Như tất cả người học Phật đều đã biết, hơn 2500 năm trước, Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni có 10 Đại đệ tử. Một số trong mười vị Đại đệ tử này vẫn còn ở lại nhân gian với nhiệm vụ hoằng hóa chúng sinh.
Có vị vì đại nguyện cứu độ chúng sinh như Tôn giả A Nan, có những vị do khẩu dụ của Đức Thế tôn mà ở lại như Thái tử La Hầu La hay Tôn giả Phú Lâu Na. Tôn giả Phú Lâu Na, đệ nhất pháp sư – người nói pháp hay nhất trong thời Phật tại thế.
Vị Tôn giả Phú Lâu Na này ngay thời Phật tại thế, chung quanh ngài đã có rất nhiều giai thoại và huyền thoại. Mấy trăm năm sau ngày Phật diệt độ, vẫn rải rác chuyện ngài Phú Lâu Na thị hiện ở những pháp hội đó đây. Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện rất đặc biệt về đức độ hoằng hóa của ngài Phú Lâu Na.
“Tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp độ sinh mà không cầu được cung kính, không tránh chỗ khó khăn để tìm nơi dễ dàng. Mà ngược lại, những nơi chúng sinh càng khó hóa độ bao nhiêu thì tôn giả càng nhiệt tâm phấn chí bấy nhiêu. Cố làm sao để Phật pháp được truyền bá tại những nơi đó.
Một lần nọ, sau khi mùa an cư kết thúc, Tôn giả Phú Lâu Na lại muốn lên đường hoằng hóa. Tôn giả bạch Phật:
- Bạch Đức Thế tôn, xin cho con được đến xứ Du Lô Na (Surapatanta) để hoằng pháp.
Dù rất hoan hỉ với lời thỉnh cầu này, nhưng vì biết việc giáo hóa ở Du Lô Na vô cùng khó khăn nguy hiểm cho nên Phật bảo:
- Phú Lâu Na, giáo hóa chúng sinh là việc lợi mình lợi người. Như Lai rất hoan hỉ để ngài hoàn thành chí nguyện. Có điều ngài đi bất cứ nơi nào cũng được, nhưng nếu đi Du Lô Na thì Như Lai không yên lòng vì hà tất thầy phải đi Du Lô Na. Thầy nên chọn một địa phương khác, Như Lai sẽ tiễn thầy lên đường.
- Vì sao vậy, bạch Thế tôn? Không phải bất cứ nơi nào có chúng sinh thì chúng con đều có thể đến sao?
- Phú Lâu Na, thầy nên biết Du Lô Na là một nước nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh, vì đường giao thông không tiện lợi nên văn hóa không được mở mang. Dân chúng ở đó hầu hết là lỗ mãng, hung dữ và quen tính bạo động. Người ở các nơi khác khi đã đến nơi đó khó có ai hi vọng giữ toàn tính mạng trở về. Nay thầy đến nơi đó, Như Lai sợ sẽ xảy ra chuyện nguy hiểm chăng.
Nhưng tôn giả kiên quyết thưa:
- Bạch Thế tôn, thật con không biết dùng lời lẽ gì để diễn đạt lòng cảm kích của con đối với tình thương yêu bảo bọc của Thế tôn dành cho chúng con. Càng cảm kích ân đức của Thế tôn, con càng hân hoan được xả thân để phụng sự chánh pháp và phụng sự chúng sinh. Hôm nay chính vì Du Lô Na là một nơi chưa được khai hóa, trước đến nay chưa có vị nào phát tâm đến đó giáo hóa nên con càng cảm thấy mình không thể nào không đi đến đó được. Con cũng biết đi đến xứ này là điều rất nguy hiểm nhưng vì chí nguyện tuyên dương chánh pháp mà con phải quên đi sự an nguy của bản thân. Vậy xin Thế tôn từ bi mà hứa khả cho.
Đức Phật vô cùng hoan hỉ vì tinh phần vì pháp hi sinh của Phú Lâu Na nhưng để cổ lệ thêm cho tinh thần của đại chúng, ngài tiếp tục hỏi tôn giả:
- Phú Lâu Na, thầy nói đúng lắm. Phàm là đệ tử Như Lai thì phải lấy sự hoằng hóa làm một trong những điều trọng yếu của công phu tu tập. Nhưng nay thầy đến xứ Du Lô Na giáo hóa, nếu dân chúng ở đó không tiếp nhận sự giáo hóa của thầy mà còn mắng chửi thầy thì sao?
- Bạch Thế tôn, nếu họ chỉ mắng chửi con thì con nghĩ họ vẫn còn là người tốt chứ chưa đến nỗi dã man lắm đâu vì họ chưa dùng đến gậy gộc để đánh con.
- Nhưng nếu họ dùng gạch đá ném thầy hay dùng gậy gộc đánh thầy thì sao?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ họ vẫn còn là người tốt vì họ chưa dùng đến dao kiếm để đâm cho con bị thương tích nặng.
- Nhưng nếu họ dùng dao kiếm để đâm thầy đến bị thương tích nặng thì sao?
- Bạch Thế tôn, nếu chỉ có thế thì con nghĩ họ vẫn là người tốt vì dù sao thì họ vẫn còn chút ít nhân tính, chưa đến nỗi giết con chết một cách thảm khốc.
- Nhưng nếu họ giết chết thầy thì sao?
- Bạch Thế tôn, nếu điều này xảy ra thì con lại càng cám ơn họ vì giết chết cái xác thân này của con tức là họ giúp con vào cảnh giới Niết bàn cũng như giúp con dùng thân mạng này để báo đáp thâm ân của Thế tôn. Sự việc này nếu xảy ra thì đối với con không phải là điều chướng ngại. Nhưng chỉ có một điều đáng tiếc là con chưa kịp làm gì giúp ích cho họ mà thôi.
Đức Phật khen ngợi:
- Phú Lâu Na, thầy quả thật xứng đáng là một vị đệ tử lớn của Như Lai. Bất cứ là tu tập hay hoằng hóa, thầy đều học được đức tính nhẫn nhục của Như Lai. Tâm và cảnh ở trong tự thân thầy lúc nào cũng tĩnh lặng. Bây giờ thì thầy đi được rồi. Như Lai và đại chúng đưa thầy lên đường.
Được Đức Phật cổ lệ, tôn giả vô cùng cảm động, quyết tâm càng được tăng cường tưởng như không thứ gì có thể làm cho lay chuyển. Tôn giả đảnh lễ Đức Phật rồi lên đường đi Du Lô Na.”
Lần đó Tôn giả Phú Lâu Na đã hoằng pháp thành công ở cái xứ mà con người còn hung dữ, chưa biết văn hóa, chưa biết đức lễ là gì. Hơn 25 thế kỷ đã trôi qua đến nay, Tôn giả A La Hán Phú Lâu Na chắc chắn nếu chưa thành Phật thì đã là Bồ Tát và ngài vẫn còn ở nhân gian này với chúng ta bởi khẩu dụ của Đức Thế tôn.
Đất nước Việt Nam có hơn 4000 năm lịch sử. Con người Việt Nam cũng hay xiển dương văn hóa của mình, đặc biệt là văn hóa Phật giáo vì Phật giáo đã đến Việt Nam trước cả Trung Hoa. Nhưng chuyện gì đã xảy ra cho lịch sử và văn hóa Việt Nam? Chuyện gì đã xảy ra cho Phật giáo Việt Nam?
Sau tháng Tư, 1975, 80% chùa hay tịnh xá nằm trong sự quản lý của nhà nước có nghĩa là 80% tăng ni là tăng ni “quốc doanh”. Con người Việt Nam có bề dày văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo, – lẽ tất nhiên, con người Việt Nam không hung dữ và không vô đạo như con người ở xứ Du Lô Na xưa kia.
Đây là những con người Việt Nam bình thường. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, những người trong đảng đang cầm quyền Việt Nam hiện nay – họ không phải những con người bình thường. Họ luôn sống trong lo sợ và nghi ngờ. Họ lo sợ phải mất quyền lực và những vật chất của cải mà họ đang có, sẽ có, bởi vì họ đã có được những quyền lực này, những vật chất của cải này một cách không chính đáng. Họ được tất cả những thứ này từ trong bóng tối, từ phía của bóng tối. Từ trong giả ngụy và từ phía của giả ngụy. Cho nên họ rất sợ ánh sáng. Rất sợ những thứ gì thuộc về ánh sáng. Sợ sự chân thật và minh bạch. Vì khi chạm vào ánh sáng hay sự chân thật và minh bạch, bóng tối và sự giả ngụy sẽ phải tự hoại tử.
Thầy Thích Minh Tuệ là ánh sáng, là sự chân thật, minh bạch đó. Không phải sao? Thầy đã xuất hiện đúng như vậy. Thầy không rao giảng gì hết. Thầy nói thầy chỉ đang theo lời Phật mà tu. Khi nào thành chánh đẳng chánh giác rồi thầy sẽ rao giảng. Đây là những lời cực kỳ khiêm cung mà cũng cực kỳ dõng mãnh và minh bạch.
Theo tôi, hạnh của thầy Minh Tuệ không phải là hạnh đầu đà mà là hạnh kham nhẫn. Không phải sao? Thầy đã xưng “con” với mọi người. Thầy đã dìm cái “ngã” của thầy xuống tận cùng. Thầy đã diệt gần xong cái “ngã”. Thầy sắp là vô ngã.
Buồn cười làm sao. Nguyên cái nhà nước Việt Nam sợ một ông thày tu vô ngã. Phải, nhà cầm quyền Việt Nam đang sợ nhà tu Thích Minh Tuệ. Một nhà tu đầu trần chân đất khoác áo phấn tảo được ráp từ hàng trăm mảnh vải khác màu bởi nhà tu này càng ngày càng có nhiều người ngưỡng mộ và theo ông. Dù rằng Thích Minh Tuệ chưa từng rao giảng một lời nào.
Số người theo chân thầy Thích Minh Tuệ bằng hình thức du hành khất là số người còn đếm được. Nhưng số người mà lòng hướng đến thầy Thích Minh Tuệ hiện nay là số người không thể đếm được. Bao nhiêu triệu, bao nhiêu chục triệu, từ trong nước ra tới hải ngoại?
Bắt giữ một người vô ngã, một thầy tu vô ngã, nhà nước Việt Nam đang làm một trò cười. Thầy Thích Minh Tuệ là hiện thân của Tôn giả Phú Lâu Na, không phải sao? Với tôn giả Phú Lâu Na, nơi nào con người càng hung dữ, càng khó giáo hóa thì ngài càng quyết tâm đến đó để hoằng pháp.
Con người ở đất nước Việt Nam không hung dữ, không khó giáo hóa, nhưng ở Việt Nam hiện nay nhà nước giành độc quyền giáo hóa người dân. Giành độc quyền quản lý luôn cả suy nghĩ và hành xử của người dân. Marx từng nói tôn giáo là ma túy nhưng thực ra những nhà cầm quyền cộng sản luôn muốn biến chủ nghĩa này thành một thứ tôn giáo.
Tôi đã từng tháp tùng nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, có biệt danh là “Sáo Thần” đi tham dự một đại hội âm nhạc cổ truyền quốc tế ở New York. Lần đó, sau những giờ biểu diễn là một bữa tiệc liên hoan. Nhóm của gia đình anh Nghĩa và tôi được xếp ngồi chung bàn với những người từ Bắc Hàn đến. Những nghệ sĩ này ăn mặc rất đẹp và biểu diễn rất hay. Trước khi ăn họ không làm dấu thánh giá hay gì khác nhưng lại đan hai tay vào nhau và cầu nguyện. Tôi hỏi một cô ngồi gần:
- Quý vị đang cầu nguyện gì thế?
Cô ta tươi cười đáp:
- Chúng tôi cảm tạ lãnh tụ Kim đã cho chúng tôi bữa ăn và những giờ phút vui vẻ với nhau.
Kim Nhật Thành và con cháu của ông ta đã biến chủ nghĩa cộng sản không tưởng thành ra một thứ tôn giáo ở Bắc Hàn. Trung cộng và Việt Nam cũng muốn thực hiện điều này nhưng xem chừng họ không thể thành công được.
Sở dĩ Giang Trạch Dân ra tay tàn sát người Pháp Luân Công là vì lúc đó thống kê cho thấy môn đồ Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên đảng cộng sản Trung quốc. Pháp Luân Công là thoái thân của Bạch Liên Giáo, phản Thanh phục Minh đời nhà Thanh.
Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 95 triệu người. Theo tôi biết, cách đây khoảng hơn 10 năm, số đảng viên cộng sản chưa tới 4 triệu. Hơn 90 triệu dân Việt Nam còn lại hầu hết mũ ni che tai để sống yên thân. Những người tranh đấu cho tự do dân chủ và đa nguyên đa đảng đều lần lượt bị bắt bỏ tù. Các tôn giáo đều bị kiểm soát gắt gao, nhất là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Tôn giả Phú Lâu Na đang bị bức hại tại Việt Nam. Tôn giả Phú Lâu Na đang hiện thân là thầy Thích Minh Tuệ. Cuộc phỏng vấn thầy Thích Minh Tuệ trên đài VTV ngày 8 tháng 6 vừa qua được dàn dựng một cách lố bịch và vô minh. Tôi xin miễn bàn vì đã có dư luận trên mạng. Chỉ xin đưa ra đây một cuộc phỏng vấn tưởng tượng giữa tôi và thầy Minh Tuệ.
- Thưa thầy, có phải nhà nước Việt Nam đang giam lỏng thầy không?
- Dạ không. Vì con đang vẫn được tu mà. Tâm con vẫn đang ôn học và thực hành những lời Phật dạy. Họ tử tế lắm.
- Thưa thầy, thầy nghĩ sao nếu một lúc nào đó họ sẽ bỏ tù thầy?
- Dạ không sao. Vì thân xác này đâu phải của con. Tâm con vẫn được tu mà. Họ tử tế lắm.
- Thưa thầy, thầy nghĩ sao nếu một ngày nào đó họ thủ tiêu thầy?
- Dạ, không sao. Họ chỉ có thể thủ tiêu được cái thân tứ đại của con. Họ không thể nào thủ tiêu được cái tâm của con, cái thần thức của con. Con vẫn tiếp tục tu mà. Họ tử tế lắm.
Đột nhiên thầy Minh Tuệ nói nhiều và dài hơn bình thường. Thầy nói:
- Chỉ có điều, con tiếc là con chưa giúp ích được gì cho họ. Chưa độ được cho họ ra khỏi cái vô minh.
Tôi nói:
- Thưa thầy Phú Lâu Na Thích Minh Tuệ, con xin chúc thầy thân tâm thường an lạc.
Tôi chúc thầy như vậy mặc dù tôi biết rằng thân của thầy khó an lạc trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng tôi biết một điều chắc chắn rằng tâm của thầy sẽ luôn an lạc dù trong bất cứ hoàn cảnh bối cảnh nào. Không một thế lực hay sức mạnh nào có thể chạm tới được tâm của thầy.
Gate Gate Para Gate.
Trần Nghi Hoàng
Ngày 9 tháng 6, 2024.
Be the first to comment