Chương Trình Tri Ân TPB-VNCH Ở Sài Gòn Ngừng Hoạt Động

Những thiện nguyện viên ngày đầu của chương trình Tri Ân TPB-VNCH (TPB-VNCH)

Bản tin ngắn của những người đã tận lực cho chương trình Tri Ân Thương Phế Binh VNCH ở Việt Nam, đã làm không ít người nhói lòng: Từ Tháng Tư, hoạt động ý nghĩa và đầy tình chia sẻ này sẽ ngừng lại.

Món quà xuân 2024 khiêm tốn cho hơn 5,000 quý ông thương phế binh VNCH (TPB), kéo dài từ tháng Mười Hai 2023 đến lúc này mới phát xong. Một phần vì những người thực hiện chương trình  phải vừa phát vừa tìm kiếm nguồn quỹ tiếp tục, đủ cho các ông, vừa phải di chuyển và khéo léo không bị chính quyền cản trở, sách nhiễu.

Chưa năm nào như năm nay, quỹ quà Xuân TPB vô cùng khó khăn dù chỉ dự tính 3 triệu đồng một người (khoảng $120), lời kêu gọi yểm trợ được phát đi liên tục hàng tháng. Kể cả những thiện nguyện viên tham gia chương trình cũng đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm suốt từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Có thiện nguyện viên đi phát quà bị chính quyền địa phương bắt về thẩm tra vô cớ, vô pháp, giam lỏng cả ngày.

Linh mục Trương Hoàng Vũ phỏng vấn các ông TPB-VNCH (TPB-VNCH)

Trong lời chia tay đầy buồn bã của các quý linh mục Dòng Chúa Cứu Thế phát đi, có đoạn: “Nay chúng tôi xin tạm ngưng công việc này để tập trung cho sứ vụ mới. Vì vậy chúng tôi sẽ không tiếp nhận hồ sơ mới mà quý Ông TPB gửi về theo địa chỉ: Nhà thờ Cần Giờ 182/3 Đào Cử, TT. Cần Thạnh, H. Cần Giờ, TP.HCM nữa. Và xin các nhà hảo tâm cũng không gửi tiền về cho chúng tôi (linh mục Trương Hoàng Vũ) theo địa chỉ trên.”

Tên của chương trình trợ giúp cho các quý ông TPB, có tên là “Bên nhau đi nốt cuộc đời” do linh mục Phạm Trung Thành đề xướng, đã là một sự kiện độc đáo, cảm động và đầy nghĩa khí của những người muốn vinh danh và cám ơn những con người đã để lại một phần thân thể của mình trên đất nước, chống lại sự xâm lăng của Bắc Cộng sản cho tới 1975.

“Hứa là đi cùng các ông đi nốt cuộc đời này, nhưng rồi không làm trọn vẹn được, thiệt buồn quá,” một thiện nguyện viên của chương trình nói trong sự tiếc nuối.

Một người trên trang nhà của chương trình TPB-VNCH, để lại tin nhắn bùi ngùi: “Năm nào ba mình cũng nhờ tiền quà xuân này để ăn tết, tết năm nay không có cha (linh mục) cho tiền quà Xuân nữa, sau này ba mình sẽ không có tiền ăn tết nữa rồi.”

Từ khi bị ngăn trở bởi chính các linh mục thỏa hiệp với chính quyền ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Quận 3, Kỳ Đồng, chương trình thiện nguyện lừng danh chính thức có lệnh chấm dứt từ tháng Năm 2019. Các linh mục tận tâm với chương trình, và được yêu mến như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Trương Hoàng Vũ, Lê Xuân Lộc… bị điều chuyển đi tứ tán mọi nơi. Phòng Công Lý và Hòa Bình, chỗ dựa của dân oan mọi miền ở Việt Nam, bị đổi thành: “Phòng Phát Triển Con Người Toàn Diện.”

Linh mục Phạm Trung Thành trao quà cho một quý ông TPB (TPB-VNCH)

Thời gian sau, khi nhà thờ Cần Giờ tái hoạt, nhưng đầy khó khăn do, phải cam kết với chính quyền là chỉ được hoạt động như một hoạt động từ thiện kín đáo, và nhỏ lẻ chứ không được tổ chức tập trung, linh mục Trương Hoàng Vũ đã hết sức cố gắng để duy trì nhưng mọi thứ không còn được như ý muốn.

Không chỉ riêng các thương phế binh VNCH bàng hoàng, mà chính những người tham gia phục vụ chương trình này cũng không nói nên lời. Với nhiều người, phục vụ cho những con người khốn khó này là niềm vui và ước nguyện chân thành của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh của một nước Việt Nam với vết thương nội chiến vẫn chưa lành, sự kỳ thị với những cựu quân nhân VNCH vẫn là một chủ trương thấy rõ.

Từ năm 2022, có tin rò rỉ từ nội bộ chính quyền, rằng sẽ phải bằng mọi cách chấm dứt chương trình Tri Ân TPB-VNCH trước 2025, tức nhân dịp 50 năm CSVN cưỡng chiếm miền Nam tự do.

Nam Việt
Theo Saigon Nhỏ ngày 8 tháng 4, 2024

* * *

Sự Thật Về Chương Trình Tri Ân TPB-VNCH Bị Buộc Chấm Dứt

Sự kiện chương trình Tri Ân Thương Phế Binh-Việt Nam Cộng Hòa (TPB) phải chấm dứt ở Sài Gòn, trong nhiều ngày qua đem lại sự buồn bã và tiếc nuối cho nhiều người, kể cả những câu hỏi dồn dập cần được giải đáp.

Chương trình TPB ngừng hoạt động từ Tháng Tư 2024, thật sự là một nỗi buồn của hơn 5,000 quý ông. Chắc chắn không phải vì món quà nhỏ hàng năm, định kỳ… mà là nỗi đau của những con người đang bị chà đạp trong xã hội, bị miệt thị nhưng bất ngờ được bàn tay chia sẻ của các quý linh mục của Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng một thời, kéo họ ra khỏi bóng tối của xã hội, xem họ như những con người.

Lời khẳng định của một linh mục giấu tên cho hay, chương trình TPB ngừng hoạt động do khó khăn ngân sách là có, nhưng “chuyện đó không khó bằng mọi hoạt động cho chương trình này bị ngăn chận, gây khó từ nhà cầm quyền.”

Các thiện nguyện viên tham gia chương trình cũng cho biết hoạt động của họ luôn bị theo dõi, đe dọa từ những chỗ phát quà, cho đến về nhà cũng bị công an địa phương gọi xét hỏi.

Trong danh sách phát Quà Xuân 2024, có một số quý ông ở Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định, Sài Gòn… đột nhiên từ chối nhận, dù đã là thành viên nhận quà quen thuộc nhiều năm nay.

Trao đổi với báo Sài Gòn Nhỏ, một quý ông cho biết ông chọn xin thôi nhận quà vì quá mệt mỏi với công an khu vực và an ninh chìm. Khi có tin đoàn thiện nguyện sẽ đến phát quà, ông bị an ninh đến đe dọa là không được tụ họp nhận quà. Vào năm trước, khi nhận quà thì công an tổ chức nhiều thành phần đến gặp ông tra hỏi và tịch thu. Vì gia đình lo lắng nên ông quyết định không nhận quà nữa. “Món quà chỉ là niềm vui chứ không phải nuôi sống tôi, nhưng tôi còn gì ngoài niềm vui ở tuổi này và mang thân phận TPB-VNCH?” quý ông này nói qua điện thoại viễn liên.

(Hình: DN)

Công việc vận động cho ngân sách hàng năm để phục vụ cho các quý ông TPB luôn gặp khó khăn. Tháng Mười 2022, linh mục Trương Hoàng Vũ từ Giáo Xứ Cần Giờ lên đường đi sang Mỹ để tiếp xúc với các cộng đồng người Việt hải ngoại, nhằm vận động các nguồn giúp đỡ cho ngân sách từ thiện năm nay, nhưng ông đã bị an ninh CSVN chặn lại ở sân bay, và bị cấm xuất cảnh mà không có lý do rõ ràng.

Đây không phải là sự ngăn cấm vu vơ, nhiều linh mục xuất ngoại có liên quan đến hoạt động gây quỹ TPB đều bị công an làm khó ở địa phương, cấm xuất cảnh.

Năm 2017, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong bị cấm xuất cảnh vô thời hạn vì hay lên tiếng ủng hộ chương trình TPB. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những tiếng nói mạnh mẽ chống lại những bất công, những khuyết tật trong xã hội Việt Nam hiện nay, và lên tiếng đấu tranh cho nhân quyền, cho sự thật, cho công lý và cho những người thấp cổ bé miệng.

Năm 2011, linh mục Định Hữu Thoại cũng bị cấm xuất cảnh. Công an chỉ nói rằng ông không được ra khỏi Việt Nam vì “lý do an ninh”.

Trả lời báo chí ngoài Việt Nam, linh mục Thoại lúc đó nói rằng: “Tôi nghĩ có lẽ việc tôi lên tiếng cho những vấn đề tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và việc tôi giúp cho chương trình thương phế binh VNCH, hỗ trợ cho các thương phế binh miền Trung. Ở đây hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn ở Sài Gòn, lần nào tôi đi phát quà cho thương phế binh cũng gặp khó khăn, tôi nghĩ đó cũng là lý do mà họ tiếp tục chặn không cho tôi xuất cảnh.”

Việc sách nhiễu các thiện nguyện viên thường xuyên, khiến số người tham gia hoạt động tri ân TPB ngày càng ít. Một trong những sự kiện tiêu biểu là vào ngày 29 Tháng Mười Hai, 2023, khi các Thiện Nguyện Viên (TNV) của chương trình TPB đang trao Quà Xuân 2024 cho những TPB đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long tại một quán nước ven đường, thì ngay lập tức bị an ninh ập đến bao vây. Một nữ TNV bị đưa về đồn công an tỉnh Vĩnh Long để tra khảo.

Dù tang vật chỉ là quà và một món tiền nhỏ, nhưng nữ TNV này bị công an thẩm vấn, đe dọa suốt một ngày. Khi không hỏi được gì hơn thì họ thu giữ tất cả những vật dụng trên người, bắt nữ TNV này cởi áo khoác và giầy vớ, lục tung tất cả những thứ trong túi xách, thu giữ tiền bạc, điện thoại và kiểm tra các cuộc gọi và tin nhắn. Cuối ngày, nữ TNV này được về, sau khi phải ký vào biên bản cam kết không được tham gia phát quà cho các quý ông TPB.

(Hình: DN)

Từ khi chương trình Tri ân TPB bị chấm dứt từ đời của Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Ngọc Bích (hai nhiệm kỳ từ 2015-2023), nối dài qua Giám tỉnh Nguyễn Đức Thông (2023-2027), bởi sự thỏa hiệp chặt chẽ với chính quyền, những linh mục tận lực tham gia chương trình đã bị phân đi làm việc ở nhiều nơi, bị cắt đứt liên lạc với nhau, lẫn với hoạt động Tri ân TPB.

Về hoạt động thỏa hiệp và đẩy chương trình Tri Ân TPB-VNCH ra khỏi nhà thờ 38 Kỳ Đồng, nhóm phóng viên SGN sẽ có bài thông tin và phân tích sâu trong các số tới.

Riêng các Linh Mục Lê Xuân Lộc được đưa đi Nam Hàn, linh mục Lê Ngọc Thanh được phân công về một vùng xa ở miền Tây, linh mục Đinh Hữu Thoại được đưa đi miền Trung và nay không còn nơi để phục vụ, linh mục Trương Hoàng Vũ được đưa về Cần Giờ. Thậm chí linh mục Hồ Đắc Tâm, Chánh Xứ Cần Giờ, khi tuyên bố phục hoạt chương trình này từ năm 2019, cũng bị điều chuyển đi làm mục vụ lưu động ở cao nguyên, dẫn đến việc hoạt động Tri ân TPB tàn dần vào kết cuộc hôm nay.

Mục tiêu của chính quyền CSVN, phối hợp với các linh mục thỏa hiệp, là phải biến những quý ông TPB thành những kẻ tật nguyền được thương hại, được nhà nước ra ơn giúp đỡ, và phải chấm dứt ý nghĩa “tri ân” mà linh mục Phạm Trung Thành đặt ra nhằm để nối kết, cảm ơn và nhìn nhận sự hy sinh của những con người trong cuộc nội chiến.

Bên cạnh đó, tin tức rò rỉ từ các sĩ quan an ninh có cảm tình với quý linh mục đã cảnh báo rằng, chương trình Tri Ân TPB-VNCH là cái gai nhức nhối của nhà cầm quyền, bắt buộc phải có kế hoạch cô lập con người hoạt động, giải tán sự tập trung hướng về của các quý ông TPB trước 2025, để chính quyền có thể “ăn ngon ngủ yên” trong dịp kỷ niệm 50 cưỡng chiếm miền Nam.

Văn Nam
Theo https://saigonnhonews.com ngày 15/4/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*