Chữ Và Nghĩa Trong Tiếng Việt

Người viết xin nêu ra một số chữ và nghĩa trong tiếng Việt mà khi dùng đã gây ra biết bao lỗi lầm:

Bạo tàn: “Bạo Tàn” (từ Hán-Việt) có 2 nghĩa tức là đồng âm khác nghĩa: Bạo tàn hoặc tàn bạo nghĩa là độc ác, hung bạo. Nhưng nếu nói “bạo phát bạo tàn” (mau phát mau tàn) thì “bạo tàn” có nghĩa là lụn bại một cách thình lình.

Bàn hoàn và bàng hoàng: Bàn hoàn nghĩa là suy nghĩ nhiều, nghĩ quanh quẩn. Thí dụ: Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây (Truyện Kiều). Bàn hoàn còn có nghĩa là quấn quít, gắn bó với nhau, không nỡ dứt đi, không yên lòng. Thí dụ: Nàng rằng Thiên tải nhất thì, Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn (Truyện Kiều). Bàng hoàng nghĩa là sững sờ, choáng váng, lo lắng, tâm thần bất định… Thí dụ: Bàng hoàng dở tỉnh dở say (Truyện Kiều).

Bắt chẹt và ăn chẹt: Hai nhóm từ này thực ra chỉ hơi khác ý nhau một chút. “Bắt chẹt” nghĩa là ép người khác phải chấp nhận điều kiện đưa ra vì biết rõ người đó đang ở vào thế bí không thể không chấp nhận. Thí dụ: Bắt chẹt người mua hàng phải trả giá cao trong mùa đại dịch đang thiếu hụt thực phẩm. Còn “ăn chẹt” nghĩa là giành chiếm lấy hay kiếm lợi nhân lúc người khác đang ở vào thế bí phải cậy nhờ. Thí dụ: Đừng thấy người ta cô thế mà ăn chẹt!

Bất nhẫn: Bất nhẫn nghĩa là không nhịn được, không dằn lòng được, thấy khó chịu trong lòng khi thấy một tình cảnh đáng thương. Thí dụ: Thấy bất nhẫn trước cảnh côi cút của em bé. Ngày nay, người ta dùng tiếng “bất nhẫn” với nghĩa là tàn nhẫn, có lẽ nhầm với “nhẫn tâm” có nghĩa là tàn ác, tàn nhẫn.

Cát lũy: Cát lũy (từ Hán-Việt) cũng như “cát đằng” chỉ thân phận người đàn bà hèn yếu phải nương tựa, làm phận lẽ mọn ví như cây cát lũy leo bò sát mặt đất hoặc cây cát đằng yếu ớt, sống nương nhờ vào vật khác. Thí dụ: “Mặn tình cát lũy, nhạt tình tao khang” (Truyện Kiều) có nghĩa là yêu vợ bé hơn vợ cả hoặc “Tuyết sương che chở cho thân cát đằng” (Truyện Kiều).

Cật: “Cật” có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là quả thận (trái cật), nghĩa thứ hai là lưng (phần lưng ở chỗ ngang bụng). Ca dao có câu: Xưa kia kén lấy con dòng, Bây giờ ấm cật no lòng thì thôi! Ấm cật ở đây nghĩa là ấm lưng chứ không phải ấm trái cật!

Chất lượng: Người ta thường đánh giá một sự vật về hai phương diện: số lượng (quantity) và phẩm chất (quality). Bây giờ, người trong nước thường dùng “chất lượng” thay vì “phẩm chất” là không đúng vì “lượng” có nghĩa là mức độ ít nhiều có thể xác định được, là số nhiều ít chứ không phải là phẩm tính; còn “phẩm chất” là trạng thái trừu tượng không thể tính bằng “lượng” được.

Chế nhạo: Một số người Nam Bộ thường nhầm lẫn “chế nhạo” với “kiêu ngạo”. Thí dụ: Sao anh lại kiêu ngạo tôi? thay vì Sao anh lại chế nhạo tôi? “Kiêu ngạo” nghĩa là kiêu căng, tỏ ra khinh thường người khác và “chế nhạo” nghĩa là chế riễu, nhạo báng. Hai nhóm từ này hoàn toàn khác nghĩa nhau một trời một vực nên chớ có nhầm lẫn!

Chỉn chu: Chỉn chu nghĩa là (làm việc) chu đáo cẩn thận. Thí dụ: Dù tham gia công tác xã hội bận rộn, chị ấy vẫn chỉn chu việc nhà. Có người viết “chỉnh chu” là sai!

Chuẩn đoán: “Chuẩn đoán” không có nghĩa. Đúng ra là “chẩn đoán” có nghĩa là xem xét để suy đoán bệnh tình (chẩn = nhìn ngó, xem xét).

Công hàm độc thân: “Công hàm” là một văn thư chính thức của một chính phủ gởi cho một chính phủ khác như công hàm ngoại giao (diplomatic note) là văn thư trao đổi giữa hai Bộ Ngoại giao của hai chính phủ. Còn cái “giấy chứng nhận độc thân” do chính quyền địa phương cấp mà người nào đó đã gọi là “công hàm độc thân” rồi các cơ sở dịch vụ di trú bắt chước gọi theo, gọi hoài nghe quen tai cứ tưởng là đúng chứ hai chính phủ đâu có trao đổi gì qua cái giấy này!

Diễn hành và diễu hành: “Diễn hành” (từ Hán-Việt) nghĩa là đi một đoàn dài. Thí dụ: đám biểu tình diễn hành trên các đường phố. “Diễn” nghĩa là làm như đã từng xảy ra. Thí dụ: diễn kịch, diễn tập, diễn binh, diễn tấu. Còn “diễu” nghĩa là đi qua trước mặt để cho nhìn thấy, đã có hàm ý “đi” rồi! Vì vậy không thể ghép “diễu” (từ Nôm) với “hành” (từ Hán-Việt) nghĩa là “đi” để trở thành “diễu hành”. Nếu muốn dùng từ “diễu” thì chỉ dùng đơn độc. Thí dụ: Đoàn Thiếu Nhi diễu qua lễ đài.

Diễn tiến và diễn biến: “Diễn tiến” nghĩa là diễn ra và tiến triển. Thí dụ: Quá trình diễn tiến của lịch sử. Còn “diễn biến” nghĩa là biến đổi theo một chiều hướng nào đó. Thí dụ: Tình hình dịch bệnh Coronavirus diễn biến hết sức phức tạp. Hai nhóm từ này có nghĩa hoàn toàn khác nhau nên đừng nhầm lẫn!

Dĩnh ngộ hay đĩnh ngộ? “Dĩnh ngộ” (từ Hán-Việt) nghĩa là mặt mày sáng sủa, có vẻ thông minh (nói về trẻ em) chứ không phải “đĩnh ngộ” (không có trong từ điển tiếng Việt). Chỉ có “đĩnh đạc” nghĩa là đàng hoàng và đầy tự tin.  Thí dụ: Người ấy ăn nói đĩnh đạc.

Điển tích hay diễn tích? “Điển tích” (từ Hán-Việt) nghĩa là văn viết cô đọng các sự tích ngày xưa (điển = ghi, tích = sự tích ngày xưa). Có người viết “diễn tích” là một từ ngữ không tìm thấy trong tự điển tiếng Việt.

Giải phóng và giải tỏa: “Giải phóng” nghĩa là làm cho thoát cảnh áp bức hoặc sự tù hãm để được tự do. Ví dụ: phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ… nhưng bây giờ trong nước, người ta dùng từ ngữ “giải phóng” để diễn tả việc dẹp bớt những cản trở để thực hiện một mục đích nào đó như “giải phóng mặt bằng, giải phóng kho bãi, giải phóng lề đường…” thay vì “giải tỏa mặt bằng, giải tỏa kho bãi, giải tỏa lề đường…”

Hạch nhân: Từ “hạch nhân” không có nghĩa vì không tìm thấy trong từ điển tiếng Việt, chỉ có “hạch tâm” hoặc “hạt nhân nguyên tử” nghĩa là phần trung tâm của nguyên tử gồm những phần tử tích điện dương và những phần tử không tích điện. Hạch tâm nghĩa là hạt nhân nguyên tử và hạt nhân nghĩa là phần trung tâm của nguyên tử.

Hải quan: Hiện nay, trong nước dùng từ “Hải quan” để chỉ cơ quan kiểm soát và đánh thuế xuất nhập cảnh như “Hải quan Tân Sơn Nhất” trong khi Tân Sơn Nhất không có biển (hải) và dùng từ “Thuế quan” để chỉ loại thuế xuất nhập khẩu. Đúng ra chỉ dùng một từ ngữ “Thuế quan” hoặc “Quan thuế” (customs) để chỉ cả 2 trường hợp là loại thuế và cơ quan đánh thuế xuất nhập cảnh.

Hoành tráng: “Hoành tráng” nói về tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật có quy mô đồ sộ. Nếu gọi một ngôi nhà hoặc một đám cưới là “hoành tráng” thì chữ nghĩa đã bị lạm dụng quá đáng!

Huyền thoại: “Huyền thoại” có nghĩa là câu chuyện sâu kín, huyền hoặc, không đúng sự thật. Vì vậy, những câu chuyện về Lý Tử Long, Trịnh Công Sơn… là những “giai thoại” chứ không thể gọi là “Huyền thoại Lý Tử Long” hoặc “Huyền thoại Trịnh Công Sơn” v.v…

Khả thi: Khả thi (từ Hán-Việt) nghĩa là có thể làm (thi hành, thực hiện) được (khả = có thể; thi = làm). Đọc thấy trong các bài báo của vài tác giả đã dùng sai: “… biện pháp không thể khả thi…” (nếu dịch từ Hán của chữ “khả” (có thể) thì câu này có nghĩa ngớ ngẩn là “biện pháp không thể có thể thực hiện được”). Phải viết đúng là: Biện pháp bất khả thi hoặc biện pháp không thể thực hiện đươc.

Khấu đầu khấu đuôi: “Khấu đầu” nghĩa là cúi đầu rạp xuống mà chào như kiểu Obama công du nước ngoài. “Khấu đuôi” là phần đầu của đuôi nối liền với xương cụt của cơ thể động vật. Nhưng nếu dùng cả thành ngữ ”Khấu đầu khấu đuôi” thì nghĩa là ngắt đầu ngắt đuôi, trừ bớt nhiều khoản quá. Thí dụ: Tiền lương bị khấu đầu khấu đuôi nên không còn được bao nhiêu cả!

Lêu đêu: Lêu đêu hay lêu dêu có nghĩa là cao quá cỡ gây ấn tượng mất cân đối rất nhiều so với bề ngang, Như vậy thì thân cây cau lêu đêu hoặc thân cây dừa lêu đêu chứ không thể viết “Những bóng cau, bóng dừa lêu đêu xòe lá xanh..” như trong một đoạn văn mà ta bắt gặp đó đây. Những bóng cây ngã xuống chứ không thể đứng cao lêu đêu như thân cây được!

Mặt bằng: “Mặt bằng’ là một khu đất bằng phẳng để xây dựng nhà cửa hoặc làm cái gì trên đó. Ví dụ: mặt bằng của nhà máy, mặt bằng của bến xe v.v… Bây giờ trong nước, người ta lại nói “mặt bằng dân trí, mặt bằng kỹ thuật công nghệ…” thì thật khó hiểu! Có lẽ phải nói “về mặt (phương diện) dân trí, về mặt (phương diện) kỹ thuật công nghệ v.v…

Ngoại hình: “Ngoại hình” nghĩa là hình dáng bên ngoài thì ai cũng có, chỉ khác nhau là đẹp hay xấu thôi! Thế mà trong nước hiện nay, có nhiều cơ quan rao tuyển nữ thư ký hoặc nữ tiếp viên đều nêu “cần tuyển nữ thư ký (hoặc nữ tiếp viên) có ngoại hình” nghĩa là thế nào? Nói “có ngoại hình” trống trơn thì đâu phải là điều kiện ắt có vì người nữ nào cũng có ngoại hình (đẹp hoặc xấu) để dự tuyển hết!

Phá sản: Phá sản (từ Hán-Việt) nghĩa là lâm vào tình trạng của cải (tài sản) không còn gì vì làm ăn thua lỗ. Thí dụ: Hàng loạt công ty bị phá sản vì kinh tế khủng hoảng. Ở trong nước Việt Nam, người ta còn dùng “kế hoạch bị phá sản” hoặc “âm mưu bị phá sản” thay vì phải nói “kế hoạch bị phá vỡ” hoặc “âm mưu bị phá vỡ” (làm gì có “sản” tức là tài sản ở đây; họ nhầm lẫn “phá sản” với “phá vỡ” có nghĩa rất khác nhau.

Quý: Từ “quý” đặt trước một danh từ để chỉ một số người hoặc một tổ chức theo phép xã giao. Thí dụ: Thưa quý ngài – Xin quý cơ quan giúp đỡ v.v… Như thế, dùng tiếng “quý” để gọi một tập thể đông người là được rồi chứ đừng nói “Thưa các quý vị” như nhiều người đã dùng.

Siêu: Siêu (từ Hán-Việt) nghĩa là vượt quá. Thí dụ: siêu âm – siêu cường – siêu nhân… Nếu nói là “siêu mỏng” (vượt quá mỏng) hoặc “siêu nhỏ” (vượt quá nhỏ) thì không ý nghĩa gì hết. Hơn nữa, “siêu” là từ Hán-Việt thì không thể ghép với “mỏng” hoặc “nhỏ” là từ Nôm.

Tái đắc cử: Có người hỏi: “Liệu cựu Tổng Thống Trump có được tái bầu trong năm 2024  hay không?”. “Tái” là từ Hán-Việt không thể ghép với “bầu” là từ Nôm. Phải nói là “được bầu lại” hoặc “tái đắc cử” mới đúng! Cũng như có phóng viên đã dùng “Tái bắt đầu” (ghép từ Hán với từ Nôm là sai nguyên tắc) mà phải dùng “Tái khởi đầu”.

Sẵn đây, xin nói thêm về chữ “tái” (từ Hán-Việt) có nghĩa là “trở lại”. Thí dụ có nhiều người đã nói hoặc viết “Trật tự đã tái lập lại” hoặc “Cuốn sách được tái xuất bản lại” hoặc “Có ngày tái hợp lại” v.v… là đã dùng trùng ý (tái = trở lại).

Tảo tần: Tảo là rau tào. Tần là rau tần, một loại rau mọc dưới nước gọi là thái tần khác với rau tầng ô. Tảo tần nguyên có nghĩa là hai thứ rau bán ngoài chợ để lấy lời kiếm sống nhưng sau lại có nghĩa là xoay xở giỏi, có tài buôn bán. Ca dao có câu: Đại phú do thiên, tiểu phú do cần. Thức khuya dậy sớm, tảo tần với anh.

Thất: Thất (từ Hán-Việt) có nhiều nghĩa khác nhau (đồng âm dị nghĩa):

1. Thất nghĩa là nhà. Thí dụ: Ông Giám đốc tiếp khách tại tư thất (nhà riêng) – Chưa yên bề gia thất (chưa ra ở riêng).

2. Thất nghĩa là phòng. Thí dụ: Giáo thất là phòng học – Ngọa thất là phòng ngủ.

3. Thất nghĩa là vợ. Thí dụ: Bà A là chánh thất (vợ cả), bà B là thứ thất (vợ lẽ) của ông C.

4. Thất nghĩa là mất. Thí dụ: Đang bị thất nghiệp (mất việc) – Làm điều thất nhân tâm (làm mất lòng người) – Bị thất cơ lỡ vận (sai lầm về mưu kế nên thất bại) – Cậu ấy ngớ ngẩn như người thất tình (buồn chán, đau khổ vì mất tình yêu)v.v…

5. Thất nghĩa là bảy. Thí dụ: Bài thơ thất ngôn (thơ bảy chữ) – Thất tình là bảy mối tình cảm của con người gồm có hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục (mừng, giận, yêu, ghét, buồn, sợ, muốn) khác nghĩa với thất tình là đau khổ vì tình như nói trên,

Thuỗn: Thuỗn dùng để tả nét mặt hoặc dáng người cứng đờ, bất động vì quá bất ngờ hoặc hụt hẫng. Thí dụ: “Làm gì mà mặt dài thuỗn ra thế?”. Còn “thuổng” (viết có g và dấu hỏi) nghĩa là một dụng cụ dùng để đào đất; “thuổng” còn là tiếng lóng của miền Bắc mang nghĩa là ăn cắp giống như “chôm, chĩa”.

Thuyền quyên: Đúng ra là “thiền quyên” nghĩa là đẹp đẽ, duyên dáng nói về người đàn bà, con gái (gái thiền quyên) nhưng người ta thường quen dùng “thuyền quyên” nên mới cứ tưởng là đúng. Thí dụ: Trai nam nhi đối đặng, gái thiền quyên kết nguyền.

Trao đổi ý kiến: “Trao đổi” nghĩa là chuyển qua lại cho nhau những vật tương đương (nhận lại cái gì thay thế cho cái mà mình đã đưa ra). Do đó, ý kiến không thể trao đổi cho nhau mà chỉ có thể thảo luận, tranh luận hay bàn bạc.

Trọc phú: Trọc phú không có nghĩa là người giàu có hay phú ông có cái đầu trọc mà là người giàu nhưng dốt nát và đê tiện (do 2 chữ “ô trọc” mà ra). Thí dụ: Kẻ trọc phú hợm mình.

Trùm sò: “Trùm sò” là tiếng lóng để chỉ người keo kiệt như vai Trùm Sò trong vở kịch Nghêu Sò Ốc Hến. Còn “Trùm Sỏ” hay “đầu sỏ” là để chỉ kẻ cầm đầu một nhóm người (thường là bọn bất lương). Chớ nên nhầm lẫn “trùm sỏ” với “trùm sò”!

Tương ứng và Tương xứng: Tương ứng nghĩa là thích ứng, hòa hợp nhau hoặc tương đương. Thí dụ: “Thay thế bằng môt lực lượng tương ứng” có nghĩa là đưa đến một lực lượng có sức mạnh ngang bằng với lực lượng trước để thay thế.

Tương xứng nghĩa là xứng nhau. Thí dụ: Năng lực của ông ta không tương xứng với chức vụ được giao phó.

Phan Lục
Theo https://vietbao.com ngày 16/5/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*