Trung úy Hiroo Onoda trong lễ đầu hàng ngày 10/3/1974 in Lubang, Philippines (Nguồn: Asahi Shimbun/Getty Images)
Đầu tháng 2 năm 1974, một du khách Nhật Bản khi đang thám hiểm trên đảo Lubang ở Philippines bất ngờ phát hiện ra một người lính Nhật còn sống sót từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai – trung úy Hiroo Onoda.
Sáng hôm ấy, khi du khách trẻ người Nhật Norio Suzuki đi sâu vào rừng rậm nhiệt đới để thám hiểm, anh chợt nhìn thấy một quái vật hình dạng người, râu tóc xồm xoàm, mình đầy vỏ cây đang ngồi ngấu nghiến ăn quả dại trên cành cây. Suzuki sợ quá nhảy thót lên. Quái vật nhìn thấy anh cũng vội trèo lên cao. Nhìn thấy động tác trèo cây của nó không giống động tác của loài khỉ, Suzuki đoán ra đây là người. Anh vội lại gần và hét to bằng tiếng Nhật:
– “Ai thế? Đừng sợ, tôi không làm hại ai đâu!”
Suzuki bỗng nghe thấy quái vật kia hỏi lại cũng bằng tiếng Nhật:
– “Anh là người Nhật Bản hả?”
Mừng quá, Suzuki thét to:
– “Tôi là người Nhật sang đây du lịch. Tại sao anh cũng biết tiếng Nhật? Anh là người nước nào?”
Một lát sau, quái vật kia nhảy từ trên cây xuống, miệng lắp bắp:
– “Người Nhật, người Nhật … thế là cuối cùng tôi đã nhìn thấy người Nhật rồi!”
Qua câu chuyện người ấy kể lại, Suzuki được biết đây là Hiroo Onoda, trung úy quân đội Nhật, sinh năm 1922, cách đây 29 năm từng phục vụ trong đội đặc nhiệm thuộc Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân vùng 14 đóng trên đất Philippines; trong chiến đấu với quân Mỹ, đơn vị của anh bị tiêu diệt gần hết, anh cùng 3 người sống sót chạy vào rừng ẩn náu. Lính Mỹ đã lùng sục khắp vùng rừng núi này, sau đấy nhiều đợt quân đội và cảnh sát Philippines cũng vào rừng tìm kiếm và gọi hàng.
Các bạn anh về sau một người đầu hàng, hai người bị bắn chết, riêng Onoda lẩn sâu hơn nên thoát được. Suốt từ năm 1945 tới nay, Onoda sống một mình trong rừng không hề ra ngoài gặp ai. Anh đoán đơn vị mình đã bị tiêu diệt, nhưng nước Nhật vẫn tồn tại và anh quyết sống đến ngày trở về.
Onoda sống nhờ ăn trái cây và các loại côn trùng, động vật nhỏ như chuột, sóc, chim, thỏ rừng bẫy được. Vì không có lửa nên anh phải ăn sống nuốt tươi mọi thứ. Bộ quân phục duy nhất đã rách hỏng từ lâu, mùa hè anh trần truồng như nhộng, mùa rét anh lấy vỏ và lá cây đan lại làm áo che thân. Tuy không có phương tiện xem ngày giờ, nhưng qua nhìn trăng tròn trăng khuyết, Onoda cũng đại khái biết được mình đã sống ở đây được 29 năm.
Đã nhiều lần Onoda gặp tai họa, như bị dã thú tấn công và bị ốm đau. Lòng dũng cảm và khôn ngoan đã giúp anh thắng được dã thú. Anh cũng dùng khẩu súng của mình bắn lại các binh sĩ Mỹ và Philippines vào rừng săn lùng lính Nhật lẩn trốn không đầu hàng.
Trong ngót ba chục năm qua, Onoda đã bắn chết hơn ba chục và làm bị thương hơn 100 binh sĩ đối phương hoặc dân thường vào rừng sâu. Khẩu súng của anh hiện giờ vẫn tốt nguyên, luôn được lau chùi bóng loáng kèm túi đạn ngót 200 viên. Anh phải tự tìm các loại lá cây và rễ cây để chữa bệnh. Nhờ tinh thần kiên cường bất khuất, anh vượt qua mọi khó khăn, sống được đến ngày nay. Điều duy nhất Onoda khó chiến thắng nổi là cảm giác cô đơn u tịch.
Suzuki kể cho Onoda biết là nước Nhật đã thua trận và đầu hàng từ tháng 8 năm 1945, nhưng Onoda nhất định không tin. Mấy chục năm qua lính Mỹ và Philippines nhiều lần bắc loa gọi hàng cũng nói như vậy, nhưng anh đều cho đây là kẻ địch giăng bẫy. Anh nói:
– “Không thể được. Đại Nhật Bản không bao giờ thua ai cả!”
Mặc cho Suzuki thuyết phục nên về Nhật sinh sống với đồng bào mình, Onoda kiên quyết ở lại trong rừng như cũ, tiếp tục cuộc chiến đấu vì niềm tin của mình. Thuyết phục mãi không có kết quả, Suzuki bèn chia tay ra về.
Trở về nước, Suzuki kể lại chuyện trên cho báo chí biết. Chính quyền Nhật bèn cử một viên chức tên là Isuzu sang tận cánh rừng Onoda ở để thuyết phục người lính già này từ bỏ ảo tưởng, trở về cuộc sống bình thường. Nhưng dù Isuzu trổ hết tài ăn nói, Onoda vẫn lắc đầu quầy quậy:
– “Tôi không bao giờ tin như vậy. Tôi khước từ mọi lời khuyến hàng và dụ hàng của bất cứ ai, trừ phi cấp trên cũ của tôi đến đây ra lệnh thì tôi mới tin đó là sự thật; nếu không tôi phải hết sức nêu cao cảnh giác và đấu tranh hết sức mình theo cách của tôi!”
Isuzu vô cùng thất vọng, chỉ còn biết hẹn với Onoda cách liên lạc lần sau, rồi ra về. Sau khi gọi điện về nước xin ý kiến, Isuzu viết thư báo cho Onoda biết Chính phủ Nhật sẽ cử cấp trên cũ của Onoda là thiếu tá Taniguchi thân chinh đến gặp Onoda để ra lệnh cho anh. Isuzu đặt lá thư này vào chỗ đã hẹn trước với Onoda. Và thế là đã diễn ra một nghi thức chấp nhận đầu hàng chưa từng có trong lịch sử loài người.
Quá trưa ngày 9 tháng 3 năm 1974, theo thư Isuzu báo trước, Hiroo Onoda đi đến chỗ hẹn thì trông thấy một chiếc lều vải có cắm cột cờ, trên đó lá quốc kỳ Nhật Bản bay phấp phới. Anh vô cùng xúc động vì đây chính là lá cờ đã cổ vũ anh kiên cường sống suốt 29 năm qua.
Isuzu ra đón. Onoda biết đã tới giờ phút gặp lại thủ trưởng năm xưa của mình. Anh vội bước đến, hướng về phía chiếc lều và hét to:
– “Báo cáo thiếu tá Taniguchi, trung úy Onoda có mặt!”
Từ trong lều vang lên giọng nói quen thuộc:
– “Onoda hả, đúng là anh đấy chứ? Chờ một chút nhé, tôi đang mặc quân phục. Đây là lần cuối cùng tôi ra lệnh cho anh, cho nên phải làm đúng điều lệnh.”
Isuzu lấy máy ảnh chuẩn bị chụp lễ tiếp nhận đầu hàng cuối cùng của Đại chiến thế giới lần thứ hai. Taniguchi quân phục chỉnh tề bước ra. Onoda giơ tay chào theo kiểu chào của quân đội, dõng dạc nói:
– “Báo cáo trưởng quan Taniguchi, trung úy Onoda có mặt nghe lệnh ngài!”
Taniguchi chào lại và nói:
– “Onoda, anh giỏi lắm. Tôi rất mừng có một cấp dưới như anh.”
Sau khi bắt tay Onoda, thiếu tá nghiêm giọng:
– “Lễ thụ hàng chính thức bắt đầu. Trung úy Onoda nghe đây!
Lấy danh nghĩa là cấp trên của anh, tôi đọc mệnh lệnh như sau cho anh nghe.”
“Theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân vùng 14 thuộc quân đội Hoàng gia Nhật Bản, 19 giờ ngày 10 tháng 9 năm 1945, đội đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân ra lệnh:
‘– Điều Một. Theo lệnh của Thiên Hoàng, Tập đoàn quân vùng 14 đình chỉ mọi hành động chiến đấu;
– Điều Hai. Theo mệnh lệnh số A-2003 của Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân vùng 14, đội đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân vùng 14 đình chỉ mọi hành động quân sự;
– Điều Ba. Tất cả các đơn vị và cá nhân thuộc đội đặc nhiệm phải lập tức đình chỉ mọi hành động quân sự và quy tập theo sự chỉ huy của sĩ quan cấp trên nơi gần nhất.
Trường hợp không tìm thấy sĩ quan cấp cao hơn thì phải đầu hàng quân đội Mỹ hoặc Philippines và nghe theo sự chỉ huy của họ.’
Mệnh lệnh đến đây là hết.
Thiếu tá Taniguchi, đội đặc nhiệm Bộ tư lệnh Tập đoàn quân vùng 14.”
Đọc xong lệnh, Taniguchi nhìn Onoda nói:
– “Mệnh lệnh chỉ có thế. Mọi chuyện khác chúng ta sẽ nói sau.”
Onoda hỏi:
– “Đầu hàng thật ạ?”
Taniguchi trả lời:
– “Phải chấp nhận thực tế thôi. Toàn bộ Hoàng quân Nhật Bản 29 năm trước đã chấp nhận đầu hàng, cả tôi cũng thế.”
Onoda lặng người đi một lúc lâu, rồi quỳ xuống “Oà” một tiếng khóc váng lên:
– “Chúng ta thật sự thua trận ư? Quân địch đã làm gì thế ạ? Bao năm nay tôi chiến đấu như một chiến sĩ du kích của Hoàng quân là để làm gì hả trời? 29 năm nay tôi ôm ấp một niềm tin Nhật Bản không bao giờ thua trận, lẽ nào bây giờ lại phải nghe một mệnh lệnh như vậy chăng? Lẽ ra tôi không nên đến gặp các vị. Chấp nhận đầu hàng như vậy thì sao còn có thể chiến đấu đến cùng vì vinh dự của nước Nhật, vì vinh dự của Thiên Hoàng, vì vinh dự của một quân nhân Đế quốc Nhật Bản được nữa?”
Taniguchi thân mật vỗ vai Onoda:
– “Trung úy Onoda, mọi việc đã kết thúc. Chiến tranh, ngót 30 năm cuộc sống hoang dã của anh, và cả huyền thoại ‘Nhật Bản bất bại’, tất cả đều đã chấm dứt rồi!”
Sau nhiều lần cố gắng, cuối cùng Taniguchi và Isuzu thuyết phục được Onoda theo họ trở về nước Nhật. Dân chúng Philippines có người đòi trị tội Onoda vì đã vô lý chống lại lệnh đầu hàng và gây thiệt hại lớn cho binh sĩ và dân thường Philippines. Nhưng Tổng thống nước này đã ân xá cho anh và tiếp kiến anh. Khi Onoda về nước, dân Nhật đón anh như một anh hùng tượng trưng cho tinh thần yêu nước.
Phải nhiều năm sau, Hiroo Onoda mới quen dần với cuộc sống ở quê nhà. Ông viết và xuất bản cuốn tự truyện “Cuộc chiến 29 năm không đầu hàng của tôi”. Ông từ chối gặp Thiên Hoàng rồi sang Brazil (nơi có nhiều người Nhật di cư từ xưa) làm nghề chăn nuôi. Sau khi lấy vợ, ông lại về quê cũ và mở một vườn trẻ. Hiroo Onoda qua đời năm 2014, thọ 92 tuổi.
Nguyễn Hải Hoành biên tập
Theo https://nghiencuuquocte.org ngày 19/8/2021
Be the first to comment