Tranh Luận Về Kim Loại Độc Hại Trong Thuốc Lá Điện Tử

(Minh họa: Chiara Summer/Unsplash)

Nghiên cứu mới cho biết việc sử dụng thuốc lá điện tử là nguy cơ tiếp xúc với kim loại nặng độc hại đối với thanh thiếu niên.

Việc hút thuốc lá điện tử rất phổ biến ở thanh thiếu niên. Tính đến năm 2022, có khoảng một trong bảy học sinh trung học, tương đương 2.14 triệu thanh niên trên toàn quốc, đang sử dụng thuốc lá điện tử, theo Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA).

Giáo Sư Daisy Dai, phó trưởng khoa nghiên cứu tại University of Nebraska Medical Center, nói với Newsweek: “Thuốc lá điện tử là sản phẩm được thanh thiếu niên Hoa Kỳ sử dụng phổ biến nhất, kể từ năm 2014 và việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ tiếp tục là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng.”

Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh phổi, hen suyễn, tổn thương mạch máu và bệnh tim. Hiện nay, nghiên cứu mới cho thấy loại thuốc lá này chứa một loại kim loại độc hại.

Nhiều kim loại nặng khác nhau, chẳng hạn như chì và cadmium, được phát hiện trong chất lỏng thuốc lá điện tử. Những kim loại này đặc biệt có hại trong giai đoạn phát triển và có liên quan đến suy giảm nhận thức, rối loạn hành vi, các vấn đề về hô hấp, ung thư và bệnh tim mạch ở trẻ em.

Giáo Sư Dai cho biết: “Việc tiếp xúc lâu dài với kim loại, ngay cả ở mức độ thấp, là nguyên nhân dẫn đến những tác động bất lợi đến sức khỏe, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, thận, nhận thức và tâm thần. Những chất này cũng có thể được sản xuất từ chính thuốc lá điện tử.”

Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin tạo ra khí dung bằng cách đun nóng dung dịch lỏng bằng một cuộn dây kim loại. Quá trình làm nóng này phóng thích các hạt kim loại vào chất lỏng mà người sử dụng thuốc lá điện tử hít vào.

Giáo Sư Dai và các đồng nghiệp của mình tiến hành một nghiên cứu để điều tra mối quan hệ giữa việc sử dụng thuốc lá điện tử và nồng độ kim loại nặng trong cơ thể. Những kim loại như vậy dường như cũng có trong nước tiểu của các thiếu niên hút thuốc lá điện tử.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tobacco Control, dựa trên phản hồi từ một nghiên cứu liên quan đến 200 thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, sau đó nước tiểu của họ được kiểm tra sự hiện diện của cadmium, chì và uranium. Các thanh thiếu niên cũng được hỏi về tần suất hít, thỉnh thoảng (0.9 hơi một ngày), không liên tục (7.9 hơi một ngày) hoặc thường xuyên (27 hơi một ngày).

Phân tích cho thấy nồng độ chì trong nước tiểu cao hơn 40% ở những người sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên, và cao hơn 30% ở những người sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên.

“Khi khảo sát và phân tích về mẫu nước tiểu, chúng tôi phát hiện ra mối tương quan tích cực giữa tần suất hút thuốc và mức độ tiếp xúc với kim loại tăng lên ở những thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử,” giáo sư cho biết. “Phát hiện này nhấn mạnh những tác động có hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của thanh thiếu niên, đặc biệt đối với những người thường xuyên sử dụng.”

(Minh họa: Vaporesso/Unsplash)

Giáo Sư Lion Shahab, đồng giám đốc của nhóm nghiên cứu thuốc lá và rượu của đại học College London, cho biết: “Đây là một nghiên cứu được tiến hành tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi cẩn thận mức độ phơi nhiễm ở người sử dụng thuốc lá điện tử. Do đó những người chưa bao giờ hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên, không nên sử dụng.”

Tuy nhiên, Giáo Sư Kevin McConway ở Open University của Anh, lại cho rằng kết quả này cần được giải thích một cách thận trọng. Ông nói: “Có rất nhiều nguồn không chắc chắn về những gì đang diễn ra, và cách giải thích những phát hiện của nghiên cứu, đến nỗi tôi không nghĩ nó có khả năng gây ra mối lo ngại thực sự về sức khỏe. Ý tôi không phải nói thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử là tốt, vì nguy cơ nghiện nicotine là lý do mạnh mẽ để ngăn cản việc sử dụng thuốc là điện tử ở những người chưa nghiện. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng các kim loại như chì hoặc uranium có trong thuốc lá điện tử, là mối nguy hiểm cho sức khỏe của thanh thiếu niên dùng loại thuốc lá này.”

Uranium đặc biệt có nhiều nguồn phơi nhiễm quan trọng khác nhau, như trong thực phẩm, nước liên quan đến vị trí địa lý, không được kiểm soát trong phân tích này. Hơn nữa, nghiên cứu trước đây không tìm thấy sự khác biệt về phơi nhiễm uranium giữa người không sử dụng và người sử dụng thuốc lá điện tử, cũng như không phát hiện thấy uranium trong bình xịt thuốc lá điện tử.

Một vấn đề khác được cả hai vị giáo sư Dai và McConway chỉ ra là nghiên cứu này hoàn toàn mang tính quan sát.

Các nhà khoa học cần phải làm nhiều việc hơn để xác nhận những mối liên hệ này, nhưng nhóm của Giáo Sư Dai nhấn mạnh một xu hướng đáng lo ngại ở những người sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi vị thành niên, đáng được điều tra. “Cần có các quy định toàn diện, và các biện pháp can thiệp y tế công cộng có mục tiêu để giảm thiểu tác hại tiềm tàng của việc sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên,” ông nói.

Sam Nguyễn
Theo https://saigonnhonews.com ngày 4/5/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*