
Cũng như các lãnh đạo đảng, Lê Duẩn không biết học hành đến đâu nhưng tài liệu đảng nói rằng ông học hết tiểu học, học trung học một năm rồi bỏ. Đảng nói học hết Tiểu học có nghĩa là cao lắm chỉ đến lớp ba trường làng như bác Ba! Vũ Thư Hiên bảo rằng ông ta:
“Vốn là một tên bẻ ghi đường sắt trước khi trở thành nhà độc tài, Lê Duẩn tất nhiên muốn chỉ bằng một cú gạt là bắt được con tầu quốc gia chạy theo ý mình muốn.” (Đêm Giữa Ban Ngày, 273).
Ấy thế mà ông mơ làm triết gia thế giới hoăc ít nữa là triết gia vùng như Vũ Thư Hiên đã giới thiệu.
Đó là cái kiêu ngạo cộng sản nó mọc rễ trong tim óc hầu hết đảng viên cộng sản, dù là đảng viên cắc kế! Cái kiêu ngạo đó lại được bọn tôi tớ trí thức nịnh hót tâng bốc làm cho họ bay bổng. Vũ Thư Hiên nhận định:
“Ðể chủ soái vui lòng, các lý thuyết gia nội hóa múa bút tạo nên hệ lý thuyết riêng của Lê Duẩn, gồm mấy điểm chủ chốt: một là xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên tinh thần làm chủ tập thể, hai là tinh thần cách mạng tiến công – tiến công không ngừng, tiến công liên tục, lấn tới từng bước, đánh đổ từng bộ phận của chủ nghĩa đế quốc dựa trên sức mạnh kết hợp của ba dòng thác cách mạng. Với tư cách lý thuyết gia hàng đầu của cách mạng Việt Nam, thái thượng hoàng hụt cũng ra công giúp rập Lê Duẩn trong mưu toan trở thành một trong những nhà kinh điển mác-xít cấp châu lục trong giai đoạn mới, để chứng minh Lê Duẩn không phải mao-ít. Trường Chinh tự lột xác hay bị lép vế, là điều đến nay còn là bí mật (Đêm Giữa Ban Ngày, Ch. XVIII).
Mộng làm triết gia của ông bị Trần Đức Thảo dội cho một thùng nước lạnh. Trần Đĩnh kể rằng Lê Duẩn mời Trần Đức Thảo đến để được nghe ca tụng, cho nên sau khi “trình bày về đề cương về vấn đề con người” riêng cho triết gia Trần Đức Thảo nghe và khi xin Gíao sư Thảo có ý kiến… thì… ngơ ngác một lát, Thảo nói:
– “Tôi không hiểu gì cả.”
Thế là, Lê Duẩn vòng ra sau GS Thảo, vòng tay ôm GS Thảo nhấc lên, giộng xuống đất mấy cái cho hả giận… rồi bỏ vào trong nhà. Sau đó, GS Trần Đức Thảo kể lại với Trần Đĩnh:
– “Duẩn chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác…”.
Rồi Trần Đức Thảo thì thầm vào tai Trần Đĩnh:
– “Làm sao Duẩn lại Mác-xít được?”
(ĐC, 435-441)
Ông ta lại còn muốn làm khoa học gia. Trần Đĩnh cho biết tinh thần khoa học của ông Lê thuộc loại đỉnh cao trí tuệ:
Ban văn hoá của báo cho biết anh Lê Duẩn quan tâm đến đời sống dân lắm. Anh đã hỏi kỹ anh Phạm Ngọc Thạch rằng một bát cơm ăn với rau muống luộc có khác một bát cơm ăn với rau muống xào không. Khi nhờ phân tích khoa học cao siêu, (tôi ngứa tay thêm mấy chữ này vào đây) biết là có khác nhau…” cơ bản” thì anh Duẩn đã chỉ thị hãy cố sao cho “về cơ bản” dân ta được ăn nhiều rau muống xào mà” cơ bản” bớt luộc đi. Nói “về cơ bản” vì phấn đấu cho có thêm mấy triệu thìa mỡ mỗi ngày “về cơ bản” không dễ!… Tôi nghĩ ngay việc gì phải Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, cứ bày lên bàn ông Duẩn hai dúm cơm, một rang mỡ, một không là kiến nó cho ý kiến nó ngay không phải chờ Phạm Ngọc Thạch chỉ thị cho ngành y tế. ((ĐC, Ch.IX, 128) .
Lê Duẩn bao giờ cũng biểu dương lòng thương dân bằng mồm. Ông tuyên truyền khá hay. Lúc sinh thời, nhân dịp Tết 1976, Lê Duẩn từng tuyên bố rằng:
“Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh. (Wikipedia-Lê Duẩn)”
Theo lời của Trần Phương, Lê Duẩn từng nói với ông:
“Cầm quyền mà không lo nổi cho dân một bộ quần áo thì cầm quyền là nghĩa thế nào? Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lo đủ cho người dân một bộ quần áo… Tôi vẫn nhớ, có lần trong những năm 60, trong một cuộc họp ở Đồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ:
– “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi…”.
Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói một lời. Tôi rất thông cảm với Anh về cái khó của Chính phủ. Muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ. Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn (Wikipedia. Lê Duẩn).
Nhưng cho đến nay, chỉ có đảng viên mới có xe hơi bạc triệu, hàng chục villa và tiền gửi ra ngoại quốc còn dân thì mất nhà, mất đất… mà chẳng thấy ai từ chức!
Trong chế độ cộng sản, khi lãnh tụ đột xuất “phát tiết”, hàng vạn ninh thần cất tiếng bốc thơm! Nghe quốc vương nghiên cứu, tìm hiểu về rau muống, Phạm Văn Đồng cũng tỏ ra quan tâm đến khoa học và nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng:
“một ký rau muống có chứa chất bổ dưỡng ngang với một ký thịt bò”.
(Cánh Cò. Rau muống và thịt bò. http://www.rfavietnam.com/node/2836)
Người ta cho rằng dân Quảng bướng bỉnh, ương ngạnh nhưng Phạm Văn Đồng không ở vào trường hợp này. Ông ta là thủ tướng lâu đời nhất vì thời nào ông cũng vâng dạ, gió chiều nào che chiều ấy nên sống lâu, ngồi bền! Vũ Thư Hiên cho ta biết ý kiến của các đảng viên cao cấp phê bình Phạm Văn Đồng:
Phạm Văn Đồng than thở:
– “Tôi là thủ tướng lâu nhất thế giới và cũng là thủ tướng khổ nhất thế giới. Làm thủ tướng thật, tôi chẳng có quyền gì hết….”
Ông Ưng văn Khiêm bình luận:
Anh chàng này có một cái tội: đó là biết mình không có quyền làm bất cái chi không có phép Ba Duẫn với Sáu Thọ mà lại không dám từ chức.
Ông Trần Văn Giầu hóm hỉnh:
– “Cái đít con người ta có trí nhớ. Nó nhớ cái ghế.”
Tôi được nghe Phạm Văn Đồng nói chuyện nhiều lần. Ông tỏ ra là người biết nhiều hiểu rộng, nhưng tôi thấy ít ai nói chuyện vô duyên như ông.” (trang 294)
… Mai Lộc vốn rất sùng kính Phạm Văn Đồng buồn rầu nói với tôi:
“Thần tượng của tôi sụp đổ rồi. Không ai mời ông ta cứ đòi đến, leo lên bục mà ba hoa, chẳng ai buồn nghe mà vẫn cứ nói.”
“Phạm văn Đồng, theo bà (mẹ tác giả) nhận xét là người không xấu, nhưng ba phải, vụng về và vô tích sự… Dư luận ca ngợi ông liêm khiết, ông đứng đắn, nhưng những ai quen biết ông đều hiểu ông không làm nổi trò gì trong những việc lẽ ra ông phải làm….
“… Ông không nuốn mất lòng một ai, nhất là mất lòng cấp trên. Quả nhiên đúng. Một đồng chí cũ thương mẹ tôi đến nói với Phạm Văn Đồng chuyện cha tôi bị bắt. Ông nghe rồi thở dài nói: “Việc tập thể quyết định, tôi làm gì được!” (DGBN, trang 27)
Tố Hữu rồi Nguyễn Chí Thanh cũng lớn tiếng phụ họa với ông chủ cho tròn phận tôi, và cũng để chứng tỏ trình độ khoa học đỉnh cao trí tuệ của loài người.
Trần Đĩnh cho biết:
Giữa năm 1963, Nguyễn Chí Thanh có bài đăng trang nhất báo Nhân Dân kêu gọi tiết kiệm lương thực. Hợp tác xã cha chung không ai khóc, năng suất thấp, thóc gạo thiếu, biện pháp duy nhất thích hợp là bóp miệng lại, Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại sao phải ăn bún?
Lúc Tố Hữu mở bữa thịt chó khao in tiểu sử Cụ, chưa hợp tác hóa nông nghiệp, bún ê hề, Thanh ca ngợi thiên tài bếp núc dân tộc thể hiện ở tổ hợp bún, thịt chó, mắm tôm. Từ ngày hợp tác hoá nông nghiệp, quản lý hết thóc gạo thịt thà, kể cả chó, thiên tài bếp núc gần như tiêu ma. Một cá nhân bèn dám lớn tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” và nổ bộc phá vào nền móng thiên tài ẩm thực dân tộc!
Sau phải có chế độ đổi tem gạo lấy bún để duy trì tổ hợp thiên tài (ĐC, Ch.XX)
Thật ra có một thời đảng bách chiến bách thắng đã cấm phở, cháo, bánh cuốn… vì đó là sản phẩm phong kiến và tư bản. Sao các ông này giống Pol Pot căm thù trà và cà phê đã phá hủy các đồn điền cà phê, trà, phá hủy quốc lộ để trồng khoai sắn và xuyên tâm liên! Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan cũng đi Tây về đấy! May phước bún được cứu sống chứ không bị ông tướng nông dân kết án tử hình vì tội phong kiến, tư bản, phản động, là kẻ thù của nhân dân, đã phá hoại kinh tế XHCN!
Một cán bộ cộng sản dưới tên Tri Lê viết rẳng ốc sên có nhiều đạm; ăn 7 kg lá khoai mì cũng bổ tương đương bằng 1 kg thịt bò; thịt cóc, nhái đều có nhiều đạm; rồi phổ biến làm “thủy sâm”; me-xừ Lý Ban, bí thư đảng đoàn bộ ngoại thương (thời kỳ Phan Anh làm bộ trưởng và Nguyễn văn Đào làm thứ trưởng), cũng là phái viên của Trung cộng tại Việt Nam, thì ra công phổ biến cách nhịn ăn, sáng sớm uống độ 2 lít nước âm ấm.
Mấy ông trên là trí thức XHCN, còn có ông bác sĩ tốt nghiệp Đại Học Pháp cũng thuộc hạng trí tuệ đỉnh cao khi theo hùa với các trí thức vô sản. Đó là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Báo Cộng sản đăng về phát minh ghê gớm của ông Viện:
“Nhân một buổi về tham quan hợp tác xã vùng đồng bằng sông Hồng, Viện được chứng kiến một hoạt cảnh sinh động, điễn hình tiên tiến… Một chị đội trưởng hợp tác xã vừa thổi cơm bằng rơm, vừa thuyết minh “cơ cấu tổ chức” hợp tác xã, chế độ vần công, cách thức điều hành xã viên, phân chia nông phẩm, phân phối phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện nghĩa vụ thuế nông nghiệp… Chị vừa trình bày vấn đề trọng đại, vừa thổi mồi rơm; lửa hắt ánh hồng lên khuôn mặt tươi trẻ, hiện thực vẽ đẹp cao quý của người lao động trong chế độ ưu việt -chế độ xã hội chủ nghĩa-
Chế độ triệt tiêu “hiện tượng người-bóc lột-người” mà trí tuệ siêu việt Karl Marx, Engel hằng tiên tri, nay Bác Hồ hiện thực trên đất nước Việt Nam giàu đẹp, sau cuộc chiến thắng trời long đất lỡ, đánh bại hai tên đế quốc sừng sõ, ghê gớm nhất của nhân loại, thực dân Pháp và Ðế quốc Mỹ.”
Ông đề nghị một cách khôn ngoan trong loạt bài báo (có tính khoa học cao):
“Người Việt nên thay đổi “cơ cấu bữa ăn cổ truyền với thuần gạo tẻ” (và thay vì gọi là “cơm độn” mà nên gọi là “cơm trộn”) bằng: “cơ cấu mới: gạo-ngô-khoai-sắn”- vì ngô-khoai-sắn có nhiều chất sắt hơn trong một hàm lượng so với gạo tẻ.”
Viện trích dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ nông học Phạm Hoàng Hộ:
“Mười cân rau muống bổ dưỡng bằng một cân thịt bò”. Viện vạch rõ, cũng từ một nghiên cứu khoa học, “rau muống có nhiều chất sắt hơn thịt bò!”
Ðấy là câu chuyện của 20 năm trước. Nay, thành quả nghiên cứu nghiêm túc của Viện Sĩ Nguyễn Khắc Viện, điển hình “trí thức xã hội chủ nghĩa” được hệ thống hóa và nâng cấp qua cuốn sách: ViêtNam, Une Longue Histoire.
Nguyễn khắc Viện, là bạn của Trần Đức Thảo, trong Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Đức Thảo bị búa rìu, khiến vợ ông, bà Nguyễn Thị Nhất phải bỏ ông mà theo Nguyễn Khắc Viện. Bà ta được họ Hồ thưởng cho cái ghế vụ trưởng Vụ Mẫu giáo thuộc bộ giáo dục. Khi một số những nhà “khoa học trí tuệ đỉnh cao” của Bắc Việt Nam, theo lệnh của Tố Hữu, cố chứng minh rằng “7 ki lô lá sắn bổ tương đương 1 kg thịt bò, ngô bổ hơn gạo và ốc sên có nhiều đạm v.v…”.
Dù đảng không phân công, ông cũng ngữa tay xin việc đã nhanh nhẩu hưởng ứng chủ trương “rau cỏ hóa bữa ăn của toàn dân” bằng bài “rau muống” đăng trên tờ Văn hóa.
Sau tháng 4-1975, người miền Bắc khi vào Nam trở ra đều khen nhà cửa, thành thị, đường xá v.v… của miền Nam, thì ông Viện cũng hăng tiết vịt lớn tiếng chửi sự đê nhục của những xa lộ ở miền Nam và hết lời ca ngợi cùng tự hào về những đường ổ gà, sống trâu ở miền Bắc, đúng mẫu mực của họ Hồ là “Mỹ mà xấu”, nghĩa là cái gì của “ta” cũng đều “tốt” và cái gì của “ngụy” cũng đều “xấu”! Ôi! Chó chạy trước mang! Và “bảo hoàng hơn vua”. Người ta nói mấy tên tân tòng thường cuống tín như vậy đó! Ông Viện quả là nhiệt tình theo cộng sản thế mà không hiểu sao sau này ông chống đảng, đến nỗi dư luận cho là ông bị Đỗ Mười bức tử! Không biết lúc từ bên Pháp về ông hy vọng gì, ước mơ gì mà liều thân, liều mạng, bất cố liêm sỉ như vậy?
Tháng 11 năm 1992, Nguyễn Khắc Viện được trao giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp. với khoản tiền thưởng 400.000 franc (tương đương 80.000 USD) nhưng liệu khó nuốt trôi, ông phải cúng dường cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm NT).
GS Phạm Hoàng Hộ cũng như Nguyễn Khắc Viện là trí thức từ Pháp về nhưng ở với Cộng sản thì cũng hóa thành vượn! Trong Trại Kiên Giam, Nguyễn Chí Thiệp đã suy nghĩ về ông, một trí thúc bậc nhất của miền Nam:
Không biết khi “đặt hàng” Việt Cộng có đủ khả năng để đi vào các điểm chi tiết hay không, nhưng những nhà trí thức miền Nam đầu hàng giai cấp muộn màng đó (nếu đầu hàng giai cấp sớm đã trở thành đảng viên Cộng Sản) ra sức dùng ngòi bút ca tụng và tô hồng chế độ đến người đọc phải ngượng ngùng cho giá trị của chữ nghĩa. Nhưng người dân Việt Nam thực tế, người ta hiểu rõ giá trị của thịt bò là thịt bò, rau muống là rau muống, rau muống không thể là thịt bò xanh (bíp tết xanh). Có người ao ước một lúc nào đó có dịp để đói với nhà trí thức Phạm Hoàng Hộ dăm ba ngày, rồi dọn mâm cơm với thịt bò và mâm khoai mì với rau muống để nhà trí thức chọn lựa món ăn (Trại Kiên Giam, Ch. V)
Phạm Hoàng Hộ còn đi xa hơn việc nhận đơn đặt hàng. Ông đã “báo công” với Cộng đảng. Nguyễn Chí Thiệp cho biết thêm:
Ông Phạm Hoàng Hộ viết báo kể công rằng chính ông đã viết bài về sự nguy hại của chất độc khai quang, nên tôm cá ở khu vực sông Cửu Long và bờ biển Việt Nam có nhiễm chất dioxine. Sau bài viết của ông Phạm Hoàng Hộ các khế ước xuất cảng tôm cá qua Nhật và Tân Gia Ba bị bãi bỏ, ông Hộ tiếp tục làm công tác tuyên truyền bằng cách đưa ra lý luận “một nước đã bị Cộng sản hóa rồi không quay trở lại!”.
Ông còn viết những bài chứng minh khoai mì, rau muống là những chất bổ dưỡng – ba ký rau muống bằng một ký thịt bò – rau muống là bíp tết xanh.
Trần Kim Thạch kể công đã viết bài báo chứng minh thềm lục địa Việt Nam không có dầu hỏa để đánh tan hy vọng của người miền Nam về một nguồn tài nguyên mới trong khi Mỹ giảm viện trợ. (Trai Kiên Giam, IX)
Miền Nam ngày xưa đâu biết củ mì củ sắn, đâu phải xếp hàng mua rau muống, mua củi đâu cần tính kí! Sau này văn minh Bắc Kỳ tràn vào làm xã hội và con người biến dạng. Một bà người Nam, vợ trung tá cảnh sát kể rằng ngày trước nghe nói ngoài Bắc mua rau muống phải xếp hàng, bà cười ngất bảo bọn Bắc kỳ di cư xạo, mua rau muống cần gì phải xếp hàng! Sau 1975, dân Nam Kỳ mới sáng mắt sáng lòng:
Nhờ Việt cộng, nhờ bác Hồ,
Dân Nam mới biết bo bo là gì.
Nhờ công đánh đuổi Thiệu Kỳ,
Dân Nam mới biết củ mì củ khoai.
Công ơn Bác đảng anh tài
Xếp hàng cả buổi mua vài bó rau!
Chỉ có sen gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn còn phần lớn các vật bị ném xuống ao tù nước đọng đều hóa ra rong rêu, cặn bã, rác rến và sình lầy.
Sơn Trung
Theo https://dien-hong.blogspot.com ngày 8/6/2019
Be the first to comment