Tình trạng người Việt bằng cách này hay cách khác để vượt biên sang Mỹ và những nước tự do, tiến bộ ngày càng nhiều. Chỉ khác với thời thuyền nhân là thời đó, người ta vượt biên để tìm tự do, vì sợ chết, sợ ai đó trả thù, đấu tố… còn bây giờ, người ta vượt biên để tìm miền đất hứa, tìm một thứ gì đó mà người ta đã chờ đợi gần nửa đời người vẫn không thấy, người ta buộc lòng phải đi tìm, không thể gác lời hứa cũng như công việc tìm kiếm ấy cho thế hệ sau được. Thế nhưng, đâu phải cứ tìm là có, tìm là được, nhiều người bỏ xứ mà đi, cuối cùng, cũng không còn xứ để trở về.
Trường hợp nhiều gia đình dọc bờ biển Quảng Điền – Thừa Thiên – Huế là một ví dụ.
Cực quá, biết làm gì mà ăn?
Hầu như đó là lập luận chung của nhiều người, lập luận rất thật chứ không phải than thở hay diễn giải gì. Thời tôi còn nhỏ, tôi sống với ông ngoại, ông tôi người Quảng Điền, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và cũng từng mệt mỏi, ngán ngẩm thế sự. Nhờ cái mệt mỏi của ông mà tôi thỉnh thoảng được nghe ông nói về cái xứ có tới hai ông “cách mạng bự” là Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu, đương nhiên, qua lời kể của ông thì tôi thấy họ cũng chẳng bự gì. Nhưng thôi, đó là chuyện khác.
Trong tiềm thức của tôi, hình ảnh những xã bên kia động cát như Quảng Công, Quảng Ngạn và các xã ven biển như một thế giới cổ tích xa lắc xa lơ nào đó. Sau này, đọc tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo, tôi lại nhìn thấy vùng biển quê ngoại ấy trong tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản này.
Thế rồi sau nhiều năm, tôi cũng đến được cái nơi mà qua các động cát, qua các rừng sú, vẹt, rừng ngập mặn, qua các đầm phá, qua một đoạn Tam Giang… Thú thực, nơi ấy có gì đó khiến tôi rùng mình, một cái nơi nhà của người sống chen lẫn với nghĩa địa, con người có gì đó thật liêu trai và hoang hoải, còn nghĩa trang lại có gì đó gần gũi và sống động… Điều ấy khiến tôi thấy sợ. Một vùng đất chỉ biết dựa vào cây phi lao, đánh bắt gần bờ và những vồng khoai, những đám ruộng nhỏ, những bãi dưa để tồn tại, thì e rằng, người trẻ không biết bỏ xứ mà đi mới là chuyện lạ!
Phát triển du lịch, dân chưa thấy lợi
Như lời của ông Trung, một nông dân ở Quảng Ngạn chia sẻ:
– Ở đây thì biết làm gì để sống chứ, chủ yếu là ăn nhín uống nhịn để học kiếm cái chữ, chính cái chữ đổi đời cho mình. Còn bây giờ thì chỉ có vượt biên mới đổi đời cho mình thôi!
– Tại sao cái chữ có thể đổi đời mà người ta lại chọn vượt biên hả bác?
– Trước đây, có cái chữ, có được công việc, còn bây giờ, có cái chữ, có được kỹ năng đọc áp (app) gì đó, biết thêm thế giới internet để mà chạy xe ôm grab. Nhưng đâu phải ai cũng đủ vốn để mua cái xe, mua cái điện thoại xịn mà chạy xe ôm đâu. Với lại bây giờ, người chạy xe ôm đầy đường, ai dám mạo hiểm đầu tư nữa. Lẽ nào học xong cái chữ về lại đi làm ruộng, thôi thì vượt biên là đường thoát.
– Bác tin rằng vượt biên là đường thoát sao?
– Tin chứ cháu, giờ còn đường nào khác đâu!
– Bác chưa từng nghe nói có nhiều người vượt biên nửa chừng thì bị bắt, bị nhốt, trả về nước và chịu rất nhiều thiệt thòi sao? Và bác có bao giờ nghe nói đến những đường dây giả mạo giấy tờ, buôn người?
Buồn xa xăm…
– Có, ở đây dân người ta rành lắm, rành hơn là cháu nghĩ, vì có người bị lừa rồi, có người bị bắt rồi, có hết. Vì chính lẽ này, tức là bị quá nhiều và tìm hiểu, mạo hiểm quá nhiều nên người ta thành ra rành rọt và quen chuyện rồi. Nhưng dù như thế nào thì muốn đổi đời cũng phải đi thôi. Chứ ở đây lấy gì để sống, những cơ hội tốt đẹp nhất thì thuộc về con của các ổng (tức cán bộ) hết rồi, mình lấy đâu mà không đi, ở đây quanh năm bám ruộng nương, mà khi ruộng nương lên giá thì người ta cũng bị thu hồi, đền bù với giá rẻ mạt để tiền lại lọt vào tay kẻ khác. Khổ!
Cùng mối ưu tư với ông Trung, anh Chiến, một người trẻ, có nghề nghiệp ổn định, chồng làm thợ kép (tức thợ đắp chỉ, xây mộ hàng giỏi), vợ kinh doanh may mặc, nhưng dường như hỏi về tương lai lâu dài, anh vẫn cho rằng:
– Chỉ có vượt biên, sống trên xứ người thì con cái mình mới tiến bộ được. Mình là người làm ăn, mình cũng có tầm nhìn lắm đó, mình thấy vậy!
– Xin anh nói rõ hơn về nhận định của anh được không ạ?
– Được chứ, chị biết rồi đó, ở xứ này, dù có học giỏi mà không có quyền thế thì cũng khổ thôi, muốn xin việc thì phải đút lót, mà có mấy người có tiền nhiều để đút lót đâu. Toàn là làm chân sai vặt cả đời, lương ba đồng ba cọc, còn thua cả lương thợ hồ nữa. Còn đất đai bây giờ chị thấy rồi đó, cứ chỗ nào phát triển thì thu hồi, đền bù, mua được cái gì. Chính vì vậy mà có cơ hội để cầm cố, thế chấp nhà cửa, đất đai để đi là người ta đi ngay. Vì người ta biết đi là mạo hiểm, nhưng vẫn ít mạo hiểm hơn ở lại, bám lấy cái nghèo để đến khi giàu thì người khác hưởng (cười chua chát).
Những lăng mộ to hơn nhiều so với nhà ở
Còn những ngôi mộ và đền tháp
Hầu như gia đình nào đi vượt biên đều chịu chung một cảnh là nhà bị tịch thu sung vào công quỹ nếu không còn người ở lại giữ nhà và đứng ra đóng thuế, làm thủ tục với nhà nước. Chính vì vậy mà có nhiều ngôi nhà hoang vì chủ nhà đã ở bên kia đại dương. Và một khi đã đi sang được nước khác, người ta nuôi ước mơ với quyết tâm sẽ bằng mọi giá nhập cho được quốc tịch nước đó, bằng cách sinh con đẻ cái trên đất Mỹ hoặc cách này, cách khác… Và, những gì họ để lại, còn lại trên quê hương lại là những lăng mộ.
Chị Phương, một người từng vượt biên thất bại nhiều lần, chia sẻ:
– Ở đây, em cứ thấy người nào nghèo nghèo như chị là không may mắn trong vượt biên, còn lại, từ sau 1975 đến giờ, làn sóng vượt biên chỉ thay màu, thay sắc chứ không thay đổi về số lượng, thậm chí ngày càng nhiều hơn cơ!
– Dạ, theo chị thấy thì vượt biên tốn kém như vậy, nếu mình bỏ thời gian đó để nỗ lực trên quê hương có tốt hơn không chị?
– Chị nghĩ là sẽ tốt hơn nếu mình có điều kiện, có quyền thế. Nhưng mà cái đó mình không có thì phải vượt ra bên ngoài để hướng tới tương lai, con cái học tập. Còn ở quê nhà thì nhà cửa mình cầm cố, thế chấp, nếu lâu ngày không lấy thì mất luôn, ngân hàng, chủ cho vay sẽ có cách để bán nó đi. Coi như huề. Mình còn lại mộ ông bà, về xây để có chốn mà khi nào nhớ quê thì về quê thắp ông bà cây nhang, vậy cũng nguôi ngoai em à!
Không phải cây gì cũng trồng được trên đất cát
– Ở đây có nhiều ngôi mộ rất lớn, có lẽ là của thân nhân người vượt biên phải không chị?
– Ừ, đúng rồi, em dùng chữ thân nhân ở đây nghe xót xa thật, nhưng mà nó rứa đó. Người vượt biên, nếu có cơ hội là họ kéo cả gia đình, tộc họ đi sang xứ người để cứu lấy tương lai. Ở lại quê nhà, chỉ còn quá khứ, quá khứ chính là thân nhân, là những ngôi mộ kia. Và họ xây thật to lớn để đền đáp công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng là cái chốn để Tết, lễ, có dịp họ về, họ xem đó là ngôi nhà tâm linh, là tổ ấm chốn xưa. Xứ nghèo, nhiều chuyện khó nói và buồn em ạ!
– Em thấy ở đây mộ có vẻ lớn hơn nhà chị nhỉ?
– Đúng rồi em, nhà nào giàu có, có người thân vượt biên thì họ cũng xây vừa vừa thôi, vì họ nghĩ rằng bản thân họ có thể vượt biên trong một dịp nào đó. Còn những nhà không có người thân vượt biên thì nghèo rớt mùng tơi, như nhà chị chẳng hạn, có cày thâm xương cũng chỉ xây được căn nhà cấp bốn, tới mùa mưa bão thì run rẩy, sợ sệt, lo lắng, lại chui vào các lăng lớn để nấp bão.
– Chị thấy lăng ở đây trung bình khoảng bao nhiêu tiền vậy chị? Và lăng lớn nhất giá chừng bao nhiêu?
Những ngôi nhà ‘vô chủ’ đã lâu
– Ồ, khó nói lắm. Nhưng trung bình thì lăng chừng một đến ba tỷ đồng. Có nhiều dòng tộc người ta xây đồ sộ, lăng tới mấy chục tỷ đồng lận, lăng có đến hai lớp tường rào, hai cổng, có người bảo vệ, có công viên trong sân lăng và trước cổng ngoài lăng. Nhìn chung, ở xứ này, người chết lại giàu có hơn người sống. Vì người chết có con cháu vượt biên. Rồi ai cũng bỏ xứ mà đi thôi! Không vượt biên thì cũng vô Nam làm thuê à, mà làm thuê thì cũng chẳng được mấy đồng, xây nhà còn không nổi lấy chi xây lăng, thôi thì rồi cũng vượt biên à!
– Chị không hy vọng vào ngày mai sao?
– Có chứ em. Sống thì phải biết hy vọng. Nhưng thú thực là xứ này chó ăn đá gà ăn muối, không bỏ xứ mà đi thì chẳng biết sống răng chừ!
Mấy lời kết của chị cứ như một cơn bão cát cuồn cuộn và khô khốc đi qua xứ sở vốn dĩ rất “chó ăn đá gà ăn muối” này. Thú thực, chẳng biết dựa vào gì để mà sống nếu không bỏ xứ mà đi. Còn chờ đợi vào du lịch, vào tương lai phát triển chung sao? Thì hình như cơ hội ấy lại thuộc về những người có tiền, những nhà đầu tư!
Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào đánh bắt gần bờ và trồng trọt để sống
Bài & ảnh của Uyên Ca
Nguốn: https://baotreonline.com ngày 30/6/2024
Be the first to comment