Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa
Ngày 12/10/2023, những tiếng vỗ tay vang trời của rất nhiều linh mục, tu sĩ, tín đồ Công giáo để chào đón các chính khách của chính phủ trong một buổi đại hội được tổ chức tại Hà Nội.
Sau những tiếng hát quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi…” là những bài phát biểu, tham luận của các lãnh đạo từ chính quyền trung ương đến các linh mục, tu sĩ, v.v.
Tuyệt nhiên không thấy hình ảnh hay tiếng phát biểu của một giám mục nào thuộc Hàng Giáo phẩm Việt Nam.
Cũng tại đại hội, người ta cũng không hề thấy hình ảnh của Thánh giá vốn là biểu tượng đặc trưng của các giáo hội Kitô giáo nói chung và giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng.
Thay vào đó là hình ảnh cờ đỏ sao vàng đi cùng tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh – vốn rất quen thuộc được nhìn thấy trong các cơ quan công quyền hay các hội nghị do chính quyền tổ chức.
Đó là những gì diễn ra tại đại hội của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCG). Tên gọi đầy đủ là Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám.
Mặc dù đây là ủy ban chính danh được chính quyền công nhận hợp pháp. Thế nhưng cho đến nay, hầu hết các tín đồ Công giáo Việt Nam chưa bao giờ coi tổ chức này là cơ quan lãnh đạo tối cao của họ.
Tại sao lại có chuyện như vậy? Chính quyền cố gắng kiểm soát Công giáo ở Việt Nam thông qua ủy ban này ra sao?
Hình ảnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ tám. (Ảnh: TTXVN)
Tổ chức do chính quyền thành lập
Ngày 15/8/1945, trong khi Nhật hoàng Hirohito đọc bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh thì tại Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Nam đang diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tại đây, lần đầu tiên nghị quyết của hội nghị nhắc đến việc “mở rộng Việt Nam Công giáo cứu quốc hội”. Đây là dẫn chứng cho thấy hội này là tiền thân của UBĐKCG và đã xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. [1]
Khi cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra, nhiều tín đồ Công giáo thuộc tổ chức này đã tham gia và cộng tác vào chính quyền mới. [2]
Tuy nhiên đến năm 1949, Giáo hoàng Pius XII ban hành một sắc lệnh cấm tín hữu cộng tác với cộng sản. [3] Sắc lệnh này làm phân hóa lương tâm các tín đồ Công giáo đang tham gia Việt Nam Công giáo cứu quốc hội thành hai nhóm: Nhóm tách khỏi sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh và nhóm vẫn đi theo Việt Minh.
Trong nhóm chọn rời đi có Giám mục Lê Hữu Từ, ông là giám mục người Việt thứ năm và là Giám mục Giáo phận Phát Diệm kiêm Giám quản Tông tòa Bùi Chu.
Tại Bùi Chu – Phát Diệm, ông đã thành lập lực lượng dân quân tự vệ Công giáo độc lập và không phụ thuộc chính quyền Việt Minh. Ước tính vào năm 1951, số người tham gia lên tới 6.000. [4]
Riêng nhóm đi theo Việt Minh đa phần là thành viên Việt Nam Công giáo cứu quốc hội đã họp bàn và đổi tên thành Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, Yêu hòa bình, gọi tắt là Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc (UBLLCGTQ) do linh mục Vũ Xuân Kỷ đứng đầu. [5]
Năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam-Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm biên giới phân định, tạo nên cuộc di cư từ Bắc vào Nam của gần nửa triệu tín đồ Công giáo, tương đương 2/3 tổng số tín đồ của cả nước vào thời điểm đó. Dĩ nhiên, nhóm tách rời khỏi sự kiểm soát của Việt Minh được dẫn dắt bởi giám mục Lê Hữu Từ cũng theo dòng chảy di cư này do lo sợ đàn áp tôn giáo. Sau biến cố này, các hoạt động của giáo hội tại miền Bắc bắt đầu trở nên hết sức khó khăn.
Tại miền Bắc, chính quyền áp dụng đường lối của Karl Marx để xử lý các vấn đề tôn giáo. Bởi chủ nghĩa cộng sản cho rằng tôn giáo là căn nguyên của sự tha hóa; phi lý tính; công cụ khai thác của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy mục tiêu của họ là triệt tiêu hoàn toàn tôn giáo. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh lại cho rằng mục tiêu viển vông này không thể thực hiện tại Việt Nam. Vì vậy, ông đi theo một quyết sách khác nhằm quản lý Công giáo là thành lập một giáo hội của nhà nước, do nhà nước quản lý, và độc lập với Tòa Thánh. [6]
Để thực hiện ý đồ này, vào tháng 3/1955, chính quyền miền Bắc tổ chức Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu nước tại Hà Nội với sự có mặt của Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho việc chính quyền chính thức công nhận tổ chức UBLLCGTQ do chính họ thành lập.
Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. (Ảnh: Tạp chí Dân Vận)
Tại miền Nam, vào tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại Tây Ninh. Theo sau đó, đến tháng 4/1961, một tổ chức tương tự UBLLCGTQ cũng được thành lập với tên gọi Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước do mặt trận này quản lý. [7]
Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cộng sản càng quyết tâm kiểm soát tôn giáo. Ngày 11/11/1997, chính quyền thông qua Nghị quyết 297, đưa ra hàng loạt các khoản cấm và những điều phải xin phép trong vấn đề sinh hoạt tôn giáo. [8] Có thể nói, chính quyền đã cố gắng tách các tín đồ Công giáo ra khỏi cộng đồng dân tộc bằng nghị quyết này.
Đến năm 1983, chính quyền cho phép Đại hội đại biểu thống nhất của UBLLCGTQ tại miền Bắc và Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước tại miền Nam được tổ chức ở Hà Nội, qua đó thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Bảy năm sau, trong một đại hội được tổ chức vào tháng 10/1990, tổ chức này đã đổi tên thành UBĐKCG Việt Nam cho đến ngày nay. [9]
Hiện nay, UBĐKCG là một tổ chức xã hội, là thành viên và chịu sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chính quyền cung cấp kinh phí, chi phối đường hướng và cả nhân sự
Ngày 19/9/2008, hàng rào kẽm gai được trải dài đi cùng những tiếng xe cơ giới, theo đó là hình ảnh của hàng trăm cảnh sát xuất hiện tại khuôn viên Tòa Khâm sứ Hà Nội. [10]
Trước sự chứng kiến của đông đảo linh mục, tu sĩ, và các tín đồ Công giáo, chính quyền vẫn ngang nhiên ủi đất và cho thi công trên phần đất đang tranh chấp.
Trước đó, khu vực này đã lôi cuốn hàng trăm tín đồ tụ họp cầu nguyện nhằm phản đối việc chính quyền lấy Tòa Khâm sứ. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ cũng thường xuyên xuất hiện tại đây trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, không có hình ảnh hay tiếng nói của bất cứ người đại diện nào của UBĐKCG cùng với Tổng Giáo phận Hà Nội để phản đối chính quyền.
Trong khi đó trên website của UBĐKCG có ghi rõ, một trong các nhiệm vụ của UBĐKCG là phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng hợp pháp của đồng bào Công giáo. [11] Nhưng trong thực tế, tổ chức này lại nhiều lần im lặng và làm ngơ trước những vụ việc điển hình như: Tòa Khâm sứ Hà Nội hay vườn rau Lộc Hưng. Điều này không khó hiểu vì đây là tổ chức xã hội do chính quyền thành lập và quản lý.
Các kỳ đại hội của UBĐKCG đều có các lãnh đạo Việt Nam tham gia, họ luôn được ưu ái bằng cách cung cấp tài chính, phê duyệt nhân lực cho tổ chức này. Điều này khác xa nếu so với các kỳ họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam. [12]
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể về số linh mục tham gia cũng như tổng kinh phí nhà nước cấp mỗi năm. Được biết, kinh phí cấp cho UBĐKCG ở mỗi địa phương là khác nhau.
Chẳng hạn trong mỗi năm 2017 và năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai đã trao kinh phí hỗ trợ hoạt động hàng năm cho UBĐKCG tỉnh là 100 triệu đồng. [13] [14] Tại tỉnh Phú Thọ, kinh phí chi cho UBĐKCG tỉnh lên đến 600 triệu đồng. [15]
Chính quyền tỉnh Đồng Nai trao kinh phí hoạt động cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và UBĐKCG tỉnh. (Ảnh: Báo điện tử Đồng Nai)
Bên cạnh đó, nhân sự của UBĐKCG đa phần do chính quyền chi phối và phê duyệt.
Qua các hình ảnh mà truyền thông nhà nước đưa tin về UBĐKCG, chính quyền luôn chứng tỏ rằng đây là tổ chức có đầy đủ mọi tầng lớp tín đồ như giáo dân, tu sĩ, và linh mục. Tuy nhiên dễ dàng nhận thấy, không có hình ảnh một giám mục trong Hàng Giáo phẩm Việt Nam có mặt trong các đại hội từ địa phương đến trung ương. Động thái này có thể được hiểu là sự phản đối ngầm của các giám mục đối với UBĐKCG.
Đến nay, giáo hội Công giáo Việt Nam chưa có luật nào cấm các linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia vào UBĐKCG và việc tham gia tùy thuộc vào mối tương quan ở từng địa phận hay quan điểm của từng giám mục.
Tuy nhiên, tại các giáo phận ở miền Bắc, từ khi UBĐKCG mới thành lập, hầu hết các giám mục đều có chính kiến rõ ràng với tổ chức này. Điển hình trong số đó là Giám mục Bùi Chu Tạo (Giáo phận Phát Diệm), Vũ Duy Nhất (Bùi Chu), Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh), Nguyễn Văn Sang (Thái Bình), Giám mục phụ tá Lê Đắc Trọng (Tổng Giáo phận Hà Nội), v.v. đa phần đều cấm các linh mục thuộc linh mục đoàn do mình quản lý tham gia vào các hoạt động của UBĐKCG. [16]
Vì lý do đó, tại Hà Nội, các linh mục tham gia UBĐKCG đến nay rất vắng bóng. Bởi vậy, linh mục Dương Phú Oanh (Giáo phận Hưng Hóa) dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn được chính quyền đưa lên làm Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam thành phố Hà Nội. [17]
Thậm chí trước đó, một số tỉnh tại miền Bắc vẫn chưa có UBĐKCG. Trong đó phải kể đến Thái Nguyên, mãi đến năm 2016 chính quyền mới chính thức thành lập được UBĐKCG của tỉnh. [18]
Tại Đồng Nai, giáo phận Xuân Lộc với khoảng một triệu tín đồ đã có UBĐKCG tỉnh từ rất sớm và là một trong các tỉnh hiếm hoi có 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh đều xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả UBĐKCG cấp huyện. [19] Ngoại trừ linh mục Trần Xuân Thảo nằm trong Ban Thường vụ UBĐKCG tỉnh nhiều năm, một số linh mục hạt trưởng cũng tham gia làm thành viên hoặc vào ban thường vụ khóa mới như: linh mục Ngô Công Sứ (hạt trưởng hạt Gia Kiệm), linh mục Phạm Đức Thành (Hố Nai), Phạm Sơn Lâm (chánh xứ chính tòa, Long Khánh), v.v.
Điều này cho thấy tại Xuân Lộc, các linh mục này đã được giám mục sở tại cho phép tham gia vào UBĐKCG. Không loại trừ đây là quan điểm của các giám mục giáo phận Xuân Lộc coi tổ chức này là một kênh đối thoại kín đáo giữa giáo hội địa phương và chính quyền.
Khác với giáo phận Xuân Lộc, tại Hà Tĩnh, số lượng các linh mục tham gia vào Ban Thường vụ UBĐKCG tỉnh là rất hạn chế.
Cụ thể trong kỳ Đại hội đại biểu Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2023-2028 được tổ chức vào ngày 23/6/2023, người ta dường như không thấy hình ảnh một linh mục thuộc đoàn linh mục giáo phận Hà Tĩnh xuất hiện. Hình ảnh linh mục duy nhất xuất hiện trong đại hội mà báo Hà Tĩnh đăng tải là linh mục Trần Xuân Mạnh, đương kim chủ tịch UBĐKCG. [20]
Linh mục Trần Xuân Mạnh – Chủ tịch Trung ương UBĐKCG. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Ngay cả Ban Thường vụ UBĐKCG tỉnh Hà Tĩnh cũng vắng bóng hình ảnh các linh mục. Cụ thể tại đại hội, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh giữ chức chủ tịch, ông Nguyễn Văn Luận – Phó Chủ tịch UBĐKCG tỉnh Khóa 7 tiếp tục giữ chức phó chủ tịch Khóa 8. [21]
Về quy trình, việc lựa chọn người cho tổ chức này phải qua các cuộc hiệp thương do các tín đồ tổ chức. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả cuối cùng vẫn phải do chính quyền công nhận và mọi kế hoạch hoạt động cũng phải được họ phê duyệt. [22]
Tòa Thánh chưa bao giờ công nhận
Từ những ngày đầu mới thành lập UBLLCGTQ, Tòa Thánh luôn có những tiếng nói mạnh mẽ để phản đối tổ chức này.
Tại Toà Khâm sứ Hà Nội vào ngày 11/3/1955, sau khi nghe tin về UBLLCGTQ được thành lập. Khâm sứ John Dooley đã gửi văn thư số 1024/89 cho các giáo phận ở miền Bắc nhằm khẳng định rằng các hoạt động của tổ chức này không thuộc giáo hội và không được phép từ Tòa Thánh. [23]
Đến ngày 7/5/1955, tại Vatican, Hồng y Pietro Fumasoni Biondi – Tổng trưởng Bộ Truyền giáo lại gửi tiếp văn thư số 1810/55 cho các giám mục ở Việt Nam để cảnh báo rằng tổ chức này đã vượt quyền các giám mục. [24]
Việc cảnh báo của các quan chức Tòa Thánh cho thấy họ đang lo sợ sự nguy hại của tổ chức này đối với giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Điều này được minh chứng trong sự kiện Giáo hoàng John Paul II phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam vào năm 1988.
Tại Việt Nam, chính quyền cho rằng việc phong thánh là một động thái của Vatican nhằm chống lại họ. Vì thế vào các ngày 18/9/1987 và 12/10/1987, Ban Tôn giáo Chính phủ đã liên tục phản đối bằng cách triệu tập Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam và đồng thời gửi công văn cho ủy ban nhân dân và ban tôn giáo các tỉnh. [25]
Dĩ nhiên, nhiều linh mục thành viên của UBĐKCG với tư cách là một tổ chức của Mặt trận Tổ quốc cũng theo sự chỉ đạo từ chính quyền đã phản đối và chống phá sự kiện phong thánh này. [26] [27]
Lễ phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam do Giáo hoàng John Paul II cử hành vào ngày 19/6/1988 tại Roma. (Ảnh: Giáo phận Phát Diệm)
Trước đó, vào ngày 18/4/1982, tức một năm trước khi đại hội thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Tờ L’Observater Romano – cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh đăng một bài bình luận nhằm cảnh báo rằng tổ chức này đang gây chia rẽ và xâm phạm vào các hoạt động của giám mục tại Việt Nam. Trước đó, thánh bộ linh mục cũng đã ra tuyên bố: “Về một số hội đoàn và phong trào mà linh mục không được phép tham gia”. [28]
Đến ngày 20/5/1992, tức hai năm sau từ khi tổ chức này đổi tên thành UBĐKCG, Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Angelo Sodano đã gửi thư cho Giám mục Nguyễn Minh Nhật khi đó là Giám mục Xuân Lộc kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam để nhắc nhở và cảnh giác với UBĐKCG. [29]
Cũng cùng năm đó, nhân dịp lễ tấn phong Giám mục Cao Đình Thuyên tại Vinh, Giám mục Nguyễn Minh Nhật đã đề nghị các giám mục trong Hàng Giáo phẩm Việt Nam phải chịu trách nhiệm về UBĐKCG nơi địa phương mình quản lý, đồng thời phải báo cáo về Tòa Thánh danh sách những linh mục tham gia tổ chức này.
Năm 2011, lần đầu tiên Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Năm 2018, Tổng Giám mục Marek Zalewski làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, cả hai ông chưa lần nào đến thăm hỏi một cách chính thức UBĐKCG.
Cho đến tháng 7/2023, khi Việt Nam và Vatican đã thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam thì UBĐKCG vẫn còn là tổ chức nằm ngoài giáo hội.
Ngay cả chính quyền cũng xác nhận tổ chức này không có tính chính danh trong giáo hội, không thuộc giáo hội và dĩ nhiên không được giáo quyền thừa nhận. [30]
Từ những động thái của Tòa Thánh được nêu trên có thể kết luận rằng, Tòa Thánh chỉ coi Hội đồng Giám mục Việt Nam là tổ chức duy nhất để liên lạc một cách hợp pháp và đáng tin cậy. Ngoài ra, không công nhận bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt là những tổ chức do chính quyền thành lập.
* * *
Trải qua gần 80 năm kể từ khi Việt Nam Công giáo cứu quốc hội xuất hiện. Cùng song hành với những biến động chính trị của đất nước, tổ chức này vẫn một mực đi theo đường hướng là một giáo hội độc lập do nhà nước quản lý.
Đã 33 năm kể từ khi đổi tên thành UBĐKCG, vai trò của tổ chức này không còn thực sự nguy hại đến giáo hội Công giáo. Ngoài những lý do kể trên, một lý do nữa phải kể đến đó là lòng trung thành của các tín đồ đối với Tòa Thánh qua các vị đại diện thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Công giáo tại Việt Nam được xem là một tôn giáo khá may mắn khi không bị chính quyền kiểm soát quá gay gắt. Thế nhưng đó chỉ là chuyện của hiện tại. Trong tương lai, ngày nào mà UBĐKCG còn hoạt động và chính quyền còn mong muốn một giáo hội độc lập với Tòa Thánh, ngày đó giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn như một người chịu khổ sai, vác cây Thánh giá trên vai, lê bước suốt con đường hoạt động của mình.
Thiện Trường
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 30/10/2023
Chú thích:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, tr 423-433. (2000). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định làm theo lời Bác. (2021, November 19). Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định.
https://ubmttq.namdinh.gov.vn/tin-ton-giao-detail.aspx?id=91
[3] Đào Trung Hiệu. (1997). Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo: Cuộc Lữ Hành Ðức Tin. Lưu hành nội bộ. Chương 21.
[4] Eric Gibbs. (1951, August 1). Arms & the Bishops. TIME Magazine, Vol. 57 Issue 2, p. 20
[5] Xem [2]
[6] Lược sử Công giáo Việt Nam – Phần 1: Giai đoạn phong kiến đến trước 1975. (2023, March 31). Luật Khoa.
https://www.youtube.com/watch?v=TlfY4nNyGV4
[7] Xem [2]
[8] Nghị quyết về một chính sách tôn giáo. (1977, November 11). Hội đồng Chính phủ.
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-quyet-297-CP-chinh-sach-ton-giao-17739.aspx
[9] Xem [2]
[10] Chính quyền Hà Nội cho ủi phá khuôn viên Toà Khâm Sứ. (2008, September 19). RFA.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/government-demolishing-the-apostolic-delegate-office-TMi-09192008101125.html
[11] Ủy Ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
http://ubdkcgvn.org.vn/vi/gioi-thieu/
[12] Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? (2008, March 15). Vietcatholic.
http://vietcatholic.com/News/Home/Article/53117
[13] Trao kinh phí hỗ trợ hoạt động cho 2 tôn giáo lớn trong tỉnh. (2017, March 8). Báo Đồng Nai điện tử.
https://web.archive.org/web/20231026025920//tintuc/201703/trao-kinh-phi-ho-tro-hoat-dong-cho-2-ton-giao-lon-trong-tinh-2789000/
[14] Trao kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tôn giáo. (2018, April 13). Báo Đồng Nai điện tử.
https://baodongnai.com.vn/tintuc/201804/trao-kinh-phi-ho-tro-hoat-dong-cho-cac-ton-giao-2889103/
[15] Xem:
https://dbnd.phutho.gov.vn/portals/0/AttachFiles/2017/12/27/2017
[16] Xem [12]
[17] Xem:
http://www.giaophanhunghoa.org/vi/giao-phan/linh-muc-doan/anton-duong-phu-oanh-o81E21036.html
[18] Sẽ thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên. (2016, September 23). Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
https://dangcongsan.vn/xa-hoi/se-thanh-lap-uy-ban-doan-ket-cong-giao-tinh-thai-nguyen-408688.html
[19] Sống phúc âm giữa lòng dân tộc. (2023, June 23). Báo điện tử Đồng Nai.
https://baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/dai-hoi-dai-bieu-nguoi-cong-giao-viet-nam-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-tinh-dong-nai-lan-thu-viii-song-phuc-am-giua-long-dan-toc-3169593/
[20] Đồng bào công giáo Hà Tĩnh đoàn kết, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (2023, June 26). Báo Hà Tĩnh.
https://baohatinh.vn/doan-the/dong-bao-cong-giao-ha-tinh-doan-ket-gop-phan-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc/250527.htm
[21] Xem [17]
[22] Quyết định phê duyệt kế hoạch hoạt động của Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Vĩnh long năm 2020. (2019, August 26). UBND Tỉnh Vĩnh Long.
https://hscv.vinhlong.gov.vn/qlvb/vbdh.nsf/75DD0CEAF8394FC8472584620052699A/$file/2215qd_signed.pdf
[23] Xem [15]
[24] Xem [15]
[25] Vụ Phong Thánh – Một Tấm Gương Kiên Cường: Không Hổ Thẹn Là Con Cháu CTTĐVN. (2018, September 28). Vietcatholic International.
http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/246869
[26] Xem [23]
[27] Việt Nam: Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo thất bại chia rẽ Giáo Hội Công Giáo. (2023, April 10). VOA.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-uy-ban-doan-ket-cong-giao-that-bai-chia-re-giao-hoi-cong-giao/7042996.html
[28] Xem [15]
[29] Xem [15]
[30] Quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam – Nhìn từ phương diện trách nhiệm xã hội của người Công giáo. (2018, November 7). Tạp chí Mặt Trận.
https://tapchimattran.vn/thuc-tien/qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam-nhin-tu-phuong-dien-trach-nhiem-xa-hoi-cua-nguoi-cong-giao-17082.html
Be the first to comment