Quốc Phụ

Như ta biết, 4 tháng 7, 1776 là ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập được các đại biểu tại Philadelphia ký kết và thông qua, một năm sau khi cuộc khởi nghĩa giành độc lập từ Anh quốc khai mào. Những vị khai quốc công thần ấy đã làm một việc vô cùng táo bạo, bởi nếu vua Anh thắng thì họ sẽ mất tất cả — đất đai, tài sản, và có thể cả tính mạng. Sau đây là vài chi tiết thú vị về các nhà quốc phụ mà có lẽ ít ai biết.

George Washington tuy là một vị tướng tài ba, nhưng đội quân hỗn hợp do ông thống lĩnh không thể so sánh với lực lượng chính quy của Anh. Cho nên trong số 21 trận đụng độ do ông chỉ huy, Washington bại nhiều hơn thắng, với tỉ số 8-4-9 (tính theo kiểu đá banh) với 4 trận huề. Dẫu vậy, cuối cùng Washington vẫn đạt được mục đích nhờ biết cách cầm quân, dưỡng sức và chọn địa điểm giao tranh. Trận then chốt tại Yorktown vào tháng 10, 1781 chấm dứt cuộc chiến khi tướng Anh Cornwallis đầu hàng.

Washington trong trận hòa tại Monmouth, 6/1778 (Wikimedia)

Thomas Jefferson tự soạn văn bia cho mình trước khi chết và dặn dò con cháu không được đề thêm bất cứ chữ nào trên đó. Ông ghi: “Đây là nơi an nghỉ của Thomas Jefferson / Người soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập / Đạo Luật Tự Do Tín Ngưỡng cho tiểu bang Virginia / và người sáng lập Đại học Virginia”. Ông không hề nhắc đến chuyện mình từng làm Thống đốc Virginia, Bộ trưởng Ngoại Giao đầu tiên, Phó Tổng Thống thứ nhì, hay Tổng Thống thứ ba của nước Mỹ!

Đền tưởng niệm Thomas Jefferson tại Washington D.C. (David Coleman)

Benjamin Franklin không chỉ là một trí thức siêu việt mà còn là một nhà phát minh tài ba. Ông từng sáng chế ra một nhạc cụ dùng thuỷ tinh để tạo âm thanh, dựa trên kỹ xảo vuốt tay trên ly thuỷ tinh mà ông chứng kiến tại Pháp vào giữa thế kỷ 18. Ông đặt tên cho cây đàn của mình là “glass armonica” (không phải “harmonica”). Nó rất được công chúng thời đó yêu thích. Thậm chí một số nhạc sĩ còn soạn nhạc cho nó, trong đó có cả Mozart và Beethoven! Rất tiếc đến thập niên 1820 thì “glass armonica” hết thời, ngày nay rất ít ai biết chơi loại đàn này nữa.

Đền tưởng niệm Benjamin Franklin tại Philadelphia (Ben Franklin Institute)

Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chánh đầu tiên của nước Mỹ, là dân nhập cư sinh ra trên đảo Nevis trong vùng biển Caribe. Giấy khai sanh ghi ông sinh năm 1757, nhưng Hamilton lúc nào cũng quả quyết ông sinh năm 1755. Sử gia vẫn chưa xác định được ông sinh năm nào, nhưng có giả thuyết cho rằng hồi còn vị thành niên ông đã khai láo để được đi làm kiếm tiền nuôi thân. Một thuyết khác, đáng tin cậy hơn, cho rằng Hamilton đã nói dối khi ông nộp đơn vào đại học Princeton. Dù gì chăng nữa, Alexander Hamilton đã nghiễm nhiên trở thành nhà quốc phụ được giới trẻ biết đến và ngưỡng mộ nhiều nhất — nhờ vở nhạc kịch “Hamilton”.

Tượng Alexander Hamilton, đặt trước Bộ Tài Chánh ở Hoa Thịnh Đốn (Wikimedia)

Mặc dù James Madison không ký tên trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng ông là người soạn bộ phụ lục Bill of Rights của Hiến Pháp nhằm xác định các quyền tự do căn bản cho người dân. Do đó Madison còn được cho là nhà quốc phụ có ảnh hưởng nhiều nhất đến đời thường của dân Mỹ. Nhưng có lẽ ít ai biết vị tổng thống thứ tư của Mỹ này cũng là tổng thống lùn nhất – 5’4 (1.63m), thấp hơn Abraham Lincoln – 6’4 (1.93m), cả một foot! Có phải tại vậy mà toà nhà tưởng niệm Madison có trần rất cao?

Khu tưởng niệm James Madison tại Washington D.C. (Library of Congress).

Paul Revere, người được biết đến nhờ cưỡi ngựa báo động cho cư dân Massachusetts biết lính Anh đang tấn công năm 1775, sinh thời làm nghề nha sĩ. Bạn ông, bác sĩ Joseph Warren, chính là người nói cho Paul Revere biết tin này trước tiên. Chỉ vài tháng sau Warren hy sinh trong trận Bunker Hill (6/1775). Nhưng phải gần 9 tháng sau đó xác của Warren mới được nhận dạng bởi Paul Revere nhờ hàm răng. Không chỉ là một nhà quốc phụ, ngày này Paul Revere còn được xem là ông tổ của ngành giám định pháp y bằng kỹ thuật nha khoa.

Tượng Paul Revere tại Boston (Wikimedia)

Trong số các nhà quốc phụ, người bị phụ bạc nhất là Thomas Paine, tác giả hai tập sách có công lớn trong việc kích động tinh thần chiến đấu và niềm tin của dân Mỹ vào công cuộc cách mạng – “Common Sense” (1776) và “The American Crisis” (1776, 1783). Khi ông mất tại New York năm 1809, chỉ có 6 người đến dự tang lễ. Phải mất cả trăm năm sau người Mỹ mới nhận thức được tầm vóc của ông trong lịch sử hình thành Liên bang Mỹ quốc. Năm 1937 một bài báo của tờ London Times gọi Thomas Paine là Voltaire của nước Mỹ.

Tượng Thomas Paine tại thành phố Norfolk, Anh quốc (Homermeyn)

Ian Bùi
Nguồn: https://baotreonline.com ngày 6/7/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*