Phạm Duy: Để Cho Cô Con Gái Không Buồn Vì Gió Đông…

(Ảnh chụp hoàng hôn ở Hà nội ngày 1/7/2023 của Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Imagess)

Trong một chuyến đi chơi xa với nhà thơ Lê Đạt và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bà Thụy Khuê, nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam, định cư tại Pháp, kể lại: Trong xe, tôi để cassette nhạc kháng chiến của Phạm Duy, không nhớ rõ là khi nghe đến bài nào, Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh, hay Về Miền Trung, Lê Đạt buột miệng, phải yêu nước như ‘nó’ mới làm được nhạc như thế. Nguyễn Huy Thiệp, khi nghe Thái Thanh hát Bà Mẹ Gio Linh cũng bảo, nổi cả da gà.

Câu chuyện chỉ có như thế thôi nhưng khi đọc, tôi thấy thích lắm. Thích tới mức, tôi đọc đi đọc lại đến hàng chục lần có, đọc muốn thuộc luôn, đoạn văn, thuộc luôn từng từ, từng chữ.

Vì, nó hạp ý tôi mà. Nó hạp với cái bụng tôi. Nó hạp với nghĩ suy của tôi.

Yêu nước đến thế nào mới làm ra nhạc được như vậy, thì từ từ, thủng thẳng, mình sẽ bàn tới, mình sẽ nói tới. Nhưng các bạn biết không, nhạc Phạm Duy ấy mà, đúng là, nhiều ít, đã góp phần, khiến tôi cảm thấy rất yêu cha mẹ, yêu anh em của mình, yêu căn nhà, yêu con mèo, yêu cây mận, yêu chòm mây… trước khi tôi được học về các khái niệm, gia đình là gì, quê hương là gì, yêu thương là gì.

Nghĩa là, tôi cảm được, nhờ nghe nhạc Phạm Duy, nhờ nghe những giai điệu êm đềm, tha thiết, day dứt, nhớ nhung, đau thương, tưởng vọng ấy, mà đã khiến tôi, một cách rất tự nhiên, yêu tất cả những điều vừa nói ở trên, trước khi tôi đến trường, học những chữ cái đầu tiên của quốc ngữ, năm lên sáu tuổi.

Mỗi tối, chừng hai, ba tiếng trước khi đi ngủ và suốt những ngày nghỉ cuối tuần, nếu các anh tôi không phải học bài, ôn bài, là thể nào, ba tôi cũng mở nhạc Phạm Duy cho cả nhà nghe với các tiếng ca hàng đầu lúc bấy giờ mà ba tôi thích như Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung…

QUÊ NGHÈO

Tâm sự về bài Quê Nghèo, Phạm Duy nói: Huy chương nào chẳng có mặt trái? Có cái hùng của toàn quốc kháng chiến thì cũng có cái bi của người dân phải sống trong chiến tranh. Với những thanh niên ca, quân ca, dân ca kháng chiến, tôi đã nói đến vinh quang của chiến đấu. Bắt đầu từ chuyến đi Bình Trị Thiên vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, tôi dùng dân ca để nói lên khổ đau của nhân dân.

Ông nói tiếp: Tôi nhìn rõ hơn bộ mặt thật của chiến tranh. Tôi thấm được cái gọi là grandeurs et servitudes (hay misères) của cuộc đời. Tôi soạn những bài hát rất bi như bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, nguyên văn:

“Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng.
Không bóng trâu cày bên đồng.
Vắng tiếng heo gà trên sân.
Chiều qua, gánh nước cho Vệ Quốc Quân.
Nghe tiếng o nghèo kể rằng.
Quân thù về đây đốt làng.
Bao giờ anh lấy được đồn tây hỡi anh…”

Về sau, khi vào sinh sống ở Sài Gòn, vì muốn phổ biến nó, nên tôi phải đổi thành Quê Nghèo.

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói.
Có những cánh đồng cát dài.
Có lũy tre còm tả tơi.
Ruộng khô có những ông già rách vai.
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy.
Có người bừa theo trâu cày.

(Hình: Nguyễn Bá Trạc)

Nếu như Phạm Duy không viết nhạc mà chuyển sang làm thơ, tôi tin ông cũng vẫn sẽ là một người thành công trong lĩnh vực này. Với cái lối kể chuyện nhỏ nhẹ, chậm rãi, từ tốn, bắt đầu với những hình ảnh mà ai trong đời cũng mong có, để được thương về, để được nhớ về – làng tôi, làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói.

Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại hai chữ “kinh kỳ”. Kinh kỳ là vùng đất chung quanh kinh đô của một quốc gia. Xưa, Huế cũng từng là kinh đô của triều nhà Nguyễn trong suốt một trăm bốn mươi ba năm mà.

Rồi ông kể tiếp, làng tôi có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi. Chỗ này đây, chính chỗ này đây, đã làm tôi ngưỡng mộ vốn từ của Phạm Duy lắm lắm: lũy tre còm tả tơi.

Cái từ còm ấy mà, cũng lại lâu lắm rồi mới nghe, tưởng chỉ tả người như Chương Còm của Duyên Anh, nào dè đâu, trong nhạc của Phạm Duy, đến cái lũy tre mà nó cũng xuất hiện với bộ dạng còm – còm cõi. Tre là cái thứ dễ mọc, và um tùm. Thế mà, ở quê nghèo, thì cái thứ dễ của người ta, cũng trở thành, cái khó khăn, cái gieo neo, cái vất vả, của mình. Rồi thì hình ảnh ruộng khô, ông già áo rách vai, trẻ gầy. Tưởng trâu mới cày bừa, hóa ra, nghèo, trâu không đủ, thì người phải bừa cạnh trâu, chớ biết phải làm sao bây giờ!

Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy.
Thấp thoáng bóng người bên ngòi.
Tát nước với giọt mồ hôi.
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai.
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười.
Vui vì nồi cơm ngô đầy.

Từ bình minh lên cho đến khi chiều về, người nông phu, một nắng hai sương, siêng năng, cần mẫn, không quản khó khăn, chỉ mong kiếm đủ cái ăn cho đàn con thơ ở nhà.

Ta sẽ lại bắt gặp tại đây, một tài tình khác của Phạm Duy, khi ông tả – chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai.

Hết từ để khen. Quả thực, tôi đã hết từ để khen ông Phạm Duy rồi. Thở thoi thóp thì thường nghe nhưng rơi thoi thóp là rơi làm sao, rơi như thế nào hả các bạn ơi.

Là rơi rất yếu. Là rơi rất nhẹ. Rơi mà tưởng chừng không rơi, là tan, là loang, loang mỏng, loang dần vào bóng tà huy, tan loãng vào không gian khiến tiếng cười của bà mẹ, dường cũng thêm hắt hiu, khi lo lắng, bữa cơm chiều, biết có no lòng cho sắp nhỏ, đương tuổi lớn, tuổi ăn.

Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi.
Để cho cô con gái không buồn vì gió đông.
Bao giờ cho lúa về đầy sân, lúa ơi.
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

Cứ thế, những câu hỏi mà khó ai có thể trả lời được, bao giờ lúa mới được mùa, bao giờ lúa mới đầy sân.

Người nông dân, họ thương lúa lắm, như người thành thị mình thương tiền vậy đó. Không có lúa, làm sao có cơm mà ăn. Không có lúa, làm sao mua được giống trồng cho mùa sau, lợp lại mái nhà, mua bầy gà, đàn heo về nuôi lớn, đặng bán làm lộ phí cho con đi học, cho gái lấy chồng, cho trai lấy vợ.

Phạm Duy chắc phải hiểu rõ lòng nông dân lắm, nên ông mới gọi “lúa ơi” ra chiều tha thiết đến thế. Lúa quý với người, lúa cần cho người, lúa là thức ăn, lúa là hơi thở.

Nghe cái câu – để cho cô con gái không buồn vì gió đông, thiệt là thương vậy đó. Không phải than thở, mà là tha thiết, nhỏ nhẹ, gắng nha, mùa gắng trúng nha, đừng thất bát, để cô gái còn kịp có đôi, trước khi gió đông lạnh lùng kéo về. Không thì tội cho người con gái ấy lắm!

Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói.
Những mái tranh buồn nhớ người.
Xơ xác điêu tàn vì ai.
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai.
Có tiếng o nghèo thở dài.
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.

Gán cho sự vật có tính cách như người, phép tu từ ấy gọi là nhân cách hóa. Về mặt này, thì tôi phải xác nhận, Phạm Duy là trùm. Là tài lắm. Tài tình lắm.

Gán, không khó. Khó ở chỗ là gán phải cho hay, không chỉ hay mà còn phải lạ, không chỉ lạ mà còn phải độc, độc này không phải độc địa đâu, mà là độc đáo đó.

Chớ không phải sao. Những mái tranh buồn vì nhớ người. Mái tranh biết buồn, mái tranh biết nhớ người, tại sao không. Nhớ người vắt tranh, nhớ người lợp nó, nhớ người từng ra vào nhìn ngắm nó. Nhớ lâu ngày mà không gặp thì buồn chớ sao.

Giặc kéo qua làng, gây bao điêu tàn, xơ xác, vắng hoe. Vắng vì đâu. Vì đâu cảnh nhà thiếu vắng đàn ông? Thì họ ra trận hết rồi còn đâu. Và o xuất hiện. O không tròn, vì o cũng nhớ, vì o cũng buồn, nên o thở dài, o héo hắt, o lo âu.

Và, o nghèo. Ấn tượng lắm luôn, khi Phạm Duy đặt một dọc các từ: o, nghèo, thở dài, đứng cạnh nhau. Nó đè nặng lên người nghe khiến tức ngực, nghẹn ngào và lòng bất nhẫn, lại càng thêm!

Từ khi đau thương lan tràn sông núi.
Quê cũ đã nghèo lắm rồi.
Thêm đói thêm sầu mà thôi.
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi.
Mơ thấy bên lề cuộc đời.
Áo dài đùa trong tiếng cười.

Con người, ai lại chẳng mơ. Mơ ước cũng có mà ngủ mơ cũng có. Mơ nào cũng là mơ. Và những giấc mơ ấy, ước mơ ấy, người ta thường mơ cho mình, về mình.

Phạm Duy thì khác, và tôi rất tin vào sự khác ấy. Ông không mơ cho ông. Ông mơ cho bá tánh. Ông mơ cho thiên hạ. Ông mơ gì?

Ông mơ thấy trăm họ tốt tươi.

Các bạn biết không, người nghệ sĩ ấy mà, giả, giả dối, dễ biết lắm. Giả, chỉ nói được những lời khuôn sáo, chỉ nói được những lời bắt chước. Vì không là thật của mình, nên lời họ, viết ra, nói ra, không xúc cảm, không lay động, cũng không làm tim chúng ta run rẩy vì hạnh phúc, vì đớn đau, không làm cho tình cảm chúng ta, hoặc thăng hoa tột đỉnh, hoặc trầm khổ buồn thương!

Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em.
Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu bước sang.
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai.
Để em ra bến vắng, đón chàng người chiến binh.

Hạnh phúc chỉ sẽ ùa về, hiện diện, có mặt, khi nhịp cầu hai bờ vui được nối lại. Không còn chia tan, không còn ly biệt, không còn kẻ ở người đi. Em ra bến, đón anh – chiến binh – thắng trận, trở về!

* * *

Người ta gọi, Phạm Duy là đại thụ của nền Tân Nhạc Việt Nam. Tôi thấy đúng.

Không những thế, người ta còn gọi ông là nhà nghiên cứu âm nhạc tài hoa. Tôi thấy cũng đúng luôn. Rồi người ta đánh giá, ông là người nhạc sĩ giàu có nhứt khi sở hữu hơn hai ngàn tác phẩm, mà trong đó, rất nhiều tác phẩm đã trở thành bất hủ.

Tôi thấy không sai.

Và tôi cho rằng, việc ví Phạm Duy là một thiên tài, thiết nghĩ, không có gì là quá đáng, thậm chí, có thể ngợi ca nhiều hơn thế, cũng vẫn đặng – những thiên tài, mà trăm năm, chỉ có một, hiếm hai.

Ông không chỉ là người làm nhạc, viết nhạc, viết lên, viết ra, những giai điệu êm đềm, du dương, trìu mến, gợi tình thương yêu, gợi niềm nhung nhớ, mà ông còn là người bảo tồn, duy trì cũng như là làm mới cho tiếng Việt, cho ngôn ngữ Việt Nam.

Ông có công lao trong việc làm cho tiếng Việt trở nên hay hơn, đẹp hơn, bồi đắp cho tiếng Việt ngày càng thêm phong phú. Ông cũng có công lao, bằng tác phẩm của mình, bồi đắp thêm tình yêu giữa người với người, và giữa người với quê hương Việt Nam, Tổ Quốc Việt Nam.

Có tôn xưng ông như thế, hay nhiều hơn thế, cũng xứng đáng.

Xứng đáng với một người yêu nước – Phạm Duy!

Sài Gòn, ngày 23.1.2024

Phạm Hiền Mây
Theo SGN ngày 24/1/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*