Cái Tóc, Gốc Con Người

Tóc em dài, em cài hoa thiên lí,
Mĩm miệng cười, để ý anh thương.

Người VN, rất chú ý đến mái tóc, nếu không, đã không có những câu ca dao trữ tình như:

Tóc mai sợi vắn, sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

Khi gặp một người, chỉ cần nhìn cái răng, cái tóc, cộng với làn da là ta có thể đoán được tình trạng sức khoẻ của người này.

Có nhiều thắc mắc về chuyện rụng tóc, tóc bạc. Bài viết này không nhằm mục đích đi sâu vào chuyên môn. Tác giả chỉ muốn nhấn mạnh về khía cạnh sinh lí của sợi tóc, giúp độc giả hiểu được sự khác biệt giữa phát triển bình thường và không bình thường của tóc, từ đó suy ra xem mình có vấn đề với tóc hay không, để đi gặp bác sĩ.

Mái tóc có các nhiệm vụ sau:

1- Giảm thoát nhiệt qua da đầu: áp dụng, mùa đông phải đội nón, giúp cơ thể ấm hơn, nhất là người trọc tóc.
2- Bảo vệ da đầu, mặt, cổ tránh tác động của tia UV.
3- Làm đẹp và lôi cuốn đối tác (cái này hại bạn lắm đây!)

Nhưng chuyện bảo vệ có thể thay bằng cái nón, còn chuyện sói đầu có ảnh hưởng lớn tới tâm lí con người, vì người ta coi việc sói đầu là sự bất thường, dấu hiệu của tuổi già, thiếu sức khoẻ, vì gợi đến hoá trị, xạ trị do bịnh ung thư.

Mỗi năm, dân chúng tiêu tốn hàng tỉ đô la để làm đẹp mái tóc.

1/ Chu trình phát triển bình thường của một sợi tóc:

Tóc mọc từ một nang, nằm trong hạ bì (xin nhắc, da gồm 3 lớp, từ ngoài vào trong: biểu bì, trung bì, hạ bì hay còn gọi là lớp dưới da). Có một tuyến mồ hôi, tiết chất dầu, làm cho tóc mượt mà, nằm trong hạ bì và một cơ nhỏ làm dựng tóc (khi sợ hãi để dựng tóc gáy chơi)

2/ Cuộc đời của sợi tóc trãi qua 4 giai đoạn:

a- Giai đoạn mọc (anagen): kéo dài từ 2 đến 6 năm, (trong khi tuổi của lông mày, lông mi là từ 1 đến 6 tháng), chiếm đến 90-93 % số lượng tóc trên đầu, trong giai đoạn này tóc dài 1cm mỗi tháng, còn lại 7-10 % thuộc các giai đoạn sau.

b- Giai đoạn thoái triển (catagen): trung gian giữa giai đoạn mọc và giai đoạn nghỉ, kéo dài 2, 3 tuần.

c- Giai đoạn nghỉ (télogen): kéo dài 100 ngày.

d- Tóc rụng (exogen).

Ở giai đoạn anagen, đã có sự hình thành một nang tóc mới, để đẩy sợi tóc cũ lên dần, và sau cùng rụng ra ngoài.

Để tìm nguyên nhân tóc rụng sớm, người ta nhổ tóc, so sánh các giai đoạn anagen, télogen, tìm tỉ lệ của các giai đoạn này.

Như vậy, cùng một lúc, trên mái tóc, các sợi tóc ở nhiều giai đoạn khác nhau.

3/ Có bao nhiêu sợi tóc trên đầu?

Có khoảng 100.000 – 200.000 sợi, do đó, có người tóc rậm, có người tóc thưa, tuỳ theo di truyền.

4/ Tóc rụng bao nhiêu sợi mỗi ngày?

Trung bình, khoảng 50-100 sợi (có sách nói 80 sợi) mỗi ngày. Do đó, khi hút bụi, thấy đầy tóc trên sàn nhà là chuyện bình thường. Người nhiều tóc, có khi rụng tới 200 sợi mỗi ngày (đây là trường hợp ngoại lệ). Như vậy trong gia đình 5 người, có 250 tới 500 sợi tóc rụng mỗi ngày là chuyện bình thường!

Xin nói rõ, ở đây là một gia đình son trẻ, chứ trong chùa hay nhà toàn ông già bà lão không thôi, thì tóc đâu mà rụng nhiều như vậy.

Khi có bầu, cơ thể tiết ra nhiều kích thích tố, sinh nhiều tóc. Sau khi sinh, lượng kích thích tố giảm đột ngột, gây mất nhiều tóc. Vậy thì, ở giai đoạn hậu sản, khi thấy cả nùi tóc trong bồn tắm hay trên cây lược chải đầu thì chớ có sợ hãi, đó là chuyện bình thường sau khi sanh con trong vòng 3-6 tháng. Sau tháng thứ 6, nếu tóc tiếp tục rụng trên 100 sợi mỗi ngày thì mới coi là bất thường, cần gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân.

5/ Tóc rụng bất thường:

Có 2 kiểu rụng tóc khác thường:
1- Rụng tóc toàn đầu.
2- Rụng tóc giới hạn một vùng (ví dụ kiểu Alopécia aérata).

Cần phải phân biệt tóc rụng bất thường ở giai đoạn phát triển nào của sợi tóc: giai đoạn mọc (anogen) hay giai đoạn nghỉ chờ rụng (télogen) vì nguyên nhân rất khác nhau.

6/ Nguyên nhân rụng tóc bất thường:

6.1: Rụng toàn đầu.

a. Rụng tóc ở giai đoạn nghỉ (télogen)
– Do mất nhiều máu (xuất huyết vì nhiều lí do)
– Nhịn ăn để ốm (thiếu protéine)
– Thuốc: Coumadin, Héparine để chữa các bệnh đông máu, Propanolol, Vitamine A
– Sốt cao (kinh nghiệm VN, sau khi bị sốt thương hàn, tóc rụng rất nhiều) – cường tuyến giáp, thiểu tuyến giáp.
– Stress vì mỗ.
– Stress vì tâm lí.
– Bịnh nặng như Lupus

b/ Rụng tóc ở giai đoạn mọc tóc (anogen)
– Sau hoá trị, xạ trị ung thư, tóc sẽ mọc lại.
– Nhiễm độc thuốc Arsenic.
– Nhiễm độc thuốc chuột có chứa Thallium.

c/ Mất tóc dạng mối ăn (do bịnh Syphilis, giai đoạn 2)

6.2: Mất một vùng tóc:
– Sói kiểu di truyền ở cả đàn bà lẫn đàn ông do Androgen.
– Chứng rậm lông ở phụ nữ (Hirsutisme).
– Alopécia aérata (mất tóc từng vùng).
– Thói quen ngồi đâu nhổ đó, hoặc nhổ tóc ngứa.
– Sói vì tóc bị căng do thắt bính thấy ở người da đen.
– Sói do sẹo vì nhiểm trùng gây ra bởi nấm, virus, vi trùng, hoặc sẹo do Pemphigus,
– Sclérodermia Lupus, Lichen planus.
– Ung thư di căn, ung thư da dạng Basal cell.

7/ Tại sao tóc bạc?

Trong sợi tóc có chứa mélanin, do các tế bào mélanocytes tiết ra.

Có 2 loại mélanin:

7.1: Eumélanin: màu đen nâu, nhiều ở người da đen, ít ở người da vàng.
7.2 Phéomélanin: từ vàng đến đỏ, ở người da trắng.

Khi lượng mélanin giảm theo tuổi đời, sợi tóc sẽ không còn đen nữa, thành ra bạc 50%. Người lớn hơn 50 tuổi, có 50% tóc bạc là chuyện bình thường.

8/ Tại sao người còn trẻ mà tóc đã bạc?

– Phần lớn là do di truyền, không thuốc chữa.
– Hoặc do thiếu các chất kẽm, đồng, vit B, B12, vit E. Chữa bằng cách bù các chất bị thiếu.
– Do hút thuốc lá, chữa bằng cách ngưng thuốc lá.
– Điểm hết sức quan trọng, cần phải nhấn mạnh là stress làm bạc đầu là có thật, chứ không phải là huyền thoại.

Câu chuyện Ngũ tử Tư, đại phu nước Sở, sau một đêm trằn trọc vì lo nghĩ, đầu bạc trắng, lính canh cửa ải không nhận ra, giúp ông lọt qua ải.

Câu chuyện hoàng hậu Marie Antoinnette, vợ vua Louis 16, của nước Pháp, trước khi bị chặt đầu, tóc bà bạc trắng vì lo sợ, được sách sử ghi lại rõ ràng.

Các nhà khảo cứu Mỹ và Brazil, làm thí nghiệm trên chuột, gây stress bằng cách làm chuột đau đớn, chuột tiết ra CDK, chất này tác dụng lên tế bào mầm của mélanocyte làm giảm tiết mélanin, sau vài ngày, các mélanocyte bị chết và điều này có tính vĩnh viễn, nghĩa là suốt đời còn lại, chuột đen thành chuột bạch. Bài khảo cứu này được đăng trên tạp chí Nature danh tiếng nhất hoàn cầu.

Tóc mọc được điều hoà bởi Androgen (kích thích tố nam) cho cả 2 phái nam & nữ. Tétostérone kích thích làm mọc lông nách và vùng mu.

Dihydrotestostérone (DHT) kích thích râu càm và đặc biệt là làm rụng tóc, chính vì đặc tính này, kỷ nghệ dược phẩm chế thuốc gội đầu cho thêm chất phong bế (blocker) DHT, hi vọng sẽ giúp mọc tóc.

Dầu gội đầu có thêm Rogain (minoxidil ) 2%-5% để giúp mọc tóc.

Thuốc Finasteride, ngăn sự biến đổi từ Tétostérone thành DHT cũng được dùng để chữa tóc rụng.

Nếu không thành công với các phương pháp kể trên, vì lí do thẩm mỹ, thì phải đi cấy tóc, tuy tốn kém, nhưng hiệu nghiệm.

Về phần tóc bạc, nếu sau khi đã loại các nguyên nhân chữa được, mà thất bại, chỉ còn cách là nhuộm tóc.

Đặc biệt xin nói thêm về Hà thủ Ô, vì có nhiều thắc mắc về loại thuốc bắc này, mà nhiều người nói rằng nó là thần dược, tôi xác nhận là có hiệu quả, thật ngoạn mục, vì trong gia đình tôi có người đã dùng và hiệu quả thật rõ ràng, nhưng xin chớ đụng tới thứ này, vì nó cực độc cho gan, có thể làm chết người vì gây viêm gan do thuốc (hépatotoxic).

Nên nhớ, tất cả các thuốc mà ta dùng phải theo nguyên tắc đầu tiên là vô hại (primum non nocere).

Tóm lại, để có mái tóc đẹp, phải biết nâng niu từng sợi tóc, không làm tổn thương các sợi tóc, bằng cách đừng chải tóc quá mạnh bạo, không nhổ tóc gọi là tóc ngứa, vì nó sẽ không mọc lại được nữa khi bị nhổ sớm trước chu kì bình thường. Tránh trì kéo các sợi tóc như thắt bính quá căng. Khi thấy tóc rụng nhiều quá 100 sợi/ ngày phải đi gặp BS để tìm nguyên do.

Đừng lo nghĩ thái quá vì sẽ bị bạc đầu, nhưng không lo nghĩ sao được ở thời covid 19 này? Xin chấm dứt bài này bằng mấy câu thơ lãng mạn của nữ sĩ Sương Mai:

Em gởi cho anh sợi tóc mây,
Với lòng yêu mến vẫn không phai.
Gởi anh một chút mùi hương tóc,
Là cả ân tình anh có hay?

Ôi! Anh nào may mắn quá!

Montreal 17/5/2021
BS Tăng Quốc Kiệt

Tài liệu tham khảo:

– Fitzpatrick’s Dermatology In General Medecine
– Fitzpatrick’s Color Atlas And Synopsis Of Clinical Dermatology
– The Merk Manual Clinical Dermatology

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*