chết.  Các vệ tinh nhân tạo hay phi thuyền không gian chạy loạng quạng là mất mấy tỷ Mỹ kim. Muốn biết thêm về sự quan tâm này thì xin quý vị vào link này mà đọc:

https://www.faa.gov/media/82891.

Chuyên viên hàng đầu của FAA trong lãnh vực này là một bạn học Chu Văn An cùng lớp với tôi ngày xưa. Anh này đỗ tiến sĩ về điện vào đầu thập niên 1990, đã có thời là giáo sư ở nhiều trường đại học khác nhau, trong đó có cả trường huấn luyện sĩ quan không quân Hoa-Kỳ (US Air Force Academy). Bây giờ anh ta là một nhân viên rất cao cấp trong FAA, điều hành toàn thể những nghiên cứu của FAA về sự an toàn của AI/ML.

Những điều nêu ra bên trên chỉ là một lớp mỏng trên bề mặt của vấn đề. Hy vọng là trong tương lai sẽ có những nghiên cứu đầy đủ hơn.

Nói tóm lại là xe điện không phải bao giờ cũng hay hơn xe xăng trong mọi trường hợp và điều kiện. Và nếu xét vấn đề kinh tế trong tương lai thì cán cân chưa hẳn đã nghiêng về EV. Có những yếu tố không dính dáng gì đến kỹ thuật, nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách quốc gia (thí dụ như thuế, hoặc là thế lực của tư bản dầu hỏa, …) nằm ngoài vòng kiểm soát của giới tiêu thụ.

Theo Quán Ven Đường của GS Huỳnh Chiếu Đẳng ngày 11/10/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*