Có những người mà khi họ nở nụ cười là người ta thấy có duyên. Có vài người cứ cười hô hố, chúng ta gọi là … vô duyên. Lại có một số người đụng đâu hay nói gì cũng cười, và y khoa có một cái tên cho hiện tượng này: Hội chứng ‘Pseudobulbar Affect’ (PBA) hay nhiễu loạn cảm xúc.
Mấy ngày nay, cười trở thành một đề tài mang tính thời sự. Tại một đám tang kia, trong khi nhiều người tỏ ra buồn bã, một ông nở một nụ cười. Nụ cười của ông lập tức trở thành đề tài bàn tán của những người ‘ưu thời mẫn thế’ và họ so sánh với những nụ cười trước đây của ông trong giây phút khi ông vượt qua nguy kịch của sự nghiệp. Có thể phóng viên cố tình chụp lúc ông ấy cười chỉ 1 giây, còn quãng thời gian còn lại thì ông tỏ ra buồn bã? Nhưng nụ cười của ông xem ra không nhứt quán với chữ ‘có duyên’, nhưng ý nghĩa là gì thì chưa rõ.
Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, có một chị trung niên, rất nổi tiếng với những cái cười (không phải ‘nụ cười’). Đi đâu, nói gì, làm gì, chị cũng cười. Cười tự nhiên. Cười hô hố. Cười man dại. Cười bất cần người chung quanh có đồng tình hay không. Chị ấy tên là Kamala Harris, ứng cử viên Tổng thống Mĩ năm nay.
Cái cười của chị ấy đang trở thành một gánh nặng chánh trị, bởi người ta không thể nào có một tổng thống mà suốt ngày cứ cười hô hố. Các tờ báo thiên tả bắt đầu nhảy vào cứu bồ, và biện minh tại sao chị ấy hay cưởi. Theo một bài báo, Kamala giải thích rằng chị lớn lên trong môi trường mà những người phụ nữ hay cười. Chị nói có khi họ ngồi chung quanh nhà bếp, uống cà phê, nói chuyện phiếm, và cười lớn. Đó chính là lí do sau này trưởng thành, chị hay cười [1].
Nhưng cái cười của chị rất đặc biệt. Chị cười không đúng chỗ và tình huống. Một cây bỉnh bút Úc mỉa mai rằng: “Người phụ nữ đó cười hô hố. Tôi không biết bà ấy đang dùng thuốc gì, hay cái gì làm cho bà ấy lúc nào cũng vui vẻ. Nhưng bà ấy là một nỗi xấu hổ cho nữ giới.“
1. Nhiễu loạn cảm xúc – Pseudobulbar Affect
Chị cười trong khi người đối diện lúng túng, không hiểu tại sao chị ấy cười. Đối thủ chánh trị của chị ấy gọi chị là ‘Laughing Kamala’ hoặc ‘crazy’ (khùng). Tôi không nghĩ chị ấy khùng. Chỉ là một hội chứng hay cá tánh của chị ấy mà thôi. Có người [2] nghĩ rằng có thể chị ấy mắc chứng ‘Pseudobulbar Affect’ (PBA)!
Người mắc chứng PBA có đặc tính hay cười (hoặc khóc) một cách không thích hợp và không thể kiểm soát được. ‘Không thích hợp’ ở đây là dù hoàn cảnh nào, họ cũng cười, và cái cười của họ không hẳn phản ảnh cảm xúc. ‘Không thể kiểm soát’ ở đây là cưới hô hố, cười một cách hoang dại, cười như không có ngày mai.
Nguyên nhân của PBA là do tổn hại hay rối loạn thần kinh, nên họ không kiểm soát được cảm xúc của mình [3]. Người mắc chứng PBA có cảm xúc bình thường, nhưng họ thỉnh thoảng thể hiện cảm xúc một cách thái quá và không thích hợp. Theo một nghiên cứu trên Journal of Movement Disorders thì số người bị ảnh hưởng bởi PBA trong cộng đồng dao động trong khoảng ~4% đến 10%, tuỳ theo định nghĩa.
Chị Kamala có mắc chứng PBA? Tôi không biết. Nhưng hành vi cười hô hố và cười hoang dại của chị ấy có vẻ phù hợp với chứng PBA.
2.‘Word Salad’ và ‘Múa Chữ’
Đây là một mệnh đề mà không phải ai am hiểu tiếng Anh cũng biết. Một cách ngắn gọn, Word Salad, có nguồn gốc từ tiếng Pháp, có nghĩa là những chữ, những câu văn, hay những mệnh ngẫu nhiên. Có những người nói (hay viết) ra rất nhiều chữ, nhưng ý nghĩa thì không rõ ràng. Một ví dụ tiêu biểu là phát ngôn của chị ấy:
“Tôi yêu thích những biểu đồ Venn. Tôi thật sự yêu thích những biểu đồ Venn. Nó là cái gì đó về 3 vòng tròn và phân tích giao điểm. Phải không?” [4]
Đó là cách nói word salad. Điều này đáng ngạc nhiên, bởi vì người dùng word salad thường có học vấn thấp hoặc bị rối loạn thần kinh, còn ở đây, chị Kamala là người có học cao.
Trong một bài diễn văn, chị ấy giải thích nhu cầu đầu tư cho thế hệ người Mĩ trong tương lai, chị ấy trích một câu nói được cho là từ má của chị: “Tôi không biết mấy người trẻ ngày nay bị chứng gì, các bạn nghĩ mình vừa rớt từ cây dừa” [5]. Rồi chị cười hô hố. Cười xong chị lại nói một câu như trên trời rơi xuống: “Bạn tồn tại trong bối cảnh của tất cả những gì mà bạn sống và những gì đã có trước bạn” [6]. Đó chính là word salad. Nó không có ý nghĩa gì cả.
Word Salad nói theo tiếng Việt cũng có thể hiểu là ‘múa chữ‘. Cũng như người múa may quay cuồng làm cho khán giả không biết họ làm gì, những người múa chữ nói và viết lung tung, làm như là ‘trí thức’ lắm, nhưng thật ra là vô nghĩa. Thật vậy, có những người muốn thể hiện mình ‘hay chữ’, nên họ viết rất dài, và dùng toàn những chữ vừa khó hiểu vừa thừa thải, nhưng ý nghĩa thì rất ít. Trong một lần nói về quyền phá thai tại Đại học Howard, chị ấy làm nhiều người gãi đầu:
“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng, như bạn đã nghe từ nhiều nhà lãnh đạo tuyệt vời, là chúng ta ở mỗi khoảnh khắc trong thời gian — và chắc chắn là ngay lúc này — phải nhìn thấy khoảnh khắc mà chúng ta tồn tại và hiện diện, và có thể đặt nó vào ngữ cảnh, để hiểu chúng ta tồn tại trong lịch sử và khoảnh khắc này như thế nào, không chỉ liên quan đến quá khứ mà còn cả tương lai” [7].
Đây là một kiểu múa chữ. Những cách nói như ‘mỗi khoảnh khắc trong thời gian‘ (‘the moment in time’) rất ư là vô nghĩa.
3. Chứng logorrhea
Múa chữ có liên quan đến hội chứng logorrhea.
Đây cũng là một chữ … hay. Chữ này có liên quan đến diarrhoea (có nghĩa là tiêu chảy); do đó, logorrhea có nghĩa là ‘tiêu chảy chữ nghĩa’ hay verbal diarrhoea. Từ điển Oxford định nghĩa logorrhea hay lalorrhoea là nói quá nhiều nhưng không có ý.
Các chuyên gia tâm lí định nghĩa logorrhea là một rối loạn về thông tin (communication disorder). Người mắc chứng logorrhea dùng nhiều chữ thừa thải, hay lặp lại những câu chữ một cách không cần thiết, và họ làm cho khán giả khó theo dõi.
Trong thời gian tranh cử năm 2020, chữ này là một trong những chữ được cư dân mạng tìm kiếm nhiều nhứt. Tại sao? Tại vì nó có liên quan đến chị Kamala. Trong một bài viết trên tờ Daily Mirror (Anh), tác giả trình bày nhiều chứng cớ cho thấy chị Kamala mắc chứng ‘tiêu chảy chữ nghĩa.’
Trong một bài nói chuyện, chị ấy cố gắng giải thích văn hoá có nghĩa gì, nhưng cách chị ấy lặp đi lặp lại chữ ‘culture’ làm cho cách giải thích … vô nghĩa:
“Culture is — it is a reflection of our moment in our time, right? And in present culture is the way we express how we’re feeling about the moment” (Văn hoá là phản ảnh thời điểm hiện tại, phải không? Và, hiện tại, văn hoá là cách chúng ta thể hiện cảm xúc về thời điểm hiện tại).
Không ai biết chị ấy nói gì. Có lẽ chính chị cũng không hiểu mình nói gì?
Tôi muốn nghĩ rằng chị Kamala là người vui tánh và dễ dãi. Vì vui tánh và dễ dãi, nên chị ấy hay cười. Cười ngẫu nhiên. Cười điên dại. Cười … vô duyên. Về giao tế hàng ngày, có lẽ cái cười của chị ấy vô hại, làm vui cho khách.
Nhưng nếu chị ấy là tổng thống, tổng tư lệnh quân đội, lãnh tụ của thế giới tự do, mà chị ấy cười như thế thì là một chuyện khác. Thử nghĩ, các chánh khách như Benjamin Netanyahu (một người rất thông minh) đối diện với cái cười của chị ấy, họ nghĩ gì? Có thể họ nghĩ ‘Chị này hình như thiếu sự nghiêm trang’. Cũng có thể họ nghĩ mọi việc đối với chị ấy chỉ là phường tuồng, và cái cười của chị ấy là tỏ ra khinh người. Nước Mĩ có thể sẽ không trở thành một ‘laughing stock’ cho thế giới nay mai.
Tuan V. Nguyen AM
Ngày 27/7/2024
Nguồn: https://nguyenvantuan.info/2024/07/27/cuoi-pseudobulbar-affect-word-salad-va-logorrhea/
[1] https://www.newsweek.com/kamala-harris-laugh-origins-1930182
[2] https://www.americanthinker.com/blog/2021/03/the_meaning_behind_kamalas_cackle.html
[3] https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudobulbar-affect/symptoms-causes/syc-20353737
[4] Nguyên văn: “I love Venn diagrams. I really do, I love Venn diagrams. It’s just something about those three circles and the analysis about where there is the intersection, right?”
[5] Nguyên văn: “I don’t know what’s wrong with you young people, you think you just fell out of a coconut tree.”
[6] Nguyên văn: “You exist in the context of all in which you live and what you came before you”.
[7] Nguyên văn: “So, I think it’s very important, as you have heard from so many incredible leaders, for us at every moment in time — and certainly this one — to see the moment in time in which we exist and are present, and to be able to contextualize it, to understand where we exist in the history and in the moment as it relates not only to the past but the future”.
Be the first to comment