Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, giá trị sách có lẽ không cần phải dài dòng tán tụng làm gì. Sách đã đồng hành với con người từ thuở xa xưa đến giờ. Lịch sử với bao nhiêu thăng trầm đổi thay, sách cũng thế, có những thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng cũng có những giai đoạn vô cùng thê thảm, bị cấm đoán, bị thiêu hủy…
Khi người Hoa chế ra giấy và kỹ thuật in mộc bản thì sách ở phương đông đã có một thời vàng son. Người đọc sách được xem trí thức, được đề cao đến độ: “Vạn bang giai hạ phẩm/ duy hữu độc thư cao”. Rồi đến lúc Gutenberg chế ra máy in thì sách báo bắt đầu bước vào một kỷ nguyên rực rỡ, phát triển cao độ theo từng giai đoạn cải tiến và phát triển của khoa học kỹ thuật.
Ngày nay sách đang đối diện với một thực tế vô cùng đáng buồn. Khoa học kỹ thuật nhất là kỹ thuật điện toán, IT, AI càng phát triển thì sách càng ngày càng mất vị thế của mình. Hiện nay với kỹ thuật tân tiến, chỉ một con chíp hay một USB nhỏ xíu có thể chứa đụng nội dung của thiên kinh vạn quyển vì vậy mà tình hình in ấn, phát hành và đọc sách trở nên ảm đạm vô cùng.
Xu thế thời đại không thể nào khác được. Thời đại hôm nay người đọc sách không còn, văn hóa đọc sách mai một, tình hình về sau thật không có ánh sáng nào le lói cuối đường hầm.
Những sản phẩm công nghệ hiện đại như Iphone, Ipad, laptop và những mạng xã hội như: Face Book, Tweeter, Instagram… đã cuốn hút hầu hết nhân loại trên địa cầu. Mọi người chúi mũi dán mắt vào các thiết bị điện tử để ”quẹt quẹt”. Con người ta chỉ thích nghe, nhìn hay đọc những dòng ngắn ngủi, chẳng còn ai chịu đọc sách. Thậm chí có người còn nói vui: “Thời đại văn minh quẹt quẹt”. Tất cả chỉ cần quẹt quẹt ngón tay là tất cả mọi thứ bày ra sẵn. Sách báo giờ như là di sản dĩ vãng, có thể đến một lúc nào đó chỉ còn hiện diện trong viện bảo tàng chăng?
Ngày nay người ta lười đọc sách, ấy là nói chung. Thực tế thì giữa những quốc gia và các thành phần dân chúng lại có một sự khác biệt khá lớn về chuyện đọc sách. Hiện nay ở Âu-Mỹ lượng người đọc sách vẫn còn khá nhiều. Sách được in ấn rất nhiều, được bày bán khắp nơi từ nhà sách, siêu thị, trung tâm thương mại, phi trường… nơi nào cũng thấy có bán sách và người đọc sách. Người ta đọc sách trong lúc chờ bay, trên máy bay, ngoài công viên, trong thư viện… Theo thống kê thì tỷ lệ người đọc sách ở Âu-Mỹ cao hơn các nước lạc hậu chậm tiến, mặc dù trình độ phát triển về khoa học kỹ thuật, công nghệ giải trí ở các nước Âu-Mỹ hơn hẳn các nước thuộc thế giới thứ ba.
Tình hình in ấn sách, phát hành sách và lượng độc giả của người Việt (trong và ngoài nước) thật ảm đạm. Nếu trong nước sách in vài ngàn bản hay chừng mười ngàn bản là kể như hiện tượng lạ. Ở hải ngoại thì các tác giả tự in theo phương thức print on demand và in chừng vài mươi đến vài trăm là lớn lắm rồi. Sách in ra ở hải ngoại cũng chủ yếu để tặng cho bạn bè cho vui chứ bán ai mua, còn như bán trên mạng Amazon, Lulu, Baner Noble Book… thì cũng chỉ lấy tiếng chứ thực tế chẳng mấy người mua.
Trong nước, dân số đông cho nên tính theo tỷ lệ thì vẫn còn được một số lượng độc giả nhất định. Còn số lượng người Việt hải ngoại đọc sách thì coi như zero. Nếu nhóm trí thức có trình độ học vấn và nghề nghiệp cao thì họ chỉ đọc những sách tiếng Anh có liên quan đến vấn đề chuyên môn. Giới trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại thì không đọc được sách tiếng Việt. Tầng lớp lao động tay chân hay làm móng thì cả đời chẳng đụng đến sách báo. Theo thống kê của… thì tỷ lệ đọc sách của người Việt cực thấp, có thể nói gần như thấp nhất trong nhóm những nước được khảo sát. Hầu như học sinh, sinh viên, giáo viên, trí thức… đều chẳng đọc sách. Đôi khi cũng có người cắc cớ hỏi: “Âu–Mỹ văn minh hiện đại và phát triển cao độ như thế mà họ vẫn đọc sách. Người Việt không đọc sách không lẽ mức độ phát triển còn cao hơn chăng?”
Hỏi là hỏi vậy, câu hỏi tu từ, chẳng cần trả lời nhưng ai cũng biết câu trả lời như thế nào rồi! Cứ như thế này thì chừng mươi năm nữa khi mà AI và kỹ thuật điện toán phát triển cao hơn nữa thì sách và người đọc sách có thể chỉ còn là bóng dáng hoài niệm ngày xưa.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 0324
Theo https://vietbao.com ngày 15/5/2024
Be the first to comment