Hôm qua 8 tháng 6 năm 2024, tôi và anh Lê Đình Thành, một người bạn của nhà văn Trần Hoài Thư, lái xe từ Boston xuống New Jersey để tiễn đưa nhà văn Trần Hoài Thư. Anh nằm trong quan tài trắng đơn giản. Màu da nám đen sau cơn bệnh cuối cùng.
Anh ra đi để lại hai bộ sách Văn Miền Nam Trong Thời Chiến, Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam Cộng Hòa anh đã sưu tập được trong suốt gần 20 năm và nhiều tác phẩm văn thơ khác của riêng anh. Từ nhà anh lên đại học Cornell chỉ đi và về thôi đã mất 10 tiếng đồng hồ. Vào mùa đông còn xa thăm thẳm nhưng anh đã đo đoạn đường này không biết bao nhiêu lần. Ngoài đại học Cornell, anh còn đến đại học Yale, cách nhà ba tiếng lái xe. Anh kể với nhà văn Trần Doãn Nho “Thư viện [đại học Yale] là một ngôi lầu rất cao. Có lần tôi đang ở tầng cao nhất thì chuông cứu hỏa báo động. Thang máy ngừng chạy. Chỉ một mình tôi chạy bộ xuống lầu. Và khi xuất hiện, bà xã tôi đứng đợi ở đó, khóc vì quá mừng!”
Thân bằng quyến thuộc và anh chị em trong giới cầm bút từ nhiều nơi như Houston, Dallas, Washington DC, Philadelphia, Boston v.v… đã đến tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng. Nhiều câu chuyện được kể lại. Một người cháu của anh, nhà văn Tô Thẩm Huy và tôi kể lại những kỷ niệm vui đã có với anh.
Tôi rất biết ơn anh vì học được nhiều ở anh. Anh em chúng tôi cùng nghề nên ngoài chuyện văn chương cũng chia sẻ nhiều về kỹ thuật. Ít nhất hai lần anh viết bài để khuyến khích tôi. Căn nhà cũ của tôi ở Dorchester là “khách sạn năm sao” của mấy chục ông anh văn nghệ sĩ, mấy chục bà chị dâu, trong đó có anh và chị Yến suốt thập niên 1990. Hai anh em chúng tôi còn đi “giang hồ” nhiều nơi. Bức ảnh cháu Thoại dùng làm ảnh thờ là bức ảnh tôi chụp anh đứng bên bên bụi mía ở Arizona gần ba mươi năm trước.
Tôi rất mừng gặp lại nhà văn Phạm Văn Nhàn, người đã cùng với anh Trần Hoài Thư chăm sóc Thư Quán Bản Thảo từ số đầu tiên năm 2000 cho tới nay. Anh Phạm Văn Nhàn cùng tuổi với anh Thư, cũng phải chống gậy rồi. Tôi cảm thấy thương thế hệ của những người anh có trách nhiệm vô cùng. Hai anh em đến cạnh quan tài. Anh Phạm Văn Nhàn thay mặt nói vài lời với anh Thư, rồi ba anh em ‘selfie’ nhau một tấm hình kỷ niệm.
Tang lễ đơn giản diễn ra theo nghi lễ Phật Giáo. Sau một thời kinh của các Thầy, những lời chia sẻ của bà con và thân hữu, lời cám ơn thay mặt tang quyến của bác sĩ Trần Quốc Hưng cháu gọi nhà văn Trần Hoài Thư là chú ruột, vợ chồng con trai của nhà văn và hai cháu nội cùng thân hữu theo sau xe chở quan tài màu đen. Đoàn xe khoảng chừng mười chiếc. Xe chúng tôi chạy cuối cùng.
Vì đường về nhà phải qua những xa lộ xuyên bang 93, 95 kẹt xe nhất nước Mỹ nên Anh Lê Đình Thành bảo “Mình sẽ tiễn anh Thư xa như có thể và khi gặp bảng chỉ đường ra xa lộ 95 chúng ta sẽ chia tay anh Thư ở đó.” Chạy một đoạn khá xa, anh Thành đưa tay vẫy “Chào anh Trần Hoài Thư”, tôi cũng đưa tay và nói nhỏ “tạm biệt Anh”. Mỗi lần lên Boston anh thường đến quán phở trên đường Dorchester do anh Thành làm chủ để uống café, ăn phở và có khi chỉ để thăm nhau. Anh Trần Hoài Thư viết “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hoá Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng…” là có ý nhắc đến quán phở của anh Thành mà anh Thư thường hay ghé.
Văn minh nhân loại không phải là của riêng ai, của quốc gia nào mà là của cải được tích lũy từ nhiều thời đại, nhiều dân tộc và nhiều chủng tộc.
Mọi người đều sẽ ra đi và hành trang chỉ là mây, là gió, nhưng ai cũng có thể để lại cho đời sau những giá trị vật chất hay tinh thần làm phù sa bồi đắp cho cánh đồng văn hóa của quê hương. Nhà văn Trần Hoài Thư đã để lại cho các thế hệ Việt Nam mai sau rất nhiều, ngoài các tác phẩm, công trình sưu khảo văn học đồ sộ, còn là một lòng chung thủy đẹp như ánh trăng Rằm.
Chị Yến ra đi trước anh Thư đúng một tháng vì anh còn một số việc phải làm. Chắc anh chị đã hẹn hò và dặn dò nhau như thế trong những ngày thứ Sáu ở Nursing Home. Nếu tin vào Nhân Duyên, chúng ta sẽ nhận ra tình vợ chồng của anh chị Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến đã kết thúc một cách diệu kỳ.
Hoa hạnh phúc cuối cùng đã trổ ra từ những nhánh khổ đau, những cành chịu đựng.
Kính tiễn Anh.
Trần Trung Đạo
Be the first to comment