Nỗi sợ hãi của thế giới phần lớn đã bị phóng đại.
Trừ phi xảy ra diễn biến khó lường, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Dù hầu hết người Mỹ sẽ hạnh phúc hơn nếu cả hai không tham gia tranh cử, nhưng đó không phải là kịch bản có thể xảy ra vào tháng 11. Cuộc bầu cử đã được xem là “một sự kiện mang tính bước ngoặt” sẽ có tác động sâu rộng đến nền dân chủ Mỹ và cách nước này tiếp cận phần còn lại của thế giới.
Trên khía cạnh đầu tiên – những hậu quả có thể xảy ra ở chính nước Mỹ – sự lựa chọn đã rõ ràng. Trump là một kẻ lừa đảo bị kết án, một kẻ lạm dụng tình dục, và một nhà điều hành thiếu năng lực nghiêm trọng trong nhiệm kỳ tổng thống trước. Cam kết của ông đối với các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền là không tồn tại, và đã có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy ông và Đảng Cộng hòa có ý định sử dụng nhiệm kỳ thứ hai để trừng phạt các đối thủ chính trị và đưa nước Mỹ tiến tới chế độ chuyên chế trên thực tế.
Quyền của phụ nữ sẽ bị hạn chế hơn nữa, những nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu sẽ bị bỏ rơi, trong khi các cá nhân và tập đoàn Mỹ giàu có sẽ được tự do theo đuổi những lợi ích vị kỷ mà không cần để tâm đến những hậu quả chính trị và xã hội rộng lớn hơn. Dù bạn nghĩ gì về Biden hoặc các chính sách của ông ấy, thì ông cũng sẽ không làm bất kỳ điều gì kể trên. Và với tôi, thế là đủ để bỏ phiếu cho ông thay vì Trump.
Nhưng nếu chúng ta chuyển sang chính sách đối ngoại, khác biệt lại không quá lớn. Dù nhiều người lo ngại rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ có tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng tôi cho rằng khác biệt sẽ ít đáng kể hơn bạn nghĩ. Trump vẫn sẽ tiếp tục thất thường, thô lỗ, và thích đối đầu – đặc biệt là với các đồng minh NATO của Mỹ – giống như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng ở các khía cạnh khác, nhiệm kỳ thứ hai của Trump nhiều khả năng sẽ không khác với những gì Biden sẽ làm nếu ông nắm quyền thêm 4 năm. Để chứng minh điều này, hãy xem xét cách hai người sẽ giải quyết ba vấn đề được cho là quan trọng nhất trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại ngày nay: Ukraine, Trung Quốc, và Trung Đông.
- Ukraina
Chính quyền Biden đã dồn toàn lực vào Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu, bất chấp sự phản đối của một số thành viên Đảng Cộng hòa và sự bi quan ngày càng lớn về khả năng Kyiv giành chiến thắng trong cuộc chiến hoặc giành lại lãnh thổ đã mất. Ukraine và những người ủng hộ phương Tây của họ lo lắng rằng Trump sẽ rút các khoản hỗ trợ của Mỹ, để mặc Ukraine phụ thuộc vào bất kỳ sự trợ giúp nào họ có thể nhận được từ châu Âu và lòng nhân từ của quân đội Nga. Bằng lối nói khoa trương điển hình, Trump đã khoe khoang rằng ông có thể giải quyết cuộc chiến “chỉ trong một ngày” và sau đó đánh trống lảng khi được hỏi liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không. Vì thế, bạn có thể nghĩ rằng việc Trump đắc cử sẽ mang lại thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề là Biden có thể sẽ đi theo con đường tương tự nếu đắc cử thêm một nhiệm kỳ, ngay cả khi ông theo đuổi nó theo một cách khác. Cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Ukraine trong năm 2023. Dù những người ủng hộ nước này liên tục đưa ra những kế hoạch lạc quan nhằm đảo ngược vận mệnh và giải phóng các vùng lãnh thổ mà Nga đã xâm chiếm và sáp nhập bất hợp pháp, hy vọng của họ gần như chắc chắn là viển vông, và Bộ Quốc phòng Mỹ có lẽ cũng biết điều đó. Biden và đội ngũ của ông sẽ không thừa nhận điều này trước cuộc bầu cử, vì nó sẽ gây nghi ngờ về cách họ xử lý cuộc chiến cho đến nay. Tuy nhiên, nếu giữ được ghế tổng thống, Biden có thể gây áp lực buộc Kyiv phải thiết lập các mục tiêu thực tế hơn và tiến tới một giải pháp thương lượng.
Tôi tin rằng Biden sẽ làm điều này một cách có chừng mực và cố gắng giúp Kyiv đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể. Ngược lại, Trump có thể sẽ thể hiện loại kỹ năng ngoại giao như ông đã thể hiện trong “quan hệ anh em nghiệp dư” với Kim Jong Un của Triều Tiên (nghĩa là không có quan hệ thực chất) và có xu hướng bỏ chạy nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn chung thì cả hai chính quyền sẽ cố gắng đàm phán để chấm dứt chiến tranh sau tháng 1/2025, và thỏa thuận đạt được có thể sẽ gần với các mục tiêu chiến tranh đã nêu của Nga hơn là của Ukraine.
- Trung Quốc
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã huỷ bỏ hoàn toàn các chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc trước đó của Mỹ, và phát động một cuộc thương chiến được thiết kế không hiệu quả, gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, nhưng gần như không ảnh hưởng gì đến khoản thâm hụt thương mại song phương mà lẽ ra nó phải khắc phục. Biden đã đổi mới và củng cố cách tiếp cận này, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt nhằm cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm chủ một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến quan trọng. Phủ nhận vấn đề bảo hộ, các quan chức chính quyền Biden nói rằng cách tiếp cận này chỉ tập trung vào những lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia (tức là “sân nhỏ” và “hàng rào cao”). Tuy nhiên, sân nhỏ này đang càng ngày càng rộng thêm, và cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn đối với Trung Quốc là một trong số ít vấn đề nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Vì lý do này, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều dù kết quả có ra sao vào tháng 11 tới. Các tuyên bố chính thức của chính quyền Biden và chính quyền Trump trước đây đều xác định Trung Quốc là một trong những thách thức chính đối với vị thế bá quyền toàn cầu của Mỹ, và giờ đây quan điểm đó thậm chí còn rõ ràng hơn. Trump có thể có thái độ đối đầu hơn đối với các đồng minh châu Á của Mỹ (những người mà ông liên tục cáo buộc là quá phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ), nhưng ông sẽ không thể từ bỏ họ nếu ông nghiêm túc về việc chống lại Bắc Kinh.
Như vậy, điểm mấu chốt là: khi nói đến quan hệ với Trung Quốc, cả Biden và Trump đều sẽ có cùng một quan điểm trong nhiệm kỳ thứ hai của họ.
- Trung Đông
Nếu xét đến thất bại trong chính sách Trung Đông của Mỹ, bạn có thể nghĩ rằng cả Biden và Trump đều mong muốn thay đổi hướng đi vào năm 2025. Đáng buồn thay, không có lý do nào để mong đợi một trong hai tổng thống sẽ hành xử khác đi trong tương lai. Quả thật, điều đáng chú ý là hai vị tổng thống rất khác nhau này lại hành động vô cùng giống nhau khi đứng trước khu vực đầy biến động này.
Khi còn tại nhiệm, Trump đã từ bỏ thỏa thuận vốn giới hạn chương trình hạt nhân của Iran, chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, và đóng cửa văn phòng lãnh sự Mỹ về các vấn đề của người Palestine ở Washington. Ông cũng bổ nhiệm một luật sư nhiệt tình ủng hộ người định cư Israel làm đại sứ Mỹ tại nước này. Kế hoạch hòa bình của ông đã chế nhạo mục tiêu lâu dài của Mỹ về giải pháp hai nhà nước, đồng thời ủng hộ kế hoạch bình thường hóa quan hệ Ả Rập-Israel của nhà ngoại giao nghiệp dư (kiêm con rể) Jared Kushner. Theo đó, Hiệp định Abraham đã thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Bahrain, Morocco, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Sudan (đang chìm trong nội chiến), nhưng lại chẳng làm gì để giải quyết hoàn cảnh của 5 triệu người Palestine đang sống dưới sự cai trị khắc nghiệt của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Biden đã làm gì khi kế thừa hoàn cảnh này? Ông đã làm cho nó tồi tệ hơn. Bất chấp cam kết trong chiến dịch tranh cử là tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông vẫn lưỡng lự cho đến khi các cuộc bầu cử ở Iran đưa những người theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền, và khiến việc quay trở lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung trở nên khó khăn hơn. Kết quả là Iran đang đến gần với việc sở hữu bom hạt nhân hơn bao giờ hết. Thêm nữa, Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang đối xử với người Palestine giống như Trump, trì hoãn việc mở lại lãnh sự quán ở Jerusalem, không nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình, và nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi bạo lực ngày càng gia tăng của những người định cư Israel ở Bờ Tây, vốn là những hành động được chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel dung thứ, thậm chí là ủng hộ một cách công khai.
Tương tự như Trump, Biden và Blinken đã tập trung vào việc giành lấy sự ủng hộ của Ả Rập Saudi, trái ngược hoàn toàn với lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Biden, là xem Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman như một “tên bất hảo” vì vai trò của ông trong vụ sát hại nhà báo lưu vong Jamal Khashoggi. Dưới sự hướng dẫn của Brett McGurk, người mà sự hiện diện trong các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ đã khiến ông trở thành “kiến trúc sư” có ảnh hưởng nhất đối với chính sách của Mỹ trong những năm gần đây, Mỹ đã dành cả năm 2023 để cố gắng hoàn thành một thỏa thuận mang lại cho Ả Rập Saudi bảo đảm an ninh (và một số điều tốt đẹp khác) nhằm đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Vấn đề Palestine một lần nữa bị gạt sang một bên, nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan lại khoe khoang vào mùa thu năm ngoái rằng Trung Đông “yên bình hơn so với nhiều thập niên trước.”
Những sai sót này – bắt đầu từ thời Trump và tiếp diễn trong thời Biden – đã gây ra phản ứng dữ dội trên khắp thế giới. Trước nguy cơ bị khuất phục vĩnh viễn và bị xoá sổ từ từ, vào ngày 7/10, các chiến binh Hamas đã xông ra khỏi nhà tù ngoài trời ở Gaza và tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào các cộng đồng biên giới ở Israel. Cuộc tấn công thường dân Israel chắc chắn là một tội ác nghiêm trọng, nhưng phản ứng tàn bạo, không cân xứng, và được cho là mang tính diệt chủng của Israel thậm chí còn là một vết nhơ nghiêm trọng hơn đối với hình ảnh của nước này, cũng như danh tiếng của Mỹ, và lương tâm của thế giới.
Và Mỹ, quốc gia có ngoại trưởng từng tuyên bố rằng nhân quyền sẽ là “trọng tâm trong chính sách đối ngoại,” đã phản ứng như thế nào trước thảm họa ngoại giao và nhân đạo này? Họ gấp rút viện trợ quân sự hàng tỷ đô la cho quốc gia đã thả bom giết chết hơn 23.000 người Palestine ở Gaza (và được báo cáo là đã lách luật Mỹ trong quá trình đó), đồng thời phủ quyết các nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và bác bỏ đơn kiện của Nam Phi lên Tòa án Công lý Quốc tế cáo buộc Israel tội diệt chủng là “vô giá trị.” Các quan chức chính quyền được cho là đã yêu cầu Israel tiết chế hành động của mình, nhưng không đe dọa cắt giảm viện trợ từ Mỹ. Và tất nhiên, chính phủ Netanyahu đã phớt lờ yêu cầu của Mỹ.
Không có lý do gì để mong đợi sự khác biệt trong chính sách Trung Đông bất kể ai sẽ chiến thắng vào năm tới. Cả Biden và Blinken đều tự xưng là những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, và cả hai đều không có khả năng gây áp lực đáng kể nào để buộc Israel thay đổi hướng đi. Trump có lẽ chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến một bên cụ thể, nhưng ông nắm rõ việc cân bằng ảnh hưởng chính trị ở Mỹ, và thành kiến chống Hồi giáo của ông đã được ghi lại rõ ràng. Trong khi đó, nhiệm kỳ thứ hai của Biden có thể chứng kiến nỗ lực khôi phục một loại tiến trình hòa bình nào đó, nhưng đừng để bị lừa rằng nó sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn so với những nỗ lực trước đây của Mỹ. Suy cho cùng, người được cho là đã làm suy yếu những nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước sẽ không thể đạt được giải pháp này ngay cả khi ông có được một nhiệm kỳ nữa. Về phần mình, Trump nhiều khả năng sẽ chỉ quan tâm đến tiền, giống như con rể ông đã làm. Giống như trường hợp Ukraine và Trung Quốc, những điểm tương đồng trong cách tiếp cận đã lấn át những khác biệt về thế giới quan và phong cách ngoại giao của hai vị tổng thống.
Xin nói rõ rằng tôi không khẳng định cuộc bầu cử này sẽ không ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Chẳng hạn, Trump có thể cố gắng đưa Mỹ ra khỏi NATO, dù một động thái như vậy chắc chắn sẽ vấp phải phản kháng lớn từ giới chính sách đối ngoại và quốc phòng. Nhiều khả năng, ông sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình nghị sự trong nước – và xử lý những rắc rối pháp lý của chính mình – điều đó sẽ càng làm giảm sự quan tâm vốn đã hạn chế của ông đối với các vấn đề đối ngoại, dẫn đến xu hướng củng cố hiện trạng. Trump từng có những đánh giá kém về các tài năng của ngành chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (và gây ra mức độ nghỉ việc chưa từng có), và xu hướng đó có thể cản trở việc thực thi chính sách của Mỹ và khiến các chính phủ nước ngoài phải phòng bị nước đôi. Sẽ có những khác biệt nhỏ giữa Biden 2 và Trump 2, nhưng tôi cá rằng sẽ không có thay đổi căn bản nào cả.
Xét một cách cân bằng, cuộc bầu cử sắp tới sẽ có tác động lớn đến chính trị nội bộ Mỹ hơn là đến các vấn đề then chốt của chính sách đối ngoại. Như tôi đã lưu ý ngay từ đầu, các vấn đề trong nước đủ lớn và rõ ràng – và đủ đáng lo ngại – nên tôi sẽ không gặp nhiều khó khăn khi quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Và bởi vì tôi thích sống trong một nền dân chủ, tôi chỉ hy vọng đa số cử tri ở các tiểu bang quan trọng sẽ đồng ý với tôi vào tháng 11 tới.
Stephen M. Walt
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Theo https://www.baoquocdan.org ngày 24/1/2024
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Nguồn: “Another Trump Presidency Won’t Much Change U.S. Foreign Policy,” Foreign Policy, ngày 22/1/2024
Be the first to comment