Hội Thảo ‘1975: The End Of The Vietnam War’ – Ngoảnh Lại Quá Khứ, Hướng Đến Tương Lai

Lubbock, Texas – Trong diễn văn khai mạc hội thảo “1975: The End Of The Vietnam War” (1975: Kết Thúc Chiến Tranh Việt Nam) diễn ra tại thành phố Lubbock, Texas, Tiến Sĩ Ron Milam, Giám Đốc Điều Hành Institute For Peace & Conflict thuộc đại học Texas Tech, có đặt câu hỏi với khán giả rằng ai là người lần đầu tiên đến Lubbock để tham dự những buổi hội thảo về chiến tranh Việt Nam do trường tổ chức? Rất nhiều người tham dự đã giơ tay. Ông bày tỏ ngạc nhiên và vui mừng; đồng thời mong rằng sau sự kiện này mọi người sẽ chú ý hơn đến những hoạt động của Texas Tech trong tương lai. Việc thu hút được đông đảo người đến tham gia hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của cuộc hội thảo này trong số khá nhiều những sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Tháng Tư Đen.

hội thảo 6Từ trái: TS Alex Thái, TS Cody Billock, TS Alec Holcombe, TS Tường Vũ trong hội thảo 1975: The End of the Vietnam War

Những con số biết nói. Có hơn 35 đề tài được khoảng 50 diễn giả thuyết trình và thảo luận, với sự có mặt của khoảng 170 người tham dự. Hầu hết các diễn giả đều có học vị tiến sĩ thuộc nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều đại học danh tiếng của Hoa Kỳ. Đặc biệt cần ghi nhận sự có mặt và tham gia thuyết trình của các em sinh viên đến từ đại học Fulbright Việt Nam, một đại học nhận sự tài trợ của USAID thuộc chính phủ Hoa Kỳ. Những đề tài thảo luận hết sức phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực: lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, cả trước và sau khi cuộc chiến kết thúc.

Không phải tình cờ mà cuộc hội thảo lớn về chiến tranh Việt Nam này lại diễn ra ở Lubbock, một thành phố nhỏ ở phía Tây Bắc Texas. Nhiều người tham dự hội thảo đã được mời đi thăm Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, một trong những trung tâm lưu trữ tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam lớn nhất ở Mỹ. Tiến Sĩ James Reckner, Giám Đốc Sáng Lập của trung tâm và cũng là một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, đã phát biểu như sau: “Những tượng đài quan trọng cho những người đã phục vụ và hy sinh; nhưng những trung tâm lưu trữ mới cung cấp câu trả lời có ý nghĩa cho hôm nay và tương lai.” Được thành lập từ năm 1989, trung tâm có sứ mạng sưu tầm, bảo tồn, cung cấp nguồn tư liệu về lịch sử chiến tranh Việt Nam; hỗ trợ và khuyến khích việc nghiên cứu và giáo dục về chiến tranh Việt Nam từ nhiều góc nhìn. Tính đến nay, trung tâm đang lưu giữ hơn 3,500 bộ sưu tập riêng rẽ ở dưới dạng thư tín, hình ảnh, phim ảnh, tạp chí, báo chí, bản đồ, tài liệu quân sự và chính quyền… Mỗi năm, trung tâm nhận trung bình 300 tư liệu đóng góp. Hiện nay, số lượng lưu trữ đã lên đến khoảng 30 triệu trang! Chỉ trong hai năm 2024-2025, số người tham khảo là hơn 267,000; số lượt tìm kiếm thông tin lên đến trên 71,600,000 lượt.

hôi thào 1TS Andrew West (giữa), TS Geroge Jay Veith (phải) và TS James Willbanks (trái) thảo luận đề tài “Abandoning Vietnam: Reflections on US and RVN Decision-Making at the End of the Vietnam War”

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 4 năm 2025. Đề tài đầu tiên, và có lẽ cũng thu hút sự chú ý của nhiều người tham dự nhất,  có tiêu đề “Abandoning Vietnam: Reflections on US and RVN Decision-Making at the End of the Vietnam War” (Bỏ rơi Việt Nam: Suy ngẫm về quyết định của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa vào cuối Chiến tranh Việt Nam). Ba diễn giả là Tiến Sĩ Andrew West, Tiến Sĩ Geroge Jay Veith và Tiến Sĩ James Willbanks đã phân tích và giải thích câu hỏi mà nhiều người thuộc mọi thành phần quân-nhân-cán-chính của VNCH vẫn đặt ra trong suốt nửa thế kỷ qua: “Chính quyền Mỹ có bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa hay không?” Một số tham dự viên gốc Việt cũng đặt lại câu hỏi này trong hội thảo. Các diễn diễn giả đã trả lời theo nhiều góc cạnh, nhưng hầu như đều có cùng một số quan điểm như sau:

– Đến năm 1972, lãnh đạo hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ cho dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa đều phải tìm cách kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngay cả trong trường hợp Tổng Thống Nixon không phải từ chức vì vụ bê bối Watergate cũng sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa với cử tri Mỹ về việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam.

– Lập luận về thuyết âm mưu “Kissinger đi đêm, bắt tay với Trung Cộng rồi bỏ rơi VNCH” cho  đến nay vẫn không có bằng chứng thuyết phục. Chính quyền Nixon cho dù muốn kết thúc chiến tranh Việt Nam nhưng vẫn chủ trương ủng hộ một VNCH vững mạnh để đương đầu với cộng sản Bắc Việt.

– Quân đội VNCH là những chiến binh dũng cảm, cùng quân đội Mỹ chiến đấu anh hùng để bảo vệ Miền Nam. Vì hoàn cảnh chính trị,  bị cắt viện trợ quân sự trong những năm tháng cuối cùng, họ không còn khả năng kháng cự với quân đội cộng sản Bắc Việt, dẫn đến sự sụp đổ của thể chế VNCH.

hội thảo 2TS Chu V Nguyễn (phải), TS Nhatthien “Nathan” Nguyen (trái), TS Mai Thanh Truyet (giữa) trình bày về đề tài “Vietnam’s Path to Become a High-Income Country”

Trong một đề tài khác có chủ đề: “Vietnam’s Path to Become a High-Income Country” (Con Đường Đưa Việt Nam Trở Thành Một Quốc Gia Giàu Mạnh), Tiến Sĩ Chu V Nguyễn, Tiến Sĩ Nhatthien “Nathan” Nguyen, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyet đã trình bày về những vấn đề mà chính quyền Việt Nam hiện tại phải giải quyết nếu muốn Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự hùng cường giàu mạnh. Theo họ, chính phủ Việt Nam cần tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân; xây dựng một chế độ pháp trị minh bạch; giải quyết vấn đề sông Mekong vừa ảnh hưởng môi trường, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng liên quan đến Việt Nam, các diễn giả Philip Phu Bui, Huy Nguyen, Thien Huynh, Chi-Hue Diem Le- đều là những nhà hoạt động nhân quyền- đã nói về đề tài cộng đồng người Việt tại hải ngoại sử dụng âm nhạc và các phương tiện truyền thông làm tiếng nói đòi tự do, nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam.

hội thảo 3TS Ed Miller (Darthmouth College) giới thiệu phần trình bày của các em sinh viên Fulbright Việt Nam

Trong phần trình bày của đại học Fulbright, các em sinh viên Nguyen Thi Kim Hoa, Ma Y Van, Ta Buu Long và Tiana Duong (Dartmouth College) đã trình bày về một chủ đề xảy ra trong thời chiến (khủng hoảng di dân tại Quảng Trị 1965-1975); một trong thời hậu chiến (nỗ lực của Việt Nam trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ; một về những nỗ lực hòa giải và thay đổi trong nước (nghĩa trang Bình An). Trong phần giới thiệu về các sinh viên của đại học Fulbright, Tiến Sĩ Ed Miller (Darthmouth College) cho biết ngôi trường đại học ở Việt Nam này đang gặp khó khăn do bị chính quyền Mỹ cắt ngân sách, nhưng vẫn cố gắng tiếp tục duy trì hoạt động của mình.

Còn nhiều đề tài khác nữa có liên quan đến chiến tranh Việt Nam được đưa ra thảo luận. Và cũng như bao cuộc hội thảo khác về chủ đề lớn này của dân tộc Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, vẫn sẽ không có câu trả lời nào là thỏa mãn cho mọi người Việt Nam có liên quan hay bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Những công trình nghiên cứu được trình bày trong hội thảo sẽ trở thành những tư liệu tham khảo cho những người sau vẫn còn quan tâm đến vấn đề lịch sử này.

hội thảo 4Lễ trao huy hiệu để tri ân những cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam

Hình ảnh cảm động nhất trong cuộc hội thảo có lẽ là lúc ban tổ chức trao huy hiệu để tri ân những người tham gia hội thảo cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, có cả người Mỹ và người Việt. Tất cả mọi người đều đứng lên và vỗ tay thật dài thay lời cảm ơn đến những người lính đã chiến đấu cho tổ quốc của chính mình.

Một câu hỏi được đặt ra: Sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc 50 năm, người Việt trong và ngoài nước sẽ quan tâm đến những điều gì trong tương lai?

Một diễn giả người Mỹ có kể lại rằng trong một chuyến về Việt Nam làm nghiên cứu, ông có hỏi một bạn sinh viên trẻ rằng: “Bạn nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam?” Em sinh viên này hỏi lại: “Ông muốn nói đến cuộc chiến tranh Việt Nam nào?” Ồ! Hóa ra đối với thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ, có nhiều cuộc chiến khác cũng xảy ra trên quê hương của họ chứ không phải chỉ là cuộc chiến tranh Quốc-Cộng của nửa thế kỷ trước. Dù thế hệ đi trước có muốn hay không, ký ức về một đất nước chiến tranh sẽ dần dần phai mờ đối với những thế hệ người Việt sau này.

hội thảo 5TS Jason Nguyen đánh đàn bầu các làn điệu dân ca trong phần hội thảo có chủ đề “Nói & Nối: Speaking, Listening, Connecting, anh Healing Fifty Years after War”

Trong một đề tài được trình bày sau cùng của hội thảo có tiêu đề: “Nói & Nối: Speaking, Listening, Connecting, and Healing Fifty Years after War” (Nói & Nối: Đối Thoại, Lắng Nghe, Kết Nối, Hàn Gắn 50 Năm Sau Chiến Tranh) diễn giả Jason Nguyễn đã mở đầu và kết thúc bằng cách đánh đàn bầu cho khán giả nghe những làn điệu dân ca của cả ba miền Việt Nam. Từ điệu Sa Mạc miền Bắc, đến câu hò Huế và làn điệu lý của Miền Nam. Khán giả cả Việt lẫn Mỹ đều hào hứng với âm nhạc. Đó cũng có thể là một thông điệp đầy ý nghĩa của hội thảo: 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, có khi những bản dân ca ba miền lại kết nối được người Việt khắp nơi trên thế giới, vượt qua mọi rào cản, khác biệt…

Doãn Hưng
(Ảnh của Việt Báo)

Nguồn: https://vietbao.com ngày 14/04/2025

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*